Đóng bảo hiểm xã hội cho người khuyết tật: Giải pháp an sinh xã hội hiệu quả
Mục lục [Ẩn]
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật hoặc Hội đồng giám định y khoa thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.
Tầm quan trọng của BHXH đối với người khuyết tật và xã hội
BHXH nhằm ổn định cuộc sống người lao động khuyết tật, trợ giúp lao động người khuyết tật trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, khi người khuyết tật bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp... sẽ được hỗ trợ điều trị sớm trở lại trạng thái sức khỏe tốt, cũng như sớm có việc làm. Người khuyết tật đã yếu thế so với các lao động bình thường khác, kinh tế khó khăn, bất ổn định nên tham gia BHXH lại càng cần thiết.
Thứ hai, thực hiện tốt chính sách BHXH, nhất là chế độ hưu trí, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khuyết tật khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Với nguồn lương hưu và trợ cấp BHXH, lao động người khuyết tật có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Hiện nay, theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn, người khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định khi nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên và có đủ 15 năm đóng BHXH trở lên.
Thứ ba, BHXH góp phần ổn định và nâng cao chất lượng lao động, bảo đảm sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động khuyết tật trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thuê mướn và sử dụng lao động khuyết tật giúp người khuyết tật được hòa nhập và đóng góp khả năng lao động vào sự phát triển của đất nước.
Thứ tư, BHXH là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập quốc dân một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Xem thêm: Khi nào được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người tử tuất
Cập nhật thông tin mới nhất:
Người khuyết tật
Chế độ và mức hưởng BHXH cho người khuyết tật
Người khuyết tật có bảo hiểm xã hội cần đi giám định mức suy giảm để nhận được mức trợ cấp chính xác và đảm bảo quyền lợi của mình.
Xác định mức độ khuyết tật
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP mức độ khuyết tật được xác định như sau:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%
c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
Chế độ và mức hưởng BHXH cho người khuyết tật
Căn cứ vào Luật người khuyết tật năm 2010 từ điều 44 đến điều 46 quy định về chế độ và mức hưởng BHXH cho người khuyết tật như sau:
Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này.
b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó.
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng.
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Điều 45. Nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Người khuyết tật đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Nhà nước cấp kinh phí nuôi dưỡng người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này cho các cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm:
a) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;
b) Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày;
c) Mua thẻ bảo hiểm y tế;
d) Mua thuốc chữa bệnh thông thường;
đ) Mua dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng;
e) Mai táng khi chết;
g) Vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với người khuyết tật là nữ.
3. Chính phủ quy định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và kinh phí quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 46. Chế độ mai táng phí
Người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết. Chính phủ quy định mức hỗ trợ chi phí mai táng.
Lưu ý: Đối với người nhận chăm sóc người khuyết tật nặng Điều 19 Nghị định 28/2012/NĐ-CP cho biết quy định điều kiện đối với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Có chỗ ở ổn định và không thuộc diện hộ nghèo. 2. Có sức khỏe để thực hiện chăm sóc người khuyết tật. 3. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. 4. Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích. 5. Có kỹ năng để chăm sóc người khuyết tật. |
Tóm lại: Các chế độ được hưởng của BHXH cho người khuyết tật bao gồm:
Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, nuôi dưỡng người khuyết tật trong cơ sở bảo trợ xã hội, chế độ mai táng phí.
Thủ tục nhận trợ cấp BHXH cho người khuyết tật
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 20 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định về thủ tục nhận trợ cấp hằng tháng như sau:
Đối với trường hợp đề nghị trợ cấp xã hội hồ sơ bao gồm:
a) Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu;
d) Bản sao Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân;
đ) Bản sao Quyết định của cơ sở chăm sóc người khuyết tật về việc chuyển người khuyết tật về gia đình đối với trường hợp đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội;
e) Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con đang nuôi dưới 36 tháng tuổi đối với trường hợp đang mang thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đối với trường hợp đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc với gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng hồ sơ sẽ bao gồm:
a) Tờ khai thông tin hộ gia đình theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu;
d) Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội hoặc bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.
Đối với trường hợp đề nghị hỗ trợ kinh phí chăm sóc với người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng hồ sơ bao gồm:
a) Đơn của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) về đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định tại Điều 19 Nghị định này;
b) Tờ khai thông tin người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Bản sao Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân của người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc;
d) Tờ khai thông tin của người khuyết tật theo mẫu quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ) Bản sao Sổ hộ khẩu của hộ gia đình người khuyết tật, nếu có;
e) Bản sao Giấy xác nhận khuyết tật;
g) Bản sao Quyết định trợ cấp xã hội hàng tháng của người khuyết tật đối với trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội.
Cập nhật thông tin mới nhất:
Người khuyết tật chủ yếu làm các công việc giản đơn và mang tính chất thời vụ
Đối với trường hợp hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi theo quy định hồ sơ bao gồm:
a) Trường hợp người khuyết tật chưa được hưởng trợ cấp xã hội, hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Trường hợp người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hồ sơ bao gồm: Bản sao Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Giấy xác nhận đang mang thai của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế, bản sao Giấy khai sinh của con dưới 36 tháng tuổi.
Nơi nộp hồ sơ: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định: “Để được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc thì người đề nghị trợ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc làm hồ sơ theo quy định tại Điều 20 Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã”
Thời hạn giải quyết: Căn cứ điểm b,c,d khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định như sau:
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội) tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ đối tượng và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày;
Khi hết thời gian niêm yết công khai, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội bổ sung biên bản họp Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội vào hồ sơ của đối tượng và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể, công khai trước nhân dân và có văn bản kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội để bổ sung vào hồ sơ của đối tượng.
c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày, nhận đủ hồ sơ đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quyết định hoặc có thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về lý do không được trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc
d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét và ký Quyết định trợ cấp xã hội hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Đọc thêm: Tham gia đóng bảo hiểm xã hội 1 năm được bao nhiêu tiền?
Tình hình đóng BHXH cho người khuyết tật hiện nay
Việt Nam hiện có khoảng 4,2 triệu người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động. Đây là một trong những nhóm đối tượng yếu thế của xã hội và là lực lượng lao động không hề nhỏ cần được đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của người khuyết tật vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong vấn đề đóng BHXH cho người khuyết tật.
Phần lớn người khuyết tật hiện nay sống trong điều kiện kinh tế khó khăn, bấp bênh và khó có thể có sự ổn định về kinh tế. Do hạn chế của tình trạng khuyết tật và sự kỳ thị vẫn còn tồn tại trong xã hội, đa số họ chỉ có việc làm là những công việc đơn giản, thu nhập thấp hoặc làm theo thời vụ. Chính vì vậy, nhiều người khuyết tật chưa được đóng BHXH, thiếu chỗ dựa khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc khi về già không có lương hưu để làm điểm tựa an sinh xã hội.
Thực tế, người khuyết tật thường làm việc tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình - khu vực phi chính thức, nên rất ít trường hợp được đóng BHXH bắt buộc.
Về việc tham gia BHXH tự nguyện, do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, cùng với đó là bản thân người lao động khuyết tật vẫn còn hạn chế về nhận thức, hiểu biết để chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh cho chính bản thân khi về già.
Nhưng phải nói thêm, về điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, căn cứ quy định tại Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, trường hợp người khuyết tật thỏa mãn điều kiện này vẫn sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về chế độ, người khuyết tật vẫn sẽ được hưởng các chế độ BHXH tự nguyện theo quy định bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Tham khảo: 3 chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc người lao động nên biết
Giải pháp nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho người khuyết tật
Nhà nước đã có những chính sách, giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho người khuyết tật, và đã được thực hiện như:
Chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Có những doanh nghiệp đã sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi. Chẳng hạn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được:
- Hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
- Vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh
- Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
Bên cạnh đó cũng cần nâng cao một số điều như sau:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật về việc thực hiện công tác BHXH cho người lao động, trong đó có lao động là người khuyết tật
- Đưa ra các chế độ BHXH ưu tiên về mức hưởng, mức đóng cho lao động người khuyết tật
- Chính bản thân người khuyết tật cần được nâng cao nhận thức về vấn đề người khuyết tật có quyền được bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH cũng như tất cả những lao động bình thường khác.
Xem thêm: Cần biết gì về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người không đi làm?
BHXH cho người khuyết tật đóng vai trò quan trọng giúp lao động là người khuyết tật có sự đảm bảo để ổn định cuộc sống, đặc biệt là hưởng chế độ hưu trí khi về già. Nhà nước cần có nhiều hơn các chính sách giúp người khuyết tật hòa nhập và được tham gia lao động trong khu vực chính thức để được đóng BHXH bắt buộc hoặc hỗ trợ họ tham gia BHYT tự nguyện.
Trên đây là những thông tin về BHXH cho người khuyết tật. Khách hàng có thể để lại thông tin để được giải đáp mọi thắc mắc một cách nhanh nhất.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất