Crypto là gì? Những kiến thức cơ bản về crypto
Mục lục [Ẩn]
Crypto được hiểu là gì?
Crypto (còn gọi Cryptocurrency) là thuật ngữ dùng để chỉ loại tiền được tạo ra trên nền tảng Blockchain và được sử dụng như một phương tiện thanh toán trên nền tảng này.
Do đó, trước tiên cần hiểu thế nào là Blockchain. Theo Tạp chí Ngân hàng số ra ngày 11/8/2021 thì đây là một dạng công nghệ sổ cái phân tán và phi tập trung, trong đó lưu giữ các bản ghi kỹ thuật số được cập nhật liên tục và độc lập bởi người tham gia trên mạng. Blockchain có vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động thanh toán quốc tế.
Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì Crypto là loại tài sản ảo được tạo lập trong không gian kỹ thuật số, không tồn tại dưới dạng vật chất. Bởi vậy mà nó còn được gọi với nhiều cái tên như tiền ảo, tiền kỹ thuật số hay tiền thuật toán…
Đặc điểm của crypto
Crypto có những đặc điểm nổi bật như sau:
- Tồn tại dưới dạng tiền được số hóa: Khác với tiền pháp định được thể hiện bằng các hình thức đa dạng, có thể cầm, nắm trong hiện thực, Crypto là loại tài sản được số hóa và chỉ có thể tồn tại, giao dịch giữa các bên trên nền tảng Internet, cụ thể là Blockchain.
- Tính phi tập trung: Là loại tiền được mã hóa, cơ chế hoạt động của Crypto không giống với các loại tiền pháp định thông thường, cũng không chịu sự chi phối của một máy chủ trung tâm. Chúng được phân phối trên mạng lưới phi tập trung với sự tham gia của rất nhiều người dùng ngang hàng.
- Tính chất ngang hàng, không phụ thuộc: Crypto được giao dịch trực tiếp thông qua các mạng máy tính ngang hàng, không phụ thuộc các bên thứ ba. Tốc độ xử lý thông tin cũng diễn ra vô cùng nhanh chóng và không bị mất phí khi thực hiện các giao dịch tại đó.
- Tính ẩn danh: Khách hàng tiến hành giao dịch Crypto trên các nền tảng số cũng không cần cung cấp thông tin cá nhân và cũng không chịu sự kiểm soát của hay quản lý của bất cứ tổ chức nào. Thông tin về người tham gia giao dịch cũng khó có thể xác định nên người tham gia giao dịch cần hết sức lưu ý để tránh gặp phải những rủi ro.
- Có thể giao dịch toàn cầu: Với những đặc điểm trên, có thể thấy tiền ảo không chịu sự kiểm soát của bất cứ quốc gia nào nên có thể giao dịch tại bất cứ đâu trên thế giới. Bởi vậy mà nó được đánh giá là loại tiền tệ có tính phi quốc gia.
Có bao nhiêu loại Crypto?
Hiện nay có rất nhiều loại Crypto đã được tạo ra trên thế giới, một thống kê đã chỉ ra rằng có đến hơn 3.000 loại đã được tạo ra. Tuy nhiên, về cách phân loại cơ bản Crypto, nhiều người cho rằng hiện nay có hai cách thức cơ bản và phổ biến nhất, cụ thể:
* Bitcoin và Altcoin
Với cách thức này, tiền kỹ thuật số bao gồm:
- Bitcoin: Đây là loại tiền ảo đầu tiên trên thế giới, được phát hành dưới dạng mã nguồn mở, các giao dịch trên nền tảng Blockchain được diễn ra trực tiếp giữa người tiêu dùng, không thông qua các bên trung gian kiểm soát. Phương thức này còn được gọi là giao thức ngang hàng.
- Altcoin: Chỉ chung các loại tiền ảo ngoài Bitcoin, được tạo ra với mục đích thay thế cho Bitcoin. Tên gọi của loại tiền này được ghép bởi hai từ là Alternative (thay thế) và Coin, với ý chỉ sự thay thế. Với cách phân loại này thì bất cứ crypto nào không phải là bitcoin đều được xếp vào nhóm này, thậm chí bao gồm cả coin hay token.
* Coin và Token
Với cách thức này, Crypto được chia thành các loại sau:
- Coin: Đây là loại tiền ảo được phát triển trên nền tảng Blockchain độc lập, mỗi blockchain chỉ có một loại coin nền tảng duy nhất.
- Token: Được phát hành trên nền tảng các dự án được xây dựng từ một Blockchain cụ thể nhưng Token không có ví riêng mà sẽ hoạt động trên nền tảng các blockchain khác, cũng sẽ sử dụng ví của đồng coin nền tảng.
Crypto được giao dịch trên các sàn nào?
Hiện tại sàn giao dịch Crypto được giao dịch trên hai loại sàn là sàn giao dịch tập trung và sàn giao dịch phi tập trung.
* Sàn giao dịch tập trung CEX: Là sàn giao dịch mà có bên thứ ba tham gia vào đóng vai trò kiểm soát và trung gian cho các hoạt động giao dịch của người dùng. Với loại sàn giao dịch này, khách hàng phải chứng minh các thông tin cá nhân và tạo tài khoản riêng có ID, password.
Một số sàn giao dịch theo mô hình này được khuyên dùng bởi có tính minh bạch và độ thanh khoản cao có thể kể đến Binance, Coinbase, Kucoin…
* Sàn giao dịch phi tập trung DEX: Ngược lại với sàn giao dịch CEX, sàn giao dịch phi tập trung không có sự kiểm soát của bên thứ ba, sự tự do và tính ngang hàng cũng vì thế mà được đề cao hơn bao giờ hết.
Một số sàn giao dịch uy tín theo mô hình này được nhiều nhà đầu tư khuyên dùng có thể kể đến Uniswap, Pancakeswap, Sushiswap…
Ưu điểm và hạn chế của crypto
Với sự phát triển của nền tảng kỹ thuật số, Crypto ngày càng trở nên quan trọng trong các hoạt động thanh toán quốc tế và thị trường tài chính. Dù vậy thì xung quanh tiền kỹ thuật số vẫn còn rất nhiều tranh cãi về cả những ưu, nhược điểm của nó.
Ưu điểm
Trong những năm gần đầy, các loại Crypto ngày càng phát triển mạnh mẽ bởi những ưu điểm sau:
- Vận hành theo cơ chế thị trường mà không bị kiểm soát: Như đã phân tích ở trên thì các giao dịch bằng tiền kỹ thuật số sẽ được tiến hành thông qua giao thức ngang hàng mà không chịu tác động và sự kiểm soát của bên thứ ba như Nhà nước, Chính phủ… Điều này góp phần tăng thêm tính công bằng cho thị trường crypto
- Chi phí giao dịch thấp: Diễn ra hoàn toàn trên nền tảng Internet nên gần như chi phí để thực hiện các giao dịch này bằng 0.
- Đẩy nhanh tốc độ xử lý giao dịch: Với sự phát triển của kỹ thuật số, các giao dịch với đồng Crypto ngày càng được đẩy nhanh, hầu hết chỉ từ 2 đến 10 phút, thậm chí đã có các ghi nhận cho thấy có những giao dịch được thực hiện chỉ trong chưa đến 1 phút.
- Giải quyết được vấn nạn tiền giả và không bị lạm phát: Nếu các đồng tiền pháp định trên thế giới có chung một nỗi lo là bị làm giả và lạm phát thì Crypto hoàn toàn không gặp phải các vấn đề này. Hoàn toàn được tạo ra bởi mã hóa dữ liệu và có mã riêng biệt, đồng tiền kỹ thuật số không thể bị làm giả, đồng thời được tạo ra với số lượng hữu hạn và không thể gia tăng thêm nên không thể bị lạm phát.
Nhược điểm
Dù đang ngày càng được biết đến và sử dụng ở nhiều quốc gia nhưng vẫn có nhiều tranh cãi về đồng tiền này, bởi nó vẫn tồn tại nhiều hạn chế như:
- Chịu biến động giá mạnh: Không bị tác động hay chi phối bởi bên thứ ba, các giao dịch Crypto diễn ra hoàn toàn tự do và ngang hàng, chịu sự tác động lớn của thị trường. Điều này dễ gây ra những biến động mạnh về ra, là nguyên nhân dẫn đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Ví dụ, tháng 4 năm 2021 chứng tỏ sự thu hẹp giá của đồng Bitcoin trong mốc 63.000 USD xuống còn 40.000 USD vào cuối năm.
- Chưa được công nhận rộng rãi: Dù với nhiều đặc điểm, đồng Crypto xứng đáng là đồng tiền chung và mang tính quốc tế, xong bởi nhiều vấn đề mà hiện nay chưa được nhiều quốc gia và khu vực công nhận. Chính vì vậy mà các giao dịch xuyên biên giới của nhà đầu tư bị ảnh hưởng không nhỏ.
- Không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng: Là loại tài sản ảo được tạo ra trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, mọi giao dịch được thực hiện trên không gian mạng nên đòi hỏi người dùng phải có sự am hiểu nhất định về công nghệ. Mặc dù ngày nay số người được tiếp cận với internet và công nghệ ngày càng tăng lên nhưng không phải ai cũng có thể hiểu và sử dụng được.
Tiền kỹ thuật số có được công nhận hợp pháp tại Việt Nam không?
Hiện nay có rất nhiều tranh cãi về tính pháp lý của Crypto và việc có nên công nhận loại tiền này tại Việt Nam hay không?
Khái niệm Crypto còn được gọi là tiền ảo, tiền thuật toán, tiền kỹ thuật số, điều này khiến cho không ít người nhầm lẫn với khái niệm tiền điện tử. Chính việc hiểu sai các khái niệm này gây ra không ít bất cập.
Về vấn đề này, trong phiên chất vấn đại biểu Quốc hội vào tháng 6 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các khái niệm này cần làm rõ, cụ thể như sau:
- Tiền điện tử là sự thể hiện của đồng tiền pháp định của Ngân hàng Trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu nhưng người sở hữu tiền có thể lưu giữ dưới dạng điện tử trong các phương tiện như máy tính bảng, điện thoại… Loại tiền này đòi hỏi quy đổi 1 - 1 với tiền pháp định, khách hàng có thể sử dụng loại tiền này để thanh toán các giao dịch. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì đã quy định ví điện tử là tiền điện tử, các nội dung liên quan về vấn đề này và thanh toán không dùng tiền mặt đang dần được làm rõ trong các Nghị định hướng dẫn.
- Crypto hay tiền thuật toán, tiền kỹ thuật số, tiền ảo… không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương phát hành mà được tạo ra bởi các cá nhân, tổ chức thông qua các thuật toán trên mạng máy tính và chỉ được lưu hành, thừa nhận tại đó.
Có thể thấy sự khác biệt cơ bản giữa tiền ảo và tiền điện tử là sự quy đổi ra tiền pháp định của một quốc gia.
Chính vì không thể quy đổi ra tiền pháp định nên hiện nay Crypto KHÔNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN là một loại tiền tệ hợp pháp và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Dù pháp luật đã thừa nhận và cho phép thanh toán không dùng tiền mặt (phát triển tiền điện tử) nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ một quy định nào cho phép lưu hành Crypto.
Theo công văn hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao Công văn 141/TANDTC-KHXX vào ngày 21/9/2011 thì tiền ảo cũng không được xác định là giấy tờ có giá. (Giấy tờ có giá được xác định gồm trái phiếu, kỳ phiếu, cổ phiếu, hối phiếu, séc…).
Đồng thời theo quy định về thanh toán không dùng tiền mặt tại Nghị định 80/2016/NĐ-CP thì phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đặc biệt, do tính không thể quy đổi ra tiền pháp định nên Crypto cũng không được coi là một quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
Chính vì không tồn tại dưới bất kỳ bản chất pháp lý nào của tài sản theo quy định hiện hành tại Việt Nam nên Crypto không được coi là một loại tài sản chính thống và hợp pháp.
Pháp luật hiện nay chưa có quy định công nhận tiền ảo hay tiền kỹ thuật số là một loại tài sản hợp pháp, các giao dịch vẫn được tiến hành nhưng sẽ không có bất cứ sự bảo hộ nào của pháp luật, vì vậy mà luôn được đặt dưới sự cảnh báo và hạn chế nhất định để tránh gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Có nên đầu tư Crypto không?
Chưa thừa nhận Crypto là một loại tài sản nhưng hiện nay pháp luật cũng không đặt ra quy định cấm giao dịch đối với loại hình này, bởi vậy mà những cá nhân có nhu cầu vẫn hoàn toàn có thể đầu tư.
Khách hàng cần thận trọng khi đầu tư Crypto
Tuy nhiên với những đặc điểm như đã phân tích ở trên, việc đầu tư loại tiền này đòi hỏi khách hàng phải có kiến thức sâu rộng về loại hình và thị trường này. Đây cũng được đánh giá là thị trường tồn tại nhiều rủi ro nên khách hàng càng cần phải thận trọng hơn khi có ý định tham gia.
Đặc biệt, khách hàng cũng cần phải chú ý vì tuy không có quy định cấm giao dịch tiền ảo nhưng nếu các hoạt động mua bán và sử dụng loại tiền này gây thiệt hại cho người khác thì vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo đó:
- Bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 50 đến 100 triệu đồng nếu có các hành vi sau: Phát hành, cung ứng, dùng các phương tiện thanh toán không hợp pháp gây thiệt hại cho người khác nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
- Chịu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100 triệu trở lên. (Điều 206 Bộ luật Hình sự).
Chính vì vậy mà khách hàng tham gia các giao dịch về tiền ảo cũng cần thận trọng hơn bao giờ hết để tránh gặp phải những thiệt hại không đáng có, cụ thể như sau:
- Trước tiên cần tìm hiểu thật thật kỹ để lựa chọn loại tiền ảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của bản thân. Một số thông tin quan trọng mà khách hàng cần nắm được là đơn vị tạo ra, giá trị của đồng tiền, tính thanh khoản, ước lượng lợi nhuận có thể thu về
- Nghiên cứu thị trường và các kiến thức về tiền ảo để chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường và các loại Crypto muốn đầu tư, quy trình giao dịch…
- Diễn ra tự do trên không gian mạng nên khách hàng cần chú ý để tránh gặp phải lừa đảo. Việc bảo vệ thông tin tuy đã được chú trọng nhưng khách hàng cần chú ý giữ kỹ danh tính và tài khoản cá nhân, tránh để kẻ gian biết được sẽ đăng nhập vào ví và đánh cắp toàn bộ số tiền của bạn.
Hiện nay tại Việt Nam không công nhận đây là một loại hình tài sản chính thống nên không có sàn giao dịch dành cho Crypto, nhà đầu tư bắt buộc phải tham gia các sàn giao dịch của nước ngoài. Dù thực tế tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà loại hình này đem đến, do đó bạn hoàn toàn có thể cân nhắc để đầu tư.
Các thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về Crypto, loại tiền này đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cả nhà đầu tư và Chính phủ. Hy vọng trong tương lai các chính sách về Crypto sẽ trở nên rõ ràng, có thể khai thác tối đa các lợi ích của loại tiền này.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất