Chuyển đổi số ngân hàng là gì? Quy trình chuyển đổi số ngành ngân hàng
Mục lục [Ẩn]
Chuyển đổi số ngành ngân hàng là gì?
Chuyển đổi số ngành ngân hàng không chỉ đơn giản là việc ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, chuỗi khối…mà còn là cả quá trình thay đổi phương thức quản lý, điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và môi trường văn hóa lĩnh vực ngân hàng trên nền tảng công nghệ số để tạo ra những giá trị mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng.
Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm các công nghệ như: định danh điện tử (e-KYC), sinh trắc học, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu (data analytics), công nghệ tài chính (Fintech), điện toán đám mây, chuỗi khối…
Quá trình chuyển đổi số thường được chia theo 3 giai đoạn bao gồm: Số hóa thông tin (Digitization), số hóa quy trình (Digitalization), số hóa toàn diện (Digital Transformation).
Chuyển đổi số ngân hàng trở thành xu hướng trong vài năm trở lại đây
Các lợi ích khi chuyển đổi số ngân hàng
Khi thực hiện chuyển đổi số, các tổ chức tài chính sẽ nhận được các lợi ích như sau:
- Cải thiện bảo mật: Nhờ quá trình mã hóa dữ liệu, quá trình chuyển đổi số ngân hàng sẽ giảm thiểu tối đa trường hợp rò rỉ thông tin từ đó tăng tính an toàn, bảo mật khi thực hiện các giao dịch
- Gia tăng khả năng quản trị rủi ro: Sự ra đời của các công nghệ xác thực được hỗ trợ bằng công nghệ giúp tỉ lệ chính xác đạt 100%. Đồng thời các hệ thống phát hiện gian lận giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sai sót trong khi thực hiện giao dịch đối với cả khách hàng lẫn nhân viên ngân hàng.
- Mang tới trải nghiệm cá nhân hóa: Với mục tiêu lấy khách hàng làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số giúp ngân hàng thu thập dữ liệu khách hàng trên quy mô lớn từ đó phân tích hành vi khách hàng, dự báo các xu hướng mới và đón đầu tạo ra những trải nghiệm khiến khách hàng thích thú. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ mới còn giúp tăng cường sự tương tác của khách hàng với các dịch vụ được cá nhân hóa.
- Tự động hóa các tác vụ thủ công: Sự đổi mới khi chuyển đổi số sẽ giúp tự động hóa một số tác vụ lặp lại và thủ công. Từ đó, gia tăng năng suất tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công. Đồng thời, giảm thiểu tối đa sai sót trong quá trình thực hiện, kiểm tra và đối chiếu các giao dịch.
- Khả năng linh hoạt, tùy biến cao: Nhiều ứng dụng, kênh thông tin tích hợp công nghệ số ra đời giúp các ngân hàng có cơ hội tiếp cận và đến gần hơn với khách hàng.
Quy trình chuyển đổi số ngân hàng
Để quá trình chuyển đổi số được diễn ra mạnh mẽ và nhanh nhất các ngân hàng có thể thực hiện theo các bước sau đây
- Bước 1: Đánh giá quá trình sử dụng công nghệ của ngân hàng
Đầu tiên, các ngân hàng cần đánh giá được chi phí và hiệu quả hoạt động của các ứng dụng và công nghệ cần có. Từ đó nhận ra những yếu kém và đưa ra giải pháp khắc phục. Với sự hỗ trợ của công nghệ số, các ngân hàng hoàn toàn có thể phát hiện các vấn đề trong quá trình vận hành từ đó giảm thiểu tối đa chi phí.
- Bước 2: Tinh gọn bộ máy cơ sở hạ tầng, ứng dụng và quy trình
Các hoạt động duy trì của hệ thống công nghệ dư thừa hay ít sử dụng khiến chi phí hoạt động cho ngân hàng gia tăng, trì trệ khả năng đổi mới. Việc đơn giản hóa cơ sở hạ tầng, ứng dụng và xây dựng quy trình khoa học sẽ giúp tái cơ cấu mô hình ngân hàng số toàn diện.
- Bước 3: Ứng dụng các nền tảng module để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Dựa vào mục tiêu kinh doanh và tốc độ hiện đại hóa, các ngân hàng có thể lựa chọn module và giao diện lập trình ứng dụng phù hợp.
- Bước 4: Triển khai ứng dụng dựa trên kinh nghiệm có được
Dựa vào những hiểu biết và nghiên cứu về hành vi khách hàng, các ngân hàng có thể đổi mới các dịch vụ và gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Các nền tảng khoa học phân tích dữ liệu sẽ góp phần đơn giản và tối ưu hóa việc áp dụng dữ liệu lớn thông qua cung cấp các giải pháp phân tích tích hợp sanwx
- Bước 5: Đi tiên phong trong hỗ trợ các mô hình kinh doanh, danh mục sản phẩm và kênh phân phối
Sự ra đời của các ứng dụng ngân hàng mới, thông minh và mang lại nhiều tiện ích cho người dùng sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc đua phát triển ngân hàng số.
Ứng dụng công nghệ số phổ biến trong ngành ngân hàng
Thanh toán điện tử
Các thủ tục, quy trình truyền thống rườm rà được thay thế bằng các giải pháp thanh toán điện tử như cổng thanh toán điện tử, thẻ hoặc ví điện tử. Phương thức này giúp mang lại sự tiện lợi, đơn giản và gia tăng tối đa tính bảo mật. Đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành cho ngân hàng.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
AI được vận dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có ngân hàng điển hình là các ứng dụng như Chatbot, chống rửa tiền, chấm điểm tín dụng, phát hiện gian lận, bảo mật thông tin, quản lý tài sản và danh mục đầu tư. Đặt biệt, công nghệ AI ứng dụng trong việc thực hiện các giao dịch mở tài khoản, chuyển khoản…thông qua giải pháp định danh điện tử eKYC. Tuy nhiên, khi triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngân hàng sẽ phải đối mặt với các vấn đề như chi phí đầu tư cao, nguồn nhân lực hạn chế, tính bảo mật dữ liệu và sự phức tạp của các thuật toán.
Công nghệ sinh trắc văn học
Hiện tại, những thử nghiệm sinh trắc học đối với thanh toán thẻ cũng đã được thực hiện. Một trong những phát triển ở mảng này cần kể đến thẻ EMV sinh trắc học với công nghệ nhận diện vân tay. Công nghệ này đã và đang thay thế mã PIN và mật khẩu - hai hình thức xác minh truyền thống có thể trở nên lỗi thời trong vòng vài năm tới.
Dữ liệu lớn (Big Data)
Quy trình khai thác Big Data hỗ trợ quá trình theo dõi và đánh giá khách hàng của các ngân hàng. Với công nghệ này, các ngân hàng hoàn toàn có thể theo dõi hành vi của khách hàng, xác định các nguồn dữ liệu cần thiết để đưa ra giải pháp. Một số ứng dụng của Big Data trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm: phân tích các thói quen chi tiêu của khách hàng, tìm phân khúc khách hàng và thẩm định hồ sơ, nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua xây dựng hệ thống thu thập các phản hồi của khách hàng và phân tích chúng, phát hiện và ngăn chặn hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, kiểm soát đánh giá và nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên.
Công nghệ bảo mật
Nhận thức được tầm quan trọng của bảo mật thông tin của khách hàng cũng như ngân hàng, nhiều ngân hàng đã triển khai các giải pháp công nghệ như:
- Công nghệ định danh eKYC với hàng rào công nghệ tiên tiến chống lại giả mạo khuôn mặt, đảm bảo tính bảo mật của tài khoản đến 2 cấp độ.
- Sử dụng công nghệ đám mây thay thế cho công nghệ lưu trữ truyền thống tăng cường bảo mật tối đa khi lưu trữ và quản lý dữ liệu.
- Xây dựng và phát triển hệ thống Core banking (phần mềm ngân hàng lõi). Đây là công nghệ bảo mật, quản lý rủi ro tại các ngân hàng.
Chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho sự phát triển của ngân hàng
Thực trạng chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam hiện nay
Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam luôn được chú trọng. Theo báo cáo của Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước tại một buổi tọa đàm về chuyển đổi số ngân hàng, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã thu được những thành quả rất tích cực. Tính đến nay Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế đã mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị. Trong đó:
- Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số;
- Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30 - 40%
Những con số này đã phần nào phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số.
Trước đó vào đầu tháng 8/2022, trong sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo, đường lối cụ thể về vấn đề liên quan đến chuyển đổi số ngân hàng. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh xu thế tất yếu của chuyển đổi số trong sự phát triển kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Trong đó, ngành ngân hàng với đầy đủ những điều kiện cần thiết để đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập đến những khó khăn thách thức trong quá trình chuyển đổi số như việc định danh, xác nhận điện tử chưa được triển khai hiệu quả, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, tội phạm công nghệ ngày càng nhiều thủ đoạn...
Liên quan đến vấn đề này, theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng trên báo chí, dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên theo ông, quá trình chuyển đối số còn mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài. Cụ thể, hiện trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai được.
Trong khi đó, đánh giá về quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng, quá trình này đang có nhiều thách thức mà các ngân hàng phải đổi mặt. Theo đó:
- Hành lang pháp lý còn thiếu và không đồng bộ.
- Vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn
- Chuyển đổi số cần nhiều thời gian để đào tạo nhân sự
- Những vụ lừa đảo, tấn công trên không gian mạng. Kẻ gian đã bằng nhiều chiêu trò khác nhau tấn cho vào tài khoản ngân hàng, bởi vậy mà luôn có rủi ro mất tiền
- Nhận thức của khách hàng về chuyển đổi số, sử dụng các sản phẩm số chưa theo kịp với công nghệ phát triển.
Hiện nay để giải quyết các vấn đề khó khăn nói trên, ngành ngân hàng đang xây dựng và trình Chính phủ 2 nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101 và Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Chuyển đổi số ngân hàng là một bài toán dài hạn cần có sự đầu tư về thời gian công sức mang lại sự khác biệt to lớn trong quá trình phát triển của mỗi ngân hàng. Các ngân hàng cần có sự quan tâm đúng mức, đưa mục tiêu phát triển công nghệ số trở thành một trong những mục tiêu tối quan trọng của ngân hàng.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất