Chống trợ cấp là gì? Điều kiện để áp dụng biện pháp chống trợ cấp
Mục lục [Ẩn]
Trước khi tìm hiểu chống trợ cấp là gì, chúng ta cần hiểu về trợ cấp. Trợ cấp theo giải thích tại Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 là sự đóng góp của Chính phủ hoặc bất kỳ tổ chức công nào ở quốc gia có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dưới các hình thức được quy định cụ thể tại Điều 84 của Luật này, đem lại lợi ích cho tổ chức, cá nhân nhận trợ cấp.
Chống trợ cấp là gì?
Thuật ngữ chống trợ cấp được sử dụng khá phổ biến trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và được quy định cụ thể trong Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 của Việt Nam.
Cụ thể căn cứ theo Điều 83 của Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, chống trợ cấp được hiểu là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Chống trợ cấp là gì?
Các biện pháp chống trợ cấp
Đối với biện pháp chống trợ cấp, Khoản 2, Điều 83, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 cũng đã có những quy định cụ thể. Về cơ bản, Khoản 2, Điều 83 quy định về những biện pháp chống trợ cấp như sau:
- Áp dụng thuế chống trợ cấp;
- Cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc của Chính phủ nước sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu;
- Các biện pháp chống trợ cấp khác.
Lưu ý:
- Thuế chống trợ cấp là các khoản thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường mà đối tượng áp dụng là các sản phẩm nước ngoài được trợ cấp vào nước nhập khẩu. Thuế chống trợ cấp còn có tên gọi là thuế đối kháng.
- Việc áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định dựa trên kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra.
- Mức thuế chống trợ cấp tạm thời không được vượt quá mức trợ cấp trong kết luận sơ bộ.
- Thời hạn áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời có hiệu lực.
- Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời nhưng không quá 60 ngày.
(Căn cứ Điều 89, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017)
Các loại trợ cấp bị áp dụng chống trợ cấp
Căn cứ Điều 85, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, các trợ cấp sau đây có thể bị áp dụng biện pháp chống trợ cấp, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam là thành viên có quy định khác. Cụ thể:
- Trợ cấp dựa vào kết quả xuất khẩu.
- Trợ cấp nhằm mục đích ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước hơn hàng hóa nhập khẩu.
- Các trợ cấp làm vô hiệu hoặc ảnh hưởng đến những quyền lợi mà Việt Nam trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Cụ thể gồm những trợ cấp sau đây:
- Chính phủ thực tế chuyển vốn trực tiếp cho tổ chức, cá nhân hoặc nhận nợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân
- Chính phủ bỏ qua hoặc không thu các khoản thu mà tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phải nộp cho Chính phủ
- Chính phủ cung cấp cho tổ chức, cá nhân tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ không phải là cơ sở hạ tầng chung
- Chính phủ mua tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ của tổ chức, cá nhân với giá cao hơn giá thị trường
- Chính phủ bán tài sản, hàng hóa hoặc dịch vụ cho tổ chức, cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường
- Chính phủ góp tiền vào một cơ chế tài trợ, ủy thác, giao hoặc chỉ đạo, yêu cầu tổ chức tư nhân thực hiện một hoặc một số hoạt động trên
- Bất kỳ hình thức hỗ trợ về thu nhập hoặc giá
- Bất kỳ hình thức trợ cấp nào khác không thuộc các quy định trên được xác định dựa trên nguyên tắc công bằng, hợp lý, không trái với điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
Như vậy, những trợ cấp bị áp dụng chống trợ cấp phải thuộc quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
Điều kiện để áp dụng biện pháp chống trợ cấp
Căn cứ vào Điều 86, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định cụ thể, biện pháp chống trợ cấp sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện dưới đây:
- Hàng hóa được xác định có trợ cấp theo quy định (cụ thể là Điều 84 và 85 của Luật này) và mức trợ cấp được xác định cụ thể. Ngoại trừ các trường hợp:
- Nhà sản xuất, xuất khẩu ở các nước phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 1% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam
- Nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước đang phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam
- Nhà sản xuất hoặc xuất khẩu ở các nước kém phát triển có mức trợ cấp không vượt quá 3% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa được trợ cấp theo quy định với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Lưu ý: Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước đang phát triển nếu đáp ứng được các điều kiện dưới đây sẽ được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống trợ cấp:
- Khối lượng hoặc số lượng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước đang phát triển không vượt quá 4% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam
- Tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển không vượt quá 9% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam.
Các vụ điều tra chống trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài
Vụ kiện chống trợ cấp là một quy trình kiện, điều tra, kết luận và áp dụng biện pháp chống trợ cấp do nước nhập khẩu thực hiện với hàng hóa nhập nhập khẩu nếu có nghi ngờ rằng hàng hóa đó được trợ cấp và gây thiệt hại cho ngành sản xuất mặt hàng tương tự trong nước. Đây không phải là thủ tục tố tụng tại Tòa án mà là một thủ tục hành chính do nước nhập khẩu thực hiện.
Dưới đây là thông tin cập nhật mới nhất về một số vụ điều tra chống trợ cấp đối với hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước ngoài:
Sản phẩm |
Nước khởi kiện |
Thời gian khởi kiện |
Ván sợi bằng gỗ |
Ấn Độ |
11/5/2019 |
Tháp gió |
Mỹ |
29/7/2019 |
Dây đồng |
Ấn Độ |
0/9/2018 |
Ống thép không gỉ |
Ấn Độ |
9/8/2018 |
Thép cuộn cán nguội |
Canada |
25/5/2018 |
Bao và túi đóng hàng dệt từ polyetylen |
Mỹ |
28/3/2018 |
Khớp nối ống bằng đồng |
Canada |
27/10/2017 |
Thép mạ kẽm |
Australia |
7/10/2016 |
Nhôm ép |
Australia |
16/8/2016 |
Ống thép dẫn dầu |
Canada |
21/7/2014 |
Đinh thép |
Mỹ |
19/6/2014 |
Sợi Polyester |
EU |
19/12/2013 |
Tôm nước ấm đông lạnh |
Mỹ |
17/1/2013 |
Mắc áo thép |
Mỹ |
18/1/2012 |
Ống thép cuộn cacbon |
Mỹ |
22/11/2011 |
Túi nhựa PE |
Mỹ |
31/3/2009 |
Như vậy việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp sẽ được áp dụng khi hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam, gây thiệt hại lớn hoặc đe dọa đến ngành sản xuất trong nước.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất