Chế độ thai sản khi đi làm lại cho lao động nữ như thế nào?
Mục lục [Ẩn]
Sau thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản khi đi làm lại với ưu đãi về thời gian, hưởng dưỡng sức, hưởng chăm con ốm,... Vậy cụ thể những quyền lợi này như thế nào?
Các quyền lợi được hưởng chế độ thai sản sau khi đi làm lại
Chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh
Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh:
“Trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.”
Ngoài ra, mức hưởng dưỡng sức sau sinh cũng được quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này.
Lao động nữ được nghỉ thời gian dưỡng sức sau sinh với các trường hợp:
- Nghỉ tối đa 10 ngày nếu sinh 1 lần từ 2 con trở lên.
- Nghỉ tối đa 07 ngày nếu sinh mổ.
- Nghỉ tối đa 05 ngày với các trường hợp khác.
Lưu ý:
- Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần.
- Lao động nữ đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ trong năm nào thì thời gian nghỉ việc được tính cho năm đó.
Quy định mức tiền hỗ trợ dưỡng sức sau sinh 1 ngày = 30% mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 vnđ/tháng thì số tiền dưỡng sức sau sinh 1 ngày = 1.490.000 x 30% = 447.000 vnđ.
Phụ nữ sau sinh khi đi làm lại sẽ được hưởng một số ưu đãi để chăm sóc con cái
Chế độ nghỉ 60 phút/ngày
Căn cứ vào khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được nghỉ 60 phút mỗi ngày:
“Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.
Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.”
Như vậy, lao động nữ đang nuôi con dưới 1 tuổi có thể đi muộn/về sớm tổng cộng 60 phút mỗi ngày cho đến khi con đủ 1 tuổi. Đây là khoảng thời gian giúp lao động nữ nghỉ ngơi, cho con bú, chăm sóc con cái,...
Chế độ nghỉ chăm sóc con ốm
Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau của người lao động khi chăm sóc con ốm: Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.
Đồng thời, tại Điều 27 của Luật này nêu rõ thời gian hưởng chế độ ốm đau khi con ốm:
- Tối đa 20 ngày/năm nếu con dưới 03 tuổi;
- Tối đa 15 ngày/năm nếu con từ đủ 03 - 07 tuổi.
Lưu ý: Nếu cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người được thực hiện theo quy định trên.
Ví dụ: Vợ chồng chị Linh anh Đạt đều đang tham gia BHXH, có con trai 05 tuổi bị ốm phải nằm viện điều trị bệnh từ ngày 07 - 11/03/2020. Trong thời gian con phải nằm viện điều trị bệnh, cả 2 vợ chồng chị phải nghỉ việc để chăm sóc con cái. Như vậy, cả 2 vợ chồng chị Linh anh Đạt đều sẽ được giải quyết chế độ ốm đau với thời gian là 05 ngày.
Mức hưởng chế độ ốm cũng được quy định tại Điều 28 Luật này:
“Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.”
Từ đó, suy ra công thức tính tiền chế độ ốm đau mà cha mẹ được hưởng mỗi lần:
Tiền trợ cấp = 75% x Mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ : 24 x Số ngày nghỉ
Lưu ý: Số ngày nghỉ không vượt quá số ngày tối đa theo quy định.
Ví dụ: Áp dụng vào trường hợp của vợ chồng chị Linh anh Đạt, được nghỉ chế độ chăm con ốm 5 ngày. Chị Linh đang đóng BHXH mức 6.500.000 vào tháng 4/2020 - Tháng liền kề trước khi nghỉ chăm con ốm. Vậy số tiền trợ cấp chị Linh được hưởng là:
Tiền trợ cấp = 75% x 6.500.000 : 24 x 5 = 1.015.525 vnđ
Đi làm sớm trong thời gian nghỉ sinh có được không?
Khoản 4 Điều 157 Bộ luật Lao động 2012 quy định về chế độ đi làm sớm trong thời gian nghỉ sinh:
“Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.”
Như vậy, theo quy định này, lao động nữ được quyền đi làm sớm khi đã nghỉ thai sản ít nhất 4 tháng, có nhu cầu, được xác nhận với cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền là đủ điều kiện sức khỏe làm việc, được người sử dụng lao động đồng ý.
Khi đi làm sớm, ngoài khoản lương được đơn vị sử dụng lao động chi trả, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho tới hết kỳ hạn, được quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật BHXH:
“Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn nghỉ theo quy định.”
Theo đó, người lao động khi đi làm sớm vẫn được hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả và tiền lương tháng do đơn vị sử dụng lao động trả.
Đọc thêm: Tổng quan chế độ thai sản hiện nay
Trên đây là bài tổng hợp về chế độ thai sản khi đi làm lại của lao động nữ theo quy định. Chúng tôi mong rằng với những kiến thức này, người lao động sẽ được áp dụng đúng và đảm bảo quyền lợi cho bản thân.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất