avatart

khach

icon

Đô la hóa là gì? Ảnh hưởng của hiện tượng đô la hóa đối với nền kinh tế

Thị trường tài chính

- 21/12/2020

0

Thị trường tài chính

21/12/2020

0

Đô la hóa là hiện tượng khó tránh khỏi trong nền kinh tế của một quốc gia. Xóa bỏ hay không xóa bỏ tình trạng này là quyết định mà mỗi quốc gia cần đưa ra.

Mục lục [Ẩn]

Đô la hóa là gì?

Đô la hóa là một thuật ngữ dùng để chỉ hiện tượng một ngoại tệ được sử dụng bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn nội tệ giữ vai trò là đồng tiền pháp định. 

Ngoài ra, đô la hóa còn được hiểu là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng bao gồm: tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ.

Như vậy, biểu hiện rõ ràng nhất của hiện tượng đô la hóa là khi người dân của một quốc gia chọn sử dụng một loại tiền tệ có tính ổn định hơn để thực hiện các giao dịch hàng ngày, thay vì sử dụng đồng nội tệ. 

Đô la hóa là gì

Đô la hóa tiếng Anh là Dollarization hoặc Currency Substitution (Ảnh minh họa) 

Phân loại đô la hóa

Đối với việc phân loại đô la hóa, các nhà phân tích thường sử dụng 3 tiêu chí sau đây để phân loại. 

Tiêu chí về tính hợp pháp

Với tiêu chí này, hiện tượng đô la hóa được phân thành 3 loại cơ bản sau:

  • Đô la hóa không chính thức: Là tình trạng mà ngoại tệ được người cư trú của một nước sử dụng để làm phương tiện trao đổi, đơn vị tính toán giá trị hoặc phương tiện tích lũy giá trị rộng rãi trong nền kinh tế nhưng không được phép hoặc không được sự công nhận của pháp luật nước đó.
  • Đô la hóa bán chính thức: Loại đô la hóa này còn được gọi là đô la hóa từng phần. Đây là tình trạng mà ngoại tệ được sử dụng như một đơn vị kế toán, phương tiện trao đổi, dự trữ giá trị và phương tiện thanh toán trong khi đồng nội tệ của quốc gia đó vẫn tồn tại và lưu thông. Với loại đô la hóa này, đồng ngoại tệ được sử dụng như một đồng tiền hợp pháp thứ hai của nền kinh tế. 
  • Đô la hóa chính thức: Hay còn gọi là đô la hóa hoàn toàn. Là việc ngoại tệ được người cư trú sử dụng để thực hiện các chức năng của tiền tệ và được sự cho phép hoặc cộng nhận của luật pháp nước đó. Tức là đồng ngoại tệ được sử dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân và hợp pháp trong các khoản thanh toán của Chính phủ. Hiện tượng đô la hóa chính thức sẽ gắn liền với thị trường ngoại hối chính thức, là nơi được phép tiến hành các giao dịch mua bán ngoại tệ để phục vụ các mục đích thanh toán, mua bán ngoại tệ theo quy định của pháp luật như tại các Ngân hàng thương mại.

Tiêu chí về quy mô sử dụng đồng ngoại tệ trong nền kinh tế

Tiêu chí này phân loại đô la hóa thành 2 loại:

  • Đô la hóa toàn phần (full dollarization): Là trường hợp mà ngoại tệ được sử dụng trong toàn bộ nền kinh tế như là đồng tiền pháp định duy nhất (hoặc đồng bản tệ chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể) và được pháp luật cho phép. Đô la hóa toàn phần luôn là đô la chính thức.
  • Đô la hóa một phần (partial dollarization): Là việc ngoại tệ được sử dụng trong một phạm vi nào đó của nền kinh tế. Đô la hóa một phần có thể là đô la hóa chính thức hoặc không chính thức. Hiện tượng đô la hóa một phần thường phản ánh mong ước của người dân muốn đa dạng hoá tài sản để đảm bảo tài sản của họ không bị mất giá trị do sự giảm giá của đồng nội tệ trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn định và mức lạm phát cao.

Tiêu chí dựa vào chức năng tiền tệ

  • Đô la hóa thay thế tài sản (asset substitution): Là việc người cư trú sử dụng ngoại tệ thay cho đồng nội tệ trong chức năng dự trữ giá trị. Điều này thể hiện ở việc doanh nghiệp và người dân nắm giữ ngoại tệ tiền mặt và duy trì tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng. 
  • Đô la hóa thay thế thanh toán (currency substitution): Là việc người cư trú sử dụng ngoại tệ thay cho nội tệ trong phương tiện thanh toán và đơn vị tính toán. 

Nguyên nhân của hiện tượng đô la hóa

Hiện tượng đô la hóa diễn ra khá phổ biến tại các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Tuy nhiên, với mỗi nước khác nhau nguyên nhân gây ra tình trạng đô la hóa cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế: 

- Do đồng nội tệ chưa tự do chuyển đổi: Tại một quốc gia, đồng tiền nội tệ chưa được tự do chuyển đổi, đặc biệt là tự do chuyển đổi cán cân vãng lai thì đồng tiền nội tệ sẽ trở nên kém hấp dẫn so với ngoại tệ. Từ đó tình trạng dự trữ ngoại tệ sẽ xảy ra và kết quả là đồng ngoại tệ sẽ lấn át đồng nội tệ trong chức năng cất trữ và hiện tượng đô la hóa sẽ tồn tại như một hiện tượng kinh tế khách quan.

- Do lạm phát cao và kéo dài: Nếu một nền kinh tế mà giá trị đồng nội tệ có xu hướng giảm giá so với các đồng tiền ngoại tệ khác thì trong ba chức năng của tiền tệ, chức năng dự trữ giá trị của tiền tệ luôn được xem xét đầu tiên khi quyết định danh mục đầu tư tài sản, tài chính. Nếu một nền kinh tế mà đồng nội tệ bị mất giá, sức mua giảm sút thì người dân sẽ không dự trữ bằng đồng nội tệ mà thường đầu tư bằng ngoại tệ để đảm bảo giá trị tài sản. 

Lạm phát kéo dài

Lạm phát kéo dài có thể gây ra hiện tượng đô la hóa

- Chính sách quản lý ngoại hối lỏng: Các chính sách về quản lý ngoại hối ở các nước cho phép người dân được cất trữ, nhận, thanh toán, gửi rút ra bằng ngoại tệ một cách tự do sẽ góp phần làm gia tăng mức độ đô la hóa. Theo đó, nếu các nước có chính sách ngoại hối cho phép các doanh nghiệp được nhận ngoại tệ quá rộng rãi, các ngân hàng mở thu đổi ngoại tệ tràn lan hay các chính sách kiều hối cho phép dân chúng nhận, gửi, rút ra bằng ngoại tệ một cách dễ dàng thì ở nước đó đang tạo điều kiện thuận lợi cho hiện tượng đô la hóa gia tăng. 

- Hệ thống thanh toán ngân hàng chưa phát triển: Nếu một quốc gia mà việc thanh toán bằng đồng nội tệ đôi khi còn gặp khó khăn do hệ thống ngân hàng kém phát triển, hoạt động thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng tiền mặt và với các nước có mệnh giá nhỏ thì hoạt động thanh toán tiền mặt bằng ngoại tệ sẽ phát triển. Từ đó làm gia tăng hiện tượng đô la hóa thay thế thanh toán.

- Nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và sự ảnh hưởng từ các dòng vốn quốc tế. Từ đó doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ để mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế

- Việc thực thi pháp luật, Pháp lệnh ngoại hối chưa nghiêm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nên các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ vẫn tồn tại trên thị trường tự do.

- Lượng du khách nước ngoài gia tăng, số lượng người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, học tập gia tăng kéo theo đó là sự gia tăng lượng ngoại tệ chi tiêu.

- Do thói quen dự trữ tài sản bằng ngoại tệ của người dân

Ảnh hưởng của đô la hóa đối với nền kinh tế

Trong thực tế hiện tượng đô la hóa đã xảy ra tại nhiều quốc gia và có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế, như trường hợp của Zimbabwe. Năm 2008, trước tình trạng lạm phát cao, nền kinh tế bất ổn, Bộ trưởng tài chính Zimbabwe đã quyết định thực hiện thí nghiệm đôla hóa kéo dài 18 tháng. Sau quyết định này, đồng đôla Mỹ trở thành đồng tiền pháp định cho một số nhà bán lẻ và bán buôn chọn lọc. Đô la hóa đã nhanh chóng giúp Zimbabwe giảm lạm phát, giảm sự bất ổn của nền kinh tế, tăng sức mua của người dân. Kết quả nền kinh tế  Zimbabwe ghi nhận sự tăng trưởng, chính phủ hoạch định chính sách kinh tế dài hạn dễ dàng hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.... 

Chính những tác động trên đã khiến bộ trưởng tài chính nước này tuyên bố Zimbabwe sẽ chính thức sử dụng đồng đôla Mỹ và chấm dứt việc sử dụng đôla Zimbabwe.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động có lợi, tình trạng đô la hóa cũng khiến Zimbabwe gặp phải những bất lợi. Theo đó: 

  • Tất cả các chính sách tiền tệ của Zimbabwe sẽ được tạo ra và thực hiện bởi Mỹ. Mà các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ không nhằm phục vụ cho lợi ích của Zimbabwe
  • Zimbabwe gặp bất lợi khi mua bán với các quốc gia láng giềng như Zambia, Nam Phi. 
  • Zimbabwe không thể làm cho hàng hóa và dịch vụ của mình rẻ hơn trên thị trường thế giới bằng cách phá giá tiền tệ.

Từ thực tiễn cụ thể của hiện tượng đô la hóa nói trên, ta có thể thấy hiện tượng này khi xảy ra sẽ có những tác động tích cực và tiêu cực đối với nền kinh tế của một quốc giá. Cụ thể như sau:

Tác động tích cực 

- Hạ thấp chi phí giao dịch: Tại những nước xảy ra tình trạng đô la hóa chính thức, các chi phí như chênh lệch giữa tỷ giá mua và bán khi chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác được xoá bỏ. Đô la hóa chính thức cũng loại bỏ những giao dịch với các nước khác. Ngoài ra, các chi phí dự phòng cho rủi ro tỷ giá cũng không cần thiết, điều này giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nước. Bên cạnh đó, việc giảm chi phí còn giúp các ngân hàng có thể hạ thấp lượng dự trữ, vì thế giảm được chi phí kinh doanh. 

- Hạ thấp lạm phát hiện tại và rủi ro lạm phát trong tương lai thấp hơn: Bằng việc sử dụng đồng ngoại tệ, các nước đô la hóa chính thức bảo đảm duy trì tỷ lệ lạm phát gần với mức lạm phát thấp ở các nước phát hành đồng ngoại tệ. Khi lạm phát thấp sẽ làm tăng sự an toàn đối với tài sản tư nhân, khuyến khích tiết kiệm và cho vay dài hạn. Ngoài ra, lạm phát thấp còn giúp những người có thu nhập ổn định và những người nghèo có các tài khoản tại ngân hàng và đảm bảo rằng tiết kiệm của họ được duy trì giá trị.

- Lãi suất thấp hơn khuyến khích phát triển kinh tế: Theo đó, tại các nước đô la hóa chính thức, người ta sẽ thực hiện so sánh và tiếp nhận đồng tiền nào có giá trị hơn, có mặt bằng lãi suất thấp hơn. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ cho phép tăng trưởng kinh tế cao hơn và tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách so với các nước công nghiệp.

- Khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế: Các nước thực hiện đô la hóa chính thức có thể loại bỏ rủi ro cán cân thanh toán và những kiểm soát mua ngoại tệ, khuyến khích tự do thương mại và đầu tư quốc tế. Đặc biệt là khi một nền kinh tế bị đô la hóa hoàn toàn thì Ngân hàng Trung ương sẽ không còn khả năng phát hành nhiều tiền và gây lạm phát, đồng thời ngân sách nhà nước sẽ không trông chờ vào nguồn phát hành này để trang trải thâm hụt, kỷ luật về tiền tệ và ngân sách được thắt chặt. Từ đó các chương trình ngân sách sẽ mang tính tích cực hơn.

- Đô la hóa ở mức độ lớn sẽ thu hẹp chênh lệch tỷ giá trên hai thị trường chính thức và phi chính thức.

Ảnh hưởng của đô la hóa

Hiện tượng đô la hóa sẽ có tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế

Tác động tiêu cực

- Đô la hóa làm yếu kém hoạt động và hiệu quả chính sách tài chính. Theo đó, tình trạng này sẽ hạ thấp doanh thu từ phát hành tiền và làm trầm trọng hơn tác động lạm phát từ việc tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua hệ thống ngân hàng

- Đô la hóa cho phép một bộ phận nhất định các hoạt động kinh tế trốn thuế. 

- Đô la hóa làm yếu kém hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp vì nó đã góp phần làm chệch hướng sản xuất sang thị trường không chính thức.

- Đô la hóa làm giảm hiệu quả kiểm soát tiền tệ. Theo đó, đô la hóa không chính thức có thể khiến cho cầu về nội tệ không ổn định. Nếu mọi người bất ngờ chuyển sang ngoại tệ có thể làm cho đồng nội tệ mất giá và bắt đầu một chu kỳ lạm phát. Ngoài ra, khi người dân giữ một khối lượng lớn tiền gửi bằng ngoại tệ, những thay đổi về lãi suất trong nước hay nước ngoài có thể gây ra sự dịch chuyển lớn từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Chính những thay đổi này sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc đặt mục tiêu cung tiền trong nước, từ đó có thể gây ra những bất ổn định trong hệ thống ngân hàng.

- Đô la hóa làm giảm hiệu lực của chính sách tỷ giá. Theo đó, nó sẽ tác động đến cơ chế truyền dẫn của tỷ giá hối đoái. Tác động khuếch đại của phá giá tiền tệ sẽ trở nên yếu kém do phá giá tiền tệ chỉ tác động đến một bộ phận nhỏ hơn các tài khoản có tính thanh khoản.

- Đô la hóa chính thức sẽ làm mất đi ngân hàng trung ương và chức năng của nó là người cho vay cuối cùng của các ngân hàng. 

- Đô la hóa đặt các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu trước những rủi ro lớn hơn như vấn đề cạnh tranh. Cạnh tranh càng trở nên khốc liệt khi sự hội nhập đó xuất phát từ đô la hóa. Khi không có khả năng phá giá tiền tệ, các nhà kinh doanh mất đi một công cụ để thâm nhập, chiếm lĩnh hay làm chủ thị trường. 

Có thể thấy, đô la hóa sẽ có những tác đồng cụ thể đối với từng nền kinh tế. Cho nên với các quốc gia hiện đang bị đô la hóa không chính thức thì nên tìm phương pháp đối phó với đô la hóa thay vì nghĩ đến việc đô la hóa toàn bộ nền kinh tế. 

Thực trạng đô la hóa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đô la hóa là tình trạng khá phổ biến trong nền kinh tế. Thống kê cho thấy, tỷ lệ đô la hóa tại Việt Nam trước năm 2010 là lớn hơn 20% và giai đoạn sau năm 2010 là lớn hơn 10%. 

Nhìn chung qua mỗi giai đoạn khác nhau, tình trạng đô la hóa tại Việt Nam có những chuyển biến khác nhau. Theo các nguồn thống kê, giai đoạn 2003 - 2010 tại Việt Nam, nền kinh tế vẫn trong tình trạng đô la hóa không chính thức. Giai đoạn này, dù các nhà hoạch định chính sách luôn nỗ lực kiềm chế tốc độ tăng của tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế nhưng tỷ lệ đô la hóa vẫn luôn trên mức 20%. Tuy nhiên, từ sau năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD. 

Nhờ chính sách này mà 5 năm trở lại đây, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm. Kéo theo đó tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế tiếp tục có xu hướng giảm mạnh.

Giới chuyên gia nhận định rằng, Việt Nam vẫn cần có các chính sách điều tiết thị trường, bởi thị trường hiện nay vẫn luôn hiện hữu những yếu tố tác động tới mục tiêu hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, tình trạng đô la hóa do nhu cầu thanh toán quốc tế gia tăng và do ảnh hưởng của các dòng vốn quốc tế. Kể từ khi thực hiện mở cửa nền kinh tế, kim ngạch xuất, nhập khẩu và các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng, bởi vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu nắm giữ một lượng ngoại tệ lớn để phục vụ nhu cầu mở rộng thương mại và đầu tư quốc tế. 

Bên cạnh đó, kiều hối gia tăng cùng với các quy định cho phép các cá nhân nắm giữ ngoại tệ dưới hình thức tiết kiệm và tài khoản ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng, cất giữ dưới dạng ngoại tệ tiền mặt cũng là những nguyên nhân khiến cho tình trạng đô la hóa có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, trước tình trạng dịch bệnh khiến nền kinh tế có nhiều ảnh hưởng như hiện nay, TS Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ trên báo chí rằng, việc Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào ngoại tệ là điều cần thiết, nếu không sẽ khiến tiền Việt Nam đồng sẽ lên giá. 

Theo ông, khi đồng tiền Việt lên giá nó sẽ gây bất lợi cho người xuất khẩu Việt Nam khi thu tiền về. Bên cạnh đó, nhờ chính sách ổn định tỷ giá và lãi tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ bằng không, nên những năm gần đây hiện tượng đô la hóa đã giảm đáng kể. Cho nên theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, đối với chính sách ngoại tệ, chỉ cần duy trì ổn định tỷ giá, không cần phải dùng đến biện pháp tăng giá VNĐ. 

TS. Nguyễn Đức Thành ước tính, Việt Nam cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là mốc 150 tỷ USD. Theo ông, khi kinh tế phục hồi sau Covid-19, nhu cầu USD của Việt Nam có thể tăng nhanh trở lại, lúc này chúng ta sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp. Ông cho rằng, trong tình hình như hiện nay, chính sách gia tăng dự trữ ngoại hối là chính sách phù hợp. Tuy nhiên, ông đưa ra lời khuyên nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được để tránh gây lạm phát. 

Đối với bài toán về đô la hóa trong nền kinh tế, Việt Nam cũng có nhiều biện pháp giải quyết, trong đó đáng chú ý là Quyết định số 986/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng ban hành ngày 08/8/2018.

Đô la hóa tại Việt Nam

Việt Nam vẫn có các chính sách chiến lược để khắc phục tình trạng đô la hóa (Ảnh minh họa)

Theo quyết định này, mục tiêu mà nước ta đưa ra là giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức 5% vào năm 2030; tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến đô la hóa

Chống đô la hóa là gì?

Chống đô la hóa là việc đưa ra các chính sách nhằm tác động đến hiện tượng đô la hóa khi một ngoại tệ được sử dụng bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn nội tệ tại một quốc gia.

Nền kinh tế bị đô la hóa là gì?

Nền kinh tế bị đô la hóa là nền kinh tế mà người dân của một quốc gia chọn sử dụng một loại tiền tệ có tính ổn định hơn để thực hiện các giao dịch hàng ngày, thay vì sử dụng đồng nội tệ. 

Có thể thấy, đô la hóa là tình trạng khó tránh khỏi trong nền kinh tế của một quốc gia. Việc xóa bỏ hay không xóa bỏ tình trạng đô la hóa là quyết định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế hiệu quả việc duy trì đô la hóa ở một mức độ phù hợp và ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế là điều cần thiết. 


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

4 (1 lượt)

4 (1 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *