Chủ nghĩa trọng thương là gì và được hình thành như thế nào?
Mục lục [Ẩn]
Các lý thuyết về kinh tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, là định hướng để các quốc gia xây dựng các chính sách phát triển kinh tế nói riêng và phát triển đất nước nói chung cho phù hợp. Chủ nghĩa trọng thương là học thuyết đầu tiên về kinh tế, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Chủ nghĩa trọng thương là gì?
Chủ nghĩa trọng thương (Mercantilism) là hệ thống tư tưởng kinh tế đầu tiên của giai cấp tư sản tồn tại trong giai đoạn từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, đề cập đến tầm quan trọng của tiền đối với một quốc gia và nó là biểu hiện sự giàu có của một quốc gia.
Chủ nghĩa trọng thương quan niệm tiền tệ, cụ thể là vàng bạc sẽ tạo nên sức mạnh của một đất nước
Lịch sử ra đời
Chủ nghĩa trọng thương ra đời vào cuối thế kỷ XV, sớm nhất là ở Anh vào những năm 1450, đây là giai đoạn châu Âu trong quá trình chuyển tiếp từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa. Đây được xem là giai đoạn chuẩn bị để hình thành nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Chủ nghĩa trọng thương ra đời trong bối cảnh như sau:
- Về mặt lịch sử: Đây được xem là thời kỳ tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản, việc tích lũy tiền tệ xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt là ngoài phạm vi các nước châu Âu, thông qua con đường cướp bóc hay trao đổi không ngang giá với các nước thuộc địa.
- Về kinh tế: Ở giai đoạn này, hàng hóa phát triển mạnh mẽ và nền kinh tế thị trường đang dần được hình thành.
- Về chính trị: Đây là thời điểm mà giai cấp tư sản mới hình thành và đang dần chiếm được ưu thế, có nhiều điều kiện để phát triển trong đó nổi bật nhất là cơ sở kinh tế tương đối mạnh nhưng chưa đủ để nắm được chính quyền.
- Về khoa học tự nhiên: Những phát kiến về địa lý như việc tìm ra châu Mỹ, tìm đường sang các lục địa khác… đem đến nhiều nguồn lợi cho các nước phương Tây.
- Về mặt tư tưởng, triết học: Cùng với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, xã hội đề cao các tư tưởng tư sản, chống lại những quan niệm cũ của thời kỳ trung cổ và các thuyết giao duy tâm của nhà thờ.
Sự phát triển và các bước chuyển mình của xã hội đã tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế ngày một mở rộng. Các quan điểm về kinh tế, thương mại dần được hình thành, mở đầu cho một trường phái kinh tế là chủ nghĩa trọng thương.
Các giai đoạn của chủ nghĩa trọng thương
Quá trình phát triển của chủ nghĩa trọng thương được chia thành hai giai đoạn gồm:
- Giai đoạn đầu phát triển ở giai đoạn thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Các đại diện tiêu biểu của giai đoạn này có thể kể đến một số nhà kinh tế học như William Stafford, Thomas Gresham hay Gasparo Scaruffi. Lý thuyết chủ đạo ở giai đoạn này là chủ nghĩa trọng kim.
- Giai đoạn thứ hai tồn tại chủ yếu ở thế kỷ XV. Các nhà kinh tế tiêu biểu của giai đoạn này là Thomas Mun, Antoine de Montchrétien với chủ nghĩa tiêu biểu là chủ nghĩa thặng dư thương mại.
Chủ nghĩa trọng thương bắt đầu thoái trào vào cuối thế kỷ XVII và thế kỷ XVIII. Nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào được cho là quan điểm của chủ nghĩa đang dần có những mâu thuẫn với các tầng lớp doanh nhân trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Nội dung của chủ nghĩa trọng thương
Đối với mỗi một giai đoạn phát triển, chủ nghĩa trọng thương để cập đến mỗi nội dung và quan điểm khác nhau.
Quan điểm của chủ nghĩa trọng thương
Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể trong toàn bộ quá trình phát triển, chủ nghĩa trọng thương vẫn chú trọng đến vai trò của tiền tệ trong nền kinh tế. Một số quan điểm mà chủ nghĩa trọng thương đề cập đến có thể kể đến:
- Đề cao vai trò của tiền tệ: Đây được xem là quan điểm quan trọng và xuyên suốt của chủ nghĩa trọng thương. Các nhà kinh tế cho rằng tiền tệ (cụ thể là vàng bạc) được xem là tiêu chuẩn cơ bản của sự giàu có và của cải.
- Đề cao vai trò của việc tích lũy tiền tệ thông qua hoạt động thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Một số nhà kinh tế của chủ nghĩa trọng thương quan niệm rằng ngoại thương sẽ giúp cho quốc gia có thêm nhiều của cải, tiền bạc và khuyến khích hoạt động ngoại thương với mong muốn tích lũy tài sản.
- Chủ nghĩa trọng thương luôn quan điểm rằng lợi nhuận được tạo ra chỉ nhờ hoạt động buôn bán, trao đổi và chỉ có con đường thương mại mới đem lại sự phát triển của quốc gia, cho dù phải hy sinh lợi ích của các dân tộc khác.
- Chủ nghĩa trọng thương cũng đề cao vai trò của Nhà nước trong quan hệ kinh tế, đặc biệt là việc sử dụng quyền lực Nhà nước trong việc tích lũy tiền tệ.
Những tư tưởng này được nhìn nhận trên cả hai phương diện ưu và nhược điểm, tuy thể hiện được lý luận kinh tế nhưng vẫn tồn tại một số quan niệm sai lầm và phiến diện.
Ở thời kỳ này, hoạt động ngoại thương được chú trọng và đẩy mạnh
Học thuyết trọng thương
Học thuyết trọng thương là tập hợp những quan điểm của chủ nghĩa trọng thương và được tập hợp thành học thuyết về tiền tệ. Nó phản ánh toàn bộ quan niệm của các nhà kinh tế theo từng giai đoạn, xoay quanh ba hình thái chính là trọng kim, kỹ thuật và ngoại thương.
Mỗi học thuyết đề cập đến một giai đoạn phát triển của chủ nghĩa trọng thương, thể hiện rất rõ những giá trị nổi bật của chủ nghĩa này. Đồng thời các học thuyết này cũng được xem là tiền đề quan trọng để xây dựng nhiều lý thuyết về kinh tế sau này. Do đó học thuyết trọng thương vừa có ý nghĩa về mặt lý thuyết vừa có ý nghĩa cả về mặt lịch sử.
Để hiểu rõ hơn về học thuyết trọng thương, bạn có thể tham khảo bài viết Học thuyết trọng thương của chúng tôi.
Thành tựu và hạn chế của chủ nghĩa trọng thương
Chủ nghĩa trọng thương là hệ thống tư tưởng kinh tế đầu tiên của xã hội, bởi vậy mà nó được nhìn nhận dưới cả hai góc độ là thành tựu và hạn chế.
Thành tựu từ chủ nghĩa trọng thương
Thành tựu đầu tiên mà chủ nghĩa trọng thương đạt được là thúc đẩy sự phát triển của sản xuất hàng hóa. Quan hệ kinh tế tự nhiên, nguyên thủy dần bị xóa bỏ để mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế chú trọng vào lực lượng sản xuất. Đây cũng là lần đầu tiên mà vai trò của thương mại, đặc biệt là hoạt động ngoại thương, chính điều này cũng là đòn bẩy quan trọng để hình thành chủ nghĩa tư bản.
Học thuyết trọng thương cũng đề cập đến tầm quan trọng của phát triển công nghiệp, dù chỉ tồn tại ở giai đoạn thứ hai nhưng cũng dần thể hiện sự thay đổi trong quan niệm và tư duy nhận thức của các nhà kinh tế.
Tuy chỉ đề cập đến những lý thuyết kinh tế ở mức cơ bản, chủ yếu ở dạng cương lĩnh hay chính sách nhưng việc các hiện tượng kinh tế được khái quát thành học thuyết kinh tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cho thấy xã hội bắt đầu quan tâm đến việc nghiên cứu lý luận của chủ nghĩa tư bản.
Chủ nghĩa trọng thương cũng là lần đầu tiên các lý thuyết về kinh tế được giải thích bằng khoa học, thoát khỏi các lý giải bằng đạo giáo hay tôn giáo.
Hạn chế của học thuyết trọng thương
Tuy nhiên, là học thuyết kinh tế đầu tiên nên chủ nghĩa trọng thương không tránh được những hạn chế cả về lý luận và thực tiễn.
Các nhà kinh tế mới chỉ chú trọng đến hoạt động ngoại thương mà bỏ qua tầm quan trọng của sản xuất. Tuy ở giai đoạn cuối một số nhà kinh tế có nhận ra vai trò của sản xuất nhưng không đem lại nhiều thành tựu đáng kể.
Đặc biệt, các lý thuyết mà chủ nghĩa trọng thương đề cập đến còn khá đơn giản, chỉ mới dừng lại ở các chính sách là chủ yếu, chưa nâng lên được thành quy luật kinh tế. Các phạm trù được đề cập đến cũng mới chỉ dừng ở mức bên ngoài chứ chưa đi sâu vào bản chất bên trong.
Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cho chủ nghĩa này thoái trào vào thế kỷ XVIII, khi mà các quan hệ kinh tế của con người ngày càng trở nên phức tạp.
So sánh tư tưởng chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa trọng nông
Nếu chủ nghĩa trọng thương đề cao vai trò của tiền tệ và hoạt động thương mại thì chủ nghĩa trọng nông chủ yếu đề cao hoạt động nông nghiệp.
Chủ nghĩa trọng nông xuất hiện vào giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đây được xem là thời kỳ chuyển từ chủ nghĩa phong kiến sang chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và sau khi chủ nghĩa trọng thương thoái trào.
Tại Tây Ban Nha, đời sống của người dân vô cùng cơ cực khi vàng, bạc và giá cả không ngừng tăng lên, hay tại Pháp kinh tế suy thoái khiến cho hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại bị ảnh hưởng và kìm hãm.
Nhiều người không còn tin vào chủ nghĩa trọng thương nữa, họ cho rằng để cải cách kinh tế, thay đổi đời sống của người dân phải bắt đầu từ hoạt động nông nghiệp.
Các nhà kinh tế thuộc chủ nghĩa này luôn đề cao vai trò và giá trị của nông nghiệp. Họ quan niệm rằng lương thực và thực phẩm vừa được dùng để thỏa mãn nhu cầu thiết yếu vừa có thể là thứ tạo ra của cải cho một quốc gia. Khi người dân trong nước tiêu dùng nông sản không hết thì có thể tích lũy hoặc đem bán cho nước ngoài hoặc trao đổi các loại hàng hóa mà trong nước không có.
Chủ nghĩa trọng nông cũng chú trọng vào việc vừa khai thác vừa bảo vệ thiên thiên, ngoài ra cho rằng kinh tế trong nước chỉ nên tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Tuy cũng đạt được những thành tựu nhất định, thế nhưng tương tự với chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa trọng nông vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Cả hai chủ nghĩa này vừa được đặt ở vị thế đối lập nhau vừa có những học thuyết có thể bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Trên thực tế điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vì cả hai ra đời trong thời điểm các học thuyết về kinh tế còn sơ khai và đang trong quá trình hoàn thiện.
Chủ nghĩa trọng thương tuy còn tồn tại một số nhược điểm và khuyết thiếu nhưng không thể phủ nhận những giá trị mà nó mang lại, cả về tính thực tiễn và lịch sử.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất