Những cách giúp bạn quản lý tài chính gia đình hiệu quả hơn
Mục lục [Ẩn]
Cuộc sống hiện đại đòi hỏi chúng ta phải chi tiêu nhiều hơn để phục vụ nhu cầu cá nhân, nhất là những gia đình đông thành viên. Chính vì thế áp lực kinh tế càng nặng nề hơn. Vậy nên, để tiền bạc không là gánh nặng mỗi khi nghĩ đến thì bạn hãy học cách chi tiêu đúng cách và hợp lý. Khi biết chi tiêu, bạn không những sử dụng chúng hiệu quả mà còn có thể tiết kiệm nữa đấy.
Thống nhất tài chính giữa vợ và chồng
Trụ cột trong gia đình sẽ có trách nhiệm và nhiệm vụ như nhau, nhưng thông thường ở Việt Nam chồng sẽ là người tạo ra nguồn thu nhập chính, vợ sẽ là người quản lý tiền bạc và kiểm soát chi tiêu. Vì thế một gia đình có nền tảng kinh tế vững chắc không thể thiếu được sự thống nhất và bình đẳng về tài chính của cả vợ và chồng. Khi đó cả hai vợ chồng đều rõ ràng về tổng thu nhập của gia đình, một tháng tiết kiệm bao nhiêu, tiết kiệm bằng hình thức nào, ai là chủ khoản và chi tiêu bao nhiêu, các khoản nào, cách chi tiêu như thế nào...
Lên kế hoạch chi tiết và ghi chép thường xuyên vào sổ
Quản lý tài chính gia đình tốt không thể thiếu bước lên kế hoạch chi tiết và ghi chép thường xuyên. Tất cả các khoản thu, khoản chi, khoản tiết kiệm cần được lên kế hoạch cụ thể, được ghi chép chi tiết từng mục, từng số tiền theo tháng để theo dõi và có hướng điều chỉnh phù hợp tránh trường hợp chi tiêu quá tay dẫn đến thâm hụt tài chính và mất cân đối thời gian về sau.
=> Bài viết liên quan: 3 quy tắc vàng về quản lý tài chính gia đình mà mẹ nào cũng nên biết
Cân đối thu, chi và tiết kiệm
Nghe đến cân đối thu - chi - tiết kiệm có vẻ đơn giản mà ai cũng cảm thấy dễ nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện thì không hề đơn giản, chỉ cần lơ là có thể khiến tài chính gia đình chênh vênh ngay khi có bất kỳ tình huống nào xảy ra. Vì thế biết gia đình có mức thu nhập bao nhiêu, cần tiết kiệm trước bao nhiêu để dự phòng và còn lại chỉ chi tiêu trong bấy nhiêu là cách giúp bạn quản lý tài chính gia đình tốt nhất. Khi đó mọi thành viên trong gia đình sẽ cố gắng chi tiêu gói gọn trong số tiền đó mà không sợ nhỡ tay âm một khoản lớn, đồng thời vẫn an tâm và kịp xoay sở trước bất kỳ tình huống khó khăn nào.
Chia nhỏ mục tiêu tiết kiệm và đặt mục tiêu hoàn thành từng khoản
Một kế hoạch lớn trong gia đình được đặt ra nghe có vẻ xa vời như bao nhiêu năm nữa mua nhà, mua xe, hay sau này sẽ cho con học trường nào hay cho con đi du học…và mọi người sẽ cảm thấy khó thực hiện bởi số tiền cần khá lớn. Do vậy để quản lý tài chính hiệu quả nhất nên chia nhỏ từng khoản tiết kiệm và đặt mục tiêu cho từng khoản để tích lũy cho mục tiêu lớn.
Ví dụ: với kế hoạch cả nhà đi du lich nước ngoài trong năm tới bạn nên mua sẵn một con heo và cả nhà cùng chung tay bớt những đồng tiền lẻ hàng ngày. Với mục đích cho con học đại học hay đi du học nên đặt ra mục tiêu là tiết kiệm trong bao lâu, từ khi nào và mỗi tháng tiết kiệm bao nhiêu. Hay với dự định 5 - 10 năm nữa mua nhà, dựa vào số tiền mình cần là 1 tỷ hay 5 tỷ để tiết kiệm ngay từ bây giờ và mỗi tháng phải tiết kiệm được bao nhiêu tiền, số tiền này được tiết kiệm vào đâu, cần tích lũy trong bao lâu...
Tiết kiệm một cách tối ưu và hiệu quả nhất
Có rất nhiều cách để tiết kiệm tiền trong gia đình ví dụ như nuôi heo, gửi tiết kiệm, giữ két sắt, mua vàng… nhưng không quan trọng là cách nào tối ưu hơn cách nào mà quan trọng cách đó có phù hợp với mục tiêu của bạn không. Và nhất là khi bạn có nhiều mục tiêu cùng lúc thì tận dụng nhiều hình thức tiết kiệm vẫn luôn mang lại hiệu quả cao.
Khi bạn muốn đi du lịch, sinh con hoặc tổ chức bữa tiệc cho gia đình thì nuôi heo là cách rất hay giúp bạn góp nhặt những đồng nhỏ lẻ còn sót lại. Khi bạn muốn dành từng món tiền đều đặn hàng tháng mà vẫn muốn sinh lời hiệu quả cho mục tiêu mua xe, sắm đồ nội thất trong nhà thì gửi tiết kiệm là lựa chọn hàng đầu, tuy nhiên cần chọn kỳ hạn dài và nên gửi online để vừa được lãi suất cao mà tiết kiệm thời gian giao dịch.
Riêng với mục tiêu dự phòng rủi ro cho gia đình, chuẩn bị quỹ học vấn cho con hay quỹ hưu trí cho tuổi tuổi già thì bảo hiểm nhân thọ là cách tốt nhất để bạn quản lý tài chính gia đình trọn vẹn, đầy đủ.
Đừng để chi phí ăn uống vượt quá hạn mức
Ăn uống là khoản cũng tiêu tốn khá nhiều trong chi tiêu gia đình. Vậy nên, hàng tháng bạn có thể cân đối ngân sách và đặt ra một hạn mức cụ thể để thực hiện.
Hạn mức chi tiêu cho ăn uống hợp lý nhất là khoảng 20% tổng thu nhập của bạn. Nếu bạn chi tiêu vượt quá số tiền này cho ăn uống thì bạn nên xem xét và cân đối lại chi tiêu. Nếu bạn cảm thấy quá khó khăn cho việc tiết kiệm chi tiêu chi ăn uống, bạn có thể học thói quen ăn uống của người Nhật, họ rất tiết kiệm trong khoản này. Người Nhật sẽ nấu ăn rất ít, chỉ vừa đủ cho bữa ăn để không phải lãng phí thức ăn. Bên cạnh đó hãy lên kế hoạch ăn uống hằng tuần để có thể biết được những thứ mình cần và có thể đi chợ 1 lần trong tuần, từ đó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian nữa đấy.
Hạn chế mua sắm theo sở thích hoặc giảm giá
Thông thường vào các dịp cuối năm, lễ tết các cửa hàng đều chạy các chương trình giảm giá sốc để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đừng vì thấy cái gì rẻ mà cũng xuống tiền. Trước khi mua hãy suy nghĩ xem chúng liệu có cần thiết với mình và có những công dụng như thế nào, có tiện lợi không… sau đó hãy quyết định mua để tránh trường hợp mua về và không sử dụng đến rất lãng phí.
Một quy tắc trong mua sắm mà chúng ta cần ghi nhớ đó là “chỉ mua thứ mình cần, không mua thứ mình thích”. Khi áp dụng quy tắc này bạn sẽ giảm được việc mua sắm quá đà, ảnh hưởng đến ngân hàng chi tiêu khác.
Hạn chế vay nượn hoặc sử dụng thẻ tín dụng
Không ít người thường vay nợ bạn bè hoặc các công ty tín dụng để có thể sở hữu cho mình chiếc điện thoại iPhone 13 hoặc vay nợ để đi mua sắm thõa mãn nhu cầu của mình… Thế nhưng, những khoản vay nợ này sẽ khiến áp lực hơn về kinh tế bởi hàng tháng ngoài khoản nợ, bạn sẽ phải trả thêm 1 khoản lãi suất nếu sử dụng thẻ tín dụng hoặc vay công ty tín dụng. Vậy nên, bạn hãy hạn chế vay mượn để sử dụng vào những việc không cần thiết.
Nếu đang có những khoản nợ trước đó, hãy cố gắng lên kế hoạch chi trả khoản nợ này càng sớm càng tốt để giảm bớt tiền lãi hàng tháng. Từ đó bạn mới có thể tiết kiệm được.
Để tiết kiệm chi tiêu trong gia đình hãy sử dụng điện, nước tiết kiệm
Nhiều gia đình thường bị stress bởi hóa đơn tiền điện, nước cuối tháng quá cao, những khoản này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách chi tiêu. Vậy nên, hãy bắt đầu tiết kiệm ngay từ những việc nhỏ nhất như tắt đèn khi không sử dụng, bật điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp, lựa chọn những sản phẩm tiết kiệm điện năng… Đối với việc sử dụng nước, bạn hãy thường xuyên kiểm tra đường ống xem có bị rò rỉ không hoặc không để vòi nước chảy khi không dùng… với một vài mẹo đơn giản này thôi là bạn đã có thể tiết kiệm cho gia đình mình một khoản kha khá rồi đấy chứ.
Thanh lý những đồ cũ không sử dụng
Nếu bạn có những món đồ còn có thể sử dụng được, nhưng bạn không có nhu cầu sử dụng nữa thì hãy thanh lý chúng cho những người cần trên các hội nhóm mạng xã hội. Có rất nhiều người do kinh tế không đủ, thường tìm mua những món đồ cũ, vẫn còn có thể dùng được như quần áo, giày dép, đồ điện cũ,…
Việc này không chỉ giúp bạn tối đa hóa diện tích sử dụng cho ngôi nhà, mà còn có thể thu về một khoản tiền phục vụ những khoản chi tiêu cần thiết khác. Đây cũng là cách giúp tiết kiệm, tránh lãng phí tiền bạc. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Tận dụng tối đa các khoản thu thêm
Khoản lương có thể cố định nhưng đôi khi bạn vẫn có nhiều khoản thu nhập thêm ví dụ như tiền thưởng, tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền học bổng của con...Khi đó đừng vội chi tiêu hết số tiền đó mà hãy cân nhắc dành dụm bao nhiêu phần trăm để phòng khi tháng sau có việc cần đến.
Quản lý tài chính gia đình không khó, chỉ cần bạn bắt tay vào thực hiện và biết cách áp dụng, tối ưu hóa các phương pháp trên là có thể thấy hiệu quả ngay trước mắt.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất