avatart

khach

icon

Bẫy thu nhập trung bình là gì? Làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình?

Thị trường tài chính

- 12/07/2022

0

Thị trường tài chính

12/07/2022

0

Bẫy thu nhập trung bình là một trong những tình trạng kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để phòng tránh bẫy thu nhập trung bình?

Mục lục [Ẩn]

Bẫy thu nhập trung bình là gì?

Bẫy thu nhập trung bình (Middle Income Trap) là tình trạng một quốc gia đã vượt qua mức thu nhập thấp để tiến tới một mức thu nhập nhất định nhưng mắc kẹt tại đó và không thể tiến tới mức thu nhập cao hơn, do các vấn đề nguồn lực và điều kiện phát triển.

Nếu chia trình độ phát triển kinh tế trên thế giới ra thành bốn nhóm thì ta có:

  • Nhóm 1 gồm những nước có thu nhập thấp
  • Nhóm 2 gồm những nước có thu nhập trung bình đã lâu nhưng không thể phát triển thêm và duy trì cho đến tận ngày nay
  • Nhóm 3 gồm những nước mới phát triển, đã đạt thu nhập trung bình và tiếp tục có xu hướng phát triển
  • Nhóm 4 gồm những nước có thu nhập cao

Bẫy thu nhập trung bình chủ yếu diễn ra ở các nước thuộc nhóm 2 gồm thu nhập thấp và trung bình thấp. 

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì trong giai đoạn từ năm 1960 đến 2010, có đến 101 nền kinh tế vướng phải bẫy thu nhập trung bình, thế nhưng chỉ có 15 quốc gia thoát được khỏi tình trạng này, trong đó tại châu Á có Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Không, Nhật Bản và Singapore.

Ảnh hưởng của bẫy thu nhập trung bình

Bẫy thu nhập trung bình là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế

Đặc điểm của nền kinh tế khi mắc bẫy thu nhập trung bình

Các chuyên gia nhận thấy có một số điểm chung giữa các quốc gia vướng phải bẫy thu nhập trung bình, đó là:

  • Tăng trưởng kinh tế xuất phát từ việc khai thác tài nguyên có sẵn, chính sách kinh tế không đóng góp hoặc đóng góp rất nhỏ
  • Tỷ lệ đầu tư thấp
  • Các mặt hàng trên thị trường không có sức cạnh tranh, bao gồm cả giá cả và chất lượng
  • Các ngành chế tạo, khoa học, công nghiệp kém đa dạng, không hoặc chậm phát triển
  • Thị trường lao động kém sôi động

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bẫy thu nhập trung bình

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bẫy thu nhập trung bình có thể kể đến:

- Thứ nhất, thiếu đổi mới trong kinh tế sáng tạo

Đây được xem là nguyên nhân chính khiến cho các quốc gia gặp phải tình trạng bẫy thu nhập trung bình.

Quá phụ thuộc vào các yếu tố sẵn có như tài nguyên thiên nhiên mà lơ là, bỏ qua việc phát triển nguồn lực nội tại khiến cho các quốc gia này khó bứt phá. Đặc biệt việt không chịu đầu tư vào công nghệ, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm kém, khó cạnh tranh trên thị trường, từ đó dẫn đến tình trạng không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và đổi mới xã hội.

- Thứ hai, mất đi ưu thế về nguồn cung và giá lao động

Nguồn cung lao động dồi dào và nguồn lao động giá rẻ là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút đầu tư. Trong đó các nước đang phát triển, nằm trong nhóm thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp và thu nhập trung bình được xem là các quốc gia có nguồn lao động dồi dào và giá thành rẻ.

Một số quốc gia đang phát triển và ở thời kỳ dân số vàng được xem là “thiên đường” đầu tư khi vừa đáp ứng được nguồn nhân công dồi dào vừa có giá thành rẻ.

Tuy nhiên đây vừa được xem là ưu thế nhưng cũng là hạn chế cho các nước phát triển. Bởi đến một thời điểm nhất định khi nền kinh tế phát triển, mức sống của người dân cao hơn hoặc khi đất nước bước vào thời kỳ già hóa dân số thì ưu thế này mất đi. Điều này là một trong những yếu tố làm giảm thu hút đầu tư.

- Thứ ba, phân bổ nguồn vốn không hợp lý

Việc phân bổ nguồn vốn và chính sách không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nền kinh tế chậm phát triển. Các lĩnh vực quan trọng như khoa học công nghệ, giáo dục không được chú trọng và đầu tư đúng mức làm giảm thu hút đầu tư, nền kinh tế khó phát triển.

- Thứ tư, gặp phải các vấn đề kinh tế vĩ mô trong thời đại toàn cầu hóa

Việc phát triển kinh tế kéo theo sự xuất hiện nhiều vấn đề như lạm phát, bong bóng bất động sản, bong bóng cổ phiếu… và các vấn đề an sinh xã hội gồm khoảng cách giàu nghèo, suy thoái môi trường, ảnh hưởng của đô thị hóa… Rất nhiều quốc gia gặp phải khó khăn trong việc vừa giải quyết tốt các vấn đề trên vừa duy trì tốc độ phát triển kinh tế ổn định. 

Phải làm gì để phòng tránh bẫy thu nhập trung bình?

Từ các nguyên nhân trên có thể thấy cách duy nhất để phòng tránh bẫy thu nhập trung bình là quốc gia cần phải tập trung phát triển nguồn lực nội tại, đưa ra các chính sách phát triển phù hợp. Một số biện pháp thường được sử dụng để hạn chế và phòng tránh tình trạng này là:

  • Tập trung đổi mới phương thức sản xuất, thay đổi cơ cấu nền kinh tế
  • Kiểm soát nguồn vốn và dòng tiền từ nước ngoài đổ vào nền kinh tế
  • Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ để tăng năng suất và tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh
  • Phát triển giáo dục và con người để tăng năng suất và chất lượng lao động
  • Nâng độ tuổi lao động và đưa ra các chính sách phù hợp để hạn chế ảnh hưởng từ việc già hóa dân số

Đánh giá về thực trạng bẫy thu nhập trung bình Việt Nam

Bẫy thu nhập trung bình Việt Nam là một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách vô cùng quan tâm, bởi nó ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Sau rất nhiều nỗ lực, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm các nước thu nhập thấp từ năm 2008. Kể từ đó đến nay, nước ta vẫn không ngừng nỗ lực để phát triển kinh tế, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiến tới nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam

Bẫy thu nhập trung bình có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam không đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra

Theo đánh giá của World Bank, Ngân hàng Thế giới thì để thực hiện mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm phải đạt khoảng 5%/đầu người trong 25 năm tới.

Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, tính đến đầu tháng 4, World Bank dự báo tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chỉ còn 5,3%, thậm chí nếu xấu có thể còn thấp hơn nữa. Trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chỉ đạt 2,58% thấp nhất trong vòng 30 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch và các yếu tố tác động khác.

Theo phát biểu của ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Hội nghị Cải thiện năng suất lao động Quốc gia được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2019 thì trong 15 năm qua, các nước tăng thu nhập bình quân đầu người đã đạt đến mốc 3000 - 4000 USD, trong khi Việt Nam trung bình mỗi năm chỉ tăng khoảng 150 - 200 USD. Việc tăng thu nhập thấp và chậm khiến cho nước ta khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

Rất nhiều chuyên gia nhận định tuy chưa “sập bẫy thu nhập trung bình” bởi thời gian nằm ở nhóm nước có thu nhập thấp mới chỉ được ⅓ theo thông lệ thế giới nhưng đang đứng trước nguy cơ này. 

Báo Đầu tư đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính cho khẳng định này, cụ thể:

  • Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại sau khi thoát khỏi nhóm thu nhập thấp
  • Mức chênh lệch GDP bình quân đầu người trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2017 so với một số nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thấp hơn rất nhiều
  • Thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang dần chậm lại, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng kinh tế còn thấp. Việc tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn và số lượng lao động
  • Các yếu tố cản trở sự phát triển xuất hiện nhiều hơn như nước ta đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, tuy có chuyển dịch kinh tế nhưng nhóm ngành nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, ngành công nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa phát triển, nhóm ngành dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp…

Đứng trước nguy cơ cao của bẫy thu nhập trung bình, rất nhiều những hội nghị được đặt ra, Nhà nước liên tục đưa ra những biện pháp và chuyển đổi chính sách để tăng tốc độ phát triển kinh tế và thu nhập.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM) trong hội thảo Vai trò của chính sách công nghiệp trong vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì ba phương cách quan trọng sẽ giúp nước ta vượt qua tình trạng này là:

  • Tăng năng suất lao động về cả số lượng và chất lượng
  • Nâng cấp công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế, góp phần nâng cao hiệu suất 
  • Thay đổi thể chế cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế

Chính phủ đã có chỉ đạo về việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, dịch chuyển dần từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và dịch vụ, trước tiên là tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm giá trị cao hơn, đồng thời chú trọng tăng năng suất lao động.

Các chuyên gia cũng đánh giá công nghệ sẽ là chìa khóa giúp cho Việt Nam phòng tránh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để thực sự thoát khỏi tình trạng này, cần có sự phát triển nội lực vững mạnh, chính sách phù hợp và cả một quá trình nỗ lực lâu dài.

Tuy nhiên với những lợi thế phát triển cùng nỗ lực của Chính phủ hiện nay, việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là điều mà chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và tin tưởng.

Bẫy thu nhập trung bình là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về bẫy thu nhập trung bình, nguyên nhân hình thành và giải pháp để phòng tránh tình trạng này. Đừng quên tiếp tục theo dõi các bài viết khác của chúng tôi để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực tài chính ngân hàng.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *