Cách làm lại thẻ bảo hiểm y tế bị rách mới nhất hiện nay
Mục lục [Ẩn]
Bảo hiểm y tế là một loại hình bảo hiểm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Người tham gia BHYT sẽ được cấp thẻ BHYT chứa mã số thẻ, làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về BHYT theo quy định pháp luật. Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế. Vậy những trường hợp thẻ BHYT bị rách thì xử lý ra sao? Hãy cùng chúng tôi đi tìm hiểu vấn đề này.
Thẻ bảo hiểm y tế bị rách, bị mất có làm lại được không?
Trường hợp thẻ BHYT bị rách
Theo điểm a khoản 1 Điều 19 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH 2014 ngày 10/07/2014 hợp nhất Luật Bảo hiểm Y tế (Hợp nhất Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 ngày 13/06/2014) quy định về một trong các trường hợp đổi thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:
- Rách, nát hoặc hỏng;
Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
Trường hợp thẻ BHYT bị mất
Căn cứ Khoản 1 Điều 18 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 quy định thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.
Như vậy, thẻ bảo hiểm y tế bị rách hoặc bị mất hoàn toàn có thể làm lại theo quy định của pháp luật.
Cập nhật ngay những kiến thức cơ bản về bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi khi tham gia.
Việc đổi thẻ bảo hiểm y tế không ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia
Hướng dẫn làm lại thẻ bảo hiểm y tế bị rách, bị mất
Hồ sơ làm lại thẻ
Theo khoản 4 Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 quy định về hồ sơ làm lại thẻ bảo hiểm y tế khi bị rách, bị mất như sau:
Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT
4. Cấp lại, đổi thẻ BHYT
4.1. Thành phần hồ sơ
a) Người tham gia
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có) theo phụ lục 03.
b) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
4.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Nơi làm lại thẻ
Theo Khoản 3, Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 về "Ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế" quy định:
Điều 3. Phân cấp quản lý
3. Cấp thẻ BHYT
3.1. BHXH huyện: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện thu.
3.2. BHXH tỉnh: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tại các đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu và người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh.
4. BHXH tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để phân cấp thu cho BHXH huyện, từ năm 2019 trở đi phân cấp tối thiểu 90% tổng số đơn vị quản lý.
=> Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bạn có trách nhiệm nhận hồ sơ và cấp lại thẻ BHYT cho bạn.
Quy trình cấp lại thẻ
Để nhanh chóng được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế nếu chẳng may thẻ bị rách hoặc mất, người tham gia cần làm theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ theo hướng dẫn ở trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nếu người tham gia BHYT thuộc đối tượng do BHXH huyện thu. Hoặc nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nếu người tham gia BHYT thuộc đối tượng do BHXH tỉnh trực tiếp thu. Sau đó bạn sẽ nhận được phiếu hẹn ngày đến nhận thẻ.
Bước 3: Nếu hồ sơ của bạn đủ điều kiện thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT cho bạn. Đến ngày hẹn bạn đến nơi nộp hồ sơ để nhận lại thẻ BHYT.
Theo Khoản 2, Điều 30 Quyết định 595 quy định thời hạn cấp thẻ BHYT như sau:
Nếu không thay đổi thông tin: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Nếu thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Như vậy, bạn có thể được thẻ bảo hiểm y tế ngay trong ngày nếu không thay đổi thông tin.
Nơi cấp lại thẻ là cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện
Làm lại thẻ BHYT bị rách, bị mất online được không?
Hiện nay bạn có thể làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT bị rách, bị mất online bằng cách thực hiện theo hướng dẫn dưới đây:
Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia TẠI ĐÂY.
Bước 2: Với những bạn chưa có tài khoản thì thực hiện đăng ký theo hướng dẫn dưới đây:
- Chọn “Đăng ký” ở góc bên phải phía trên màn hình.
- Chọn phương thức đăng ký là “Công dân”, chọn logo BHXH để đăng ký:
- Điền các thông tin cần thiết như: Tên đăng nhập (Số CMT/CCCD), Mã bảo hiểm xã hội, Họ tên, Ngày sinh, Số điện thoại, Email (Không bắt buộc), Nhập mã xác thực. Sau đó chọn “Đăng ký”.
Bước 3: Thực hiện đăng nhập tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia bằng cách nhập các thông tin như CMT/CCCD, Mật khẩu, Mã xác minh. Sau đó bạn cần nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký để hoàn tất việc đăng nhập.
Bước 4: Chọn “Thông tin và dịch vụ” >> Chọn “Dịch vụ công trực tuyến”.
Bước 5: Chọn mục “Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất” >> Chọn “Danh sách dịch vụ công”.
Bước 6: Trong phần "Cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất" chọn “Nộp trực tuyến”
Bước 7: Nhập “Mã số Bảo hiểm xã hội” và “Mã kiểm tra”, chọn “Tra cứu”, và nhập các thông tin còn thiếu để hoàn tất quá trình làm thủ tục.
Lưu ý: Bạn có quyền lựa chọn địa chỉ nhận hồ sơ tại “Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả” hoặc nhận “Qua dịch vụ bưu chính” sao cho thuận tiện nhất.
Bước 8: Nhập “Mã kiểm tra” và chọn mục “Xác nhận” sau đó bạn sẽ nhận được thông báo các nhận và hẹn ngày trả kết quả từ cơ quan bảo hiểm xã hội qua số điện thoại đăng ký.
Có được hưởng quyền lợi BHYT trong thời gian cấp lại thẻ không?
Theo khoản 3 điều 8, Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:
Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
=> Như vậy trong thời gian cấp lại bảo hiểm y tế, khách hàng vẫn được hưởng các quyền lợi như bình thường trên thẻ BHYT nếu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định.
Xem thêm: Các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế.
Bao lâu thì lấy bảo hiểm y tế đã làm lại mới?
Điều 30 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/04/2017 quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế như sau:
Điều 30. Cấp thẻ BHYT
1. Cấp mới: Không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Riêng đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp: Không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2. Cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế
2.1. Trường hợp không thay đổi thông tin: Không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 01/01/2019 trở đi: Trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2.2. Trường hợp thay đổi thông tin: Không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2.3. Trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Thẻ bảo hiểm y tế bị rách hoặc mất sẽ được đổi lại dễ dàng theo quy định mới nhất hiện nay. Đặc biệt trong thời gian chờ đổi thẻ mọi quyền lợi bảo hiểm y tế của bạn vẫn được giữ nguyên và có thể sử dụng khi cần thiết.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất