Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng thai sản?
Mục lục [Ẩn]
Chế độ thai sản là một trong những quyền lợi lớn của những người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy vậy, không phải người lao động nào cũng nắm rõ những quy định cũng như quyền lợi về chế độ này. Điển hình như việc nhiều người lao động thắc mắc: Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng thai sản?
Những đối tượng đóng bảo hiểm xã hội hưởng chế độ thai sản
Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sau đây sẽ được hưởng chế độ thai sản:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Người lao động nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, triệt sản;
- Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.
Nếu người lao động thuộc một trong những đối tượng này và đáp ứng được điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Chế độ thai sản là quyền lợi ưu tiên hàng đầu với người lao động đóng BHXH
Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng thai sản?
Trong Điều 31 Luật BHXH 2014 cũng có quy định về thời gian đóng BHXH của lao động nữ để hưởng chế độ thai sản, đáp ứng một trong hai điều kiện sau đây:
- Đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi.
- Đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo quy định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần đóng BHXH đủ 3 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con thì sẽ được hưởng chế độ thai sản.
Trong đó, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi được tính như sau:
- Khi sinh con hoặc nhận con nuôi trước ngày 15 của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận con nuôi sẽ không được tính vào 12 tháng trước sinh.
- Khi sinh con hoặc nhận con nuôi từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó có đóng BHXH thì tháng sinh con hoặc nhận con nuôi này được tính vào khoảng 12 tháng trước sinh. Trường hợp đó là tháng không đóng BHXH sẽ được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Đó là quy định về thời gian đóng BHXH đối với lao động nữ để hưởng chế độ thai sản. Còn đối với nam sẽ không có quy định về thời gian, chỉ cần đang đóng BHXH trong thời gian vợ sinh con là được hưởng chế độ thai sản.
Đọc thêm: Bảo hiểm xã hội có trừ tiền thai sản khi nghỉ việc không?
Chế độ thai sản cho lao động nữ
Thiên chức làm mẹ là nghĩa vụ và trách nhiệm của phụ nữ, Nhà nước đưa ra chế độ thai sản với nhiều quyền lợi nhằm giúp người lao động bảo vệ sức khỏe cũng như tài chính của mình.
Thời gian nghỉ thai sản
Quy định từ các Điều 32, 33, 34, 35, 36, 37 Luật BHXH 2014 đã đưa mức thời gian nghỉ thai sản dựa theo từng giai đoạn:
- Thời gian hưởng chế độ khám thai với 5 lần nghỉ làm, mỗi lần nghỉ 1 ngày (thời gian nghỉ là ngày làm việc bình thường, không tính lễ, Tết, ngày nghỉ hàng tuần). Trường hợp những người mang thai ở xa cơ sở y tế khám bệnh, người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì mỗi lần khám thai được nghỉ 2 ngày.
- Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý sẽ được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở KCB có thẩm quyền. Thời gian nghỉ làm từ 10 - 50 ngày tuỳ thuộc vào số tuần tuổi của thai nhi (05 tuần - 25 tuần).
- Thời gian nghỉ sinh con là 6 tháng, trường hợp sinh đôi từ con thứ 2 trở lên, thêm mỗi con thì mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
- Với những trường hợp thai nhi không may qua đời hoặc người mẹ chết sau khi sinh thì người mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
- Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai: Đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai được nghỉ 7 ngày; lao động nữ triệt sản được nghỉ 15 ngày.
Cách tính tiền thai sản
Lao động nữ khi sinh con sẽ được hưởng những chế độ tiền sau:
- Tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi: Khoản tiền này được quy định tại Điều 38 Luật BHXH 2014:
Trợ cấp 1 lần = Mức lương cơ sở tại tháng sinh x 2
Chẳng hạn, năm 2021 mức lương cơ sở là 1.490.000 vnđ/tháng. Như vậy, mức trợ cấp khi sinh 1 lần = 1.490.000 x 2 = 2.960.000 vnđ.
- Tiền chế độ thai sản: Mức hưởng chế độ thai sản hàng tháng được nêu trong Điều 39 Luật BHXH 2014:
Mức hưởng hàng tháng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 06 tháng trước khi nghỉ việc
Với những trường hợp chưa đóng đủ 06 tháng thì mức hưởng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng.
Chế độ thai sản của lao động nam có vợ sinh con
Ngoài chế độ thai sản đối với lao động nữ, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho lao động nam có thời gian cùng vợ chăm con và bổ sung thêm kinh tế.
Thời gian nghỉ thai sản
Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định trong 30 ngày đầu kể từ ngày người vợ sinh con, người chồng sẽ được nghỉ từ 5 đến 14 ngày làm việc tùy theo từng trường hợp, như: Sinh thường, sinh mổ, sinh dưới 32 tuần tuổi, sinh đôi, mổ sinh đôi.
Tiền thai sản của lao động nam
Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 39 Luật BHXH, công thức tính tiền thai sản của chồng khi vợ sinh con như sau:
Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc : 24 ngày x Số ngày nghỉ
Đọc thêm: Những thay đổi về BHXH năm 2021
Chế độ thai sản khi đóng BHXH đủ điều kiện đem lại cho cả lao động nữ và lao động nam nhiều quyền lợi. Vì vậy chúng tôi mong những người lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm đóng BHXH để có được những chế độ tốt nhất cho bản thân, chứ không chỉ riêng chế độ thai sản.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất