Ngân hàng và "bài toán" cước tin nhắn SMS
Mục lục [Ẩn]
Những ngày gần đây câu chuyện về cước phí tin nhắn SMS giữa các nhà mạng và ngân hàng vẫn luôn nóng. Trong khi ngân hàng liên tiếp kiến nghị về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng do những khó khăn do dịch bệnh thì các nhà mạng hiện vẫn chưa có động thái nào.
Ngân hàng liên tiếp kiến nghị giảm cước tin nhắn SMS
Hiện nay các ngân hàng đang sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của doanh nghiệp viễn thông để thông báo tới khách hàng các thông tin như:
- Biến động số dư tài khoản
- Giao dịch chi tiêu thẻ
- Lịch trả tiền vay/sao kê
- Gửi mã OTP (One-Time-Password) cho các giao dịch tài chính khi khách hàng thực hiện trên các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng giao dịch qua các kênh điện tử tại các ngân hàng liên tục tăng cao, lượng tin nhắn ngân hàng gửi cho khách hàng qua dịch vụ SMS cũng tăng tương ứng.
Theo thông tin trên báo Thanh niên, một ngân hàng nhỏ phát sinh khoảng 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, quy mô lớn phát sinh khoảng 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng.
Tuy nhiên điều đáng nói là hiện giá cước phí tin nhắn dịch vụ mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng hiện nay cho các tổ chức tín dụng được đánh giá là cao gấp 3 lần so với tin nhắn thông thường. Cụ thể:
- MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng;
- Nhà mạng Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính;
- Nhà mạng Vietnammobile, Beeline thu 280 - 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng, truyền thông không yêu cầu bảo mật, gửi tức thì.
Với con số trên, mỗi tháng ước tính chi phí viễn thông cả hệ thống các tổ chức tín dụng phải trả cho các nhà mạng lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Điều này khiến không ít khách hàng phải bù lỗ khoản cước phí tin nhắn.
Trước mức chi phí cho dịch vụ cước tin nhắn SMS quá cao, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tiếp tục có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị về việc giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức căng thẳng và phức tạp.
Mới đây Hiệp hội Ngân hàng đã lần thứ 4 gửi văn bản đề xuất giảm phí tin nhắn SMS, nhưng hiện vẫn chưa có nhà mạng nào thực hiện (!?)
Cước tin nhắn SMS vẫn là bài toán chưa có lời giải chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông
Ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông nói gì?
Trước vấn đề cước tin nhắn SMS, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông đều đưa ra ý kiến liên quan. Theo đó, CafeF.vn đưa tin chia sẻ của ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, mỗi tháng ngân hàng có từ 20 – 40 triệu giao dịch (tùy quy mô ngân hàng) như vậy sẽ có ít nhất 40 – 80 triệu tin nhắn được gửi ra cho khách hàng để xác thực giao dịch, thông báo biến động tài khoản, do vậy số lỗ của ngân hàng là không hề nhỏ.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lâm, do ngân hàng miễn, giảm phí cho khách hàng nên toàn bộ số tiền nhà mạng thu của ngân hàng chính là số lỗ mà ngân hàng phải gánh chịu.
Trước việc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị chỉ đạo nhà mạng thực hiện việc giảm phí cước tin nhắn SMS dịch vụ ngân hàng ông Trần Công Quỳnh Lâm cho rằng đó là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Còn theo một đại diện ngân Agribank chia sẻ trên Vneconomy.vn, năm 2020, ngân hàng Agribank chi 985 tỷ đồng để trả cho loại phí cho kênh chuyển tiền liên ngân hàng, trong đó có phí SMS. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tính riêng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng lên tới 27,8 triệu lệnh, mà mỗi lệnh giao dịch bình quân giá 2.000 đồng. Như vậy ngân hàng đã phải trả một số tiền không nhỏ. Đại diện ngân hàng này cho hay, hiện tại phí dịch vụ viễn thông SMS có 2 loại, một loại phí chủ động do khách hàng nhắn tới ngân hàng, trước đây nhà mạng thu 300 – 500 đồng/tin thì nay nâng lên 1.500 đồng/tin.
Liên quan đến vấn đề cước tin nhắn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có các chia sẻ trên CafeF.vn, cước tin nhắn hiện nay các tổ chức tín dụng phải thanh toán cho nhà mạng là rất lớn. Tính sơ bộ, một tổ chức tín dụng cỡ nhỏ hàng tháng phải trả phí cước cho 15 - 20 triệu tin nhắn/tháng, còn các tổ chức tín dụng tầm trung trở lên là 50 - 80 triệu tin nhắn/tháng. Như vậy, số lượng tin nhắn hàng tháng từ các tổ chức tín dụng là rất lớn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giảm mức giá cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng. Nội dung công văn tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các tổ chức tín dụng do bị ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh
- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông làm việc với các tổ chức tín dụng thông qua Hiệp hội Ngân hàng để giải thích rõ việc tính cước phí tin nhắn đối với khách hàng cá nhân và tổ chức. Đồng thời, cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các tổ chức tín dụng qua nhà mạng.
Được biết, hiện các tổ chức tín dụng đang phản ảnh rất nhiều về việc các nhà mạng thu phí cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng với các mức khác nhau mà không giải thích rõ việc tính cước phí như thế nào. Đặc biệt, việc xuất hiện nhiều tình trạng lừa đảo qua tin nhắn gửi từ nhà mạng song nhà mạng không chịu trách nhiệm, không giải thích rõ tại sao có thể lợi dụng để lừa đảo?. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các tổ chức tín dụng.
Trước kiến nghị về cưới tin nhắn, báo Thanh niên thông tin, các doanh nghiệp viễn thông cho rằng giá phí tin nhắn áp dụng cho hệ thống ngân hàng cao hơn so với giữa các cá nhân nhắn tin với nhau là do nhà mạng phải đảm bảo bảo mật và an toàn hơn cho các tin nhắn này.
Hiện câu chuyện về cước tin nhắn SMS giữa các ngân hàng và nhà mạng vẫn còn là bài toán chưa có chung lời giải. Đến nay theo các tổ chức tín dụng, họ vẫn chưa được xem xét giảm phí sử dụng.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất