avatart

khach

icon

Cam kết ngoại bảng là gì? Quy định về cam kết ngoại bảng trong tổ chức tín dụng

Thị trường tài chính

- 12/12/2020

0

Thị trường tài chính

12/12/2020

0

Cam kết ngoại bảng là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng. Vậy cam kết ngoại bảng là gì? Trong hoạt động tín dụng cam kết ngoại bảng được phân loại như thế nào?

Mục lục [Ẩn]

Cam kết ngoại bảng là gì?

Cam kết ngoại bảng là thuật ngữ dùng để chỉ các khoản như cam kết thanh toán, trả nợ, cấp tín dụng… hay các hợp đồng phát sinh tỷ giá của ngân hàng với khách hàng trong tương lai nằm ngoài bảng cân đối kế toán. 

Do chỉ là "cam kết" mà không thực hiện ngay nên các khoản này chỉ được ghi nhận ở ngoại bảng (off-balance sheet) mà không được ghi nhận ở nội bảng (balance sheet).

Cam kết ngoại bảng

Cam kết ngoại bảng là những khoản cam kết nằm ngoài bảng cân đối kế toán

Trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng thương mại, các chỉ tiêu ngoại bảng được chia thành:

  • Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn: Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là rủi ro tiềm tàng nhất trong hoạt động ngân hàng. Chủ yếu đến từ các cam kết bảo lãnh vay vốn (vay thấu chi), cam kết trong nghiệp vụ L/C và cam kết bảo lãnh khác (bảo lãnh thanh toán, thực hiện hợp đồng, dự thầu…)
  • Các cam kết giao dịch hối đoái: Có rủi ro nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cam kết ngoại bảng.

Quy định về cam kết ngoại bảng trong hoạt động tín dụng

Đối với cam kết ngoại bảng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 24/2013/TT-NHNN Quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của ngân hàng phát triển Việt Nam. Cụ thể như sau:

Phương pháp và nguyên tắc phân loại cam kết ngoại bảng

Đối với việc phân loại cam kết ngoại bảng, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thực hiện việc phân loại theo nguyên tắc: 

  • Phải sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ đối với khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cung cấp tại thời điểm phân loại để điều chỉnh kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng.
  • Toàn bộ số dư nợ và giá trị các cam kết ngoại bảng của một khách hàng phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà một khoản nợ hoặc cam kết ngoại bảng của khách hàng đó đang được phân loại.

Thời điểm phân loại cam kết ngoại bảng

Điều 6 Thông tư này quy định rõ về thời điểm phân loại nợ, cam kết ngoại bảng như sau:

  • Ít nhất mỗi quý một lần, trong 15 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của mỗi quý, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước theo quy định tại Thông tư này.

Riêng đối với quý cuối cùng của kỳ kế toán năm, trong 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng cuối cùng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của tháng thứ hai quý cuối cùng của kỳ kế toán.

  • Ngoài thời điểm quy định trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ.

Phân loại cam kết ngoại bảng

Cam kết ngoại bảng và khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng sẽ được phân loại như sau:

Phân loại cam kết ngoại bảng:

  • Phân loại vào nhóm 1 nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo cam kết.
  • Phân loại vào nhóm 2 trở lên nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ theo cam kết.
  • Phân loại vào nhóm 3 trở lên đối với cam kết ngoại bảng thuộc một trong các trường hợp thuộc nhóm nợ dưới tiêu chuẩn.

Phân loại khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng:

- Ngày quá hạn được tính từ ngày tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghĩa vụ theo cam kết.
- Khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng được phân loại như sau:

  • Phân loại vào nhóm 3 nếu quá hạn dưới 30 ngày;
  • Phân loại vào nhóm 4 nếu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày;
  • Phân loại vào nhóm 5 nếu quá hạn từ 90 ngày trở lên.

Ngoài ra, nếu phân loại theo phương pháp định tính, cam kết ngoại bảng được phân thành các nhóm như sau:

- Nhóm 1: Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

- Nhóm 2: Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng có khả năng thực hiện nghĩa vụ theo cam kết nhưng có dấu hiệu suy giảm khả năng thực hiện cam kết.

- Nhóm 3: Các cam kết ngoại bảng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá là khách hàng không có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo cam kết.

- Nhóm 4: Các cam kết ngoại bảng mà khả năng khách hàng không thực hiện cam kết là rất cao.

- Nhóm 5: Các cam kết ngoại bảng mà khách hàng không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ cam kết.

Hoạt động ngoại bảng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Tại Việt Nam, các hoạt động ngoại bảng của ngân hàng chỉ yếu là các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, phái sinh và các cam kết bảo lãnh vay vốn (vay thấu chi), cam kết trong nghiệp vụ L/C và cam kết bảo lãnh khác như bảo lãnh thanh toán... Các chuyên gia đánh giá rằng, những hoạt động ngoại bảng này thực tế sẽ mang đến nhiều rủi ro cho ngân hàng.

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động ngân hàng có nhiều ảnh hưởng, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Đáng nói, rủi ro lớn nhất đối với các ngân hàng không chỉ nằm ở số nợ xấu có thể “nhìn thấy” trên bảng cân đối kế toán, mà còn ở chính các khoản nợ tiềm ẩn (nợ tiềm tàng). Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhiều khoản mục như cam kết bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C (bảo lãnh qua thư tín dụng) và cam kết trong bảo lãnh khác... có thể sẽ mang lại rất nhiều rủi ro. Cụ thể:

Ngân hàng Quân đội (MB)

Thống kê cho thấy, quý 3/2020, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nằm ở ngoại bảng của MB là 366.733 tỷ đồng (tăng hơn 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Các khoản mục cam kết khác tăng từ hơn 35.000 tỷ đồng lên gần 65.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, các khoản phải thu của MB cũng hàm chứa các yếu tố rủi ro trong tương lai. Cụ thể, tổng số các khoản phải thu tăng từ gần 9.000 tỷ đồng lên 12.513 tỷ đồng, trong đó:

  • Khoản phải thu liên quan đến dịch vụ thanh toán từ 2.364 tỷ đồng lên 3.748 tỉ đồng; 
  • Phải thu tài trợ thương mại 2.924 tỷ đồng tăng lên 4.731 tỷ đồng; 
  • Các khoản phải thu khác từ hơn 952 tỷ đồng tăng lên 1.641 tỷ đồng.

Những khoản này nếu không thu được trong tương lai sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến lợi nhuận của MBbank.

Ngân hàng Quân đội MB

MBbank hiện có nghĩa vụ nợ tiềm ẩn nằm ở ngoại bảng là 366.733 tỷ đồng

Ngân hàng VPbank

Theo báo cáo tài chính hết quý 3/2020, nợ xấu nội bảng của VPbank tăng từ mức khoảng 5.178 tỷ đồng lên 5.689 tỷ đồng. Ngoài ra, nghĩa vụ nợ tiềm ẩn với khoản mục cam kết khác của VPBank tăng từ 115.638 tỷ đồng lên 227.275 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng các khoản phải thu cũng tăng từ mức hơn 14.897 tỷ đồng lên 16.255 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay đối với các cam kết ngoại bảng, các ngân hàng thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Ngân hàng chỉ phải trích lập dự phòng khi rủi ro xảy ra. Như vậy, điều này sẽ càng làm gia tăng các rủi ro tiềm ẩn trong tương lai và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được hơn 1,1 triệu tỷ đồng nợ xấu. Nhưng tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 7/2020 vẫn ở mức 4,47% và con số này ước tính sẽ còn tăng cao.

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến cam kết ngoại bảng

Cam kết ngoại bảng trên CIC là gì?

Cam kết ngoại bảng trên CIC được hiểu là cam kết ngoại bảng được phân loại đối với khách hàng do Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) cung cấp tại thời điểm phân loại.

Cam kết ngoại bảng có trích lập dự phòng không?

Theo quy định hiện nay đối với các cam kết ngoại bảng, các ngân hàng thương mại chỉ thực hiện phân loại nợ để quản lý, giám sát chất lượng tín dụng, không thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.

Cam kết ngoại bảng của ngân hàng là gì?

Cam kết ngoại bảng của ngân hàng chính là các khoản như cam kết thanh toán, trả nợ, cấp tín dụng… hay các hợp đồng phát sinh tỷ giá của ngân hàng với khách hàng trong tương lai nằm ngoài bảng cân đối kế toán. 

Hoạt động ngoại bảng ngân hàng

Tại các ngân hàng, hoạt động ngoại bảng khá phổ biến

Cam kết ngoại bảng quá hạn 30 ngày nghĩa là gì?

Cam kết ngoại bảng quá hạn 30 ngày là một cách phân loại cam kết ngoại bảng trong hoạt động tổ chức tín dụng. Theo đó, nếu khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng quá hạn 30 ngày sẽ được phân loại vào nhóm 4. Đây là nhóm mà khả năng khách hàng không thực hiện cam kết là rất cao.

Trên đây là các thông tin về cam kết ngoại bảng, bạn có thể nắm rõ để hiểu về các dịch vụ này trong hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng thương mại hiện nay.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *