Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì? Cách thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Mục lục [Ẩn]
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là gì?
Theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giải thích như sau:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó:
- Doanh nghiệp liên doanh là doanh nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước ngoài hoặc là doanh nghiệp do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam hoặc do doanh nghiệp liên doanh hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
- Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn tại Việt Nam.
Còn Luật Đầu tư 2020 không trực tiếp đề cập đến khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà chỉ định nghĩa một cách khái quát tại Khoản 22 Điều 3 như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”
Như vậy, hiểu một cách đơn giản nhất doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư toàn bộ hoặc một phần vốn thành lập trên lãnh thổ Việt Nam để tiến hành các hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài thường được gọi là doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn
Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Đối với việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần tuân thủ các nội dung sau:
Loại hình doanh nghiệp được thành lập
Tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là một loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo luật doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải được tổ chức dưới các hình thức doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn một loại hình doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh, bao gồm:
- Công ty hợp danh;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
- Công ty cổ phần.
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định cụ thể về thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cần đảm bảo tuân thủ các điều kiện sau đây:
- Nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật đầu tư 2020
- Có tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2020. Cụ thể: Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư thông qua tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020, trừ trường hợp đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hoặc đầu tư theo hợp đồng.
- Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế. Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
“a) Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
b) Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
c) Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
d) Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất”
Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Căn cứ theo Điều 44 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài được quy định như sau:
“1. Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế thực hiện thủ tục như sau:
a) Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại các Điều 29, 30 và 31 Nghị định này;
b) Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điểm a Khoản này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế để triển khai dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác ngoài hồ sơ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế; không xem xét lại nội dung đã được quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
3. Vốn điều lệ của tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án đầu tư không nhất thiết phải bằng vốn đầu tư của dự án đầu tư. Tổ chức kinh tế thành lập theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này thực hiện góp vốn và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”.
Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần tuân thủ quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật
Quy trình thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đảm bảo quy trình theo các bước như sau:
Xin quyết định, chủ trương đầu tư dự án
Trước khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư được các cấp có thẩm quyền chấp thuận. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuộc một trong các cơ quan gồm:
- Thủ tướng Chính phủ: Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư cần tuân thủ theo quy định tại Điều 33, Luật Đầu tư 2020.
Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài, Điều 37 Luật Đầu tư 2020 quy định rõ, nhà đầu tư cần phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư cụ thể theo quy định tại điều 38 Luật Đầu tư 2020.
Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Về cơ bản, trình tự thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng giống với thành lập doanh nghiệp trong nước. Các nhà đầu tư sẽ lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, chuẩn bị hồ sơ tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp và nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với từng loại hình cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Tiếp đến là khắc dấu công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thông báo mẫu dấu và bước cuối cùng là đăng ký mã thuế, chữ ký số.
Cần xin giấy chứng nhận đầu tư
Xin giấy phép kinh doanh
Sau khi thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tùy từng hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp cần tiến hành xin giấy phép kinh doanh.
Theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
"a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
d) Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
đ) Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
e) Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
g) Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
h) Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
i) Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ."
Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
- Bản giải trình có nội dung:
- Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh tương ứng theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;
- Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của kế hoạch kinh doanh;
- Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
- Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.
- Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
- Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
Cơ quan cấp giấy phép kinh doanh là Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính.
Như vậy việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu rõ về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cách thành lập doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất