Công ước SOLAS quy định về nội dung gì?
Mục lục [Ẩn]
Công ước SOLAS là gì?
Công ước SOLAS (The International Convention of the Safety of Life at Sea) tên đầy đủ là Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển. Đây là hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực hàng hải quốc tế liên quan đến tàu buôn.
Công ước SOLAS là văn kiện quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực hàng hải
Về quá trình hình thành, Công ước SOLAS lần đầu tiên được thông qua vào năm 1914, sau đó đến các công ước tiếp theo vào năm 1929, 1948 và 1960. Phiên bản công ước năm 1960 đã được tiến hành sửa đổi 6 lần sau khi có hiệu lực vào năm 1965, cụ thể là vào năm 1966, 1967, 1969, 1971 và 1973.
Phiên bản công ước hiện tại là phiên bản được ký kết vào tháng 3/1973, được thông qua vào ngày 01/11/1974 do đó thường được gọi là Công ước SOLAS 1974 và chính thức có hiệu lực vào ngày 25/5/1980. Đây là công ước hoàn toàn mới được xây dựng dựa trên những sửa đổi của công ước trước và các nội dung mới.
Ngoài những nội dung được tổng hợp, sửa đổi các nội dung ở các công ước cũ cho phù hợp với thực tế, điểm đột phá quan trọng nhất của Công ước SOLAS 1974 là việc hiện đại hóa các quy định để phản ánh sự phát triển của khoa học, công nghệ trong ngành công nghiệp hàng hải.
Mục đích và phạm vi áp dụng của công ước SOLAS
* Mục đích
Mục đích quan trọng nhất của Công ước SOLAS đề cập đến các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc xây dựng, thiết bị và hoạt động của tàu, tương thích với sự an toàn của tàu và quan trọng nhất là để bảo đảm an toàn cho con người trên biển, bao gồm cả chủ tàu, thuyền viên và hành khách.
* Phạm vi áp dụng
Tuy là hiệp ước quan trọng điều chỉnh về tàu thuyền nhưng Công ước SOLAS 1974 vẫn có những hạn chế nhất định, không áp dụng đối với các loại tàu sau (trừ khi có quy định khác ở các chương kỹ thuật từ Chương II đến Chương XII):
- Tàu quân sự và tàu chiến khác
- Tàu hàng có tổng dung tích GT < 500
- Tàu có thiết bị đẩy không phải cơ giới
- Tàu gỗ có kết cấu thô sơ
- Tàu du lịch không tham gia vào hoạt động thương mại
- Tàu cá
Công ước SOLAS không áp dụng đối với tàu chiến
Nội dung cơ bản của Công ước SOLAS
Về kết cấu, công ước SOLAS 1974 bao gồm 14 chương, bao gồm:
- Chương I: Quy định chung
- Chương II-1: Xây dựng - Phân khu và ổn định, máy móc và lắp đặt điện
- Chương II-2: Phòng cháy chữa cháy, phát hiện cháy và dập lửa
- Chương III: Phương tiện cứu sinh và bố trí cứu sinh
- Chương IV: Thông tin vô tuyến
- Chương V: An toàn hàng hải
- Chương VI: Vận chuyển hàng hóa
- Chương VII: Vận chuyển hàng nguy hiểm
- Chương VIII: Tàu hạt nhân
- Chương IX: Quản lý đối với hoạt động an toàn của tàu
- Chương X: Các biện pháp an toàn cho tàu cao tốc
- Chương XI-1: Các biện pháp đặc biệt để tăng cường an toàn hàng hải
- Chương XI-2: Các biện pháp đặc biệt để tăng cường an ninh hàng hải
- Chương XII: Các biện pháp an toàn bổ sung đối với tàu chở hàng rời
- Chương XIII: Xác minh sự tuân thủ
- Chương XIV: Các biện pháp an toàn cho tàu cho tàu hoạt động ở vùng biển cực
Về cơ bản, các chương của Công ước SOLAS đều đề cập và đưa ra các quy chuẩn trong việc thiết kế, xây dựng tính ổn định vững chắc của tàu thuyền như tàu khách, tàu chở hàng… Ngoài ra còn đề cập đến quy trình lắp đặt máy móc, phòng chống cháy nổ, thiệt hại và các phương tiện cứu sinh, thông tin liên lạc và an toàn hàng hải cho cả hàng hóa và con người.
Nội dung của công ước SOLAS được thay đổi sao cho phù hợp và bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Thực tế thực thi Công ước Solas tại Việt Nam
Không cần phải nghi ngờ trước những ảnh hưởng của Công ước SOLAS đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Đối với Việt Nam, Công ước SOLAS là cơ sở để triển khai xây dựng và nâng cấp hệ thống Đài thông tin duyên hải từ năm 1998 để cung cấp các dịch vụ cho ngành hàng hải. Đây cũng cũng là cơ sở để Việt Nam triển khai các biện pháp an toàn sinh mạng trên biển.
Đối với một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000 km như Việt Nam, đây là một trong những công ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng. Sau khi là thành viên chính thức của Công ước SOLAS 1974, Chính phủ đã thành lập các đơn vị chuyên trách về tìm kiếm cứu nạn, trong đó đứng đầu là Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn được thành lập.
Tàu thuyền phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật theo Công ước SOLAS, Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản khác.
Sức khỏe và an toàn tính mạng của thuyền viên cũng được chú trọng, theo đó chủ tàu biển có trách nhiệm mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và bảo hiểm bắt buộc theo quy định cho thuyền viên trong quá trình làm việc trên tàu.
Các tiêu chuẩn và nội dung của công ước SOLAS đều được Việt Nam chú trọng và thực hiện đầy đủ, bảo vệ tối đa quyền lợi của thuyền viên, chủ tàu và cả hành khách.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất