avatart

khach

icon

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Được hưởng quyền lợi như thế nào?

Bảo hiểm xã hội

- 13/03/2021

0

Bảo hiểm xã hội

13/03/2021

0

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn là lựa chọn hàng đầu hiện nay cho những người lao động tự do muốn có một chế độ đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Vậy những thông tin nào về BHXH tự nguyện mà người lao động cần biết?

Mục lục [Ẩn]

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức cho những người không tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng. Tham khảo bài viết sau đây để nắm được những thông tin chính xác về hình thức BHXH này.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXH tự nguyện) là hình thức đóng BHXH do Nhà nước tổ chức cho những người tham gia được tự lựa chọn mức đóng và phương thức đóng, sao cho phù hợp với mức thu nhập của mình.

Ai được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện? Căn cứ vào khoản 4 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, công dân người Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên mà không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.

Chiến dịch tuyên truyền BHXH tự nguyện

Chiến dịch tuyên truyền BHXH tự nguyện cho người dân

Bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm các chế độ nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện có 2 chế độ được hưởng: Hưu trí và tử tuất. Những chế độ này giúp cho người tham gia đảm bảo cuộc sống sau khi không thể tiếp tục làm việc.

BHXH bắt buộc có nhiều chế độ hơn như thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, còn người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi hơn. Tuy nhiên, chế độ hưu trí và tử tuất cũng là những quyền lợi to lớn do loại BHXH này đem lại. Vì thế, nếu không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mọi người cũng vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện.

Bảo hiểm xã hội tự nguyện có quyền lợi gì?

Những quyền lợi không thể bỏ qua khi tham gia BHXH tự nguyện:

Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ

Khoản 3 Điều 3 Luật BHXH 2014 cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được quyền lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với mức thu nhập của mình.

Căn cứ vào Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHXH về BHXH tự nguyện, mức đóng BHXH tự nguyện mỗi tháng sẽ bằng 22% mức thu nhập mà người tham gia lựa chọn. Căn cứ từ mức thu nhập:

  • Mức thấp nhất bằng với mức chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
  • Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở ở thời điểm đóng.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ đóng tiền BHXH cho mỗi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo các mức 10%, 25% và 30% (quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP).

Bảo hiểm xã hội tự nguyện chế độ hưu trí

Căn cứ vào quy định tại mục 1 chương IV Luật BHXH 2014, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí, cụ thể: Từ 01/01/2021, lao động nam đủ 60 tuổi 03 tháng, lao động nữ đủ 55 tuổi 04 tháng và đóng đủ 20 năm BHXH trở lên (theo khoản 1 Điều 73 Luật BHXH được sửa đổi, bổ sung tại điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) sẽ được hưởng lương hưu.

Đồng thời cũng dựa vào điều này, trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đủ tuổi về hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm BHXH thì vẫn được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Hiện nay, lương hưu đang được điều chỉnh dựa vào cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng cũng như sự tăng trưởng kinh tế phù hợp với quỹ BHXH. Do vậy, những người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng mức lương hưu tăng theo năm.

Chương trình hưu trí cho người đóng BHXH tự nguyện

Chế độ hưu trí cho người đóng BHXH tự nguyện

Trợ cấp mai táng, tử tuất

Điều 80 Luật BHXH năm 2014 quy định về chế độ hưởng tử tuất của người tham gia BHXH tự nguyện:

  • Về trợ cấp mai táng: Người lao động đóng BHXH từ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu, khi chết thì người lo mai táng sẽ được hưởng 1 khoản trợ cấp. Mức trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người theo quy định trên chết.
  • Về trợ cấp tuất: Người lao động đang đóng BHXH, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, người lao động hưởng lương hưu khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần.

Mức hưởng được tính theo số năm đóng BHXH, mỗi năm đóng hoàn thành được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập đóng BHXH.

Được cấp thẻ BHYT trong khi hưởng lương hưu

Khoản 4 Điều 18 Luật BHXH quy định: Người đang hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí để thực hiện khám chữa bệnh tại những cơ sở y tế đủ tiêu chuẩn.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức đóng BHXH tự nguyện hiện nay là 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn theo khoản 1 Điều 87 Luật BHXH 2014.

  • Mức thấp nhất theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 vnđ.
  • Mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 vnđ/tháng (năm 2021). Vậy 20 lần mức lương cơ sở là 29.800.000 vnđ.

Từ đó suy ra: Mức đóng BHXH thấp nhất là 154.000 vnđ/tháng, mức đóng BHXH cao nhất là 6.116.000 vnđ/tháng.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ sau đây:

Chế độ hưu trí

- Mức lương hưu hàng tháng được quy định tại Điều 74 Luật BHXH 2014:

Mức lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng BHXH

- Mức trợ cấp 1 lần được quy định tại Điều 75 Luật BHXH 2014:

Với mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng để được hưởng tỷ lệ lương hưu 75% sẽ được tính = 0,5 tháng mức bình quân thu nhập đóng BHXH.

- Mức BHXH 1 lần được quy định tại Điều 77 Luật BHXH 2014:

Điều khoản này chỉ được áp dụng với một vài trường hợp nhất định, mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm hoàn thành đóng, người tham gia nhận được:

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng trước 2014.
  • 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng sau 2014
  • Trường hợp đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm sẽ được hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

Chế độ tử tuất

- Trợ cấp mai táng được quy định tại Điều 80 Luật BHXH 2014:

Người đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu sẽ được hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở vào tháng người đó chết.

- Trợ cấp tuất được quy định tại Điều 81 Luật BHXH 2014:

Thân nhân của người đang tham gia BHXH tự nguyện hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH, sau mỗi năm sẽ được hưởng:

  • 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng trước 2014.
  • 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng sau 2014
  • Trường hợp đóng BHXH tự nguyện chưa đủ 1 năm sẽ được hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
  • Tối thiểu 3 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH với những người tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Với trường hợp là thân nhân của người hưởng lương hưu:

  • Hưởng 48 tháng lương khi người chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu.
  • Cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp sẽ giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.

Có nên đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không?

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có nhiều lý do khiến chúng ta nên tham gia BHXH tự nguyện nếu không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể:

  • Người tham gia BHXH tự nguyện được tự chủ tài chính khi nhiều tuổi, không phải dựa vào con cái hay tạo thành gánh nặng cho xã hội.
  • Với những người lao động tự do và không có công việc ổn định, lương hưu còn mang ý nghĩa tinh thần, khẳng định họ đã cống hiến cả đời và không “ăn bám" xã hội.
  • Ngoài lương hưu mỗi tháng nhận được khi đóng đủ số năm BHXH tự nguyện, người tham gia còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để chi trả tiền chữa bệnh nếu gặp phải.
  • Mức đóng BHXH linh hoạt, từ thấp đến cao, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi người. Thậm chí, mức phí còn khá thấp so với quyền lợi được nhận, cũng như các loại bảo hiểm khác.
  • Với những người đang đóng BHXH tự nguyện mà dừng lại và tham gia BHXH bắt buộc khi đi làm thì toàn bộ thời gian tham gia BHXH tự nguyện sẽ được cộng dồn vào để hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
  • Từ ngày 01/01/2018, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Điều này giúp cho người tham gia BHXH tự nguyện tiết kiệm và thuận tiện hơn nhiều.
  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội được Nhà nước tổ chức nên đảm bảo tính an toàn hơn nhiều so với các loại bảo hiểm khác.
  • Trong trường hợp người dân không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện vẫn nhận được quyền lợi khi làm thủ tục hưởng BHXH 1 lần.
  • Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện chẳng may chết, người thân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng và tử tuất 1 lần.
  • Mức lương hưu cho người đóng BHXH tự nguyện gần như được Nhà nước điều chỉnh hàng năm theo mức tăng trưởng kinh tế và CPI. Vì vậy, người về hưu cũng được hưởng lợi nhiều.

Tóm lại, bảo hiểm xã hội là điều đặc biệt cần thiết với nhiều người. Nếu bạn sở hữu bảo hiểm xã hội trong tay, bạn sẽ được hưởng nhiều quyền lợi về hưu trí, y tế, chi trả gần hết các loại bệnh mà không loại trừ, khám bệnh ở những cơ sở y tế tốt với bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, trang thiết bị máy móc hiện đại. Còn khi chẳng may qua đời, bạn và thân nhân cũng sẽ được hưởng quyền lợi tử tuất theo quy định.

Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi đóng BHXH tự nguyện

Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi đóng BHXH tự nguyện

So sánh bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ

Đứng trên cương vị là chuyên gia tư vấn tài chính, TheBank sẽ tổng hợp cho bạn những ưu điểm của mỗi hình thức bảo hiểm:

  • Về bảo hiểm xã hội tự nguyện:

Đây là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận do Nhà nước đứng ra tổ chức, đảm bảo tính an toàn và minh bạch. Công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể đăng ký đóng BHXH tự nguyện.

Tiền đóng vào quỹ BHXH đều được điều chỉnh tăng tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng hàng năm (CPI) theo quy định của Chính phủ tại năm mà người tham gia hưởng chế độ. Từ đó, chế độ lương hưu cũng được tăng dựa trên những chỉ số này.

Có nhiều mức đóng BHXH để người dân lựa chọn sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình, thường khá thấp. Hơn nữa lại được Nhà nước hỗ trợ thêm tiền đóng.

Người đóng BHXH tự nguyện khi sống được hưởng lợi từ hưu trí, có chế độ BHYT khi về hưu, đa phần đều không loại trừ bệnh, khám chữa bệnh thuận tiện và tốn ít chi phí. Trong khi nếu qua đời sẽ được hưởng chính sách tử tuất, thân nhân cũng được hưởng theo quy định.

  • Về bảo hiểm nhân thọ: 

Đây là loại bảo hiểm với mục đích bảo vệ tài chính của người tham gia trước những rủi ro trong cuộc sống. BHNT được đóng theo nhu cầu cá nhân của mỗi người, có yêu cầu khắt khe về tuổi đời và sức khỏe. Tuổi càng cao, có nhiều bệnh nền thì mức chi phí đóng BHNT sẽ cao hơn. Ngược lại, nếu bạn còn trẻ và không có bệnh, mức đóng BHNT sẽ thấp hơn. 

Trường hợp bạn đang hoặc đã từng bị bệnh gì, khi tham gia BHNT, bệnh đó và các bệnh liên quan sẽ bị loại trừ.

Khi tham gia BHNT, người tham gia sẽ được mua thêm các sản phẩm bổ trợ với quyền lợi chăm sóc sức khỏe (thăm khám, điều trị bệnh, nằm viện,…). Như vậy, khi mua BHNT kết hợp với các gói bổ trợ, bạn đã tự bảo vệ sức khoẻ và tài chính cho bản thân trước những rủi ro.

Chi phí tham gia BHNT có thể bằng hoặc cao hơn BHXH tự nguyện.

Nhìn chung, mỗi loại bảo hiểm đều có những ưu điểm riêng. Bạn nên cân nhắc cẩn thận về tài chính, nhu cầu mong muốn của mình để đưa ra lựa chọn thích hợp. Điều quan trọng là chúng tôi vẫn khuyên bạn nên tham gia một loại bảo hiểm nào đó để hạn chế rủi ro trong cuộc sống.

Phương thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn 1 trong 6 phương thức tham gia sau đây:

  • Đóng hàng tháng;
  • Đóng 3 tháng một lần;
  • Đóng 6 tháng một lần;
  • Đóng 12 tháng một lần;
  • Đóng 1 lần cho nhiều năm sau đó nhưng không quá 5 năm một lần;
  • Đóng 1 lần cho những năm đóng thiếu với những người đủ tuổi hưởng lương hưu. Tuy nhiên, thời gian đóng thiếu không quá 10 năm.

Với đối tượng đã đủ tuổi nghỉ hưu mà vẫn còn thiếu trên 10 năm đóng BHXH thì được tiếp tục tham gia theo 1 trong 5 phương thức trên cho tới khi thời gian đóng còn dưới 10 này sẽ áp dụng đóng theo phương thức 6, quy định này dựa theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

Lưu ý: Người tham gia BHXH tự nguyện được quyền thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng.

Cách mua bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ vào quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Quyết định 959/QĐ-BHXH, mọi người đăng ký mua BHXH tự nguyện tại trung tâm BHXH huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú).

Tham khảo thêm những địa chỉ cơ quan BHXH có thẩm quyền để người lao động đến đăng ký tham gia BHXH tự nguyện:

Trung tâm BHXH Hà Nội cấp quận/huyện

Trung tâm BHXH TP. Hồ Chí Minh cấp quận/huyện

Bài viết này đã tổng hợp nhiều kiến thức về bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hy vọng đã mang đến thông tin tham khảo hữu ích cho các bạn đọc đang quan tâm.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *