3 chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc người lao động nên biết
Mục lục [Ẩn]
Bảo hiểm xã hội đúng là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, nó mang lại nhiều quyền lợi thiết thực cho người lao động như các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất, ngay cả khi nghỉ việc người lao động cũng được hưởng những chế độ hữu ích.
Khi nghỉ việc, người lao động tham gia BHXH được hưởng các chế độ khi nghỉ việc theo quy định của Luật BHXH bao gồm: Chế độ trợ cấp thất nghiệp, lựa chọn nhận chế độ BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH.
Nội dung chi tiết về các chế độ này được trình bày cụ thể ngay dưới đây.
Chế độ trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp thất nghiệp là chế độ BHXH đầu tiên người lao động được hưởng sau khi nghỉ việc. Điều kiện hưởng, thời gian và mức hưởng được quy định rõ trong Luật việc làm năm 2013 như sau:
Tham khảo: Lao động nước ngoài tại VN có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Điều kiện hưởng
Điều 49 Luật việc làm 2013 quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc của người lao động. Theo đó, người lao động đang đóng BHXH khi nghỉ việc được hưởng chế độ BHXH khi nghỉ việc là trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Người lao động nghỉ việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng các điều kiện hưởng theo quy định
Thời gian hưởng
Căn cứ theo khoản 2 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định về thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.”
Ngoài ra khoản 3 của Điều 50 này cũng nêu rõ thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật việc làm 2013.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tại khoản 1 Điều 50 Luật việc làm 2013 quy định rõ về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động là:
“1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.”
Có thể hiểu rằng:
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp = 60% x Mức bình quân tiền lương (Mbqtl) tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. |
Xem thêm: Cách rút bảo hiểm thất nghiệp
Chế độ BHXH một lần
Ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp, sau khi nghỉ việc người lao động còn được hưởng chế độ BHXH 1 lần. Điều kiện và mức hưởng chế độ này được quy định chi tiết trong Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
Điều kiện hưởng
Điều kiện người lao động còn được hưởng chế độ BHXH 1 lần khi nghỉ việc được quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP:
“b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;”
Mức hưởng
Mức hưởng chế độ BHXH 1 lần khi nghỉ việc được quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
“2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.”
Cách tính mức hưởng BHXH 1 lần
Để biết được mức hưởng BHXH trợ cấp 1 lần phụ thuộc vào mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
Mức hưởng của BHXH một lần = (1,5 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Số năm tham gia BHXH trước năm 2014) + (2,0 x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x Số năm tham gia BHXH sau năm 2014) |
Trong đó:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm = (Số tháng đóng BHXH x Mức đóng BHXH x Mức điều chỉnh hằng năm)/Tổng số tháng đóng BHXH |
Mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH căn cứ theo Thông tư số 32/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 như sau:
Năm | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 |
Mức điều chỉnh BHXH | 1,19 | 1,11 | 1,07 | 1,06 | 1,04 | 1,0 | 1,0 |
Xem ngay: Có nên lấy bảo hiểm xã hội 1 lần?
Người lao động nhận BHXH một lần
Bảo lưu thời gian đóng BHXH
Có hai trường hợp được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Một là đã đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật (Điểm a khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014: "a, Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;")
- Hai là bạn nghỉ việc mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, đồng thời cũng chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 54, 55 của Luật BHXH 2014 thì bạn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, sau này sẽ cộng dồn thời gian bảo lưu lại để được hưởng chế độ hưu trí.
Điều này được quy định trong Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể như sau:
“Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, khi nghỉ việc bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian nghỉ việc chưa tìm được việc làm và chế độ BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH để tiếp tục đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu. Người lao động cần nắm được các thông tin chi tiết trên để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhận tư vấn bảo hiểm miễn phí:
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất