Vốn đầu tư ODA là gì? Đặc điểm và các ưu - nhược điểm của nguồn vốn ODA
Mục lục [Ẩn]
Vốn đầu tư ODA là gì?
ODA là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Official Development Assistance. Đây là một hình thức đầu tư nước ngoài thông qua khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất dành cho Chính phủ một nước được đầu tư, nhằm mục đích phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội.
Vốn ODA hay vốn đầu tư ODA được hiểu là nguồn tiền mà các đối tác nước ngoài cho các nước đang và kém phát triển vay để phát triển kinh tế – xã hội.
Các đối tác này có thể là: Chính phủ, các nước trực thuộc Liên hợp quốc, Tổ chức phi chính phủ, Tổ chức tài chính quốc tế (Ngân hàng thế giới WB, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng phát triển châu Á ADB).
Vốn đầu tư ODA là một khoản vay từ nước ngoài
Đặc điểm của vốn đầu tư ODA
Nguồn vốn ODA có các đặc điểm nổi bật như sau:
- ODA là nguồn vốn hỗ trợ phát triển. Theo đó, nguồn vốn đầu tư này được xem là một hình thức hợp tác phát triển giữa chính phủ các nước phát triển, giữa tổ chức tài chính quốc tế với các nước đang hoặc chậm phát triển. Ngoài việc cho vay ưu đãi, bên viện trợ vốn ODA còn thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp hàng hóa và dịch vụ khác… Còn bên nhận vốn ODA sẽ có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phát triển kinh tế - xã hội
- Vốn đầu tư ODA là nguồn vốn mang tính ưu đãi, vì lãi suất rất thấp và thời gian trả nợ dài, có thể lên đến hàng chục năm
- Nguồn vốn này mang tính ràng buộc, các nước nhận ODA sẽ phải chịu những điều khoản nhất định khi sử dụng vốn ODA để chi tiêu, thông thường sẽ gắn với lợi ích của nước cho ODA;
Phân loại vốn ODA
Căn cứ theo cách thức hoàn trả, vốn đầu tư ODA được phân thành 3 loại như sau:
- Viện trợ vốn ODA không hoàn lại: Đây là nguồn vốn mà nước được nhận ODA sẽ không phải hoàn trả lại cho bên viện trợ ODA. Nguồn vốn này thông thường được sử dụng để thực hiện các dự án cho nước vay theo thỏa thuận của 2 nước với điều kiện đó là các nhà thầu dự án sẽ do bên cho vay đảm nhận.
- Viện trợ vốn ODA có hoàn lại: Đây là nguồn vốn vay ODA với một lãi suất ưu đãi và một thời gian trả nợ thích hợp. Hiện nay trên tổng số vốn ODA trên thế giới, tín dụng ưu đãi chiếm một tỉ trọng lớn. Nguồn vốn này thông thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực như giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng…Loại vốn đầu tư ODA này có các điều kiện ưu đãi như sau:
- Lãi suất thấp
- Thời gian trả nợ dài
- Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.
- Vốn ODA hỗn hợp: Đây là nguồn vốn đầu tư ODA kết hợp cả hai loại trên, bao gồm một phần không hoàn lại và một phần tín dụng ưu đãi có hoàn trả. Trong đó, các yếu tố “không hoàn lại” thường sẽ là không dưới 25% tổng giá trị khoản vay ODA.
Phương thức cung cấp vốn ODA
Đối với nguồn vốn đầu tư ODA, căn cứ theo Điều 4, Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay vốn ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA được cung cấp theo các phương thức như sau:
- Chương trình.
- Dự án.
- Phi dự án.
- Hỗ trợ ngân sách.
Ưu - nhược điểm của nguồn vốn đầu tư ODA
Vốn đầu tư ODA có những ưu điểm nhưng đồng thời cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định:
Ưu điểm:
- Lãi suất thấp hơn rất nhiều so với những khoản vay khác, thông thường ở mức dưới 2% hoặc 3%.
- Nước nhận ODA có thể không cần hoàn lại nếu đó là nguồn viện trợ ODA không hoàn lại
- Vốn đầu tư ODA là một khoản vay có thời gian cho vay và thời gian ân hạn vay dài, thông thường từ 25 - 40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn vay 8 - 10 năm
- Hầu hết trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA.
- Vốn đầu tư ODA là nguồn vốn rất quan trọng giúp các nước chậm và đang phát triển để có thể ổn định đời sống xã hội và phát triển kinh tế.
- Ngoài hỗ trợ về vốn, bên viện trợ ODA còn có các hoạt động hỗ trợ giúp bên nhận ODA nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cũng như trình độ nhân lực lao động. Qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho người dân
Nhược điểm:
- Nước tiếp nhận vốn ODA gần như phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ đối với một số ngành, mặt hàng nhập khẩu từ nước viện trợ ODA. Ngoài ra nước tiếp nhận vốn ODA cũng sẽ phải từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nước viện trợ vốn ODA hoặc cũng có thể cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao.
- Bên viện trợ vốn vay ODA thường yêu cầu bên nhận viện trợ mua thiết bị, thuê dịch vụ, nhân lực … của khoản vay với chi phí tương đối cao.
- Bên nhận viện trợ ODA phải thực hiện các điều khoản thương mại mậu dịch đặc biệt như nhập khẩu tối đa sản phẩm nào đó của nước cho vay ODA
- Nước cho vay ODA sẽ tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của nước vay dưới hình thức hỗ trợ chuyên gia hoặc nhà thầu
- Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Đây là một điểm bất lợi cho nước nhận vốn đầu tư ODA.
- Nước vay ODA có thể gặp một số nguy hại nếu sử dụng vốn ODA không hiệu quả như để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thiếu kinh nghiệm điều hành dự án…
Tình hình huy động và sử dụng vốn đầu tư ODA tại Việt Nam
Tại Việt Nam nguồn vốn đầu tư ODA đến từ nhiều quốc gia và khu vực khác nhau. Việt Nam đã nhận viện trợ của các đối tác như Nhật Bản, Liên minh châu Âu EU, ngân hàng thế giới WB hay chính phủ Hàn Quốc…
Nguồn vốn đầu tư ODA chính là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực khác tại Việt Nam.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận trên 85 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, 7 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại (chiếm 8% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi), trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% (tương đương 90% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi) và 1,7 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại (chiếm 2%).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 12,553 tỷ USD, trong đó vay ODA là 9,169 tỷ USD, viện trợ không hoàn lại là 513 triệu USD. Năm 2020 đáng chú ý là khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 6,2 triệu USD mà Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký kết vào tháng 7/2020 nhằm hỗ trợ Việt Nam mua sắm các sinh phẩm, thiết bị y tế cần thiết, đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ y tế dự phòng. Có thể thấy nguồn vốn ODA có tác động lớn, hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, một bất cập đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam là tốc độ giải ngân vốn đầu tư ODA còn quá chậm. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, theo kế hoạch, vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỷ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỷ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỷ đồng.
Nhưng theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) chia sẻ trên báo chí, tính đến cuối tháng 5/2021, số vốn nước ngoài mà các địa phương đã giải ngân chỉ hơn 1.100 tỷ đồng, bằng 1,73% dự toán. Đến nay có 37 tỉnh, TP chưa giải ngân đồng vốn nào.
Nói về tình trạng chậm giải ngân vốn ODA, Bộ Tài chính cho rằng, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Yếu tố này khiến các khâu từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đều bị ảnh hưởng.
Vốn ODA tại Việt Nam qua một số thời kỳ (nguồn ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Ngoài ra, theo ông Trương Hùng Long việc chậm giải ngân cũng đến từ các nguyên nhân như: các dự án vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng. Thậm chí một số dự án chậm tiến độ lại phải điều chỉnh dự án, liên quan đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn, vốn dự phòng làm cho quá trình thực hiện dự án kéo dài.
Trước vấn đề này, chia sẻ trên báo Người lao động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, chính phủ cần áp dụng nhiều biện pháp, chẳng hạn như:
- Chính phủ cần sớm xem xét đưa ra chính sách cho phép các chuyên gia nước ngoài liên quan đến các dự án trong nước được nhập cảnh với các điều kiện phòng chống dịch chặt chẽ kèm theo.
- Chính phủ, bộ - ngành cần thảo luận, bàn bạc với các nhà tài trợ để xem xét một số chính sách cấp vốn đặc thù để triển khai dự án.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính - ông Trần Xuân Hà, cần đề nghị các địa phương rà soát việc phân bổ dự toán phù hợp với tiến độ triển khai các dự án, trong đó ưu tiên bố trí phần vốn còn lại phù hợp với cơ chế tài chính của các dự án đang triển khai. Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, không để việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án.
Trước tình trạng này, Chính phủ cũng đã có các biện pháp tháo gỡ khi như:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA;
- Kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư ODA
Nhiều chuyên gia đánh giá, vốn ODA là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, nếu việc sử dụng nguồn vốn này chỉ diễn ra nửa vời thì sẽ có nhiều tác động tiêu cực.
Trên đây là các thông tin liên quan đến đến vốn đầu tư ODA. Hy vọng qua đây các bạn đã nắm rõ đặc điểm, những lợi thế cũng như hạn chế của nguồn vốn viện trợ này. Để từ đó thấy được tầm quan trọng và các tác động của vốn ODA đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất