Cuộc đua số hóa ngân hàng ngày càng gay cấn
Mục lục [Ẩn]
Chuyển đổi số là một trong những hoạt động được các ngân hàng chú trọng đầu tư và đẩy mạnh trong năm qua và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn.
Theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm quý 4/2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần 3 năm sau, quý 3/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%. Một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cũng cho thấy gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam đang dùng ngân hàng số cho biết họ sẽ sử dụng thường xuyên hơn ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát.
Chính sự thay đổi hành vi và nhu cầu của khách hàng khiến ngân hàng rầm rộ chuyển đổi số. Tại nhiều ngân hàng, tỷ lệ khách hàng mở tài khoản và giao dịch trên kênh số đang ở mức đáng kinh ngạc. Đơn cử như tại VPBank, tính đến hết tháng 9/2021, tổng lượng giao dịch số trên các kênh của VPBank đã chiếm 98%, tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh.
Thực tế chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là chiến lược và kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Báo Đầu tư dẫn chia sẻ của Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng.
Chuyển đổi số ngành ngân hàng được đẩy mạnh
Về chuyển đổi số ngân hàng, theo ông Phạm Tiến Dũng cho biết, 95% tổ chức tín dụng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện có khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR, gần 298 nghìn POS.
Số liệu thống kê 9 tháng đầu 2021 so với cùng kỳ năm 2020 là:
- Thanh toán Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị;
- Thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.
Những con số này càng minh chứng cho tốc độ số hóa ngành ngân hàng và chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số của các ngân hàng, nhất là trong thời điểm giao dịch online được ưu chuộng như hiện nay vì bối cảnh dịch bệnh.
Ngân hàng nào đang dẫn đầu cuộc đua số hóa?
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có báo cáo xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho pháp triển và ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm (Vietnam ICT Index). Cách đánh giá của ICT Index cũng dựa trên nhiều khía cạnh trong công nghệ thông tin của ngân hàng. Theo đó:
- Về xếp hạng hạ tầng kỹ thuật: Các ngân hàng dẫn đầu là TPbank, Nam A Bank, BIDV, MB, Vietcombank...
- Xét về hạ tầng nhân lực (cán bộ chuyên trách CNTT, ATTT) là: TPBank, Nam A Bank, VietAbank, MB
- Xếp hạng ứng dụng CNTT nội bộ (gồm Core banking, ứng dụng, thanh toán điện tử) là: BIDV, VIB, SCB, NamAbank, TPBank
- Xếp hạng dịch vụ trực tuyến là: BIDV, VPBank, Vietcombank, VietinBank...
Trong cuộc đua diễn ra rất rầm rộ này, các ngân hàng vẫn đang tích cực đầu tư nhân lực và tài chính cho quá trình số hóa. Chẳng hạn như:
- ABBank hợp tác với McKinsey “kiến trúc” chiến lược chuyển đổi số ngân hàng. Dự án nằm trong kế hoạch về chuyển đổi số của ngân hàng và là nền tảng trong chiến lược chuyển đổi của ABBANK, được triển khai toàn diện trong các hoạt động của hệ thống bao gồm Quản trị và Vận hành, Phát triển khách hàng và sản phẩm dịch vụ mới, Quản lý, phân tích cơ sở dữ liệu. Dựa trên cơ sở năng lực tài chính, McKinsey sẽ đưa ra thiết kế kiến trúc công nghệ và lộ trình thực hiện để giúp ABBANK đạt được mục tiêu chiến lược trung hạn và dài hạn của mình.
- MBBank đầu tư ngân sách 50 triệu đô-la Mỹ mỗi năm cho hạ tầng công nghệ độc lập; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ trong ngân hàng và triển khai hàng loạt dự án về tự động hóa, ứng dụng Robotics vào quy trình vận hành, cải thiện hệ thống. Đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ lớn trong và ngoài nước như công nghệ như IBM, Oracle, Viettel nhằm tối ưu hóa giải pháp chuyển đổi số.
Một trong những sự phát triển số hóa đáng chú ý trong cuộc đua chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là các dịch vụ theo mô hình tự phục vụ - self service. Thời gian vừa quá, rất nhiều dịch vụ ngân hàng theo xu hướng công nghệ số đã bùng nổ, có thể kể đến như:
- Mở tài khoản eKYC
- Gửi tiết kiệm
- Mở thẻ tín dụng online…
Điểm chung của các dịch vụ này là giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tự thực hiện dịch vụ thông qua các nền tảng ngân hàng số mà không cần tới trực tiếp ngân hàng.
Đáng nói, cuộc đua công nghệ số giữa các ngân hàng không chỉ diễn ra trên internet hay điện thoại di động, mà còn đang diễn ra ngay tại chính “nền tảng” khó nhất là phòng giao dịch truyền thống. Tiên phong xu hướng số hóa tại các phòng giao dịch truyền thống chính là VPBank.
Theo đó, VPbank đã lắp đặt thêm hàng loạt các máy rút tiền (ATM), máy nạp tiền (CDM) và dựng cả các KIOSK Bank (VPBank NEO Express) đặt tại các điểm thu hút đông dân cư (Hà Nội và TP.HCM). Những kiosk tự phục vụ này sẽ giúp khách hàng giải quyết các nhu cầu về dịch vụ ngân hàng như: Mở tài khoản, mở thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ/thẻ thanh toán, gửi/tất toán tiết kiệm, mở khoản vay tín chấp, thế chấp, thực hiện các giao dịch thanh toán hóa đơn, gửi/tra cứu các yêu cầu hỗ trợ… Ngoài ra, VPBank cũng lắp đặt thêm thiết bị tự phục vụ khác tại chi nhánh: máy tính bảng giúp khách hàng tự thực hiện các giao dịch tài chính và nhân viên VPBank tại chi nhánh hướng dẫn các khách hàng chưa quen thao tác trên ứng dụng ngân hàng điện tử.
VPBank là ngân hàng tiên phong xu hướng số hóa tại các phòng giao dịch truyền thống
Tuy nhiên, dù tốc độ số hóa của các ngân hàng đang được đẩy nhanh song lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, ngân hàng vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với hành trình số hóa, do hành lang pháp lý hiện vẫn còn một số hạn chế hoặc chưa theo kịp câu chuyện của công nghệ. Nhiều ngân hàng hiện đã áp dụng số hóa 100% kể cả với hoạt động cho vay nhưng vẫn nơm nớp lo sợ, bởi nhiều sản phẩm dịch vụ, triển khai số hóa hoàn toàn cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng phải chấp nhận một tỷ lệ rủi ro nhất định.
Nói về vấn đề chuyển đổi số ngân hàng, CafeF dẫn lời chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vấn đề chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là nhu cầu bức thiết, các dịch vụ của nó đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống. Ông Hùng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số cũng là cơ hội, nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành ngân hàng, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành ngân hàng đã có kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, hướng đến năm 2030, trong quá trình đó, tọa đàm hôm nay sẽ là cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bổ ích cho ngành ngân hàng.
Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Chuyển đổi nhận thức; chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi quá trình chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với dữ liệu ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời các vấn đề về đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng sẽ được chú trọng. Qua đó thực hiện tốt nhất mục tiêu số hóa đã đề ra đối với ngành ngân hàng.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất