Cập nhật chế độ bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài
Mục lục [Ẩn]
Theo Wikipedia, Bảo hiểm xã hội (BHXH) là sự đảm bảo thay thế được bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất, dựa trên cơ sở một quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, có sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Bảo hiểm xã hội là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội ở mỗi nước.
Bởi thế mà bảo hiểm xã hội vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống an sinh của xã hội và đất nước hiện nay. Mọi người lao động khi tham gia làm việc tại các công ty, các doanh nghiệp mọi người đều đòi quyền lợi về chế độ Bảo hiểm xã hội cho riêng mình.
Đối với người nước ngoài, mức đóng và chế độ BHXH được tính như thế nào? Hãy cùng Thebank tìm hiểu kỹ vấn đề này sau đây.
Đối tượng tham gia BHXH cho người nước ngoài là những ai?
Căn cứ vào Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, bảo hiểm xã hội cho người nước ngoài gồm những đối tượng sau:
- Có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
- Có Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Ngoại trừ:
- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật của doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện, và được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước ít nhất 12 tháng.
- Đã đủ tuổi nghỉ hưu (nam đủ 60 tuổi 03 tháng, nữ đủ 55 tuổi 04 tháng).
Mức đóng BHXH cho người nước ngoài
Căn cứ vào Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015, Luật BHXH 2014, Luật việc làm 2013, Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Nghị định 44/2017/NĐ-CP, Nghị định 143/2018/NĐ-CP, Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức đóng BHXH bắt buộc [đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (HT); quỹ ốm đau, thai sản (ÔĐ); quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quỹ bảo hiểm y tế (BHYT)] hàng tháng, người lao động nước ngoài và đơn vị sử dụng lao động nước ngoài phải đóng như sau:
Thời điểm đóng |
Người sử dụng lao động | Người lao động | ||
Ốm đau, thai sản | Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp | Hưu trí, tử tuất | Hưu trí, tử tuất | |
Từ 1/12/2018 | 3% |
0,5% |
||
Từ 1/1/2022 | 3% | 0,5% | 14% | 8% |
Lưu ý:
- Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động, tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.
- Người lao động giao kết hợp đồng với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng BHXH bắt buộc thì chỉ đóng BHXH với hợp đồng đầu tiên. Riêng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì phải đóng theo từng hợp đồng đã giao kết.
Người lao động, không phân biệt lao động Việt Nam hay lao động nước ngoài, nếu thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều phải làm tròn nghĩa vụ này.
Từ ngày 01/01/2018, lao động người nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Chế độ BHXH cho người nước ngoài
Theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động nước ngoài được hưởng chế độ BHXH bắt buộc tương tự như lao động trong nước. Cụ thể như sau:
Chế độ ốm đau
Căn cứ Điều 6 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và điều 25, 26, 27, 28 Luật BHXH 2014 đã nêu rõ về điều kiện hưởng, thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau:
Điều kiện hưởng chế độ ốm đau:
"1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau."
Đọc thêm: Chế độ BHXH con ốm cho người lao động
Thời gian hưởng chế độ ốm đau:
- Tối đa 60 ngày nếu làm việc trong điều kiện bình thường;
- Tối đa 70 ngày nếu làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Tối đa 180 ngày nếu mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
Trường hợp hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong năm mà chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Mức hưởng chế độ ốm đau:
Lao động nước ngoài ốm đau được hưởng tối đa 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Đọc ngay: Cách tính bảo hiểm xã hội khi ốm đau
Chế độ thai sản
Căn cứ Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và điều 31, 32, 33, 34, 36, 37, 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động đã nêu rõ về điều kiện hưởng, thời gian và mức hưởng chế độ thai sản:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản:
Gồm các trường hợp sau:
- “a) Lao động nữ mang thai;
- b) Lao động nữ sinh con;
- c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.”
Thời gian hưởng chế độ thai sản:
- Khi có thai: Nghỉ 05 ngày đi khám thai;
- Khi thai có vấn đề: Nghỉ tối đa 50 ngày;
- Khi sinh con: Nghỉ 06 tháng;
- Khi tránh thai: Nghỉ đến 15 ngày.
Mức hưởng chế độ thai sản:
- Tiền trợ cấp một lần: 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
- Tiền thai sản hàng tháng: 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc.
Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Điều 8 Nghị định 143/2018/NĐ-CP và điều 45, 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52 Luật BHXH 2014 đã nêu rõ về điều kiện hưởng, mức hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ và BNN:
Điều kiện được hưởng:
- Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:
- Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc
- Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động, hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
- Bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn
- Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
- Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên
Mức hưởng chế độ:
- Mức hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN như sau:
- Trợ cấp một lần (suy giảm từ 5% - 30%): Suy giảm 5% được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
- Trợ cấp hàng tháng (suy giảm từ 31% trở lên): Suy giảm 31% được hưởng 30% mức lương cơ sở, cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
- Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình: Tùy theo tình trạng thương tật tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể.
- Trợ cấp phục vụ (ngoài khoản trợ cấp hàng tháng): Mức hưởng bằng mức lương cơ sở nếu bị suy giảm từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù hai mắt, cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần.
- Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật:
- Được nghỉ tối đa 10 ngày;
- Được hưởng 25% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại gia đình; 40% mức lương cơ sở/ngày nếu nghỉ tại cơ sở tập trung.
- Trợ cấp khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Chế độ hưu trí
Căn cứ Điều 9 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, chế độ hưu trí cho người lao động được quy định như sau:
- Lương hưu hàng tháng:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
- Trợ cấp một lần (đối với người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%): Mức trợ cấp tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
- BHXH một lần (áp dụng với một số trường hợp nhất định): Mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Chế độ tử tuất
Căn cứ Điều 10 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, chế độ tử tuất người lao động được hưởng khi đóng BHXH bắt buộc là:
Trợ cấp mai táng: Mức trợ cấp bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động chết.
Trợ cấp tuất hàng tháng (áp dụng đối với một số trường hợp nhất định): Mức trợ cấp đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp bằng 70% mức lương cơ sở.
Trợ cấp tuất một lần:
- Đối với người đang hưởng lương hưu chết:
- Nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì được 48 tháng lương hưu đang hưởng;
- Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
- Đối với các trường hợp còn lại, cứ mỗi năm đóng BHXH tính bằng:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Qua những thông tin trên có thể thấy Pháp luật hiện hành đang tạo điều kiện tốt nhất để lao động nước ngoài làm việc và cống hiến tại Việt Nam, không có bất kì sự phân biệt đối xử nào.
Mức hưởng trợ cấp BHXH 1 lần
Thủ tục tham gia BHXH lần đầu cho người nước ngoài
Về cơ bản, thủ tục đóng BHXH cho công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng một số biểu mẫu tương tự đối với lao động trong nước. Tuy nhiên, đơn vị sử dụng lao động cần lưu ý một số quy định đặc biệt:
- Người sử dụng lao động cần chuẩn bị:
- Mẫu TK3-TS: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin ban hành theo Quyết định 595/QĐ-BHXH.
- Mẫu D02-TS: Danh sách kê khai báo tăng lao động nước ngoài tham gia BHXH.
- Người lao động nước ngoài cần chuẩn bị:
-
Mẫu TK1-TS: Tờ kê khai tham gia, điều chỉnh thông tin tham gia BHXH (chỉ được dùng khi chưa được cấp mã BHXH).
Lưu ý: Khi điền thông tin, các trường dữ liệu về họ tên, quốc gia, giới tính phải được ghi theo phiên âm quốc tế. Hồ sơ cá nhân đính kèm là bản đã được dịch sang tiếng Việt và có chứng thực hợp lệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đọc thêm: Những thay đổi về BHXH năm 2021
Luật bảo hiểm xã hội không chỉ giúp giúp bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam mà còn bảo vệ quyền lợi cho đối tượng không phải công dân Việt Nam nhưng làm việc và công tác tại Việt Nam. Các lao động người nước ngoài cần nắm được các thông tin về mức đóng và các chế độ BHXH để bảo vệ quyền lợi của mình.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất