Nên mua loại hình bảo hiểm nhân thọ nào?
Mục lục [Ẩn]
Thị trường bảo hiểm hiện nay đa dạng các loại hình bảo hiểm nhân thọ, tuy nhiên có 2 dòng sản phẩm bảo hiểm phổ biến và được lựa chọn nhiều nhất hiện nay là dòng bảo hiểm liên kết đầu tư và bảo hiểm hỗn hợp. Theo thống kê của Cục quản lý Giám sát bảo hiểm, tỷ trọng doanh thu phí của dòng bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm 61,9%, dòng bảo hiểm hỗn hợp chiếm 25,9% năm 2020. Trong đó, có 3 sản phẩm nổi bật nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị thuộc dòng bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi thuộc dòng bảo hiểm hỗn hợp. Để trả lời câu hỏi “Nên chọn sản phẩm bảo hiểm nào là tốt nhất?” hãy cùng tìm hiểu điểm mạnh và điểm yếu của từng sản phẩm sau đây:
Bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi
Bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi là loại hình bảo hiểm không chỉ bảo vệ tài chính trước rủi ro mà còn tích lũy một phần phí đóng cộng thêm lãi. Theo đó, ngoài các quyền lợi đảm bảo như quyền lợi bệnh hiểm nghèo và/hoặc quyền lợi học vấn, tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, quyền lợi tiền mặt... người tham gia còn được hưởng thêm quyền lợi không đảm bảo là lãi chia. Khoản lãi chia này sẽ được phân bổ dưới dạng bảo tức tích lũy và lãi cuối hợp đồng. Hai quyền lợi này được quy định rõ trong điều khoản sản phẩm của từng công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi vừa bảo vệ rủi ro vừa tích lũy
Nhờ sự kết hợp giữa hai yếu tố bảo vệ và tiết kiệm an toàn cho tương lai mà bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi được rất nhiều khách hàng quan tâm và lựa chọn. Loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu điểm và nhược điểm như sau:
Điểm mạnh:
- Phí bảo hiểm không đổi trong suốt thời gian đóng phí (trừ khi tăng hoặc giảm số tiền bảo hiểm) với quyền lợi bảo hiểm chính là bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và/hoặc quyền lợi học vấn cho con, quyền lợi bảo hiểm tử vong...
- Đóng phí theo thời hạn nhất định, được lựa chọn thời hạn đóng phí 10 năm/15 năm hoặc thường tối đa 20 năm, trừ sản phẩm bảo hiểm hưu trí đóng phí đến tuổi nghỉ hưu.
- Một hợp đồng kết hợp được cả yếu tố bảo vệ và tiết kiệm. Người tham gia vừa được bảo vệ trước các rủi ro và vừa được hưởng lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm. Theo quy định hiện hành, người tham gia được hưởng tối thiểu 70% tổng lãi thu được từ hợp đồng (Căn cứ theo Điều 76, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP).
- Tài sản của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi được đầu tư vào những tài sản có tính dài hạn và an toàn như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu...
- Các quyền lợi bảo vệ tài chính trước rủi ro, quyền lợi tiền mặt định kỳ hay giá trị hoàn lại đều được đảm bảo, không phụ thuộc vào kết quả hoạt động của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi.
- Kết quả hoạt động của quỹ đầu tư sẽ được tổng kết hàng năm một cách minh bạch giúp khách hàng nắm rõ mức lãi suất mà mình được hưởng
Điểm yếu:
- Phí bảo hiểm khá cao so với một số dòng bảo hiểm khác với cùng số tiền bảo hiểm vì quyền lợi bảo hiểm chính không chỉ có bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, tử vong, và/hoặc quyền lợi học vấn; quyền lợi phiếu tiền mặt; quyền lợi bảo hiểm thương tật...
- Thời hạn đóng phí cố định (10/15/20 năm) với số tiền bảo hiểm không đổi. Tức là không có sự linh hoạt đóng phí như dòng bảo hiểm liên kết đầu tư
- Khách hàng không nắm rõ được phí đóng được phân bổ như thế nào trong hợp đồng bảo hiểm
- Tỷ lệ chia lãi không ổn định do bảo tức và lãi chia cuối hợp đồng là hai quyền lợi không được đảm bảo, phụ thuộc vào kết quả hoạt động của Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Nếu kết quả hoạt động tốt, tỷ lệ chia lãi sẽ cao và ngược lại.
- Thời hạn hợp đồng (thường đến năm 75 tuổi) ngắn hơn so với dòng bảo hiểm liên kết đầu tư
Bản chất của dòng bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi là phí bảo hiểm sẽ tập trung vào Quỹ chủ hợp đồng có tham gia chia lãi. Công ty bảo hiểm mang quỹ này đi đầu tư. Hàng năm, kết quả hoạt động của quỹ đầu tư sẽ được tổng kết. Sau khi trừ đi các chi phí vận hành hoạt động và các quyền lợi bảo hiểm phát sinh trong năm, số tiền còn lại sẽ được phân bổ, chia lợi nhuận cho khách hàng từ hoạt động đầu tư, là khoản bảo tức tích lũy hay lãi chia cuối hợp đồng.
Bảo hiểm liên kết chung (UL)
Bảo hiểm liên kết chung là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. Bên mua bảo hiểm được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Dòng sản phẩm bảo hiểm liên kết chung là một trong những dòng sản phẩm được nhiều công ty bảo hiểm triển khai, đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu bảo vệ, tiết kiệm và đầu tư của khách hàng.
Ưu điểm:
- Thời hạn bảo hiểm dài lên đến 99 tuổi hoặc trọn đời
- Phần bảo hiểm rủi ro: Phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm cao
- Phần đầu tư: Bên mua bảo hiểm được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư thực tế của quỹ liên kết chung với tỷ suất đầu tư không thấp hơn mức tối thiểu quy định tại hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ lãi suất cam kết của năm hợp đồng đầu tiên là 5%, nếu kết quả đầu tư cho lãi suất 5,8% thì khách hàng được hưởng mức 5,8% và nếu thấp hơn 5% thì khách hàng được hưởng mức 5%.
- Giá trị tài khoản hợp đồng được quản lý bởi quỹ liên kết chung, có tỉ lệ chia lãi cạnh tranh và được công bố minh bạch cho khách hàng.
- Sản phẩm có sự minh bạch về tài chính, rõ ràng giữa các khoản khấu trừ phí bảo hiểm rủi ro, phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng...
- Khách hàng có thể rút tiền nhiều lần hoặc tạm ứng đến 80% giá trị tài khoản hợp đồng trong trường hợp gặp khó khăn về tài chính
- Khách hàng có thể tăng/giảm số tiền bảo hiểm khi nhu cầu bảo hiểm thay đổi mà không cần tham gia hợp đồng mới.
- Khách hàng có thể biết rõ phí bảo hiểm của mình được đầu tư vào đâu
- Kế hoạch đóng phí rất linh hoạt, đáp ứng phần lớn các nhu cầu bảo vệ và tích lũy, phù hợp với khả năng tài chính theo từng giai đoạn trong cuộc đời của mỗi người. Giai đoạn vài năm đầu khách hàng phải đóng phí đầy đủ để thiết lập hợp đồng. Nhưng những năm về sau việc đóng phí là hoàn toàn chủ động. Nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người tham gia có thể ngưng đóng phí một thời gian ngắn mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
- Sản phẩm được thiết kế quyền lợi đa dạng theo nhu cầu và linh hoạt thay đổi
Nhược điểm:
- Giai đoạn vài năm đầu tiên khách hàng bắt buộc phải đóng phí đầy đủ để thiết lập hợp đồng
- Với phí đóng thấp, số tiền bảo hiểm cao tương ứng với phí bảo hiểm rủi ro cao nên khách hàng nên đóng phí bảo hiểm dài hạn và đầy đủ để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm.
- Quyền lợi bảo hiểm sản phẩm chính chủ yếu là quyền lợi tử vong và/hoặc quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối/quyền lợi bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn nên khách hàng cần tham gia thêm các sản phẩm bổ trợ về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm miễn đóng phí....
- Sản phẩm có tính phức tạp hơn so với bảo hiểm truyền thống nên đòi hỏi khách hàng phải hiểu rõ các đặc điểm, điều kiện của hợp đồng trước khi giao kết; người bán hàng cũng cần có kỹ năng tốt hơn.
- Khách hàng không được chủ động trong việc lựa chọn quỹ đầu tư
- Lãi suất chỉ phụ thuộc vào một khoản đầu tư duy nhất
Với bảo hiểm UL, khách hàng được hưởng quyền lợi từ kết quả đầu tư của quỹ liên kết chung
Bảo hiểm liên kết đơn vị (IL)
Bảo hiểm liên kết đơn vị là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, đồng thời có cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa hai phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư. (Căn cứ theo Thông tư 135/2012/TT-BTC về Hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị). Bên mua bảo hiểm sẽ được linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị yếu tố đầu tư là chính, cho nên bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm vào các quỹ liên kết đơn vị do doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư. Những quỹ đầu tư có mức độ rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng cao.
Ưu điểm:
- Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.
- Phần bảo hiểm rủi ro: phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm cao
- Phần đầu tư: Khách hàng chính là người quyết định chính khả năng sinh lời và tỷ lệ rủi ro của khoản đầu tư bằng cách chủ động lựa chọn quỹ đầu tư phù hợp. Quỹ đầu tư sinh lời thì khách hàng được hưởng lãi cao và ngược lại.
- Thời hạn bảo hiểm dài, đến 99 tuổi hoặc trọn đời
- Có thể đóng phí bảo hiểm linh hoạt từ năm hợp đồng thứ tư hoặc năm hợp đồng thứ 5 hoặc năm hợp đồng thứ 6 trở đi theo điều kiện tài chính hoặc trích từ giá trị tài khoản hợp đồng để đóng phí, tùy quy định của từng sản phẩm
- Khách hàng vừa được bảo vệ trước các rủi ro vừa gia tăng tài sản tương lai thông qua việc đầu tư vào các quỹ liên kết đơn vị
- Các quỹ liên kết đơn vị được quản lý và đầu tư bởi các chuyên gia đầu tư chuyên nghiệp và có kinh nghiệm lâu năm
- Quỹ đầu tư có tính minh bạch, khách hàng có thể theo dõi được hoạt động đầu tư của quỹ liên kết đơn vị mà mình đã lựa chọn.
- Khách hàng được quyền chuyển đổi tài sản đầu tư giữa các quỹ liên kết đơn vị
- Bên mua bảo hiểm có thể đóng thêm phí bảo hiểm để mua các đơn vị quỹ liên kết đơn vị nhằm gia tăng tài sản trong tương lai
- Người tham gia nắm rõ các khoản khi của hợp đồng bảo hiểm như phí ban đầu, phí quản lý hợp đồng, phí quản lý quỹ… trong điều khoản sản phẩm.
Nhược điểm:
- Với mức phí thấp, số tiền bảo hiểm cao tương ứng với phí bảo hiểm rủi ro cao nên khách hàng nên đóng phí bảo hiểm dài hạn và đầy đủ để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm.
- Quyền lợi bảo hiểm sản phẩm chính chủ yếu là quyền lợi tử vong và/hoặc quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối/quyền lợi bảo hiểm thương tật toàn bộ vĩnh viễn nên khách hàng cần tham gia thêm các sản phẩm bổ trợ về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, bảo hiểm miễn đóng phí....
- Lãi suất không ổn định. Nếu quỹ đầu tư kinh doanh không có lãi thì nhà đầu tư hưởng lãi thấp hoặc chấp nhận không nhận được gì. Đổi lại, quỹ đầu tư kinh doanh tốt thì nhà đầu tư có thể hưởng lãi suất cao và tài sản của nhà đầu tư trong quỹ gia tăng nhanh chóng.
- Khách hàng cần sự am hiểu về đầu tư để đưa ra quyết định phù hợp.
Khách hàng được chủ động giữa các quỹ liên kết đơn vị
Khó có thể so sánh dòng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào là tốt nhất bởi vì phụ thuộc vào nhu cầu và tài chính của mỗi khách hàng khác nhau.
Với sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp có tham gia chia lãi thiên về yếu tố bảo vệ kèm với tiết kiệm cho tương lai, phù hợp với khách hàng mong muốn có một khoản tiền tích lũy khi về già.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết chung thiên về bảo vệ với số tiền bảo hiểm cao kết hợp quyền lợi đầu tư không thấp hơn lãi suất cam kết, phù hợp với khách hàng tập trung vào bảo vệ (không chú trọng yếu tố tiết kiệm) và ủy thác đầu tư cho công ty bảo hiểm
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thiên về bảo vệ với số tiền bảo hiểm cao (không chú trọng yếu tố tiết kiệm) kết hợp quyền lợi đầu tư linh hoạt - lãi thì được hưởng, lỗ thì phải chịu, nên phù hợp với khách hàng tập trung vào bảo vệ và muốn chủ động tham gia các kênh đầu tư.
Để thấy sự khác nhau giữa 3 dòng bảo hiểm này với các sản phẩm bảo hiểm khác, bạn có thể xem thêm bài viết "Phân biệt các loại hình bảo hiểm nhân thọ”.
Qua bài viết, chắc hẳn bạn đã có lựa chọn riêng cho mình và gia đình. Hãy cân nhắc và lựa chọn kỹ sản phẩm trước khi tham gia nếu tài chính hiện tại chỉ cho phép bạn sở hữu một hợp đồng bảo hiểm. Nếu tài chính dư dả bạn có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm thì 2 trong 3 sản phẩm là lựa chọn tối ưu.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất