avatart

khach

icon

Tìm hiểu thị trường trái phiếu ở Việt Nam

Chứng khoán

- 27/08/2021

0

Chứng khoán

27/08/2021

0

Thị trường trái phiếu ở Việt Nam được đánh giá phát triển ổn định ngay từ khi ra đời. Cho đến nay đây là một thị trường sôi động và thu hút nhiều nhà đầu tư.

Mục lục [Ẩn]

Lịch sử của thị trường trái phiếu Việt Nam

Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu hình thành từ những năm 1990 và có lịch sử giao dịch trước thị trường cổ phiếu. Sau đó với sự ra đời của hệ thống kho bạc Nhà nước và đặc biệt là sự ra đời của thị trường chứng khoán cùng với việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý đã tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu Việt Nam từng bước phát triển.

Từ những năm 1990 đã có trái phiếu Chính phủ và 1 số trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước được phát hành. Trái phiếu này chủ yếu do các công ty bảo hiểm và ngân hàng quốc doanh nắm giữ đến khi đáo hạn. Năm 1991, thị trường trái phiếu bằng đầu bằng việc phát hành tín phiếu Kho bạc kỳ hạn 3 tháng tại Hải Phòng và sau đó là việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Nhà nước lớn.

Năm 2000 được xem là một cột mốc quan trọng cho thị trường trái phiếu Việt Nam với sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu thứ cấp đầu tiên ngay khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM được thành lập. Lúc này cùng với Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng được giao tổ chức đấu thầu một số loại trái phiếu chính phủ dài hạn. Sự kiện này càng thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ của Việt Nam.

Trái phiếu chính phủ Việt Nam

Sau năm 2000 giao dịch của trái phiếu Chính phủ là độc quyền duy nhất trên thị trường

Từ sau năm 2000, giao dịch của trái phiếu Chính phủ dường như là độc quyền duy nhất trên thị trường. Sau đó, từ 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO thì đã tạo sự bùng nổ với các trái phiếu do doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, thời điểm này so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia.. thì quy mô thị trường trái phiếu của Việt Nam vẫn còn thấp. Tổng dư nợ thị trường trái phiếu tính tới tháng 3/2013 tại Việt Nam chỉ trên 20%.

Để tạo đà cho sự phát triển, các nhà chính sách đã đẩy mạnh sự hiện diện của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như một cổng thông tin tập trung về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu cũng ngày càng được hoàn thiện…. Tất cả những chính sách này đều nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường trái phiếu chuyên biệt cũng như phát triển thị trường trái phiếu một cách bền vững. 

Năm 2017 khi thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển đã giúp cho thị trường trái phiếu Việt Nam đa dạng hóa hơn về mặt sản phẩm cũng như các đối tượng đầu tư. Cho đến nay hàng hóa trên thị trường trái phiếu Việt Nam đã hoàn thiện hơn, bao gồm: Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu doanh nghiệp…

Theo đánh giá của bộ Tài Chính, cuối năm 2017, dư nợ của thị trường TPDN rơi vào khoảng 6,19% GDP. Đến hết tháng 9/2018, tổng giá trị phát hành trái phiếu là 79.515 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2015 là 43.500 tỷ đồng, và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 1,48% GDP. 

Ở cùng thời kỳ, trái phiếu chính phủ tăng 44% so với 2015, và chỉ tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 21,5% GDP. Như vậy, quy mô và số lượng trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng được mở rộng hàng năm. 

Chính sự gia tăng này đã giúp thị trường trái phiếu Việt Nam phát triển mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách và doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu cũng được ban hành đầy đủ, đồng bộ từ cấp Luật, Nghị định đến Thông tư hướng dẫn. 

Mới đây Chính phủ ban hành 03 Nghị định quy định về chào bán và giao dịch TPDN, bao gồm: 

  • Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế;
  • Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (gồm nội dung quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng). 

Với những quy định mới này, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có những thay đổi nhất định.

Các loại trái phiếu trên thị trường Việt Nam

Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay giao dịch với đa dạng các sản phẩm, cụ thể như sau:

Trái phiếu chính phủ 

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu của Việt Nam, nhằm đáp ứng 2 mục tiêu:

  • Kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước
  • Là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính.  

Về mục đích phát hành: TPCP do Bộ Tài chính phát hành nhằm mục đích huy động vốn cho ngân sách nhà nước

Về kế hoạch phát hành: Kế hoạch phát hành TPCP được Kho bạc Nhà nước công bố hàng năm. Ngoài ra, tại thời điểm đầu quý, Kho bạc Nhà nước công bố khối lượng phát hành dự kiến trong quý chia theo từng kỳ hạn để các nhà đầu tư chủ động bố trí nguồn vốn tham gia vào các phiên phát hành TPCP.

Về phương thức phát hành: TPCP được phát hành theo các phương thức như sau:

  • Đấu thầu
  • Bảo lãn
  • Bán lẻ.  

Sau khi phát hành, TPCP được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và niêm yết, giao dịch tại Sở GDCK nhằm tăng tính thanh khoản của trái phiếu. Hiện tại, chủ yếu TPCP được phát hành theo hình thức đấu thầu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Về nhà tạo lập thị trường: Nhà tạo lập thị trường là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành TPCP, trái phiếu chính phủ bảo lãnh theo phương thức đấu thầu để mua trái phiếu cho chính mình hoặc mua cho khách hàng. 

Hàng năm, Bộ Tài chính đánh giá, xếp hạng về mức độ tham gia của nhà tạo lập thị trường theo các tiêu chí:

  • Tình hình tài chính doanh nghiệp
  • Sự tham gia trên thị trường sơ cấp
  • Sự tham gia trên thị trường thứ cấp.  

Căn cứ vào báo cáo của nhà tạo lập thị trường , cơ sở dữ liệu, các tiêu chí xếp hạng và tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí đã công bố, Bộ Tài chính thực hiện đánh giá và xếp hạng nhà tạo lập thị trường. Kết quả đánh giá, xếp hạng nhà tạo lập thị trường được công bố trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.

Trái phiếu chính phủ bảo lãnh

Thị trường trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL) là kênh huy động vốn cho:

  • Các doanh nghiệp
  • Ngân hàng chính sách của nhà nước
  • Tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại Điều 32, Điều 33 của Luật Quản lý nợ công.

Đối tượng phát hành TPCPBL chủ yếu trên thị trường trong nước là Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước.

Về phương thức phát hành:

Doanh nghiệp phát hành TPCPBL theo phương thức: đấu thầu, bảo lãnh, đại lý, bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng). Việc tổ chức phát hành TPCPBL của doanh nghiệp thực hiện theo quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các Ngân hàng chính sách phát hành TPCPBL theo phương thức đấu thầu, đại lý và được áp dụng quy trình, thủ tục về phát hành TPCP theo phương thức đấu thầu, đại lý để phát hành TPCPBL.

Hiện tại, các ngân hàng chính sách chỉ thực hiện phát hành TPCPBL theo phương thức đấu thầu tại Sở GDCK Hà Nội. Theo đó chỉ có thành viên đấu thầu được tham gia vào các phiên phát hành TPCPBL theo phương thức đấu thầu. Thành viên đấu thầu có thể mua cho chính mình hoặc mua cho khách hàng. TPCPBL sau khi phát hành được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và niêm yết, giao dịch tại Sở GDCK.

Trái phiếu chính quyền địa phương

Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) là kênh huy động vốn cho chính quyền địa phương. Trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành để đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.

Về phương thức phát hành

TPCQĐP được phát hành theo phương thức:

  • Đấu thầu
  • Bảo lãnh
  • Đại lý phát hành. 

Hiện tại, các địa phương thường phát hành trái phiếu theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành. 

Sau khi phát hành, TPCQĐP được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán và được niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo yêu cầu của chủ thể phát hành.

Trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh. Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 2 hình thức:

  • Phát hành ra công chúng 
  • Phát hành riêng lẻ.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Trái phiếu này được doanh nghiệp phát hành nhằm mục đích: 

  • Đầu tư cho các chương trình, dự án
  • Tăng quy mô vốn hoạt động 
  • Tái cơ cấu nợ.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành theo 1 trong 3 phương thức phát hành như sau:

  • Đấu thầu
  • Bảo lãnh
  • Bán lẻ (chỉ đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng).

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng: Điều kiện chào bán, hồ sơ đăng ký chào bán thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định 60/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.

Tình hình thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay

Hiện nay thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn là thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Với những quy định mới về khung pháp lý đã giúp thị trường này có thêm nhiều đổi mới và phát triển, mang lại nhiều kết quả khả quan rong 6 tháng đầu năm 2021. 

Thị trường trái phiếu Chính phủ

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) nửa đầu năm 2021 cũng ghi nhận những thay đổi lớn:

  • Về khối lượng huy động vốn TPCP: Khối lượng phát hành TPCP đạt 138.525 tỷ đồng (tính đến ngày 30/6/2021) 
  • Về kỳ hạn phát hành: bình quân kỳ hạn phát hành đạt mức 12,24 năm; trong đó, 100% trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, 88,23% trái phiếu có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.
  • Về lãi suất phát hành: Tính đến thời điểm ngày 30/6/2021, lãi suất phát hành TPCP đang ở mức thấp kỷ lục, lãi suất phát hành bình quân đạt 2,27% giảm 0,59% so với cuối năm 2020.
  • Về cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP: Tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm, ở mức 42,04% (giảm 3,2% so với cuối năm 2020); tỷ lệ nắm giữ của khối bảo hiểm và các nhà đầu tư khác đạt 57,96% (tăng 3,2% so với cuối năm 2020).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Bộ tài chính, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận nhiều sự thay đổi. Cụ thể:

  • Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 176.828 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020
  • Khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành ra công chúng của năm 2020. 

Khối lượng phát hành TPDN ra công chúng có xu hướng tăng, đạt 8% (cao hơn mức 6% của năm 2020). Điều này cho thấy bước đầu các doanh nghiệp đã lựa chọn phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn thay vì chỉ phát hành TPDN riêng lẻ. Đánh giá chung cho thấy đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN, góp phần tăng tính công khai minh bạch và giảm thiểu rủi ro. 

Trái phiếu doanh nghiệp

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành 5 năm gần đây. (Nguồn ảnh: báo Vnexpress)

Trên thị trường TPDN, ngân hàng thương mại là nhà phát hành TPDN riêng lẻ lớn nhất, khối lượng trái phiếu phát hành của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ và tính trong chỉ tiêu an toàn vốn của các ngân hàng thương mại. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp, thông tin cho thấy tỷ trọng này đã  giảm mạnh so với năm 2020 (mua 5,9% khối lượng phát hành trong 6 tháng đầu năm 2021 trong khi cùng kỳ năm 2020 là 16,4%). 

Như vậy, có thể thấy các quy định mới đã có tác động hạn chế các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ mua TPDN phát hành riêng lẻ.

Nói về trái phiếu doanh nghiệp, chia sẻ trên Vietnamplus.vn, Phó GS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đặc biệt là từ năm 2020 cho đến nay, đang gặp rất nhiều vấn đề, thậm chí có cả các loại trái phiếu “3 không” - không có tài sản đảm bảo, không định mức tín nhiệm, không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Ông cho rằng điều này gây ra những rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư không đủ năng lực thẩm định, phân tích tài chính doanh nghiệp.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Tú, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) đánh giá, rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên. 

Có thể thấy điều này một phần đến từ những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong tháng 7/2021, Bộ Tài chính thậm chí đã phát đi cảnh báo rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Giới chuyên môn vẫn hy vọng rằng nửa cuối năm 2021 thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ có thêm nhiều diễn biến mới tích cực hơn. 

Với bài viết trên đây chắc bạn đã hiểu rõ hơn về thị trường trái phiếu Việt Nam, bao gồm lịch sử phát triển, các sản phẩm được giao dịch cũng như tình hình chung trong 6 tháng đầu năm 2021. Từ đó nắm bắt thêm nhiều thông tin hữu ích cho việc đầu tư trái phiếu tại Việt Nam.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *