avatart

khach

icon

Nhà đầu tư nước ngoài là gì? Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thị trường tài chính

- 17/04/2021

0

Thị trường tài chính

17/04/2021

0

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần… Vậy nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Mục lục [Ẩn]

Nhà đầu tư nước ngoài là gì?

Khoản 14, Điều 3, Luật Đầu tư đã nêu rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài như sau:

“Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếng anh gọi là foreign investor.

Các quy định của pháp luật về nhà đầu tư nước ngoài

Cùng tìm hiểu các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài ngay sau đây:

Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài

Theo thông tin trên luatvietan.vn, nhà đầu tư nước ngoài có quyền và nghĩa vụ sau:

Quyền của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài có quyền sau:

  • Thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm
  • Tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định pháp luật được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật
  • Lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với quy định pháp luật: thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, ký kết hợp đồng BCC, các loại hợp đồng PPP
  • Chuyển nhượng dự án đầu tư, điều chỉnh các nội dung đầu tư (mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn đầu tư, nhà đầu tư…
  • Chấm dứt dự án đầu tư
  • Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư và hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật.

Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài

Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài

Nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước có nghĩa vụ sau:

  • Làm thủ tục đăng ký cấp tài khoản sử dụng trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài
  • Kê khai và nộp đầy đủ các loại thuế theo quy định pháp luật
  • Tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam như: pháp luật lao động, pháp luật môi trường, pháp luật thuế, xây dựng, đất đai, bảo hiểm xã hội, sở hữu trí tuệ…
  • Ký quỹ để thực hiện dự án (nếu có)
  • Tuân thủ chế độ báo cáo hoạt động đầu tư
  • Đáp ứng các điều kiện đối với những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quy định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 22, Luật Đầu tư quy định về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài như sau:

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ 3 trường hợp sau đây:

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước

- Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc 2 quy định trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Quy định về room cho nhà đầu tư nước ngoài

Trước khi tìm hiểu quy định về room cho nhà đầu tư nước ngoài cùng tìm hiểu khái niệm room nước ngoài là gì?

Room nước ngoài là tỷ lệ (%) cổ phiếu mà tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa số lượng cổ phiếu phát hành theo một tỷ lệ nhất định.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam được quy định tại Điều 2a Văn bản hợp nhất 20/VBHN-BTC như sau:

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng như sau:

- Nếu điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì thực hiện theo điều ước quốc tế

- Nếu công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật về đầu tư, pháp luật liên quan có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.

Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%

- Nếu công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề (mà công ty đó hoạt động) có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác

- Nếu công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Quy định về nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam

Các quy định dưới đây đều tuân theo quy định trong Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020.

Điều kiện góp vốn

Căn cứ Khoản 3, Điều 25, Luật Đầu tư quy định như sau:

“3. Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo các hình thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này”.

Như vậy, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài như sau:

- Nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định

- Đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ:

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định trên thì thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty Việt Nam

Điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty Việt Nam

Hình thức đầu tư

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Luật Đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

- Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần
  • Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh
  • Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định trên

- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông
  • Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn
  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh
  • Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng tài sản được không?

Theo quy định tại Khoản 23, Điều 3, Luật đầu tư quy định như sau:

“Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Theo quy định trên thì nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn bằng tài sản, tài sản mang góp vốn phải hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài chịu thuế gì?

Nghĩa vụ thuế của nhà Nhà đầu tư nước ngoài

- Tại thời điểm đầu tư: Không phát sinh nghĩa vụ về thuế.

- Tại thời điểm phát sinh thu nhập từ đầu tư vốn: Phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập đầu tư vốn.

Căn cứ Khoản 3, Điều 2, Văn bản hợp nhất 05/VBHN-BTC, quy định thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:

- Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.

- Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ.

- Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.

- Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ thu nhập từ lãi tiền gửi và lãi trái phiếu Chính phủ

- Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.

- Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.

Nhà đầu tư phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam

Nhà đầu tư phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam có được không?

Căn cứ Điều 26, Luật Đầu tư 2014 quy định như sau:

“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp

1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;

b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế”.

Theo quy định trên thì việc doanh nghiệp Việt Nam chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn điều lệ là hoàn toàn hợp pháp. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài mua lại doanh nghiệp của Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài mua đất tại Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 5 Luật đất đai 2013 quy định như sau:

“Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:

...

7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.“

Như vậy, theo quy định trên, nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng đối tượng sử dụng đất tại Việt Nam tuy nhiên chỉ được sử dụng đất theo những hình thức nhất định.

Căn cứ Điều 169 Luật đất đai quy định về vấn đề sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê

- Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước cho thuê đất

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung

Như vậy, không có quy định nào về việc nhà đầu tư nước ngoài được mua đất tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sử dụng đất ở Việt Nam theo các hình thức như trên.

Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3/2021 đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó:

  • Vốn đăng ký mới đạt 7,2 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ
  • Vốn điều chỉnh đạt 2,1 tỷ USD, tăng 97,4% so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, tổng giá trị đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 908 triệu USD, giảm 58,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam gây cản trở không nhỏ tới việc đi lại và đưa ra các quyết định đầu tư mới của các nhà đầu tư. Chính vì thế mà số số dự án cấp mới, điều chỉnh vốn cũng như góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài bị giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên mức độ giảm đang dần được cải thiện mà ta có thể thấy rõ trong các số liệu thống kê sau: Số lượng dự án đầu tư mới giảm 69,1%, đầu tư tăng thêm giảm 31,8%, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần giảm 70,9% so với cùng kỳ.

Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê chia sẻ các thông tin tích cực trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian gần đây như sau:

“Chúng ta đã nhìn thấy rõ Việt Nam là điểm đến trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu trong năm 2020. Điển hình như Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như: Nhật Bản, Hàn quốc, EU... đã có những dự án mới có quy mô lớn đã vào Việt Nam và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số đó chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực điện tử.

Đơn cử như Công ty TNHH LUXSHARE-ICT hoạt động trong lĩnh vực điện tử đầu tư dự án mới có quy mô lớn vào Bắc Giang hồi tháng 3/2020. Chỉ mới mấy tháng đi vào hoạt động trong năm 2020, DN này đã sản xuất được khoảng trên 15 triệu tai nghe có kết nối với micro, tạo ra trên 33 nghìn tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu). Dự án này đã tạo việc làm cho 30.000 lao động (dự kiến năm 2021 tăng lên 50.000 lao động) và là nhân tố chủ yếu làm cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ở Bắc Giang năm 2020 tăng khoảng 20% so với năm 2019. Đây là một tốc độ tăng ấn tượng trong năm đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của cả nước.

Hay như ở Quảng Ninh cũng có 6 DN FDI mới đầu tư và đi vào hoạt động trong năm 2020, chủ yếu vào lĩnh vực điện tử, đã thu hút 6.500 lao động, tạo ra khoảng 3.500 tỷ đồng doanh thu (100% xuất khẩu) đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp 20% của Quảng Ninh trong năm 2020.”

Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong những năm gần đây

Hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong những năm gần đây

Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam?

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020 đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020. Trong đó:

  • Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
  • Vị trí thứ hai là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.
  • Vị trí thứ ba thuộc về Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.
  • Tiếp theo là các nước Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc)...

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì vị trí thứ nhất thuộc về Hàn Quốc với 609 dự án, tiếp theo là các nước Trung Quốc với 342 dự án, Nhật Bản với 272 dự án, Hồng Kông (Trung Quốc) với 211 dự án.

Khách hàng có thể xem thêm danh sách danh sách doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam tại đây.

Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý, nguồn lao động trẻ… Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế của nước ta.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

5 (1 lượt)

5 (1 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *