Giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Mục lục [Ẩn]
Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đều phải thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Trong đó, bên mua bảo hiểm phải đóng phí đầy đủ và đúng hạn cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm có trách nhiệm chi trả số tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Tuy nhiên vì một số lý do, việc tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thể xảy ra.
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là những mâu thuẫn, bất đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc thực hiện hoặc không thực hiện nghĩa vụ quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Tranh chấp thường gặp là tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Theo đó, công ty không chi trả cho người thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm vì một lý do nào đó. Ngoài ra, có thể xảy ra tranh chấp khi hợp đồng bị vô hiệu, tranh chấp về việc đóng phí bảo hiểm…
Cách giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Cách giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Khi có tranh chấp xảy ra giữa công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thì phương án giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng sẽ được ưu tiên hàng đầu. Trường hợp tranh chấp không thể hòa giải thông qua thương lượng thì sẽ được đưa ra tòa án có thẩm quyền nơi bên mua bảo hiểm cư trú hoặc công ty bảo hiểm có trụ sở chính để tiến hành phân xử.
Tuy nhiên, mỗi công ty bảo hiểm sẽ có quy định riêng về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Người tham gia bảo hiểm có thể tham khảo thông tin trong bản quy tắc và điều khoản hợp đồng bảo hiểm đính kèm với bộ hợp đồng mà công ty cung cấp.
Ví dụ: Trong bản quy tắc, điều khoản sản phẩm Cuộc Sống Tươi Đẹp của Manulife quy định như sau:
“ĐIỀU 30 GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN VÀ TRANH CHẤP
30.1 Hợp Đồng được điều chỉnh và giải thích theo pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
30.2 Nếu có bất kỳ tranh chấp nào không thể giải quyết thông qua thương lượng thì tranh chấp đó sẽ được đưa ra tòa án có thẩm quyền nơi Bên Mua Bảo Hiểm cư trú hợp pháp hoặc nơi Công Ty có trụ sở chính để phân xử.
30.3 Thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp phát sinh liên quan đến Hợp Đồng này là 03 (ba) năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp, hoặc thời hạn khác tùy vào quy định của pháp luật hiện hành”.
Như vậy, Manulife ưu tiên giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông qua phương án thương lượng, hòa giải. Trường hợp phía công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm không thể hòa giải được thì tranh chấp đó sẽ được đưa ra tòa án để phân xử.
Tranh chấp sẽ được đưa ra tòa án để giải quyết
- Trong bản quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm bảo hiểm nhân thọ tử kỳ linh hoạt với số tiền bảo hiểm giảm dần của Prudential (xem chi tiết tại đây) có quy định về việc giải quyết tranh chấp như sau:
"14. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Mọi tranh chấp liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm này, nếu không giải quyết được bằng thương lượng giữa các bên, sẽ được đưa ra tòa án nơi Prudential có trụ sở chính hoặc nơi Người được bảo hiểm cư trú để giải quyết. Án phí do bên thua kiện chịu. Thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.
Như vậy, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Prudential mà các bên không thể tự hòa giải bằng thương lượng được thì đưa ra tòa án để giải quyết. Bên nào thua kiện sẽ phải trả án phí. Khách hàng cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện là 3 năm, kể từ thời điểm hai bên phát sinh tranh chấp.
- Trong bản quy tắc và điều khoản sản phẩm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt của AIA quy định về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như sau:
“Điều 33: Giải quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm này, nếu không giải quyết được bằng thương lượng giữa các bên thì một trong các bên có quyền đưa ra tòa án tại Việt Nam nơi Công ty hoặc Bên mua bảo hiểm có trụ sở hoặc nơi cư trú của Bên mua được bảo hiểm để giải quyết. Thời hiệu khởi kiện trong vòng 3 (ba) năm tính từ ngày xảy ra tranh chấp”.
Như vậy AIA cũng giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bằng thương lượng. Việc thương lượng không thành thì sẽ được đưa ra tòa án để giải quyết.
Nếu khách hàng muốn khởi kiện thì hãy tìm đến luật sư uy tín có chuyên môn, nghiệp vụ để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không có yếu tố nước ngoài sẽ do Tòa án cấp huyện nơi nguyên đơn cư trú/làm việc/đặt trụ sở hoặc nơi bị đơn cư trú/làm việc/đặt trụ sở giải quyết.
Thời hiệu khởi kiện
Căn cứ Điều 30, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định như sau:
“Điều 30. Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là ba năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.
Như vậy, khách hàng cần làm đơn khởi kiện để giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong vòng 3 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.
Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 3 năm
Một số bản án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Dưới đây là một số bản án có nội dung về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để khách hàng tham khảo:
1. Bản án 688/2018/DSPT ngày 18/07/2018 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Nội dung vụ án:
“Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm nguyên đơn ông Trần Ngọc M trình bày:
Ngày 19/12/2014 con ông là bà Trần Thị Thu N (đã chết ngày 19/12/2015) có ký đơn yêu cầu bảo hiểm nhân thọ với nội dung mua sản phẩm bảo hiểm “Tự do Mơ ước – An Bình” của Công ty TNHH M với thời gian đóng phí bảo hiểm là 12 năm, số tiền phí bảo hiểm kỳ đầu tiên là 9.207.000 đồng, định kỳ đóng phí bảo hiểm là hằng năm, người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm (100%) là ông Trần Ngọc M. Với các quyền lợi cơ bản thể hiện cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm số 2930144802 (sau đây gọi tắt là hợp đồng).
Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 19/12/2014 đã được bà N, ông Trần Xuân K (đại lý phục vụ) và bà Trần Thị Phương N (quản lý khu vực tỉnh Bình Dương của công ty) ký. Ngày 26/12/2014 công ty có gửi lại bộ hợp đồng bảo hiểm cho bà N được đóng thành cuốn như ông đã cung cấp cho Tòa án.
Ngày 20/3/2015, bà N có đơn yêu cầu công ty thanh toán chi phí điều trị bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12/02/2015 đến ngày 25/02/2015 nhưng phía công ty có văn bản từ chối thanh toán, bà N và gia đình có nhận được văn bản này.
Ngày 19/12/2015 bà N chết vì bệnh; sau khi bà N chết, nguyên đơn ông M đã yêu cầu công ty xem xét thực hiện các quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng nhưng công ty từ chối với lý do bà N không khai báo có bệnh suy thận khi mua bảo hiểm nên phát sinh tranh chấp.
Nguyên đơn ông M khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty M phải trả cho ông số tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm là 150.000.000 đồng”.
Bản án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
2. Bản án 610/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
- Trích dẫn nội dung:
“Tại đơn khởi kiện đề ngày 22/10/2018, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 19/02/2019, đơn xác định lại yêu cầu khởi kiện ngày 25/10/2019, lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa nguyên đơn - bà L trình bày:
Ngày 20/01/2012 bà tham gia Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số 288038249-2 với Công ty TNHH M (Việt Nam) (từ nay viết tắt là Công ty M), sản phẩm bảo hiểm “Phúc thọ phu thê - Tri ân nghĩa vợ, trả phí 15 năm” số tiền bảo hiểm là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng). Theo thỏa thuận trong hợp đồng, quyền lợi bảo hiểm trợ cấp nằm viện thì Công ty M trợ cấp tiền mặt mỗi ngày nằm viện là 400.000 đồng (Bốn trăm ngàn đồng) (0,2% số tiền bảo hiểm), tối đa không quá 750 ngày cho đến 75 tuổi. Bà đóng phí tổng cộng là 63.794.000 đồng (Sáu mươi ba triệu bảy trăm chín mươi bốn ngàn đồng).
Ngày 14/5/2012 bà tiếp tục tham gia thêm Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ số: 288039698-9, sản phẩm bảo hiểm “Phúc thọ phu thê - Tri ân nghĩa vợ, trả phí 15 năm”, số tiền bảo hiểm là 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng). Theo thỏa thuận trong hợp đồng, quyền lợi bảo hiểm trợ cấp nằm viện thì Công ty M trợ cấp tiền mặt mỗi ngày nằm viện là 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng) (0,2% số tiền bảo hiểm), tối đa không quá 750 ngày cho đến 75 tuổi. Bà đóng phí tổng cộng là 289.320.000 đồng (Hai trăm tám mươi chín triệu ba trăm hai mươi ngàn đồng).
Tổng cộng: Phí bảo hiểm của 02 (hai) hợp đồng bà đã đóng là 353.114.000 đồng (Ba trăm năm mươi ba triệu một trăm mười bốn ngàn đồng); quyền lợi trợ cấp nằm viện 2.400.000 đồng/ngày (Hai triệu bốn trăm ngàn đồng).
Những lần nằm viện đầu công ty trả cho bà đủ và đúng theo điều khoản hợp đồng. Những lần nằm viện sau công ty chi trả không đúng theo điều khoản hợp đồng nên bà đã khởi kiện Công ty M…”
Xem thêm: Bản án 19/2020/DS-PT ngày 12/11/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Như vậy, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được quy định trong bản quy tắc và điều khoản sản phẩm bảo hiểm mà khách hàng tham gia.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất