5 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay
Mục lục [Ẩn]
Các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt ngày càng phổ biến ở nước ta. Bất kể giá trị giao dịch lớn hay nhỏ, bạn không cần lúc nào cũng mang tiền mặt theo người mà có thể sử dụng một trong các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, thanh toán điện tử…
Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán mà người dân không còn sử dụng tiền mặt để làm phương thức trao đổi, thanh toán. Thay vào đó là việc sử dụng các phương thức thay thế như ứng dụng thanh toán được tạo ra từ công nghệ: ứng dụng Mobile Banking, Ví điện tử, mã QR… Chỉ cần ở nhà, người dân vẫn có thể thực hiện mua sắm và thanh toán online các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hay thanh toán các hóa đơn điện nước, internet…
Thanh toán không dùng tiền mặt có thể xem là xu thế với sự ra đời của nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay có 5 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến sau đây:
5 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay
Séc thanh toán
Séc hay còn được biết tới với tên gọi tiếng Anh là “Cheque”. Nó được người Việt nhắc tới bằng cái tên gần gũi như chi phiếu hay chứng từ “séc”. Séc được coi là một văn bản mệnh lệnh của chủ tài khoản yêu cầu tổ chức ngân hàng thanh toán cho người thu hưởng được ghi trên séc thông qua trích tiền gửi trong tài khoản.
Thanh toán Séc thông qua 3 hình thức chính:
- Séc tiền mặt: Được phép rút tiền mặt có trong tài khoản tại ngân hàng
- Séc bảo chi: Còn gọi là séc xác nhận - Đây là loại séc được ngân hàng ký xác nhận đảm bảo về khả năng thanh toán
- Séc chuyển khoản: Chủ tài khoản ký séc và đưa cho người thụ hưởng để người thụ hưởng có thể đến tổ chức ngân hàng thực hiện giao dịch.
Ưu điểm của hình thức thanh toán này là phí xử lý giao dịch thấp, dễ dàng mang theo bên người. Tuy nhiên nhược điểm là có thể bị ngân hàng trả lại hoặc mất, đánh rơi trong quá trình di chuyển. Các khoản thanh toán sẽ chậm trễ khi nhân viên thanh toán quên, không chú ý. Người sử dụng cần dành thời gian đến ngân hàng thường xuyên để có thể cập nhật chính xác số dư tài khoản. Hiện nay hình thức thanh toán này chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam so với hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng, ứng dụng chuyển tiền…
Ủy nhiệm chi
Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 46/2014/TT-NHNN, ủy nhiệm chi là việc ngân hàng thực hiện yêu cầu của bên thanh toán trích một số tiền nhất định trên tài khoản thanh toán của bên thanh toán để trả hoặc chuyển tiền cho bên thụ hưởng. Ngược lại, bên thụ hưởng cũng có thể là bên trả tiền.
Các bước tiến hành thực hiện ủy nhiệm chi:
- Tiến hành lập, giao nhận ủy nhiệm chi
- Kiểm soát thông tin, giấy tờ liên quan đến ủy nhiệm chi
- Xử lý chứng từ và hạch toán các thông tin về ủy nhiệm chi
- Ngân hàng thực hiện các hoạt động liên quan tới báo Nợ, báo Có của bên thanh toán
Ưu điểm của hình thức này là không cần sử dụng tiền mặt nên giảm chi phí thường xuyên đi lại tới ngân hàng để giao dịch. Việc giao dịch trực tuyến với ngân hàng giúp tiết kiệm thời gian cho người dùng. Hình thức này phù hợp đối với các doanh nghiệp hoặc các tổ chức mua bán cá nhân hơn là cá nhân thực hiện thanh toán.
Ủy nhiệm thu
Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 46/2014/TT-NHNN, dịch vụ thanh toán ủy nhiệm thu là việc bên trả tiền đề nghị ngân hàng thực hiện việc trích một khoản tiền có trong tài khoản thanh toán để chuyển cho bên thụ hưởng thu hộ một số tiền nhất định. Dựa trên cơ sở thỏa thuận của hai bên bằng văn bản về việc ủy nhiệm thu.
Quy trình tiến hành ủy nhiệm thu
- Tiến hành lập, giao nhận ủy nhiệm thu
- Kiểm soát thông tin, giấy tờ liên quan đến ủy nhiệm thu
- Xử lý chứng từ và hạch toán các thông tin về ủy nhiệm thu
Ưu điểm của hình thức này là người bán hàng không phải trực tiếp thu tiền mà được ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thu tiền thay mặt, giúp tiết kiệm chi phí. Ủy nhiệm thu rất tiện lợi và nhanh chóng cho cả người mua và người bán hàng: người mua có thể thanh toán dễ dàng, còn người bán hàng không phải lo lắng về việc thu tiền. Tùy thuộc vào quy mô và phức tạp của giao dịch, chi phí ủy nhiệm thu có thể khá cao. Thời gian để hoàn tất giao dịch ủy nhiệm thu thường lâu hơn so với các phương thức thanh toán khác.
Thẻ thanh toán
Thẻ thanh toán là loại thẻ có khả năng thanh toán, mua bán hàng hóa tại các điểm chấp nhận giao dịch bằng thẻ. Hoặc có thể rút tiền trực tiếp tại ngân hàng để tiến hành giao dịch, mua bán hàng hóa.
Thẻ thanh toán hiện nay được phát hành bởi các ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty phát hành thẻ duwois dạng quà tặng… Gồm 3 loại thẻ chính là Debit Card (thẻ ghi nợ), Credit Card (thẻ tín dụng) và Prepaid Card (Thẻ trả trước).
Debit Card (thẻ ghi nợ)
Thẻ Debit Card rất tiện lợi cho người dùng vì không cần phải mang theo nhiều tiền mặt hay cheques. Người dùng có thể dễ dàng rút tiền từ các cây ATM hay thanh toán trực tuyến chỉ bằng một chiếc thẻ. Ngoài ra, thẻ Debit Card không cho phép người dùng trả tiền theo hình thức trả góp, nếu không có đủ tiền trong tài khoản, người dùng sẽ không thể chi tiêu bằng thẻ.
Credit Card (thẻ tín dụng)
Thẻ Credit Card cho phép người dùng thanh toán một cách linh hoạt và thuận tiện tại bất kỳ đâu trên thế giới. Nếu người dùng thanh toán đúng hạn và đầy đủ số tiền đã sử dụng sẽ giúp tiết kiệm được chi phí lãi suất. Nếu không sử dụng thẻ Credit Card một cách có trách nhiệm, người dùng có thể dễ dàng bị lạm dụng bởi việc sử dụng thẻ cho các chi tiêu không cần thiết và dễ dàng mất kiểm soát về chi tiêu.
Prepaid Card (Thẻ trả trước)
Thẻ trả trước không yêu cầu tiền gửi hay thu nhập ổn định, do đó người dùng có thể dễ dàng đăng ký và sử dụng. Khi bạn sử dụng thẻ trả trước, bạn chỉ có thể sử dụng số tiền đã được nạp vào tài khoản thẻ. Điều này giúp bạn kiểm soát chi tiêu của mình một cách chặt chẽ hơn và tránh việc chi tiêu quá mức. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng và dịch vụ trực tuyến đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ Prepaid Card và khi lạm dụng thẻ trả trước có thể làm giảm khả năng của bạn trong việc vay tiền hoặc đăng ký một số dịch vụ khác.
Thanh toán điện tử
Thanh toán điện tử - trực tuyến là hình thức sử dụng internet để tiến hành giao dịch mua bán, chuyển tiền, nạp tiền…
Hiện nay, thanh toán điện tử có thể thông qua nhiều hình thức như ví điện tử MOMO, Zalo Pay, Ví VinID, QR Code và các ứng dụng Banking của ngân hàng…
Thanh toán điện tử giúp tiết kiệm thời gian và công sức so với các phương thức thanh toán khác như đi lại đến ngân hàng, hoặc chuyển khoản qua internet banking. Đồng thời cho phép người dùng quản lý dễ dàng các giao dịch thanh toán, theo dõi lịch sử giao dịch và tổng hợp các chi phí hàng tháng.
Tuy nhiên, thanh toán điện tử dễ bị tấn công bởi các tin tặc, truy cập trái phép, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản thanh toán, tiền tệ. Một số phương thức thanh toán điện tử có phí giao dịch, phí duy trì tài khoản, phí thẻ và phí liên quan đến chuyển tiền tệ, dẫn đến tăng chi phí cho người dùng.
Câu hỏi về thanh toán không dùng tiền mặt
Quy định thanh toán không dùng tiền mặt trên 20 triệu là như thế nào?
Theo Khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC có nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC, Bộ Tài chính đã đề cập tới vấn đề quy định về hóa đơn đầu vào trị giá trên 20 triệu đồng như sau:
“Chỉ áp dụng khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi các hóa đơn có trị giá trên 20 triệu đồng trở lên có chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt”
Và
“Các khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần trên 20 triệu đồng (có bao gồm thuế GTGT) phải có chứng cứ thanh toán không sử dụng tiền mặt thì mới được khấu trừ”
Thanh toán không dùng tiền mặt có an toàn không?
Việc thanh toán không dùng tiền mặt có thể an toàn nếu người dùng tuân thủ các quy định và hướng dẫn an toàn của nhà cung cấp dịch vụ và bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản của mình. Dưới đây là một số lưu ý giúp tăng cường sự an toàn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt:
- Sử dụng các dịch vụ thanh toán có uy tín và được cấp phép
- Bảo vệ thông tin tài khoản và mật khẩu, tránh bị đánh cắp thông tin.
- Sử dụng mật khẩu mạnh và đổi mật khẩu thường xuyên
- Kiểm tra tài khoản và giao dịch thường xuyên để phát hiện các hoạt động đáng ngờ và thông báo cho nhà cung cấp dịch vụ nếu phát hiện bất kỳ hoạt động nào không đúng.
- Không chia sẻ thông tin cá nhân và tài khoản với bất kỳ ai, kể cả người thân và bạn bè.
- Sử dụng phần mềm bảo mật và cập nhật thường xuyên để bảo vệ thiết bị khỏi các phần mềm độc hại và các cuộc tấn công mạng.
Các giao dịch nào được thanh toán không dùng tiền mặt?
- Thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ: Khi thanh toán bằng thẻ, số tiền sẽ được trừ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng của người dùng.
- Chuyển khoản điện tử: Chuyển khoản điện tử là quá trình chuyển tiền từ tài khoản của người gửi đến tài khoản của người nhận thông qua sử dụng trang web ngân hàng trực tuyến, ứng dụng di động hoặc các dịch vụ thanh toán trực tuyến.
- Ví điện tử: Ví điện tử là một loại dịch vụ thanh toán trực tuyến cho phép người dùng lưu trữ tiền của họ trên các ứng dụng hoặc trên trang web của nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng chúng để thanh toán mua sắm, dịch vụ trực tuyến hoặc truyền tiền cho người khác.
- Thanh toán qua Internet Banking: Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến để thanh toán các hóa đơn hoặc chuyển tiền đến tài khoản của người khác.
- Thanh toán qua QR code: QR code là một mã vạch tương tự như mã vạch thông thường, tuy nhiên nó có thể được đọc bằng các thiết bị di động thông minh và dùng để thanh toán. Khi sử dụng thanh toán qua QR code, người dùng chỉ cần quét mã QR trên màn hình để thực hiện giao dịch.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến hình thức thanh toán không dùng tiền mặt dành cho bạn. Mọi thông tin có trong bài viết sẽ luôn được cập nhật để mang lại sự chính xác nhất dành cho bạn.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất