TheBank
Gửi yêu cầu tư vấn

Thẻ tín dụng nội địa là xu hướng sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam trong tương lai

Trịnh Hải Quỳnh 0 Kiến thức thẻ tín dụng

Các phương tiện thanh toán thông minh đem lại sự tiện lợi trong đời sống, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Trong đó, xu hướng sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến nhờ những tính năng vượt trội của thẻ tín dụng.
    Mục lục [

    Ẩn

    ]

Thẻ tín dụng là loại thẻ được ngân hàng phát hành với mục đích hỗ trợ chi tiêu và thanh toán cho người dùng. Thẻ tín dụng hoạt động theo nguyên tắc chi tiêu trước, trả tiền sau, nghĩa là ngân hàng sẽ xem xét điều kiện của người đăng ký thẻ và cấp cho họ một hạn mức trong một thời hạn nhất định, người dùng có thể thoải mái sử dụng trong hạn mức đó vào các hoạt động như thanh toán, mua sắm.

Đến thời hạn đã cam kết, người dùng có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đã chi tiêu theo đúng thỏa thuận với ngân hàng.

Thực tế sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam hiện nay

Thẻ tín dụng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2002, tuy khá muộn so với thẻ tín dụng trên thế giới (thẻ đầu được tạo ra vào năm 1958) nhưng vẫn phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý IV năm 2021, tại Việt Nam có tất cả 105,92 triệu thẻ ngân hàng nội địa và 23,45 triệu thẻ ngân hàng quốc tế đang lưu hành, trong đó đến tháng 6 năm 2021, số lượng thẻ tín dụng tại Việt Nam hiện nay là 6,5 triệu thẻ.

Tuy số lượng thẻ ngày càng tăng lên nhưng tại Việt Nam thẻ tín dụng thường chỉ được sử dụng để thanh toán online và mua hàng như trả góp, các giao dịch như thanh toán hóa đơn vẫn còn hạn chế và ít hơn.

Trong hai năm trở lại đây, dưới sự tác động của thị trường và ảnh hưởng của dịch bệnh cùng nhiều yếu tố khác, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó sử dụng thẻ tín dụng có xu hướng tăng lên.

Tại Việt Nam lưu hành cả hai loại thẻ tín dụng là thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế, tuy nhiên hiện nay thẻ tín dụng quốc tế vẫn chiếm số lượng lớn hơn. 

Doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế trong 6 tháng đầu năm là 219,611 tỷ đồng trong đó thẻ tín dụng quốc tế của hai ngân hàng TPBank và VPBank là cao nhất, lần lượt chiếm 17% và 16%. Số lượng thẻ tín dụng được phát hành đang có xu hướng tăng lên nhưng tỷ lệ thẻ quốc tế vẫn chiếm phần lớn.

Thẻ tín dụng quốc tế

Thẻ tín dụng quốc tế vẫn được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam

Nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng nội địa ngày một cao

Tuy số lượng thẻ tín dụng quốc tế lớn hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng nội địa nhưng nhiều chuyên gia đánh giá thẻ tín dụng nội địa có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Đại dịch Covid 19 đã tác động lớn đến nhu cầu của người dân thời gian qua, trong hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” được NAPAS phối hợp với Báo Lao động tổ chức ngày 11 tháng 3 năm 2022, các báo cáo chỉ ra rằng tính đến ngày 30/6/2021, số lượng thẻ mới phát hành tăng cao, đạt mức 28% và tổng doanh số sử dụng thẻ tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 224.163 tỷ đồng.

Về cơ bản tuy số lượng thẻ tín dụng quốc tế vẫn đang giữ tỷ lệ cao nhưng có thể thấy sự tiềm năng trong thị trường thẻ tín dụng nội địa. Khách hàng ngày một quan tâm đến các sản phẩm nội địa và tin tưởng sử dụng chúng.

Báo cáo từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đã chỉ ra rằng tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, cả nước có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa, tăng 50% về số lượng so với năm 2019. Cả nước hiện có 475.000 thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành, tăng 61.7% so với thời điểm cuối năm 2019. Mức tăng trưởng của thẻ tín dụng nội địa so với thẻ quốc tế cao hơn 17.18%/năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng thẻ tín dụng nội địa sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới. Ưu thế về mặt giá thành, chi phí và có thể tiếp cận với đại đa số người dùng, tăng tỷ lệ sử dụng của loại thẻ này trên thực tế. 

Dự đoán của nhiều chuyên gia và cả thực tế cho thấy, thẻ tín dụng nội địa sẽ còn rất nhiều “đất” để phát triển trong một thị trường tiềm năng như Việt Nam.

Thẻ tín dụng nội địa

Thẻ tín dụng nội địa được kỳ vọng là xu hướng sử dụng thẻ tín dụng mới trong tương lai

Xu hướng sử dụng thẻ tín dụng làm thay đổi thói quen chi tiêu

Sự xuất hiện của thẻ tín dụng nói riêng và thẻ ngân hàng nói chung có nhiều tác động đến thói quen tiêu dùng của người dân. Từ chỗ chỉ sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, giờ đây người dân có xu hướng chuyển sang các hình thức thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong 2 năm gần đây. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) thì hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong quý I năm 2021 có mức tăng khá.

Trong đó, thanh toán, giao dịch qua internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu lượt với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, giao dịch qua QR code đạt 5,3 triệu lượt với giá trị lên đến 4,479 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thanh toán qua nền tảng chuyển đổi số, đặc biệt là thẻ tín dụng càng cho thấy vai trò và sự tiện lợi của nó.

Các ưu đãi, tiện ích của thẻ tín dụng như hoàn tiền, đổi quà hay tích điểm vừa đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng vừa khuyến khích người dân sử dụng hình thức thanh toán này nhiều hơn.

Mới đây Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2025. 

Đề án đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Thẻ tín dụng sẽ là xu hướng thanh toán mới

Theo số liệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, đến hết tháng 6 năm 2021, nước ta có hơn 6,5 triệu thẻ tín dụng được phát hành. So với gần 100 triệu dân thì đây vẫn là một con số khiêm tốn. Dù vậy thì trong tương lai, thẻ tín dụng có thể sẽ là xu hướng thanh toán mới tại nước ta.

Báo cáo nghiên cứu hành vi và thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng của Công ty Nghiên cứu thị trường Mibrand được thực hiện trên 600 người tiêu dùng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021 thì tuy mức độ sử dụng trong thực tế chỉ chiếm 46%, vẫn còn khá thấp nhưng đây vẫn là sản phẩm có nhiều tiềm năng.

Báo cáo này chỉ ra có đến 34% người dùng đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai. Với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, đây thực sự sẽ là một trong những phương tiện có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam.

Việc hiểu rõ xu hướng sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam sẽ giúp cho bạn hiểu thêm các thông tin về thị trường, lựa chọn cho mình phương án thanh toán phù hợp trong tương lai.

Đóng góp bài viết của bạn bằng cách gửi bài viết Tại Đây

TƯ VẤN Thẻ tín dụng

Đánh giá bài viết
Thẻ tín dụng nội địa là xu hướng sử dụng thẻ tín dụng tại Việt Nam trong tương lai
0 0

Bài viết có hữu ích không?

Không
MỞ TÀI KHOẢN TƯ VẤN VIÊN MIỄN PHÍ
Kết nối với khách hàng có nhu cầu chính xác


Bình luận

Hãy Đăng nhập hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận

Nội quy : nhận xét có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu. Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần bị baned nick.

Gửi bình luận
bình luận
Sắp xếp : Mới nhất