>> Triển vọng về thị trường bảo hiểm toàn cầu năm 2015/2016
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu năm 2014
Năm 2014 doanh thu phí bảo hiểm (BH) phi nhân thọ toàn cầu tăng trưởng thực tế (sau khi trừ yếu tố lạm phát) 2,5%, giảm so với mức tăng 3% năm 2012 và 3,1% năm 2013. Tại các nước đã phát triển, doanh thu phí BH tăng trưởng 1,7% giảm so với mức tăng 1,9% năm 2013, chủ yếu do mức tăng thấp của thị trường Mỹ và Canada. Tây Âu có sự cải thiện mức tăng trưởng tốt hơn tại thị trường Đức, Pháp và Anh. Tuy nhiên, ở Nam Âu doanh thu phí BH sụt giảm đáng kể. Điều này phần lớn do sự sụt giảm đáng kể cầu bảo hiểm ô tô, với doanh thu bán xe giảm liên tục mấy năm liền ở một vài nước.
Doanh thu phí BH tại các thị trường mới nổi tăng 5,5%, giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 8,5% năm 2012 và 8,2% năm 2013. Xu hướng giảm mức tăng trưởng một phần do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào xuất khẩu và các nước khu vực Trung và Đông Âu.
Doanh thu BH phi nhân thọ thị trường Trung Quốc tăng trưởng 15%, dựa trên mức tăng trưởng bán xe ô tô mới, đầu tư cơ sở hạ tầng và các loại hình bảo hiểm khác bao gồm bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm.
- Ở khu vực Mỹ La-tinh, doanh thu phí tăng trưởng chậm, đạt 2,4% so với mức tăng 7,5% năm 2013. Phí bảo hiểm không thay đổi tại Mexico và tăng trưởng chút ít tại Brazil và Argentina.
- Ở Trung và Đông Âu, doanh thu giảm 5,2% năm 2014, sau khi tăng trưởng 3,1% năm 2013. Xung đột giữa Nga và Ucraina ảnh hưởng nghiêm trọng đến BH phi nhân thọ.
- Ở Ba Lan, phí bảo hiểm ô tô đã giảm mấy năm liên tục, ngược lại doanh thu phí bảo hiểm ô tô ở Séc, Hungary và Slovakia tăng trưởng tốt trong năm 2014.
- Ở Trung Đông và châu Phi cận Sahara, các điều kiện kinh tế yếu và lạm phát gia tăng dẫn đến sự tăng chậm cầu bảo hiểm.
Năm 2014, các thị trường bảo hiểm mới nổi không phải chịu những tổn thất thảm họa thiên tai lớn. Kết quả khai thác được dự đoán ổn định so với năm 2013. Lợi nhuận đầu tư tiếp tục ở mức thấp nhưng không còn ảnh hưởng mạnh tới thị trường như trước. Ở Mỹ La tinh, lãi suất tiền gửi tăng bắt đầu làm gia tăng lợi nhuận đầu tư. Ở Trung Quốc, các quy định chặt chẽ hơn về kiểm soát lái xe uống rượu và phụ tùng thay thế ô tô giúp cải thiện tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe ô tô.
Ghi chú : Thị trường đã phát triển bao gồm Bắc Mỹ, Tây Âu, Israel, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore và Đài Loan.
Lợi nhuận khai thác bảo hiểm phi nhân thọ tăng trong năm 2014 do tăng dần tỷ lệ phí bảo hiểm ở một số thị trường chủ chốt, và do tỷ lệ bồi thường duy trì ổn định. Tuy nhiên, doanh thu đầu tư gặp thử thách: sau giai đoạn phục hồi ngắn ngủi năm 2013, lãi trái phiếu chính phủ lại giảm trong năm 2014. Khả năng sinh lời của BH phi nhân thọ giảm trong năm 2014, thu nhập trên vốn cổ phần (RoE) ước tính xấp xỉ 7%, giảm so với mức 8,4% năm 2013 (mức tính này dựa trên số liệu tính toán của 8 thị trường BH phi nhân thọ đứng đầu thế giới là Úc, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh và Mỹ). Lợi nhuận khai thác có xu hướng giảm ở thị trường Mỹ và có cải thiện ở châu Âu.
Các loai hình bảo hiểm đặc thù như bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo hiểm bảo lãnh cũng có sự tăng trưởng.
- Bảo hiểm tín dụng thương mại tăng trưởng thực tế 2,5%, đạt 10,8 tỷ USD năm 2014, sau khi giảm 1,5% năm 2013.
- Tăng trưởng doanh thu bảo hiểm tín dụng ở Tây Âu- thị trường BH tín dụng lớn nhất- ở mức thấp 0,5%, trong khi thị trường Bắc Mỹ có tăng trưởng ngoạn mục 5%.
- Phí BH tín dụng của Trung Quốc đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2008- 2014.
- Lợi nhuận bảo hiểm tín dụng tiếp tục rất tốt, với tỷ lệ bồi thường trung bình dưới 50% trong năm 2013 (số liệu của Hiệp hội bảo hiểm tín dụng và bảo lãnh quốc tế (ICISA).
- Bảo hiểm bảo lãnh toàn cầu tăng trưởng 3%, đạt 13,6 tỷ USD.
Mỹ là thị trường bảo hiểm bảo lãnh lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần. Bảo hiểm bảo lãnh cũng là loại hình bảo hiểm quan trọng ở nhiều thị trường Mỹ La-tinh nơi – giống như Mỹ, có nhiều yêu cầu bảo lãnh theo luật. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường bảo hiểm bảo lãnh lớn nhất ở châu Á.
Mỹ là thị trường bảo hiểm bảo lãnh lớn nhất thế giới, chiếm 40% thị phần.
Năm 2014, các nhà TBH có kết quả kinh doanh tốt, do không có nhiều tổn thất thảm họa. Tỷ lệ kết hợp (combined ratio) khoảng 90%. Lợi nhuận hoạt động đầu tư tiếp tục thấp, giống như đối với bảo hiểm gốc. Thu nhập đầu tư ở mức dưới 3%, trong khi chi phí vốn khoảng 0,9%. Mặc dù vậy, về tổng thể thu nhập trên vốn cổ phần (RoE) sẽ đạt khoảng 12% do kết quả lợi nhuận hoạt động khai thác khả quan.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ toàn cầu năm 2014
Doanh thu bảo hiểm nhân thọ toàn cầu tăng trưởng thực tế 4,8% năm 2014. Vốn hóa của ngành bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trong năm 2014. Lãi suất thấp tiếp tục là áp lực đối với thu nhập đầu tư, các công ty BH nhân thọ đã và đang phải chuyển dịch danh mục đầu tư theo hướng chịu rủi ro cao hơn.
Tại các thị trường đã phát triển, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng thực tế 3,9% năm 2014, với kết quả tăng trưởng tốt ở thị trường Tây Âu (ngoại trừ Tây Ban Nha và Hà Lan), ở Canada, Úc và Nhật Bản. Ở Mỹ, phí BH hồi phục trở lại sau khi sụt giảm năm 2013.
Tại các thị trường mới nổi, doanh thu bảo hiểm tăng thực tế 9,1%. Tăng trưởng mạnh nhất là ở các thị trường châu Á mới nổi (tăng 13,1%). Ở Trung Quốc, doanh thu phí tăng 15,7% và Ấn Độ tăng 6% sau 6 năm trì trệ. Ở khu vực Mỹ La-tinh, doanh thu phí tăng 3,6%, thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng những năm gần đây. Ở châu Phi, doanh thu phí chỉ tăng 1,8%. Ở thị trường Trung và Đông Âu, doanh thu phí giảm 1,7%, do sự sụt giảm đáng kể phí thu 1 lần ở thị trường Ba Lan là hệ quả của những thay đổi chính sách và những quy định mới trong kênh khai thác bảo hiểm qua ngân hàng.
Phí BH khai thác mới được cải thiện ở hầu hết các nước trong năm 2014. Doanh thu khai thác mới ở 7 thị trường chủ chốt, chiếm 61% tổng phí toàn cầu, được dự đoán tăng trưởng thực tế trên 5% năm 2014, sau khi giảm 1,5% năm 2013. Tăng trưởng chủ yếu do các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm.
- Ở Mỹ, các sản phẩm bảo hiểm tử kỳ giảm 3% trong nửa đầu năm 2014. Bảo hiểm mất khả năng lao động và bảo hiểm chăm sóc dài hạn cũng suy giảm, do ảnh hưởng của giá cả tăng và thu nhập cá nhân tăng trưởng chậm.
- Ở Canada, bảo hiểm tử kỳ giảm nhẹ (giảm 1%) trong nửa đầu năm 2014 sau năm 2013 có tăng trưởng. Ở châu Âu, các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ không tăng trưởng.
- Ở Anh, phí bảo hiểm sản phẩm bảo hiểm bảo vệ giảm 2% nửa đầu năm 2014.
- Ở Đức, phí bảo hiểm tử kỳ giảm 2% trong 9 tháng đầu năm, trong khi bảo hiểm mất khả năng lao động không thay đổi.
Bảo hiểm dài hạn chịu mức giảm kỷ lục 20% (mức suy giảm chưa từng có đối với loại hình bảo hiểm này). Tuy nhiên ở Ý, bảo hiểm bảo vệ tăng trưởng khoảng 3%.
Thị trường bảo hiểm toàn cầu năm 2014
Bảo hiểm nhân thọ ở các thị trường mới nổi tăng trưởng 9,1% năm 2014, cao hơn mức tăng trưởng 4,6% năm 2013, có nguyên nhân do sự tăng trưởng mạnh hơn ở các thị trường châu Á mới nổi và sự ổn định dần của khu vực Trung và Đông Âu. Các thị trường châu Á mới nổi chiếm 67% tổng phí của các thị trường mới nổi năm 2014, tăng so với tỷ trọng 64% của năm 2013.
Sự phục hồi của Trung Quốc, với doanh thu tăng trưởng 15,7% năm 2014 so với mức tăng 5,1% năm 2013 và 1,4% năm 2012 là nguyên nhân chính cho mức tăng trưởng cao của châu Á. Ấn Độ và Đông Nam Á cũng có kết quả kinh doanh tốt.Tăng trưởng doanh thu phí tại Philippin đạt mức xấp xỉ 30%, sau khi đã tăng trưởng ấn tượng 30% các năm 2013 và 2012.
Tăng trưởng mạnh dựa trên sự bùng nổ của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ biến đổi. Các thị trường mới nổi khác có tốc độ tăng trưởng thấp hơn: Mỹ La-tinh tăng 3,4%, giảm so với mức tăng 5,1% năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường Brazil tăng chậm sau khi đã tăng trưởng mạnh bảo hiểm hưu trí và tiết kiệm trong những năm trước, và sự sụt giảm doanh thu ở một vài thị trường (như Chi Lê giảm 3%). Ở Trung và Đông Âu, doanh thu tăng không đáng kể.
Tại Ba Lan, thị trường chiếm một nửa phí BH nhân thọ của khu vực này, doanh thu giảm năm 2014 do sụt giảm bán hàng các sản phẩm bảo hiểm tiết kiệm thu phí một lần. Yêu cầu mới phải công khai cho khách hàng mức chi hoa hồng đã không khuyến khích các ngân hàng bán những sản phẩm có mức hoa hồng cao. Ngược lại, doanh thu bán các sản phẩm BH tiết kiệm thu phí một lần tăng trưởng bùng nổ ở CH Séc.
Ở Nga, mức tăng trưởng doanh thu giảm đáng kể, xuống dưới 20% so với mức tăng 46% năm 2013. Trung Đông và châu Phi tăng trưởng thấp trong năm 2014 do các khó khăn về địa chính trị. Doanh thu phí giảm ở Nam Phi, thị trường lớn nhất của khu vực, do suy giảm tăng trưởng kinh tế, do bãi công kéo dài ngành mỏ và do dòng vốn chảy khỏi thị trường. Ở Thổ nhĩ Kỳ, doanh thu giảm 12% do tăng trưởng kinh tế kém.
Tiếp theo giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng tài chính, tỷ suất sinh lời của các công ty bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm nhân thọ lớn trên thế giới ở mức dưới 10% trong nhiều quý liên tục. Điều này đã được cải thiện kể từ giữa năm 2013, và thu nhập trên vốn cổ phần (RoE) hiện tại đạt mức khoảng 12%. Mức tăng này có được chủ yếu do các công ty BH Anh có mức độ sinh lời tăng mạnh, ngoài ra các công ty Mỹ và châu Âu cũng tăng trưởng lợi nhuận thời gian gần đây. Sự phát triển khả quan của thị trường chứng khoán và sự tăng trưởng phí BH mạnh hơn là những yếu tố có tác động tốt tới khả năng sinh lời của công ty bảo hiểm.
Doanh thu phí TBH bảo hiểm nhân thọ được dự báo tăng trưởng xấp xỉ 1% năm 2014 sau khi tăng ở mức thấp 0,3% năm 2013 do sự sụt giảm nhu cầu TBH của các thị trường đã phát triển.
Bình luận
Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.