7 lý do khiến bạn bị từ chối mở thẻ tín dụng và giải pháp khắc phục
Mục lục [Ẩn]
Thẻ tín dụng là một loại thẻ ngân hàng cho phép chi tiêu trước, trả tiền sau. Bản chất của thẻ tín dụng là ngân hàng sẽ cho bạn vay tiền trước để chi trả cho hàng hóa, dịch vụ theo một hạn mức tiền nhất định vào tài khoản. Đến hết tháng, người dùng có nhiệm vụ hoàn lại số tiền đã chi tiêu trước đó.
Thẻ tín dụng chính là một công cụ thanh toán thay thế cho tiền mặt vô cùng tiện lợi, chủ thẻ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và tiện ích khi sử dụng.
Nhưng thực tế trong việc sở hữu được thẻ tín dụng ở Việt Nam hiện nay còn đang gặp phải rất nhiều những khó khăn, hiện nay chỉ có 30% các hồ sơ đăng ký lên hệ thống được mở thẻ tín dụng thành công. Điều này đồng nghĩa, cứ 100 người đủ điều kiện mở thẻ tín dụng thì sau thẩm định chỉ có 30 người được cấp thẻ.
Thường thì có rất nhiều các lý do từ chối khiến người mở thẻ tín dụng rất bất ngờ, đặc biệt với những người nghĩ rằng mình là đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của ngân hàng. Bởi vì các ngân hàng phát hành thẻ phải xem xét và phê duyệt có rất nhiều các yếu tố trên hồ sơ đăng ký để giảm thiểu rủi ro khách hàng không đủ khả năng trả lại số tiền đã chi tiêu.
7 Lý do khiến bạn bị từ chối mở thẻ tín dụng
Có nhiều lí do khác nhau khiến một người bị từ chối mở thẻ tín dụng. Dưới đây là một số lý do phổ biến:
Chưa đủ tuổi để mở thẻ tín dụng
Căn cứ vào điều 16 thông tư 19/2016/TT - NHNN quy định độ tuổi mở thẻ tín dụng như sau: Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật được mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên hiện nay có những ngân hàng quy định độ tuổi mở thẻ là khách hàng phải đủ 22 tuổi trở lên. Nguyên nhân là đa số người dưới 18 tuổi đều là học sinh, sinh viên chưa có thu nhập ổn định hàng tháng, và chưa biết cách quản lý tài chính tốt, nên có thể dẫn đến việc khó trả nợ ngân hàng.
Giải pháp
Nếu bạn là trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, bạn vẫn có thể mở thẻ tín dụng phụ được nếu có sự bảo lãnh từ người thân là bố hoặc mẹ.
Thu nhập hàng tháng thấp hơn yêu cầu của ngân hàng
Điều kiện đầu tiên trước khi đăng ký mở thẻ tín dụng của các ngân hàng lúc nào cũng đòi hỏi bạn phải chứng minh nguồn thu nhập hàng tháng. Nhà phát hành thẻ thường sẽ yêu cầu một mức thu nhập tối thiểu, nhưng không phải lúc nào họ cũng để rõ trên hồ sơ khi làm thẻ. Các khoản thu nhập tối thiểu này sẽ phụ thuộc vào từng loại thẻ của từng ngân hàng phát hành thẻ mà bạn lựa chọn mở thẻ.
Nếu thu nhập của bạn không đủ điều kiện về mức tối thiểu mà bên phát hành thẻ yêu cầu thì chắc chắn rằng hồ sơ của bạn sẽ bị từ chối.
Giải pháp
Trường hợp này, bạn phải đợi nguồn thu nhập của mình tăng lên để đáp ứng yêu cầu hoặc lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với thu nhập của bạn. Để tránh bị từ chối mở thẻ tín dụng do thu nhập chưa đáp ứng yêu cầu, bạn nên xem thông tin chi tiết từng loại thẻ tín dụng hoặc gọi điện trực tiếp cho các nhân viên tư vấn của ngân hàng phát hành thẻ để tìm hiểu trước.
Đã mở quá nhiều thẻ tín dụng
Không có một quy định rõ ràng về một người có thể mở tối đa bao nhiêu thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nếu bạn đã sở hữu quá nhiều thẻ tín dụng bạn sẽ bị ngân hàng “nghi ngờ” đến khả năng “trả nợ”. Ngân hàng sẽ xem xét tổng số dư nợ của bạn trên tất cả các thẻ tín dụng hiện có và so sánh với thu nhập của bạn.
Do đó, nếu bạn đã mở quá nhiều thẻ tín dụng hoặc có dư nợ quá nhiều, điều này có thể tạo ra một ấn tượng không tốt và làm tăng khả năng từ chối mở thẻ tín dụng mới. Nếu ngân hàng đánh giá rằng, việc mở thêm thẻ tín dụng mới có thể làm gia tăng nguy cơ nợ nần của bạn hoặc làm cho bạn gặp khó khăn trong việc trả nợ, họ có thể từ chối yêu cầu của bạn.
Đã có quá nhiều thẻ tín dụng khiến bạn khó mở thêm thẻ mới
Giải pháp
Các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên mở 2 thẻ tín dụng tại 2 ngân hàng khác nhau để tận hưởng tối đa các tiện ích và ưu đãi mà dòng thẻ này mang lại.
Lịch sử tín dụng không tốt
Thông tin về lịch sử tín dụng của bạn sẽ là yếu tố trực tiếp để quyết định đến việc hồ sơ mở thẻ tín dụng của bạn được đồng ý hay bị từ chối. Điểm tín dụng chính là tấm gương phản chiếu thói quen sử dụng thẻ tín dụng của bạn. Điểm tín dụng càng thấp cho thấy bạn thường xuyên sử dụng tiền vượt hạn mức, trả nợ thẻ tín dụng, trả nợ khoản vay trễ hạn khiến cho bạn bị mất điểm trong mắt của các ngân hàng.
Giải pháp
Hiện nay ở Việt Nam đã có 1 trung tâm CIC có thể kiểm tra thông tin tín dụng cá nhân. Theo đó các cá nhân, doanh nghiệp có thể mang chứng minh nhân dân hoặc giấy đăng ký kinh doanh khi đến trụ sở của Trung tâm CIC ở Hà Nội tại số 10 Quang Trung, Hà Đông và TP HCM tại số 68 Nguyễn Huệ, quận 1 để tra cứu. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự tra cứu thông tin nợ xấu cá nhân qua Website của CIC bằng CMND/CCCD trên web của CIC: https://cic.gov.vn/# hoặc kiểm tra nợ xấu trên ứng dụng CIC trên điện thoại.
Ngoài ra, bạn cũng nên xây dựng lịch sử tín dụng tốt bằng thanh toán đúng hạn các khoản vay, những khoản tín dụng đã sử dụng và tránh mở quả nhiều thẻ tín dụng
Còn có quá nhiều khoản nợ
Có càng nhiều khoản nợ thì khả năng bạn đăng ký một tài khoản tín dụng mới sẽ càng khó. Dù bạn có một mức lương thu nhập ổn định thì nhà phát hành thẻ cũng phải xem xét lại những khả năng chi trả thanh toán hàng tháng của bạn khi đã trừ các khoản thanh toán khác những khoản nợ trước.
Giải pháp:
Cố gắng thanh toán nợ hiện tại để giảm tổng số dư nợ và cải thiện tỷ lệ nợ/ thu nhập của bạn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn khi xin mở thẻ tín dụng mới. Ngoài ra, bạn có thể tìm cách tăng thu nhập bằng cách tìm kiếm cơ hội tăng lương, làm thêm giờ, tìm công việc phụ, hoặc tăng thu nhập từ các nguồn khác. Thu nhập cao hơn sẽ cung cấp cho bạn khả năng trả nợ tốt hơn và tăng khả năng được chấp nhận mở thẻ tín dụng.
Việc có nhiều khoản nợ khiến ngân hàng từ chối mở thẻ tín dụng
Không có công việc ổn định
Những thông tin hợp đồng lao động cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cấp thẻ tín dụng cho bạn. Nếu bạn thường xuyên thay đổi công việc hoặc có một thời gian bị thất nghiệp thì nhà phát hành thẻ có thể xem việc làm và thu nhập của bạn không ổn định. Vì thế bạn phải chờ cho đến khi bạn có một công việc mới ít nhất từ ba đến sáu tháng trước khi nộp đơn xin mở thẻ tín dụng.
Giải pháp:
Bạn nên tìm kiếm một công việc ổn định và duy trì nó trong một khoảng thời gian đủ lâu để có một lịch sử làm việc ổn định. Điều này có thể đòi hỏi bạn kiên nhẫn và sẵn lòng đầu tư thời gian và công sức để xây dựng một sự nghiệp ổn định. Nếu bạn không có một công việc ổn định, bạn có thể xem xét xác nhận thu nhập từ các nguồn khác như thu nhập tự do, thu nhập từ việc kinh doanh hoặc thu nhập từ cho thuê tài sản. Điều này có thể giúp bạn chứng minh khả năng chi trả và tăng khả năng chấp nhận yêu cầu mở thẻ tín dụng.
Hồ sơ mở thẻ bị thiếu
Nếu bạn đăng ký hồ sơ mở thẻ tín dụng một cách vội vàng thì rất có thể vô tình sẽ thiếu những thông tin cần thiết. Nhà phát hành thẻ luôn yêu cầu phải có các thông tin quan trọng bao gồm có họ tên, địa chỉ, mức thu nhập hằng tháng, bảng sao kê lương, hợp đồng lao động…
Nếu trường hợp bạn bị thiếu một trong các thông tin này, ngân hàng sẽ từ chối ngay hồ sơ đăng ký mở thẻ của bạn. Trong trường hợp này, bạn phải làm đơn xin mở thẻ tín dụng lại.
Giải pháp
Để tránh các lỗi này, bạn nên đọc kỹ về điều kiện và thủ tục mở thẻ tín dụng được đăng tải trên website ngân hàng để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ. Ngoài ra nếu bạn đăng ký hồ sơ online, bạn chỉ cần cung cấp những thông tin cơ bản, sẽ có tư vấn viên liên hệ và tư vấn giúp bạn đăng ký và hướng dẫn điền vào form hồ sơ.
Trên đây là 7 lý do thường gặp khiến bạn bị từ chối mở thẻ tín dụng. Qua đây hy vọng bạn rút kinh nghiệm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để được ngân hàng phát hành thẻ tín dụng nhanh chóng nhất.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất