Hướng dẫn điền form Bảo hiểm xã hội mới nhất năm 2021
Mục lục [Ẩn]
Nhiều bạn trẻ mới bước vào thị trường lao động hay những người đã đi làm lâu năm vẫn chưa biết cách điền form bảo hiểm xã hội đúng nhất. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để có thêm nguồn thông tin hữu ích về chủ đề này!
Mẫu tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội mới nhất
Hiện nay, mẫu tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội mới nhất là mẫu tờ khai TK1-TS bảo hiểm xã hội được ban hành cùng với Quyết Định số: 888/QĐ-BHXH ngày 16/07/2018 của BHXH Việt Nam.
Mẫu tờ khai TK1-TS bảo hiểm xã hội
Tại Quyết định 888, BHXH Việt Nam đã đưa ra những sửa đổi về Quy trình thu Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đồng thời, ban hành thêm Quyết định 595/QĐ-BHXH với các thông tin liên quan đến tờ khai khi tham gia bảo hiểm xã hội:
Mục đích: Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội form TK1-TS được sử dụng nhằm:
- Kê khai đầy đủ thông tin theo mẫu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và những thành viên trong Hộ gia đình không có mã số BHXH.
- Kê khai khi có yêu cầu chỉnh sửa thông tin trong quá trình tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Bảo hiểm tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ - BNN), ví dụ: Xác minh nhân thân, chức danh nghề nghiệp, phương thức đóng bảo hiểm, nơi đăng ký KCB ban đầu,...
Đối tượng tiến hành lập tờ kê khai:
- Người tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN.
- Cha/mẹ hoặc người giám hộ với đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi.
Thời gian lập kê khai:
+ Người lao động cùng lúc tham gia các loại BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN, người lao động chỉ tham gia BHXH bắt buộc, người đóng BHXH tự nguyện. Kê khai khi chưa được cung cấp mã số BHXH hay điều chỉnh những thông tin thay đổi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN.
+ Với những ai chỉ tham gia BHYT:
- Trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp BHYT.
- Người tham gia bảo hiểm khi cần điều chỉnh thông tin, các đối tượng chưa được cấp mã số BHXH.
Hướng dẫn cách điền form bảo hiểm xã hội
Việc điền form tờ khai bảo hiểm xã hội thực hiện cần rất chuẩn xác và cẩn thận, vui lòng tham khảo đoạn hướng dẫn sau đây để thực hiện đúng nhất:
Phần I: Đối với người chưa được cấp mã số BHXH
Biểu mẫu tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội cho người mới (người chưa được cấp mã số BHXH) sẽ bao gồm 13 mục sau đây:
- Họ và tên: Ghi đầy đủ họ, tên đệm, tên chính bằng chữ in hoa.
- Ngày tháng năm sinh: Ghi chính xác ngày tháng năm sinh giống trong giấy khai sinh hoặc trên chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu.
- Giới tính: Ghi đúng giới tính của bản thân (Nam/Nữ).
- Quốc tịch: Ghi giống trong giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
- Dân tộc: Ghi như thông tin trong giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.
- Nơi đăng ký Giấy khai sinh: Điền đầy đủ tên xã (phường/thị trấn), huyện (quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố) nơi đăng ký giấy khai sinh. Đối với người chưa xác định được địa chỉ cấp giấy khai sinh đầu tiên sẽ khai theo nguyên quán. Với những trường hợp mà nơi đăng ký giấy khai sinh có địa giới hành chính được chia tách/sáp nhập thì người tham gia BHXH sẽ ghi đúng tên địa danh tại thời điểm kê khai. Hoặc ghi theo hộ khẩu thường trú/tạm trú.
- Địa chỉ nhận kết quả: Ghi rõ địa chỉ nơi đang sinh sống (số nhà, ngõ ngách, đường phố, thôn xóm (tổ dân phố); xã (phường/thị trấn); huyện (quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh); tỉnh (thành phố). Đây là thông tin cần thiết để cơ quan BHXH tiến hành trả kết quả là sổ BHXH, thẻ BHYT và những giấy tờ liên quan khác.
- Số chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu: Ghi chính xác số chứng minh thư nhân dân, số thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu trong thời hạn sử dụng.
- Số điện thoại liên hệ: Ghi số điện thoại người tham gia BHXH (nếu có).
Mục số 09 là thông tin quan trọng vì thông qua số điện thoại này, cơ quan BHXH sẽ gửi mã OTP xác nhận khi tiến hành tra cứu những điều cần tìm hiểu về BHXH, BHYT, BHTN như mã số BHXH, thời gian đóng, giá trị sử dụng của BHYT,... - Họ tên cha hoặc mẹ, hoặc người giám hộ (áp dụng đối với trẻ em dưới 6 tuổi): Ghi họ tên đầy đủ tên cha, tên mẹ hoặc tên người giám hộ.
- Mức tiền đóng (áp dụng đối với người tham gia BHXH tự nguyện): Ghi mức thu nhập tháng đóng BHXH do người tham gia tự lựa chọn.
- Phương thức đóng (áp dụng đối với người đi lao động ở nước ngoài, người tham gia BHXH tự nguyện): Ở mục này, bạn sẽ ghi cụ thể về phương thức đóng: 3 tháng/6 tháng/12 tháng/…
- Nơi đăng ký KCB ban đầu: Ghi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Để xác định được thông tin này, bạn hãy tham khảo danh sách đăng ký nơi KCB ban đầu do cơ quan BHXH thông báo chính thức hàng năm gửi cho các đơn vị, UBND xã, phường hay đại lý thu.Thông tin này được tìm kiếm dễ dàng khi bạn vào website của BHXH ở tỉnh/thành phố nơi bạn đang sinh sống, làm việc. Nếu bạn còn đang phân vân về các lựa chọn, hãy tham khảo thêm Điều 5 Chương 2 trong Thông tư 40/2015/TT/BYT về quy định cơ sở KCB BHYT đầu tuyến tỉnh và tương đương.
- Phụ lục thành viên hộ gia đình: Đây là mục kê khai bổ sung thông tin về các thành viên trong gia đình trong sổ hộ khẩu/sổ tạm trú của người có nguyện vọng tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giảm trừ mức đóng.
Phần Phụ lục Thành viên hộ gia đình trong Mẫu TK1-TS khai tham gia bảo hiểm xã hội
Phần II: Đối với người đã được cấp mã số BHXH thay đổi thông tin ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT
Mục này chỉ áp dụng cho người đã tham gia BHXH cần thay đổi thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Người kê khai cần điền các thông tin sau đây:
- Họ và tên: Ghi đầy đủ họ, tên đệm, tên chính bằng chữ in hoa.
- Ngày tháng năm sinh: Ghi chính xác thông tin về ngày tháng năm sinh giống như trong giấy khai sinh/chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu.
- Mã số BHXH: Ghi đúng mã số BHXH của người đang tham gia.
- Nội dung thay đổi, yêu cầu: Phần ghi nội dung yêu cầu muốn thay đổi về nhân thân (họ tên, ngày tháng năm sinh), nghề nghiệp, chức danh, phương thức đóng,...
- Hồ sơ kèm theo (nếu có):
- Những ai cần điều chỉnh thông tin thì cần ghi lại những loại giấy tờ chứng minh.
- Những ai tham gia BHYT được hưởng quyền lợi cao hơn cũng cần ghi lại giấy tờ chứng minh.
Sau khi kê khai hoàn thành, bạn tiến hành ký và ghi rõ họ tên. Với những đối tượng kê khai thay đổi nhân thân (họ tên, năm sinh, giới tính) đã được ghi trước đó trên BHXH và thẻ BHYT thì cần có xác nhận từ nơi người lao động đang làm việc. Trường hợp không cần đến xác nhận là khi sổ BHXH của bạn đang bảo lưu thời gian đóng.
Lưu ý: Người tham gia/Chủ hộ/Người đại diện cho hộ gia đình có đối tượng đang tham gia BHYT theo hộ gia đình mà chưa có được cấp mã số BHXH thì cần lập phụ lục thành viên hộ gia đình kèm theo form bảo hiểm xã hội.
Phần III: Phương pháp lập phụ lục
- Mục đích: Kê khai thông tin của các thành viên trong gia đình một cách đầy đủ và chính xác để giảm trừ mức đóng BHYT theo hộ gia đình.
- Trách nhiệm lập: Người tham gia BHYT/Chủ hộ gia đình/Người đại diện cho gia đình có thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình mà chưa có mã số BHXH.
- Thời gian lập: Hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình và có người được giảm trừ mức đóng.
- Phương pháp lập:
Thông tin chung bao gồm: Họ tên đầy đủ của chủ hộ, số điện thoại (nếu có), địa chỉ thường trú: Số nhà, đường phố; thôn xóm (tổ dân phố); xã (phường/thị trấn); huyện (quận/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh); tỉnh (thành phố).
Chỉ tiêu ghi theo cột:
- Cột A: Số thứ tự các thành viên trong gia đình từ 1 cho đến hết.
- Cột B: Ghi họ tên đầy đủ của từng thành viên trong gia đình.
- Cột 1: Điền mã số BHXH của từng thành viên đã được cơ quan chuyên môn cấp. Nếu người kê khai chưa xác định được mã số BHXH thì có thể tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn (trong trường hợp đủ điều kiện).
- Cột 2: Ghi ngày tháng năm sinh chính xác theo giấy khai sinh/chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu.
- Cột 3: Ghi giới tính của từng thành viên (Nam/Nữ).
- Cột 4: Ghi địa chỉ nơi cấp Giấy khai sinh: Xã (phường/thị trấn); huyện (quận/thành phố trực thuộc tỉnh); tỉnh (thành phố). Nếu chưa xác định nơi cấp giấy khai sinh, người kê khai hãy điền nguyên quán (điền đúng tên địa điểm hành chính tại thời điểm kê khai kể cả với những nơi đã chia tách, sáp nhập). Hoặc có thể ghi theo nơi đăng ký sổ hổ khẩu thường trú, tạm trú.
- Cột 5: Điền mối quan hệ với chủ hộ (chồng/vợ/con/cháu…).
- Cột 6: Điền số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu (nếu có) của từng thành viên trong gia đình.
- Cột 7: Ghi những nội dung cần ghi chú.
Sau khi hoàn thành việc kê khai, người làm kê khai ký và ghi rõ họ tên.
Đọc thêm: BHXH năm 2021 có những gì thay đổi?
Trên đây là toàn bộ quy trình điền form bảo hiểm xã hội mới nhất trong năm 2021. Mong rằng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc quan tâm!
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất