avatart

khach

icon

Đầu tư chứng khoán theo phương pháp bảo toàn vốn dành cho F0

Chứng khoán

- 19/01/2022

0

Chứng khoán

19/01/2022

0

Một nhà đầu tư chứng khoán mới toanh (F0) nên bắt đầu như thế nào để vừa ưu tiên bảo toàn vốn mà vừa "tốn tiền học phí" thấp nhất có thể mà vẫn có những trải nghiệm tương đối đầy đủ và tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng đầu tư?

Mục lục [Ẩn]

Các sản phẩm (hàng hóa) trên thị trường chứng khoán

1. Cổ phiếu và Chứng chỉ quỹ

Cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đều là chứng nhận góp vốn, về bản chất là giống nhau, nhà đầu tư sẽ được thừa hưởng hoặc tổn thất dựa trên phần góp vốn của mình tùy vào hiệu quả sử dụng vốn của tổ chức mà mình góp vốn. Có sự phân loại vì Doanh nghiệp (cổ phiếu) và Quỹ đầu tư (chứng chỉ quỹ) khác nhau một chút về hình thức tổ chức và quỹ đầu tư thì không phải là doanh nghiệp.

2. Trái phiếu

Trái phiếu là chứng nhận nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành (TCPH) phải trả cho người sở hữu trái phiếu (trái chủ) với một khoản tiền cụ thể, trong một thời gian xác định và một mức lợi tức quy định. Dễ hiểu hơn chính là TCPH là bên đi vay, người sỡ hữu trái phiếu là bên cho vay, thời gian xác định trả nợ là kỳ hạn của trái phiếu và lợi tức mà trái chủ được nhận dựa trên mức lãi suất được cam kết được trả vào các kỳ trả lãi. Trái phiếu được xem là kênh đầu tư an toàn hơn so với cổ phiếu.

F0 nên đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ hay chứng khoán phái sinh?

3. Phái sinh (Trên sàn hiện nay có Hợp đồng tương lai và Chứng quyền)

Phái sinh hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, bản thân nó không có giá trị nội tại mà được thừa hưởng giá trị dựa trên một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở. Tài sản cơ sở ở đây thường là: cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số, tiền tệ, lãi suất, hàng hóa,... Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay mới chỉ có Hợp đồng tương lai và Chứng quyền. Cái này mình không đi sâu vì mình nghĩ chưa cấp thiết đối với F0.

Vậy với cấu trúc sản phẩm đang có, một nhà đầu tư mới toanh (F0) nên bắt đầu như thế nào để vừa ưu tiên bảo toàn vốn mà vừa "tốn tiền học phí" thấp nhất có thể mà vẫn có những trải nghiệm tương đối đầy đủ và tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng đầu tư.

Với nhóm có vốn nhàn rỗi sẵn tương đối khá, từ 500 triệu đồng

Bạn nên dùng 80-90% vốn của mình đầu tư vào trái phiếu hoặc quỹ trái phiếu. Bởi vì đây là kênh đầu tư an toàn, khả năng mất vốn là rất rất thấp, nhất là nếu chọn các trái phiếu được phân phối bởi các định chế lớn, được bão lãnh thanh toán hoặc có tài sản bảo đảm có giá trị cao và quan trọng nhất vẫn là trái phiếu đó được phát hành bởi tổ chức uy tín, có thể xét đến vị thế trong ngành, quy mô tài sản, triển vọng ngành và đòn bẩy nợ của doanh nghiệp. Tất nhiên để hiểu sâu hơn thì bạn cần thêm thông tin và góc nhìn từ chuyên viên tư vấn có chuyên môn mà bạn tin cậy. Trong nội dung bài viết này mình sẽ gợi mở vấn đề ở mức độ khái quát thôi.

Sau khi phần lớn nguồn vốn đã được đặt vào tài sản phòng vệ, điều này sẽ giúp bạn "an tâm đầu tư", khi một người đã có sự "an tâm" thì khả năng phán đoán sẽ tốt hơn nên thường hiệu quả đầu tư cũng tốt hơn những nhà đầu tư "yếu tâm lý". Tuy là vậy, nhưng hãy nhớ rằng bạn đang ở giai đoạn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng đầu tư nên bạn cần có một cách tiếp cận tốt nhất để tích lũy kiến thức và tối ưu trải nghiệm của mình, dù số tiền chỉ là 10%-20% nguồn vốn. Bạn nên đầu tư vào một doanh nghiệp hoặc một danh mục 3-5 doanh nghiệp top đầu của các ngành mà bạn cảm thấy rằng, bạn có hiểu biết tốt nhất về ngành, về công ty đó hoặc ít nhất là sự hứng thú khi tìm hiểu các thông tin liên quan đến ngành và công ty đó.

Hãy mua và nắm giữ, thậm chí nếu có thu nhập thặng dư, bạn hoàn toàn có thể mua thêm khi giá cổ phiếu giảm sâu nếu đủ niềm tin, bởi khi bạn nắm giữ đủ lâu thì lượng thông tin về ngành và về doanh nghiệp sẽ là rất nhiều và được tích lũy dần theo thời gian, dần dần bạn sẽ thẩm thấu được các thông tin và kiến thức đó. Sau 1-2 năm đồng hành cùng doanh nghiệp, mình tin chắc, sự hiểu biết của bạn về ngành và công ty đó không thua kém gì các "chuyên gia". Lúc này, bạn hoàn toàn có thể tự phân tích và tự ra quyết định nên làm gì tiếp theo với các khoản đầu tư này của mình.

Điều quan trọng nhất là, khi bạn hiểu sâu về một ngành và một công ty, môi trường vĩ mô, mô hình hoạt động, cấu trúc kinh doanh thì lúc bạn chuyển sang tìm hiểu về ngành và công ty khác cũng sẽ dễ dàng hơn trước đây, vì trong đầu bạn đã có một hệ thống tri thức được lập trình trong vô thức mà bạn không nhận ra mà thôi, khi có đủ các điều kiện xúc tác thì nó sẽ được kích hoạt, giúp bạn học và tiếp nhận vấn đề mới khá nhanh. Đây cũng là khi bạn đã tốt nghiệp F0 và có thể chủ động nhiều hơn trong việc đầu tư của mình, người tư vấn chỉ còn đóng vài trò giám hộ tài sản để nhắc nhở khi bạn "quá khích, quá tự tin" , hoặc nhu cầu đầu tư của bạn cũng được nâng cấp hơn và đòi hòi một tư vấn "chuyên sâu" hơn, một danh mục tài sản phức tạp hơn.

F0 đầu tư chứng khoán bảo toàn vốn

Nói dông dài nhưng ví dụ cho bạn dễ hiểu, giả định bạn có 1 tỷ đồng, nếu bạn đầu tư 90% vào kênh trái phiếu, mức lợi suất 9%/năm thì sau một năm bạn có 981 triệu. Còn với 10% vào kênh cổ phiếu, thường với các công ty đầu ngành, vốn hóa lớn mất một nửa số vốn là rất hiếm, dẫu có vậy thì bạn cũng sẽ còn 50 triệu đồng. Tổng kết lại thì số tiền của bạn cũng được 1,031 tỷ đồng, vừa học vừa thực hành vẫn có lãi 31 triệu. Quan trọng vẫn là bạn muốn học từ từ hay muốn nhảy vào là kiếm tiền ngay.

Với nhóm có vốn nhàn rỗi ít và đang tích lũy thặng dư

Những bước đi đầu tiên trên thị trường chứng khoán thì mình nghĩ bạn nên ưu tiên cho chứng chỉ quỹ nhiều hơn, để không quá phức tạp trong cách tiếp cận và phân bổ thì mình khuyên bạn đầu tư một danh mục chứng chỉ quỹ gồm cả quỹ trái phiếu và quỹ cổ phiếu. Tỷ trọng phần bổ thì tùy khẩu vị và mục tiêu mỗi người, không thể có công thức chung. Tuy vậy, theo quan sát cá nhân mình thì một công thức 2 - 4 - 4 (giống đội hình ra sân của các đội bóng) như thế này khá là phù hợp với phần đông. Cụ thể:

20% nguồn vốn và thu nhập thặng dư hàng tháng bạn có thể cho vào quỹ trái phiếu (mình đang ưu tiên tích sản, nếu bạn ưu tiên bảo toàn vốn thì tăng tỷ trọng lên cao hơn). Đây không chỉ là kênh đầu tư an toàn giúp bạn an tâm tích lũy, lợi suất vượt trội hơn lạm phát và lãi suất tiền gửi mà còn có thể được dùng như một khoản "Dự phòng thanh toán" cho các trường hợp khẩn cấp, đột xuất. Như dịch vừa qua thì mình nghĩ đa số chúng ta cũng khá thấm thía với cái gọi là "quỹ dự phòng", vì chẳng may thu nhập sụt giảm hay mất việc thì có một khoản dự phòng có tính thanh khoản cao sẽ tốt hơn phải bán hay thanh lý những tài sản rủi ro, một là khó bán, hai là lỡ tài sản đó đang rớt giá thì cũng phải ngậm ngùi mà bán.

Phần nguồn vốn còn lại, bạn có thể đầu tư 40% vào chứng chỉ quỹ cổ phiếu - Quỹ mở (quỹ chủ động) và 40% vào chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục - ETF (quỹ thụ động). Vì sao bạn nên đầu tư cả hai, vì qua cái tên chủ động và thụ động thì mình tin là bạn cũng đã đoán được phần nào ưu nhược điểm của 2 loại hình này, ưu của quỹ này lại là nhược của quỹ kia. Với quỹ ETF thường ưu điểm dễ thấy nhất chính là chi phí quản lý và vận hành thấp, dễ hiểu thôi, vì họ "thụ động", danh mục đầu tư chỉ cần bám sát danh mục của rổ chỉ số là coi như đạt mục tiêu, chỉ số tăng thì giá chứng chỉ quỹ ETF tăng mà chỉ số giảm thì giá chứng chỉ quỹ ETF giảm, nhưng về dài hạn thì đa số tăng trưởng của các chỉ số đều vượt trội hơn lạm phát, lãi suất huy động, tăng trưởng GDP nên đây cũng là kênh tích sản dài hạn được ưa chuộng, rất đáng cân nhắc.

Về phần quỹ mở thì chi phí quản lý và vận hành thường cao hơn một chút do là họ "luôn mở" và do "tính chủ động". Vì chủ động lựa chọn cổ phiếu và thiết kế danh mục theo phong cách riêng của mình nên họ tốn nhiều chất xám, công sức và thời gian hơn, bởi vì mục tiêu của họ là lợi suất vượt trội hơn chỉ số chung. Còn về cái gọi là "luôn mở" thì bạn có thể hình dung rằng, các nhà đầu tư nhỏ rất khó thực hiện được nghiệp vụ hoán đổi danh mục, các giao dịch mua bán của các ETF trên sàn là các giao dịch thứ cấp, tức là mua bán giữa các nhà đầu tư với nhau. Và nếu một ngày đẹp trời, thanh khoản bị mất thì bạn gần như không thể bán được. Nhưng quỹ mở thì khác, họ luôn mua lại chứng chỉ quỹ khi nhà đầu tư yêu cầu, cũng chính vì lý do này nên các quỹ mở không thể đem hết toàn bộ tiền đi đầu tư vào cổ phiếu mà họ luôn có sẵn một khoản tiền và tương đương tiền để đáp ứng nhu cầu bán của bạn.

Nhiều bạn sẽ thắc mắc, hình thức đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một dạng ủy thác, mà đã giao cho người khác thì học được gì? Thực ra bạn sẽ học được rất nhiều từ bên chuyên nghiệp nếu bạn thật sự sao sát với khoản đầu tư của mình. Hàng tuần, tháng, quý, năm họ đều gửi báo cáo cho bạn, thông qua đó bạn có thể học và hiểu được phần nào cách họ phân bổ danh mục, lựa chọn cổ phiếu. Hãy chú ý các cổ phiếu họ nắm giữ nhiều nhất và tìm đọc thông tin về các cổ phiếu đó. Sau 1-2 năm, mình tin là bạn sẽ tích lũy được rất nhiều và khi nguốn vốn bạn lớn hơn, bạn hoàn toàn có thể tự tin phân bổ một ít vào cổ phiểu để thực hành những gì mình đã tích lũy. Chỉ khi bạn thực sự có bỏ tiền vào (tâm lý có được có mất) thì bạn mới theo dõi quỹ đó đủ lâu và có niềm tin với họ, khi đó bạn mới học được những điều hay ho từ họ. Còn nếu bạn chỉ lên đọc các báo cáo của họ như kiểu cưỡi ngựa xem hoa thì mình nghĩ cũng chỉ là học vẹt, khó đúc kết được gì nhiều.

Hàng Ngọc Toàn


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *