Hiện nay, nhiều người không chỉ chú trọng bảo hiểm cho bản thân mà còn quan tâm tới việc bảo hiểm cho những tài sản vật chất có giá trị. Điều này giúp giảm thiểu tổn thất về tài chính khi gặp phải những thiệt hại hay rủi ro bất ngờ xảy ra.
Hãy theo dõi nội dung dưới đây để nắm được đối tượng, phạm vi bảo hiểm và các lưu ý về quyền lợi bảo hiểm tài sản để không bị lừa khi mua.
Đôi nét về bảo hiểm tài sản
Bảo hiểm tài sản là một loại bảo hiểm thuộc nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, đã được quy định cụ thể tại Điều 7 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo đó, phía công ty bảo hiểm sẽ tiến hành thu phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm và cam kết bồi thường cho bên được bảo hiểm khi tài sản bảo hiểm gặp rủi ro trong phạm vi bảo hiểm dẫn đến tổn thất.
Đối tượng của bảo hiểm tài sản được quy định rõ trong điều 40, mục 3 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000: “Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản là tài sản, bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản.”
Số tiền bảo hiểm của tài sản được xác định trong hợp đồng bảo hiểm. Căn cứ để người mua và công ty bảo hiểm thỏa thuận số tiền bảo hiểm là giá trị tài sản được bảo hiểm, cụ thể:
- Với tài sản mới thì giá trị bảo hiểm được xác định bằng giá mua mới trên thị trường cộng với chi phí lắp đặt, vận chuyển.
- Với tài sản đã sử dụng, giá trị bảo hiểm của tài sản có thể xác định bằng giá trị đánh giá lại do hội đồng định giá hoặc chuyên gia giám định đưa ra, hoặc theo giá trị còn lại (nguyên giá trừ đi khấu hao).
Cần hiểu rõ về quyền lợi bảo hiểm tài sản
Quyền lợi bảo hiểm tài sản
Bảo hiểm tài sản là một sản phẩm được ký kết giữa công ty bảo hiểm và bên mua. Trong đó công ty cam kết bồi thường cho bên mua khi có tổn thất xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm với điều kiện bên mua đã thực hiện đóng phí đầy đủ.
Như vậy quyền lợi bảo hiểm tài sản là người mua bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm đền bù cho rủi ro tổn thất đối với tài sản được bảo hiểm theo các trường hợp trong phạm vi bảo hiểm được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm tài sản.
Khi tham gia bảo hiểm tài sản không những bạn được hưởng những quyền lợi nhất định mà bảo hiểm tài sản còn đem lại cho bạn nhiều vai trò thiết thực trong đời sống. Bạn có thể tìm hiểu các vai trò của bảo hiểm tài sản đối với cuộc sống để nắm rõ hơn.
Phạm vi bảo hiểm tài sản
Người mua cần tham khảo kỹ những rủi ro được bảo hiểm và không được bảo hiểm, tránh dẫn đến tranh chấp không đáng có.
Tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản không được bồi thường. Điều 45 Luật kinh doanh bảo hiểm nêu rõ: “Doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm trong trường hợp tài sản được bảo hiểm bị tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm”.
Chú ý về phạm vi được quyền lợi bảo hiểm tài sản
Quyền giám định tổn thất và thanh toán chi phí giám định
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm uỷ quyền thực hiện việc giám định tổn thất của tài sản nhằm xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định này do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
Tuy nhiên, nếu các bên không đồng ý với kết luận giám định về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể trưng cầu giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Kết quả mà bên giám định độc lập đưa ra nếu không được người mua và doanh nghiệp bảo hiểm thống nhất, sẽ trình lên tòa án giải quyết. Tòa án chỉ định giám định viên độc lập khác và kết luận lần này có giá trị bắt buộc đối với các bên. Nếu kết luận cuối cùng giống như giám định ban đầu, người mua bảo hiểm sẽ chịu phí. Nếu khác với kết luận ban đầu, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu phí.
Quy trình giám định tổn thất để thanh toán bảo hiểm
Căn cứ bồi thường
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, căn cứ vào kết luận nguyên nhân và mức độ tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc giám định viên, từ đó xác định sự kiện bảo hiểm có nằm trong các điều khoản được bảo hiểm hay không. Và nếu sự kiện bảo hiểm được đền bù thì giá trị đền bù là bao nhiêu dựa vào phần căn cứ bồi thường trong luật.
Trong Điều 46 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã nêu rõ căn cứ bồi thường bảo hiểm sản như sau:
“1. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Chi phí để xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại do doanh nghiệp bảo hiểm chịu.
2. Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Ngoài số tiền bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm còn phải trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để đề phòng, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.”
Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm 6 điểm quan trọng cần lưu ý trong hợp đồng bảo hiểm tài sản để nắm rõ quy định khi tham gia.
Bảo hiểm tài sản cung cấp sự đền bù về mặt tài chính cho chủ sở hữu khi có sự cố xảy ra với tài sản bảo hiểm. Bên tham gia bảo hiểm cần hiểu rõ quyền lợi bảo hiểm tài sản để tránh những rủi ro không cần thiết khi tham gia bảo hiểm. Nếu khách hàng cần hỗ trợ thêm thông tin từ chuyên gia Thebank hãy đăng ký để được tư vấn miễn phí:
Bình luận
Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.