avatart

khach

icon

Gia đình trẻ và bài toán "khủng hoảng tài chính"

Tài chính cá nhân

- 25/05/2021

0

Tài chính cá nhân

25/05/2021

0

Khủng hoảng tài chính những năm đầu hôn nhân dường như là bài toán chung mà hầu hết các cặp vợ chồng trẻ hiện nay đều gặp phải. Bởi họ bước vào hôn nhân khi thiếu đi sự chuẩn bị chu toàn cả về tài chính lẫn tinh thần.

Mục lục [Ẩn]

Một ngày đầu tháng 4, Tâm - người em họ gọi điện cho tôi để hỏi mượn tiền chuẩn bị cho hai tháng tới sinh em bé. Tôi có phần ngạc nhiên bởi vợ chồng Tâm thuộc nhóm có kinh tế khá, thu nhập tốt. Hỏi ra mới biết cô bị vỡ kế hoạch có con khiến hai vợ chồng cô không kịp trở tay và lâm vào cảnh bối rối, bị động, nhất là khi tham khảo các chi phí khám thai, sinh đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh... Vấn đề tiền bạc khiến hai vợ chồng loay hoay không biết nên xử lý thế nào, khi mà các khoản tiền tiết kiệm trong 2 năm đầu hôn nhân cả hai đều sử dụng hết cho những lần mua sắm quần áo, đồ dùng công nghệ theo sở thích và những chuyến du lịch. Và bước cuối cùng được tính đến là vay mượn người thân để bước đầu ổn thỏa kế hoạch sinh con, “rồi từ từ tính tiếp” - như Tâm chia sẻ.

Câu chuyện của Tâm dường như là trường hợp khắc họa rõ nét nhất vấn đề mà hầu hết các gia đình trẻ hiện nay đang gặp phải: Khủng hoảng về tài chính, chưa chuẩn bị chu đáo tài chính cho việc lập gia đình. 

Quản lý tài chính gia đình trẻ

Bài toán tài chính với nhiều gia đình trẻ

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến các gia đình trẻ rơi vào sự khủng hoảng liên quan đến tài chính. Đó có thể là những sai lầm trong cách chi tiêu khi được đồng nào xào đồng ấy vì nghĩ rằng mới cưới, cứ thong thả tận hưởng giai đoạn vợ chồng son. Từ đó quên mất kế hoạch tiết kiệm cho các dự định lâu dài trong tương lai. Còn một số người trẻ khác lại quá quen với cách chi tiêu như khi độc thân mà quên mất rằng, khi bước vào cuộc sống hôn nhân họ sẽ phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: Thay vì sống cho riêng mình, chúng ta sẽ phải sống cuộc sống với vợ hoặc chồng. Hàng loạt áp lực có thể xảy ra như tài chính, văn hóa chi tiêu, tình cảm... khiến họ dễ lao đao.

Và rồi như một hệ quả tất yếu, sau một đến hai năm đầu chung sống, rất nhiều đôi vợ chồng khi chuẩn bị làm cha mẹ thì mới giật mình phát hiện không có một quỹ dự phòng nào và cũng không có tiền để dành cho tương lai của con cái. Áp lực tài chính lúc này không còn là chuyện đùa nữa mà trở nên căng thẳng hơn. 

Chúng ta đều biết, sau khi kết hôn ai cũng sẽ phải gánh thêm nhiều khoản chi phí khác nhau. Ngoài các chi phí thông thường như ăn uống, nhà ở, điện nước… bạn sẽ có thêm cả trăm khoản phát sinh khác phải lo như hiếu hỉ, bên nội - bên ngoại, quà cáp, tài chính cho việc sinh con… Những vấn đề này khiến câu chuyện về tài chính càng bị đẩy lên cao và nhiều lúc còn trở thành yếu tố tác động đến những bất hòa, mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình nếu như bạn không tìm ra cách xử lý. Để tránh việc loay hoay trong những bỡ ngỡ tài chính giai đoạn hôn nhân, điều mà mỗi gia đình trẻ cần làm chính là thiết lập một kế hoạch tài chính chu toàn nhất trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. 

Ở đây, với bài toán “khủng hoảng tài chính” của gia đình trẻ, cá nhân tôi cho rằng có 3 vấn đề trong việc chi tiêu, tiết kiệm:

Thứ nhất, sau khi cưới hầu như cặp vợ chồng nào cũng có chắc chắn trong tay một khoản tiền mừng, bao gồm tiền mặt và vàng (tục lệ một số địa phương dùng vàng làm quà mừng cưới). Với số tiền này, mỗi người có một cách sử dụng và chi tiêu khác nhau, tuy nhiên không nên tiêu quá 30% tổng số tiền mừng, trừ khi vợ chồng phải trả những khoản vay nợ trước khi cưới. Điều này đảm bảo sau cưới bạn vẫn có một khoản tích lũy đủ để thực hiện các dự định cần thiết cho gia đình mới. Số tiền này bạn có thể bảo toàn bằng một hay nhiều cách khác nhau như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng tích trữ, bỏ ống heo tiết kiệm, mua bảo hiểm nhân thọ… 

Thứ hai, cuộc sống hôn nhân hoàn toàn khác cuộc sống độc thân, lúc này bạn sẽ không thể tùy tiện chi tiêu theo sở thích và cảm hứng. Tất cả các khoản chi tiêu đều phải kiểm soát và nên rõ ràng giữa hai vợ chồng. Cách tốt nhất có thể giúp các gia đình trẻ tránh được tình trạng mất kiểm soát là cùng nhau ngồi lại và thống nhất ngay từ đầu với nhau. Tổng thu nhập hàng tháng của vợ và chồng là bao nhiêu? Tiết kiệm bao nhiêu? Số tiền còn lại cần chi tiêu cho những khoản nào?. Lên danh sách những khoản cần chi theo mức độ ưu tiên và quan trọng nhất. Bắt đầu thực hiện và ghi chép toàn bộ, sau đó cân đối lại vào tháng tiếp theo nếu có phát sinh. Bạn có thể ghi chép trên sổ sách, file excel, qua app trên điện thoại hoặc bằng cách thức nào đó bạn thấy tiện lợi và hữu ích.

Thứ ba, lên kế hoạch cho các quỹ tiết kiệm. Đây là điều không thể thiếu trong cuộc sống gia đình. Khi bước vào hôn nhân, chúng ta có nhiều kế hoạch phải thực hiện hơn là việc cùng nhau “góp gạo thổi cơm chung” thông thường. Mỗi gia đình sẽ có các kế hoạch riêng như sinh con, mua nhà, mua xe, đi du lịch, kinh doanh… và để thực hiện những điều này, cần vạch ra lộ trình và mục tiêu tích lũy cụ thể. Đó có thể là kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn, tùy theo nhu cầu tài chính trong tương lai và khả năng tài chính hiện tại của gia đình. Kế hoạch đầu tiên ngay sau khi cưới có thể là sinh con trong 2-3 năm tới. Khi đó bạn cần phải hoạch định số tiền cần tiết kiệm, thời gian thực hiện kế hoạch, tiết kiệm bằng hình thức như thế nào...

Khủng hoảng tài chính gia đình trẻ

Tất cả các khoản chi tiêu đều phải kiểm soát và thống nhất ngay từ đầu

Xét về mặt tỷ trọng phân bổ thu nhập cho quỹ tiết kiệm, tôi cho rằng tỷ lệ hợp lý nhất mà gia đình trẻ nên tiết kiệm là 40 - 50% tổng thu nhập mà hai vợ chồng kiếm được mỗi tháng khi chưa có người phụ thuộc như con cái. Tỷ lệ này cần được tuân thủ thực hiện trước khi bạn chi tiêu. Đến lúc gia đình bạn có thêm thành viên mới, mức tiết kiệm có thể giảm xuống 10 - 15% /tháng. Chỉ khi có một kế hoạch thật chi tiết thì việc hoàn thành mới trở nên dễ dàng hơn và bạn sẽ không rơi vào thế bị động.

Đối với việc quản lý tài chính, mỗi gia đình trẻ ít nhất nên xây dựng 3 quỹ. Thứ nhất là quỹ cơ bản sẽ bao gồm các khoản chi tiêu thiết yếu như sinh hoạt, ăn uống, đi lại, hiếu hỷ… Thứ hai là quỹ dự phòng, quỹ này để đối phó với những việc đột xuất như khi ốm đau, tai nạn, nằm viện… và cuối cùng là quỹ tích lũy cho các kế hoạch tương lai như mua nhà, mua xe, sinh con, học vấn cho con… Trong số này, quỹ dự phòng và tích lũy là hai quỹ quan trọng nhất, giúp gia đình ứng phó với mọi bất trắc. 

Khủng hoảng về tài chính đối với nhiều gia đình trẻ gần như là một bài toán chung mà nhiều người loay hoay tìm câu trả lời. Tuy nhiên lời giải nằm ở ngay cách quản lý tài chính của mỗi gia đình trẻ. Hành trình của hạnh phúc trong cuộc sống gia đình chính là tài chính vững mạnh với kế hoạch chi tiêu hợp lý và ngân sách tích lũy được đảm bảo. 


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *