avatart

khach

icon

Đây là 4 đối tượng không được rút bảo hiểm xã hội một lần

Tin tức

- 20/09/2022

0

Tin tức

20/09/2022

0

Những người tham gia bảo hiểm xã hội có thể rút bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên không phải ai cũng được rút BHXH một lần và dưới đây là 4 trường hợp không được rút BHXH một lần.

Mục lục [Ẩn]

Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một hình thức phúc lợi xã hội nhằm bảo hiểm trước những rủi ro kinh tế cho người tham gia. Khoản 1 Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã giải thích về bảo hiểm xã hội như sau:

"Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội".

Trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, thay vì chờ đủ tuổi để nhận lương hưu, nhiều lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để lấy tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng được rút bảo hiểm xã hội một lần. Căn cứ vào Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13, có 4 trường hợp sau đây không đủ điều kiện rút BHXH một lần.

Người lao động đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên

Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 và Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định, dù đủ tuổi hay chưa đủ tuổi nghỉ hưu thì người lao động cũng chỉ có thể rút BHXH một lần khi thời gian đóng BHXH của người đó dưới 20 năm.

Như vậy, nếu người lao động đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì buộc phải chờ đợi để làm thủ tục hưởng lương hưu hàng tháng chứ không thể rút BHXH một lần.

Tuy nhiên, đối với nhóm đối tượng này, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên vẫn được rút BHXH một lần theo Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Cụ thể gồm:

  • Lao động ra nước ngoài để định cư;
  • Người mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế 

Lao động nữ hoạt động ở cấp xã đóng BHXH từ đủ 15 năm

Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách cấp xã nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì sẽ không được giải quyết hưởng BHXH 1 lần mà phải chờ đủ tuổi để nhận lương hưu hằng tháng.

Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 vẫn có một số trường hợp ngoại lệ được rút BHXH một lần mà không xét đến điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu hay chưa của người lao động. Cụ thể:

  • Lao động ra nước ngoài để định cư;
  • Lao động mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế

Đối tượng không được rút bảo hiểm xã hội một lần

Không phải ai cũng được rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Người đóng BHXH dưới 20 năm, nghỉ việc chưa đủ 1 năm

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, những người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể yêu cầu nhận BHXH một lần. Như vậy, nếu đóng chưa đủ 20 năm nhưng chưa nghỉ việc đủ 1 năm thì người lao động sẽ không đủ điều kiện để lãnh tiền BHXH một lần.

Tuy nhiên có một số trường hợp ngoại lệ, dù nghỉ việc chưa đủ 1 năm vẫn được rút BHXH 1 lần căn cứ theo Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Cụ thể:

  • Đã đủ tuổi nghỉ hưu;
  • Người lao động ra nước ngoài để định cư;
  • Người lao động mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế
  • Bộ đội, công an khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Công an, bộ đội phục viên, xuất ngũ, thôi việc đủ điều kiện lãnh lương hưu

Căn cứ theo Điểm d Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, những trường hợp công an, quân đội khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì được quyền nhận BHXH một lần khi có nhu cầu.

Như vậy, nếu thời điểm phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà đối tượng công an, bộ đội đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu thì phải làm thủ tục nhận lương hưu theo quy định chứ không được rút một lần.

Tuy nhiên, những đối tượng công an, bộ đội phục viên, xuất ngũ, thôi việc đủ điều kiện lãnh lương hưu nhưng rơi vào trường hợp đặc biệt như ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo... theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 thì vẫn có thể lựa chọn rút BHXH một lần.

Những năm gần đây, thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, tình trạng người lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng, nhất là trong hơn 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thời điểm này, nhiều lao động bị mất việc làm hoặc nghỉ việc gián đoạn dẫn đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và họ quyết định rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống.

Việc người lao động hưởng BHXH một lần có thể lợi trước mắt nhưng gây ra rất thiệt thòi lâu dài. Chưa kể, khi rút BHXH một lần, số tiền thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã tham gia đóng vào quỹ BHXH.

Theo quy định hiện nay, nếu rút BHXH thì người lao động sẽ chỉ được trả lại bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH. Đặc biệt, khi về già, người lao động sẽ không có tiền hưu trí, phải phụ thuộc vào con cháu. Khi ốm đau, bệnh tật, không được hưởng BHYT miễn phí và khi tử vong, gia đình không được trợ cấp mai táng... Trường hợp nếu người lao động sau này đi làm trở lại và có tham gia BHXH thì thời gian đóng trước đó cũng không được tính do đã hưởng BHXH một lần.

Bởi vậy, trước khi đưa ra quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động cần có sự suy xét kỹ lưỡng. Đồng thời nắm rõ các quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *