avatart

khach

icon

Đảo nợ là gì? Những điều cần biết về đảo nợ ngân hàng

Kiến thức vay vốn

- 05/11/2019

0

Kiến thức vay vốn

05/11/2019

0

Nếu bạn không biết đảo nợ là gì? Cách đảo nợ như thế nào? Đảo nợ có vi phạm pháp luật không?.. .Những phân tích về khái niệm và các ví dụ sinh động trong bài viết sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về đảo nợ.

Mục lục [Ẩn]

Với những người trong ngành ngân hàng, chẳng ai xa lạ với khái niệm "đảo nợ". Tuy nhiên đối với những người ngoài ngành, ít người hiểu cụm từ "đảo nợ" là gì? Cách đảo nợ như thế nào? Đảo nợ có vi phạm pháp luật không? Ngân hàng nhà nước quy định về đảo nợ ra sao?... Bài viết sau đây của Thebank sẽ giải đáp cho bạn đầy đủ những thắc mắc này.

Đảo nợ là gì?

Trên thực tế “Đảo nợ” là khái niệm được dùng chủ yếu và nhiều nhất trong lĩnh vực ngân hàng mà cụ thể là trong các hợp đồng tín dụng. Theo Nghị định 94/2018/NĐ-CP mới nhất của Chính Phủ, đảo nợ được quy định tại Khoản 8 Điều 9 như sau:

"8. Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ."

Còn hiểu một cách đơn giản đảo nợ là việc thực hiện một hợp đồng vay vốn mới, dùng khoản tiền vay mới để trả cho hợp đồng vay cũ. 

Để hiểu rõ hơn về đảo nợ, hãy xem ví dụ sau:

Đảo nợ là thực hiện một hợp đồng vay vốn mới, dùng khoản tiền vay mới để trả cho hợp đồng vay cũ

Đảo nợ là thực hiện một hợp đồng vay vốn mới, dùng khoản tiền vay mới để trả cho hợp đồng vay cũ

Doanh nghiệp A vay ngân hàng B 5 tỷ đồng với thời hạn 1 năm để đầu tư cho dự án mới. Nhưng đến thời hạn trả nợ doanh nghiệp A không có tiền để trả khoản nợ này bởi dự án mới bị lỗ. 

Để khoản nợ 5 tỷ này không chuyển thành nợ xấu và tài sản đảm bảo không bị ngân hàng thu hồi, doanh nghiệp A vay tiền ở bên ngoài và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng. 

Sau đó doanh nghiệp A tạo 1 hồ sơ mới xin vay vốn mới, rồi lấy khoản vay mới này trả lại cho bên ngoài.

Để thực hiện việc này doanh nghiệp cần có sự giúp đỡ của nhân viên tín dụng nhiều kinh nghiệm để đảm bảo hồ sơ vay mới được ngân hàng chấp thuận.

Đảo nợ ngân hàng là gì?

Đảo nợ ngân hàng bạn có thể hiểu rằng đây là cách chuyển một khoản vay cũ tại ngân hàng đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền trả của một cá nhân hoặc doanh nghiệp thành một khoản vay mới. Khoản vay mới này vay tại chính ngân hàng này hoặc từ ngân hàng khác.

Bản chất của đảo nợ trong ngân hàng là ngân hàng yêu cầu khách hàng tìm cách trả hết khoản nợ cũ, sau đó vay lại khoản mới, thực chất là tiếp tục khoản nợ cũ. Nhiều chi nhánh ngân hàng đã dùng cách này để che giấu nợ xấu, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Những năm qua việc đảo nợ ngân hàng diễn ra khá phổ biến dù Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm việc này. Nhưng do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên việc này vẫn diễn ra. Nhưng từ 15/3/2017, việc đảo nợ chính thức bị cấm và chỉ có một số trường hợp ngoại lệ được thực hiện.

Quy định về đảo nợ của ngân hàng nhà nước

Từ năm 2016 trở về trước, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định nào thật rõ ràng về đảo nợ.

Các Quyết định, Thông tư sửa đổi, bổ sung của Ngân hàng nhà nước và Chính Phủ chỉ nêu chung chung về đảo nợ, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

Chỉ có trong điểm c, Khoản 4, Điều 14 thuộc Nghị định 202/2004/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có ghi nhận về đảo nợ như sau:

"4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

c) Miễn giảm lãi suất; gia hạn nợ gốc hoặc lãi, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi; đảo nợ không theo quy định của pháp luật."

Đến năm 2016 Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã có quy định cụ thể hơn về đảo nợ, dù không trực tiếp sử dụng cụm từ “đảo nợ”, nhưng về bản chất thì tương tự như cách hiểu về đảo nợ hiện nay. 

Theo đó, tại khoản 5, 6 thuộc Điều 8 của Thông tư 39 đã bỏ quy định về đảo nợ tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN và quy định chi tiết về một số nhu cầu vốn không được cho vay nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế. Cụ thể như sau: 

"Điều 8. Những nhu cầu vốn không được cho vay

5. Để trả nợ khoản nợ vay tại chính tổ chức tín dụng cho vay trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

6. Để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;

b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.”

Thông tư 39 chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2017.

Tới năm 2018 tại Nghị định 94/2018/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công đã quy định chính thức về đảo nợ tại khoản 8, Điều 3 như sau:

"8. Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ."

Qua các quy định nêu trên và cụ thể là Thông tư 39 có thể thấy việc CHO VAY ĐẢO NỢ LÀ HOẠT ĐỘNG BỊ PHÁP LUẬT NGHIÊM CẤM. Trừ 2 trường hợp sau:

Một, được vay để trả khoản nợ tại chính tổ chức tín dụng đã cho vay nếu thuộc trường hợp: Khách hàng dùng tiền của khoản vay mới để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong dự toán xây dựng công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Hai, được vay để trả khoản nợ tại tổ chức tín dụng khác hoặc nợ nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện sau: Khách hàng chỉ được dùng tiền của khoản vay mới để trả nợ trước hạn cho khoản vay thuộc 3 trường hợp sau:

  • Vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
  • Thời hạn cho vay không vượt thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
  • Khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. 

Trường hợp cuối sẽ khiến các tổ chức cho vay vốn phải cân nhắc rất kỹ khi xây dựng chính sách cho vay, đồng thời trong thỏa thuận với khách hàng về thời hạn vay, thời hạn trả nợ.

Vì sao bị cấm mà ngân hàng vẫn cho vay đảo nợ?

Có nhiều lý do khiến ngân hàng đồng ý đảo nợ cho khách hàng. Việc một doanh nghiệp vay nợ ngân hàng phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng tình hình kinh doanh không tốt, không trả được nợ sẽ ảnh hưởng xấu đến cả doanh nghiệp đó và ngân hàng. Cụ thể:

  • Khi đó ngân hàng bị tăng nợ xấu, phải tăng ngân sách trích lập dự phòng rủi ro. Đồng thời vốn khả dụng ngân hàng bị giảm dẫn tới cho vay giảm, từ đó khiến lợi nhuận cũng giảm theo.
  • Doanh nghiệp không trả được nợ đúng hạn sẽ bị xếp hạng mức tín dụng. Nghĩa khách hàng, doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng nhóm nợ, ảnh hưởng không tốt đến uy tín và hoạt động, chi phí, gặp khó khăn khi muốn vay vốn ở các ngân hàng khác.

Để tránh những ảnh hưởng nêu trên, cán bộ tín dụng ngân hàng thường kết hợp với khách hàng vay "biến" những món nợ cũ thành nợ mới bằng cách vay tiền từ bên ngoài trả trước cho ngân hàng. Sau đó vay lại ngân hàng để lấy tiền trả bên ngoài. 

Cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả khách hàng vay và ngân hàng cho vay. Bởi trên hợp đồng khoản nợ mới này dùng phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhưng thực chất được dùng để đáo hạn nợ cũ. Trong khi tình hình kinh doanh của khách vay không hiệu quả sẽ không có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Cách đảo nợ ngân hàng

Dù Ngân hàng Nhà nước cấm đảo nợ, tuy nhiên thực tế trên thị trường vẫn có nhiều tổ chức và cá nhân lách luật, họ sử dụng 1 bên trung gian để thực hiện đảo nợ.

Cách đảo nợ thường được áp dụng hiện nay là: Dùng nguồn vốn khác (vay bên ngoài, tín dụng đen) để trả khoản nợ cũ, sau đó ngân hàng cho vay mới, dùng khoản tiền này trả lại cho bên ngoài.

Hoặc doanh nghiệp sẽ dùng một pháp nhân khác đứng tên để vay tiền ngân hàng, rồi chuyển khoản tiền vay mới này trả nợ cho khoản vay cũ tại chính ngân hàng này.

Có một cách đảo nợ nữa là chuyển khoản vay tại ngân hàng này sang 1 ngân hàng khác có lãi suất vay thấp hơn.

Đảo nợ bằng cách dùng nguồn vốn khác từ bên ngoài hoặc dùng một pháp nhân khác vay tiền

Đảo nợ bằng cách dùng nguồn vốn khác từ bên ngoài hoặc dùng một pháp nhân khác vay tiền

2 ví dụ điển hình dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách đảo nợ nêu trên:

Ví dụ 1: Đảo nợ trong cùng 1 ngân hàng bằng cách vay nguồn vốn bên ngoài

Khách hàng Nguyễn Văn A, chủ một cơ sở kinh doanh cần tiền để mua máy móc và nguyên liệu nên vay của ngân hàng B 1 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng từ 20/12/2017 đến 20/12/2018.

Tuy nhiên do làm ăn không thuận lợi nên khách hàng A mất khả năng trả nợ, ông đã được một nhân viên tín dụng tư vấn có thể tiến hành đảo nợ để gia hạn thời gian vay tại ngân hàng. Ông sẽ vay tiền dịch vụ từ bên ngoài để đáo hạn khoản vay cũ tại ngân hàng, rồi sau đó lập hồ sơ vay mới nhằm lấy tiền trả cho bên tín dụng ngoài.

Ví dụ 2: Đảo nợ chuyển khoản vay từ ngân hàng này sang 1 ngân hàng khác

Chị Nguyễn E ở Thành phố Hồ Chí Minh có vay ngân hàng F 600 triệu đồng với lãi suất 12%/năm. Nhưng sau khi nghe nhân viên tín dụng tư vấn vay ngân hàng D chỉ phải chịu lãi suất 7,5%/năm nên chị liền tiến hành đảo nợ để chuyển khoản vay từ ngân hàng F sang D.

Từ nhân viên tín dụng giới thiệu chị tìm đến 1 điểm cho vay bên ngoài để vay 600 triệu đồng với lãi suất 2 triệu/ngày. Điều kiện vay là chị phải giao bản photo gốc về tài sản đã thế chấp ở ngân hàng F. Cùng lúc này nhân viên tín dụng sẽ mở hồ sơ vay tại ngân hàng D cho chị với tài sản thế chấp đã được thế chấp ở ngân hàng F.

Ngay khi vay được tiền từ bên ngoài, chị và nhân viên tín dụng ngân hàng D đến ngân hàng F để trả nợ và lấy lại tài sản thế chấp. 

Tiếp đó mang giấy tờ đi công chứng và mang đến ngân hàng D để thế chấp vay vốn. Ngân hàng D đồng ý hồ sơ và giải ngân mang số tiền này để trả bên ngoài

Ưu - nhược điểm của đảo nợ

Dù rằng đảo nợ bị pháp luật cấm nhưng xét về mặt tổng thể, nó cũng có những ưu điểm tích cực bên cạnh những nhược điểm tiêu cực.

Ưu điểm 

Đảo nợ ngân hàng có ưu điểm là giúp cả ngân hàng và khách hàng cùng cân đối được hoạt động và xử lý khoản vay phù hợp theo nhu cầu thực tế. Cụ thể:

  • Với ngân hàng cho vay: Giảm nợ xấu và nợ quá hạn, tăng lợi nhuận, giảm trích lập dự phòng
  • Với khách hàng vay vốn: Giãn được thời gian trả nợ, không bị chuyển thành nợ xấu, từ đó doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khó khăn và vực dậy để hoạt động tốt trở lại.

Nhược điểm 

Đảo nợ chứa nhiều rủi ro cho cả 2 bên khách hàng vay và tổ ngân hàng cho vay.

Rủi ro về mặt trách nhiệm dân sự và hình sự: 

Từ 15/3/2017, việc đảo nợ chính thức bị cấm theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Theo đó việc vay vốn để trả nợ khoản nợ vay tại chính ngân hàng đó hoặc ngân hàng khác là không được phép. 

Nếu vi phạm khách hàng vay và ngân hàng cho vay sẽ phải chịu trách nhiệm trước Pháp luật. Cùng theo dõi những vụ việc sau để nắm rõ hơn:

  • Vụ việc 1: Vay tiền tín dụng đen đảo nợ, hồ sơ vay mới không được chấp nhận:

Theo thông tin trên báo Đầu tư và chứng khoán, năm 2018 Tòa án thành phố Hà Nội đã xét xử, kết án một cựu giám đốc doanh nghiệp với hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản hơn 19 tỷ đồng. Nguyên do dẫn tới việc này xuất phát từ việc đảo nợ mà ra.

Theo trình bày của bị cáo thì doanh nghiệp này nợ tiền ngân hàng nhưng đến hạn không có khả năng trả, ngân hàng hứa hẹn nếu trả xong nợ cũ sẽ cho vay tiếp. 

Vì vậy vị giám đốc này đã vay tiền từ tín dụng đen với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng. Nhưng sau đó hồ sơ vay vốn mới không được ngân hàng chấp nhận, lãi suất cao từ khoản vay ngoài khiến doanh nghiệp không thể vượt qua được khó khăn, không trả được nợ.

  • Vụ việc 2: Sử dụng pháp nhân khác vay tiền ngân hàng để đảo nợ, rủi ro từ việc làm hồ sơ giả: 

Cũng theo báo Đầu tư và chứng khoán đưa tin, Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn từ năm 2010, không có tiền để trả nợ ngân hàng. 

Chủ tịch công ty đã làm hồ sơ để vay vốn ngân hàng với lý do thu mua cà phê xuất khẩu, nhưng thực chất khoản tiền vay được dùng để đáo nợ ngân hàng.

Hồ sơ vay vốn gồm Hợp đồng kinh tế, phương án kinh doanh, các chứng từ, tài liệu khác đều không có thật bởi thực tế không có hoạt động thu mua cà phê. Các hợp đồng mua bán được ký với các công ty thành viên của Thái Hòa đều là giả. 

Khi ngân hàng giải ngân khoản vay mới cho Thái Hòa (184 tỷ đồng), số tiền này được dùng trả nợ cho nhiều ngân hàng. 

Việc đảo nợ cũng không giúp Thái Hòa vượt qua được giai đoạn khó khăn. Công ty phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi làm giả giấy tờ hồ sơ vay vốn

Rủi ro về nợ xấu

Bề ngoài đảo nợ tạo cảm giác các khoản nợ được hoàn trả tốt, tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn giảm. Nhưng nếu điều này không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới tình trạng nợ xoay vòng khi khách hàng, doanh nghiệp vay không còn khả năng trả nợ, khoản nợ được đảo nợ sẽ trở thành nợ xấu.

Đảo nợ sẽ khiến 1 phần nợ xấu, nợ quá hạn bị che giấu, khiến cơ quan quản lý không nắm được tình hình "sức khỏe" thực tế của doanh nghiệp, từ đó không phản ánh đúng tình hình kinh tế của cả nền kinh tế.

Phân biệt đảo nợ với đáo hạn, đáo nợ ngân hàng

Nhiều người lầm tưởng cho rằng đảo nợ ngân hàng với đáo hạn (một số ngân hàng gọi là đáo nợ) ngân hàng như nhau, tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau dù chúng có những điểm giống nhau. 

Để phân biệt được rõ ràng hành vi đảo nợ và đáo hạn ngân hàng thế nào, trước tiên cần làm rõ khái niệm đáo hạn và đáo hạn ngân hàng là gì:

Đáo hạn là khái niệm thường dùng trong lĩnh vực tài chính. Đáo hạn là chỉ thời điểm kết thúc của một hợp đồng vay vốn, hợp đồng tiền gửi hay hợp đồng bảo hiểm.

Đáo hạn ngân hàng là một hoạt động phổ biến trong lĩnh vực ngân hàng với hai hình thức là đáo hạn tiết kiệm và đáo hạn khoản vay.

Hiểu được đáo hạn là gì rồi, chúng ta sẽ cùng so sánh và phân biệt đảo nợ ngân hàng và đáo hạn ngân hàng cụ thể như sau:

Lưu ý: Phần so sánh dưới đây là so sánh giữa đảo nợ ngân hàng với đáo nợ khoản vay ngân hàng (không so sánh đáo nợ gửi tiết kiệm).

Giống nhau: 

  • Mục đích của đảo nợ ngân hàng và đáo hạn khoản vay đều nhằm kéo dài thêm thời gian trả nợ cho một khoản vay cũ sắp đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng.
  • Cả hai hoạt động này đều bị pháp luật nước ta nghiêm cấm, được quy định cụ thể trong Thông tư 39/2016 đã nêu ở trên.
  • Đảo nợ và đáo hạn khoản vay đều mất phí, dao động từ 0,3 - 0,7%/ngày với tổng số tiền dùng để đảo nợ hoặc đáo hạn.

Khác nhau: 

Đảo nợ được thực hiện để biến 1 khoản vay cũ sắp đến hạn trả nợ thành 1 khoản vay mới, nhằm kéo dài thời gian trả nợ. 

Đáo hạn khoản vay là hình thức ngân hàng tái vay vốn khi thời hạn trả khoản vay cũ đã hết nhưng nợ vẫn chưa trả xong. 

Nhìn vào cách thức ta có thể thấy đáo hạn khá giống với đảo nợ, tuy nhiên điều kiện để ngân hàng tiến hành đáo hạn cho khách hàng đó là tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của khách hàng chỉ là khó khăn tạm thời, có khả năng phục hồi 

Thông thường ngân hàng sẽ xem xét tài sản thế chấp của khoản vay cũ, nếu giá trị của tài sản này lớn hơn khoản vay cũ, ngân hàng sẽ đồng ý cho khách đáo hạn khoản vay cũ chưa trả xong thành 1 khoản vay mới nhằm giúp khách vay có thêm thời gian trả nợ, giúp hoạt động kinh doanh được thuận lợi hơn.

Nếu giá trị tài sản thế chấp không không cao hơn khoản vay cũ cần đáo hạn thì khách hàng có thể thêm tài sản đảm bảo để được ngân hàng xét duyệt đáo hạn nợ, cho vay khoản mới.

=>> Như vậy có thể thấy, nhìn chung đảo nợ khá giống đáo hạn, nhưng chúng khác nhau vì:

  • Đáo hạn có kèm theo các điều kiện từ ngân hàng (dù không chắc chắn 100%) để đảm bảo khoản nợ này có khả năng thu hồi được.
  • Đảo nợ không kèm các điều kiện (chứng minh tình hình kinh doanh hay tài sản thế chấp) nên khả năng thu hồi khoản nợ cũ thấp hơn

Lưu ý: Đảo nợ và đáo hạn ngân hàng đều chứa nhiều rủi ro cao cho cả khách vay tiền và ngân hàng cho vay tiền khi “giấu” những khoản nợ quá hạn, nợ xấu. 

Thủ tục đảo nợ ngân hàng

Vì đảo nợ bị cấm nên thủ tục đảo nợ thực chất chính là hồ sơ đáo hạn khoản vay tại ngân hàng để được ngân hàng cho vay khoản mới.

Mỗi ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ có quy định riêng về hồ sơ thủ tục đáo hạn, tuy nhiên sẽ có những giấy tờ cơ bản gồm:

  • Giấy tờ cá nhân như CMND, căn cước công dân còn hiệu lực, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn.
  • Hồ sơ vay ngân hàng bản sao.
  • Giấy tờ photo công chứng về các tài sản thế chấp như sổ đỏ, giấy đăng ký xe ô tô,…
  • Khách hàng là chủ doanh nghiệp thì cần có Giấy phép đăng ký kinh doanh, con dấu doanh nghiệp, giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân.
  • Hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay.
  • Giấy ghi nợ.

Phí đảo nợ

Đảo nợ là hoạt động bị pháp luật nghiêm cấm cho nên về bản chất phí đảo nợ mà bên vay phải trả là lãi suất của khoản vay từ dịch vụ bên ngoài.

Thông thường các bên dịch vụ cho vay tiền đảo nợ ngân hàng thường tính lãi suất theo ngày, như trường hợp ông Nguyễn Văn A vay 1 tỷ đồng (đã nêu ở trên), mỗi ngày phải trả 3 triệu đồng. Tương đương lãi suất 0,3%/ngày, 9%/tháng, 109%/năm, cao gấp nhiều lần ngân hàng.

Hay trường hợp chị Nguyễn B vay ngoài 600 triệu đồng để đảo nợ ngân hàng phải trả lãi 2 triệu/ngày. Tương đương lãi suất, 0,333%/ngày, khoảng 10%/tháng, và hơn 120%/năm.

Trong khi đó để hoàn thành hồ sơ đáo hạn phải mất từ 3 đến 10 ngày nếu thuận lợi. Có nghĩa khách hàng phải trả phí đảo nợ dao động từ 30 đến 100 triệu đồng cho khoản vay 1 tỷ đồng.

Nếu thời gian chờ hồ sơ vay vốn được ngân hàng xét duyệt kéo dài thì số tiền lãi khách hàng phải gánh sẽ rất cao, cực kỳ rủi ro cho khách hàng.

Trên đây là những thông tin tham khảo để bạn đọc hiểu hơn về đảo nợ. Qua những nội dung này có thể thấy đảo nợ có sự “biến tướng” nhất định trên thị trường hiện tại, thậm chí là phạm pháp do bị nghiêm cấm. Vậy nên bạn đọc hãy có cái nhìn đa chiều và hiểu rõ hơn về đảo nợ, từ đó có được cho mình những thông tin hữu ích, tránh việc rơi vào những tình huống không mong muốn.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

5 (1 lượt)

5 (1 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *