VietABank và SeAbank chính thức tăng vốn điều lệ
Mục lục [Ẩn]
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng Việt Á vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng thêm vốn điều lệ.
VietABank tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu phổ thông
Theo đó, VietABank được tăng thêm tối đa 950 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ 4.450 tỷ đồng lên gần 5.400 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ được thực hiện qua phát hành cổ phiếu phổ thông trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến thời điểm 31/12/2020.
Mục đích tăng vốn theo VietABank là nhằm đạt chuẩn Basel II, đẩy mạnh đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực tài chính để tăng trưởng quy mô.
Được biết, kế hoạch được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021, VietABank dự kiến phát hành 95 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức, theo tỷ lệ 21,35%. Nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 21,35 cổ phiếu mới.
VietABank được chấp thuận tăng vốn điều lệ
Về cổ đông, theo thông tin tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Trong đó có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức nắm giữ 32,16% vốn và 1.879 cổ đông cá nhân sở hữu 64,1%.
Cổ đông sở hữu nhiều cổ phần nhất tại VietABank là cựu Chủ tịch HĐQT VietABank - ông Phương Hữu Việt. Hiện ông Việt có hơn 20,2 triệu đơn vị, tương ứng với 4,55% vốn điều lệ. Trong đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức này, ông Việt sẽ được nhận thêm hơn 4,3 triệu cổ phiếu mới, qua đó nâng tổng lượng cổ phiếu VAB nắm giữ lên 24,5 triệu đơn vị, tương đương 441 tỷ đồng.
Trong hệ thống ngân hàng, VietABank là nhà băng thuộc nhóm có vốn điều lệ thấp, chỉ đứng trên các ngân hàng như Kienlongbank, PGbank, Saigonbank...
Về kết quả kinh doanh, quý III/2021, VietABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 126 tỷ đồng, tăng 590% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế VietABank đạt 522 tỷ đồng, tăng 212,2% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 80% kế hoạch năm. Theo VietABank, lợi nhuận của ngân hàng tăng mạnh không đến từ hoạt động kinh doanh khởi sắc, mà nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro. Còn lại hầu hết các mảng kinh doanh khác của VietABank như tín dụng, kinh doanh ngoại hối và các hoạt động kinh doanh khác đều ghi nhận giảm mạnh.
SeABank tăng vốn điều lệ lên gần 14.785 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định về việc chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của SeABank trên Giấy phép hoạt động của SeABank từ 13.425 tỷ đồng lên gần 14.785 tỷ đồng sau đợt chào bán 136 triệu cổ phiếu với tỷ lệ phát hành 10,13% cho các cổ đông hiện hữu năm 2021.
Theo đó, đây là lần tăng vốn thứ 2 trong năm 2021 của SeABank. Trước đó, vào tháng 9/2021, SeABank đã tăng thêm hơn 1.337 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên SeABank năm 2021.
Việc tăng vốn điều lệ là một dấu mốc quan trọng trong kế hoạch và định hướng phát triển của Ngân hàng nhằm nâng cao tiềm lực tài chính và củng cố an toàn vốn. Hiện Ngân hàng đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục triển khai chào bán ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ lên 16.598 tỷ đồng trong năm 2022.
Ngoài ra, SeABank cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập thành lập thêm 3 chi nhánh tại Bắc Giang, Nam Định, Bình Phước và 3 phòng giao dịch tại Vĩnh Phúc, An Giang, Tiền Giang. Như vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký, SeABank sẽ có 180 điểm giao dịch trên toàn quốc.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, SeABank đã vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế của năm với hơn 2.530 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 105% kế hoạch 2021. Tổng tài sản của SeABank hiện đạt 197.629 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất