avatart

khach

icon

Lợi nhuận trước thuế là gì? So sánh lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế

Thị trường tài chính

- 13/07/2021

0

Thị trường tài chính

13/07/2021

0

Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế là yếu tố luôn được quan tâm. Đây được xem là chỉ số đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý mô hình kinh doanh.

Mục lục [Ẩn]

Lợi nhuận trước thuế là gì?

Lợi nhuận trước thuế hay còn gọi là thu nhập trước thuế (tiếng Anh là earnings before interest and taxes, viết tắt là EBIT), là số liệu cụ thể để đo lường lợi nhuận mà các doanh nghiệp hay nhà đầu tư thực hiện trước thời điểm thanh toán khoản thuế và lãi vay (nếu có). 

Hiểu một cách đơn giản, lợi nhuận trước thuế chính là lợi nhuận mà doanh nghiệp, nhà đầu tư thu được trước khi nộp thuế cho Nhà nước. 

Lợi nhuận trước thuế thường xuất hiện trên các báo cáo thu nhập giao dịch, lợi nhuận hay thua lỗ. 

Lợi nhuận trước thuế là gì?

Lợi nhuận trước thuế xuất hiện trên các báo cáo thu nhập của doanh nghiệp

Các chỉ tiêu để đánh giá lợi nhuận trước thuế

Việc đánh giá lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp sẽ được xem xét dựa trên các chỉ tiêu sau:

  • Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh: Đây là các khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí hoạt động kinh doanh bao gồm: giá thành các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ.
  • Lợi nhuận từ hoạt động tài chính: Là các khoản tiền chênh lệch giữa doanh thu, chi phí của những công việc liên quan đến tài chính cũng như thuế phải nộp theo quy định của pháp luật.
  • Lợi nhuận từ các hoạt động khác: Là các khoản chênh lệch giữa thu nhập của hoạt động kinh doanh khác nhau, các khoản thuế gián thu phải nộp theo quy định của pháp luật.

Cách tính lợi nhuận trước thuế

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận trước thuế bao gồm tất cả các khoản lợi nhuận thu về từ hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận tài chính và lợi nhuận phát sinh khác. Theo đó, lợi nhuận trước thuế được tính bằng tổng doanh thu trừ đi chi phí. Cụ thể, công thức tính lợi nhuận trước thuế như sau:

Lợi nhuận trước thuế = Tổng doanh thu – Chi phí cố định – Chi phí phát sinh

Trong đó: 

  • Tổng doanh thu: Toàn bộ doanh thu thu về từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
  • Chi phí cố định: Bao gồm giá vốn bỏ ra, chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, chi phí thuê nhân viên, chi phí thuê địa điểm và các khoản chi phí khác.
  • Chi phí phát sinh: Là tất cả các chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty mà không có trong kế hoạch của doanh nghiệp.

Từ những yếu tố nói trên, doanh nghiệp sẽ tính ra được lợi nhuận trước thuế. Từ đó xác định đúng về tình trạng lãi hay lỗ trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ví dụ: Doanh nghiệp A kinh doanh may mặc, năm 2019 doanh nghiệp A có tổng doanh thu kinh doanh là 10 tỷ đồng. Trong đó:

  • Doanh nghiệp A đã mua sản phẩm từ công ty B với tổng số tiền là 4 tỷ đồng.
  • Chi phí vận chuyển hàng của công ty B về kho hàng của doanh nghiệp A là 500 triệu đồng
  • Chi phí thuê nhân viên và chi phí thuê địa điểm là 1 tỷ đồng.
  • Chi phí vận chuyển từ kho hàng đến cho khách hàng là 200 triệu đồng.
  • Chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh là 100 triệu đồng.

Từ các con số nêu trên, áp dụng công thức trên ta dễ dàng tính ra lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp A là:

EBIT = 10 tỷ – (4 tỷ + 1 tỷ + 500 triệu + 200 triệu) – 100 triệu = 4,2 tỷ

Như vậy, doanh nghiệp A đang kinh doanh có lãi.

Ý nghĩa của lợi nhuận trước thuế trong hoạt động kinh doanh

Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế là một chỉ số có tầm quan trọng. Thông qua con số lợi nhuận trước thuế, doanh nghiệp sẽ có những nhìn nhận đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh. Theo đó: 

  • Con số lợi nhuận trước thuế sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tránh được những phát sinh không đáng có trong quá trình quyết toán thuế, kêu gọi đầu tư.
  • Thông qua lợi nhuận trước thuế, các chủ doanh nghiệp có thể minh bạch mọi khoản đầu tư về tài chính. Con số lợi nhuận trước thuế chính xác sẽ giúp cho việc đánh giá hoạt động kinh doanh của các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư đạt hiệu quả tối ưu hơn.
  • Giúp doanh nghiệp phân tích hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó đề ra những giải pháp hợp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. 
  • Dựa trên lợi nhuận trước thuế, những người làm chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng dễ dàng so sánh được hoạt động kinh doanh của 2 công ty khác nhau. Từ đó đưa ra những quyết định đúng đắn về đầu tư

Ý nghĩa của lợi nhuận trước thuế

Lợi nhuận trước thuế giúp doanh nghiệp minh bạch các khoản đầu tư về tài chính

So sánh lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế là hai chỉ số rất được quan tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên, giữa lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế có sự khác nhau, chi tiết thể hiện ở bảng sau:

Tiêu chí so sánh Lợi nhuận trước thuế Lợi nhuận sau thuế
Giống nhau Đều là con số thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá quá trình sản xuất kinh doanh
Khác nhau
Khái niệm Lợi nhuận trước thuế chính là lợi nhuận mà doanh nghiệp, nhà đầu tư thu được trước khi nộp thuế và tiền lãi phải trả Lợi nhuận sau thuế là lợi nhuận mà doanh nghiệp, nhà đầu tư thu được sau khi trừ đi tổng chi phí và thuế phải nộp nhà nước. Lợi nhuận sau thuế còn được gọi là lợi nhuận ròng (lãi ròng).
Công thức tính Lợi nhuận trước thuế = Tổng doanh thu – Chi phí cố định – Chi phí phát sinh Lợi nhuận sau thuế = Tổng Doanh thu – Tổng Chi phí – Thuế TNDN
Ý nghĩa

- Giúp đánh giá chính xác tình hình kinh doanh của doanh nghiệp

- Lợi nhuận trước thuế là cơ sở để các nhà đầu tư so sánh và đưa ra lựa chọn đầu tư hợp lý

- Nhận được sự chú trọng của nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích tài chính hơn là các doanh nghiệp

- Lợi nhuận sau thuế cho thấy công ty kiểm soát chi phí của mình như thế nào.

- Lợi nhuận sau thuế quyết định công ty, doanh nghiệp kinh doanh tốt hay không, lời hay lỗ. Nếu lợi nhuận sau thuế nhỏ hơn 0 thì công ty kinh doanh thua lỗ và ngược lại nếu lớn hơn 0 thì công ty kinh doanh có lãi.

- Thông qua lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp có thể dễ dàng biết các tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu, lợi nhuận/tài sản, đánh giá tính hiệu quả của hoạt động kinh doanh.

Tình hình lợi nhuận trước thuế của một số ngân hàng năm 2020

Năm 2020 là một năm được đánh giá có nhiều biến động của nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề. Trong đó, lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng chịu nhiều sự ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng cho thấy, bức tranh lợi nhuận vẫn khá khả quan và đi theo chiều hướng tích cực. Theo đó, dù phải đối mặt với khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra nhưng nhìn chung các ngân hàng đã gần đi đến mục tiêu cả năm. Cùng tìm hiểu lợi nhuận trước thuế của một số ngân hàng trong quý III/2020 sau đây:

Ngân hàng MB

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) trong 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ghi nhận ở mức 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8%. Riêng ngân hàng mẹ đạt 7.369 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.

Ngân hàng ACB

Theo báo cáo tài chính, trong 9 tháng năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ACB ghi nhận đạt 6.411 tỷ đồng, cao hơn 15% so với cùng kỳ 2019, tương đương 84% kế hoạch 2020.

Ngân hàng TPbank

Kết thúc quý III/2020, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 3.024 tỷ đồng, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 74,33% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng MSB

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2020 của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ghi nhận sự bứt phá khi lợi nhuận trước thuế cán mốc trên 1.666 tỷ đồng, đạt gần 116% kế hoạch năm (vượt kế hoạch của cả năm 2020)

Ngân hàng Vietcombank

Xét về lợi nhuận, Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu thị trường về mức lợi nhuận. Theo đó, quý III/2020,  lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng.

Ngân hàng VIB

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng Quốc tế VIB, lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng (mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm của VIB là 4.500 tỷ đồng) tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. 

Và rất nhiều các ngân hàng khác cũng có mức tăng lợi nhuận trước thuế: Eximbank (1.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), Sacombank (2.573 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế),...

Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng

Lợi nhuận ngân hàng 9 tháng năm 2020

Rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề về con số lợi nhuận. Vì sao ngân hàng lãi lớn trong khi dịch bệnh có nhiều tác động tiêu cực như vậy?. Theo đánh giá chung của nhiều ngân hàng, lý do khiến các ngân hàng chưa chịu nhiều tác động tiêu cực của Covid - 19 là nhờ bán lẻ. Theo ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch VIB, thế mạnh của VIB là cho vay mua nhà và ô tô, nhu cầu của các sản phẩm này ít bị ảnh hưởng vì đó là các nhu cầu thiết yếu, không phải sản phẩm xa xỉ nên ít bị tác động vì dịch bệnh.

Ngoài ra, các ngân hàng đều ra sức tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt từ bán chéo bảo hiểm. Một số ngân hàng lại tăng cường đầu tư vào trái phiếu DN để tìm kiếm mức sinh lời tốt hơn, điển hình nhất là TPBank.

Năm 2020, một trong những "giải pháp" quan trọng mà gần như toàn hệ thống ngân hàng áp dụng để cứu lợi nhuận trong tình hình dịch bệnh là giảm mạnh chi phí hoạt động thông qua giảm chi cho nhân viên. Theo đó, tùy vào mức độ và từng vị trí, nhiều ngân hàng như BIDV, SHB, HDBank đã giảm lương thưởng cho người lao động từ 10 - 30%, thậm chí cấp lãnh đạo sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, năm 2020 kế hoạch lãi của các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm so với năm 2019 nên dễ dàng cán đích lợi nhuận 2020. 

Nói về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ - Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Ngân hàng Eximbank, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2020 đạt 1.200 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 84% kế hoạch cả năm nay là 1.435 tỷ đồng trước thuế. Thế nhưng, kế hoạch lợi nhuận trên của Eximbank đã được điều chỉnh giảm mạnh 40% từ giữa tháng 5/2020 so với kế hoạch ban đầu (tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019).

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank - Nguyễn Đức Thạch Diễm lại chia sẻ, tính đến hết tháng 9/2020, ngân hàng Sacombank đã hoàn thành 90% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2020. Theo kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông thông qua năm 2020, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với kết quả năm 2019.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng trong 3 quý năm 2020 có khả quan, điều này đến từ việc cắt giảm chi phí và tìm nguồn thu mới. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng những con số này vẫn chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh mà sẽ có độ trễ. Khi các con số nợ xấu lộ rõ, khoản chi phí dự phòng tăng mạnh nó sẽ "ăn mòn" lợi nhuận của ngân hàng trong những quý tới. 

Giải đáp các câu hỏi liên quan về lợi nhuận trước thuế

Lợi nhuận trước thuế âm có tính thuế không?

Nếu lợi nhuận trước thuế âm thì doanh nghiệp không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà sẽ được chuyển lỗ tối đa trong vòng 5 năm.

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng là gì?

Lợi nhuận trước thuế ngân hàng là phần lợi nhuận mà ngân hàng thu được trước khi đóng thuế và thanh toán lãi vay (nếu có)

Lợi nhuận kế toán trước thuế là gì?

Lợi nhuận kế toán trước thuế là nghiệp vụ của nhân viên kế toán làm việc cho doanh nghiệp. Lợi nhuận kế toán trước thuế sẽ được tính bằng cách lấy tổng doanh thu trên sổ trừ đi các khoản giảm trừ doanh thu. Sau đó trừ chi phi.

Biên lợi nhuận trước thuế là gì?

Biên lợi nhuận trước thuế (tiếng Anh là Pre-tax Profit Margin) là một công cụ kế toán tài chính được sử dụng để đo lường hiệu quả hoạt động của một công ty. 

Theo đó, biên lợi nhuận trước thuế cho biết tỉ lệ phần trăm doanh thu đã biến thành lợi nhuận của một công ty hay doanh nghiệp đã tạo ra bao nhiêu xu cho mỗi đồng bán ra trước khi khấu trừ thuế.

Biên lợi nhuận trước thuế thường được sử dụng rộng rãi khi so sánh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong cùng một ngành. 

Khi biên lợi nhuận trước thuế cao là dấu hiệu cho thấy một công ty đang hoạt động lành mạnh, có mô hình kinh doanh hiệu quả và có quyền định giá. Nếu biên lợi nhuận trước thuế thấp cho thấy điều ngược lại.   

Biên lợi nhuận trước thuế chỉ yêu cầu hai loại thông tin từ báo cáo thu nhập là doanh thu và thu nhập trước thuế.   

Lợi nhuận trước thuế là con số đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tính lợi nhuận trước thuế là bước quan trọng mà các doanh nghiệp cần đưa vào trong quá trình sản xuất dịch vụ, hàng hóa của công ty. Bởi thông qua lợi nhuận trước thuế sẽ là cơ sở để chủ đầu tư nắm bắt các chỉ số quan trọng, giám sát mô hình vận hành nội bộ. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ về lợi nhuận trước thuế cũng như cách tính lợi nhuận trước thuế.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *