Tự do tài chính là gì? Các bước giúp bạn tự do tài chính thành công
Mục lục [Ẩn]
Tự do tài chính là một trạng thái về tài chính, trong đó bạn có đủ một số tiền nhất định để có thể tự do chi trả cho các nhu cầu trong cuộc sống mà mà không phải đắn đo gì. Vậy cần làm gì để đạt được tự do tài chính?
Tự do tài chính là gì?
Tự do tài chính là nắm quyền chủ động trong tài chính của bản thân. Nói cách khác, nó là trạng thái sở hữu đầy đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể đưa ra các quyết định mà không còn lo lắng về tài chính của bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa, người tự do tài chính chính là người độc lập về tài chính.
Tự do tài chính có sự khác biệt giữa mỗi người. Nó không có một con số, công thức cố định. Nó là một con số mơ ước của riêng mỗi người, bao gồm cả tính trượt giá. Tự do tài chính của một người thể hiện sự dư dả về tiền bạc, không còn lo lắng về việc đi làm kiếm tiền mà vẫn chi trả được các khoản chi tiêu hàng tháng. Không còn bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh hay yếu tố bên cạnh bạn.
Cần bao nhiêu tiền để tự do tài chính?
Trên thực tế, không có một con số cụ thể nào về việc cần có bao nhiêu tiền để đạt được sự tự do tài chính, bởi mỗi người sẽ có một cách tự do về tiền bạc khác nhau.
Nhắc tới con số cần đạt được để tự do tài chính, theo ông Trần Thanh Tân - Phó Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam chia sẻ trong một Talkshow liên quan đến chủ đề tự do tài chính: “Trên thực tế, đời người không cần đến 100 tỷ... Đôi khi chỉ 5 tỷ thôi bạn có thể sống cả đời”.
Còn theo đánh giá của kênh CNBC (Kênh thông tin đầu tư tài chính và du lịch cao cấp của NBCUNIVERSAL), khi bạn có số tiền gấp 25 lần số tiền sinh hoạt hàng năm thì bạn sẽ đạt được tự do tài chính.
Như vậy, số tiền để đạt đến tự do tài chính là không cụ thể. Nó phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Khi bản thân bạn xác định được nhu cầu, bạn có thể xác định bản thân cần bao nhiêu tiền để đạt tự do tài chính.
Ngoài ra, để xác định được số tiền cần có để đạt được sự tự do tài chính, bạn có thể sử dụng quy tắc 4% do William P. Bengen (nhà tư vấn lập kế hoạch tài chính) đã khởi xướng năm 1994. Với quy tắc này, mỗi năm bạn rút tối đa 4% số tiền mình có để chi tiêu. Dựa trên điều kiện tiên quyết số tiền bạn sở hữu đang được đầu tư với lãi suất 4%/ năm (sau lạm phát). Nếu bạn chỉ chi tiêu ở mức 3%/năm thì khả năng tiền của bạn không bao giờ hết là rất cao.
Các cấp độ tự do tài chính
Nói về tự do tài chính, có 5 cấp độ để xác định sự tự do tài chính sau đây:
Cấp độ 1: An toàn tài chính
Ở cấp độ này, bạn đã có một khoản thu nhập nhất định vào mỗi tháng. Nó giúp bạn có thể chi trả các nhu cầu sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống như tiền thuê nhà, tiền điện nước , các khoản chi tiêu cá nhân…
Để đảm bảo an toàn tài chính, bạn cần lưu ý:
- Thường xuyên kiểm tra các khoản chi tiêu, cắt bỏ hoặc giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết.
- Từ những khoản chi tiêu cắt giảm, chuyển đổi nó thành tiền tiết kiệm. Bạn có thể lựa chọn gửi ngân hàng hoặc mua những sản phẩm như vàng, bạc để tích trữ.
- Tạo kế hoạch giới hạn chi tiêu. Bạn có thể ghi chép vào một cuốn sổ, tạo một file excel hoặc sử dụng ứng dụng quản lý chi tiêu để kiểm soát chi tiêu hiệu quả theo tháng. Bằng cách này bạn sẽ nắm rõ được số tiền đã chi tiêu, từ đó có kế hoạch cắt giảm các chi tiêu không cần thiết để gia tăng khoản tích lũy lên.
Cấp độ 2: Đảm bảo tài chính
Khi đạt đến cấp độ này tình hình tài chính của bạn đã được ổn định hơn. Lúc này, bạn đã có đủ chi phí để trang trải sinh hoạt hàng ngày và có thêm một khoản để trang trải cho một số nhu cầu cá nhân khác như mua sắm, giải trí…
Ở cấp độ này bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để tài chính vững vàng hơn:
- Tiếp tục thực hiện các công việc đang làm ở cấp độ 1.
- Bắt đầu tìm kiếm và cố gắng tạo ra thêm các thu nhập thụ động khác bằng cách đầu tư hoặc tìm kiếm các công việc làm thêm khác bên cạnh công việc chính.
- Hạn chế nhu cầu mua sắm, nhất là những khoản mua sắm không quá cần thiết. Bạn chỉ nên mua những đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt và cuộc sống của bản thân, gia đình.
Cấp độ 3: Độc lập tài chính
Khi đạt đến cấp độ này, bạn có thể chi trả các hóa đơn, khoản nợ cũng như một số chi tiêu xa xỉ khác cho cuộc sống mà vẫn có thể tiết kiệm thêm một khoản hàng tháng.
Tại cấp độ này bạn cần thực hiện thêm một số kế hoạch khác:
- Tìm hiểu và đầu tư vào một số loại hình đầu tư lâu dài, mang đến nhiều lợi ích như bảo hiểm nhân thọ, vừa giúp bảo vệ sức khỏe vừa là giải pháp tích lũy tài chính…
- Đầu tư vào những kênh đầu tư mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn như bất động sản, chứng khoán… tuy nhiên cần nâng cao các kiến thức kỹ năng khi đầu tư vào những kênh này để đảm bảo đầu tư hiệu quả, thu về lợi nhuận cao.
- Lập kế hoạch cụ thể về các danh mục đầu tư dài hạn, dòng tiền đổ vào việc đầu tư để dễ dàng kiểm soát và theo dõi.
Cấp độ 4: Tự do tài chính
Tự do tài chính ở cấp độ 4 nghĩa là bạn đã đạt ngưỡng có thể tự kiểm soát nguồn thu - chi tài chính mà không phải lo lắng đến vấn đề không đủ tiền. Ở cấp độ này thông thường những nguồn thu nhập thụ động của bạn đang hoạt động tốt, mang lại lợi nhuận và khoản tiết kiệm của bạn ngày một tăng lên. Giờ đây, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu cuộc sống mơ ước, làm điều mình thích, sống cuộc sống mình mong muốn mà không cần phải đi làm kiếm tiền.
Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý một số điểm sau:
- Ưu tiên vào các khoản đầu tư lâu dài và có lợi như giai đoạn 3.
- Chuyển đổi các khoản đầu tư sang thu nhập thụ động nhiều hơn nữa.
- Không ngừng tiết kiệm và đầu tư vào nhiều kênh khác nhau như vàng, cổ phiếu… Tuy nhiên cần chú ý nguyên tắc đầu tư “không nên bỏ hết trứng vào một giỏ”.
Cấp độ 5: Tự do tài chính tuyệt đối
Đây là cấp độ mà tài chính của bạn đang ở mức tối cao, tiền bạc không còn là nỗi lo lắng của bạn nữa. Lúc này bạn có thể hưởng thụ cuộc sống sung túc do thu nhập thụ động và các khoản đầu tư mang lại mà không cần phải đi làm mỗi ngày.
Khi đạt đến cấp độ này, việc sử dụng tài chính của bản thân để xây dựng và phát triển sự nghiệp của riêng mình hoặc đầu tư vào các kênh khác là một lựa chọn không tồi. Giải pháp này sẽ giúp bạn nhận thêm nhiều lợi nhuận hơn để gia tăng tài sản và tận hưởng cuộc sống.
9 bước cơ bản để đạt được tự do tài chính
Bước 1: Nắm rõ tình trạng tài chính của bản thân
Bạn cần tính toán các khoản thu - chi, các khoản tiết kiệm, bao gồm cả những khoản nhỏ nhất để nắm rõ bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của mình Đây là bước cần thiết giúp bạn hoạch định kế hoạch tài chính trong các bước tiếp theo.
Bước 2: Thiết lập mục tiêu tài chính riêng
Việc thiết lập một kế hoạch cụ thể với những mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn có câu trả lời cho câu hỏi “tại sao bạn lại cần tiền”. Bạn có thể lựa chọn lập kế hoạch theo các mốc thời gian ngắn hạn và dài hạn, trong đó ục tiêu dài hạn không nên quá 20 năm. Khi xây dựng kế hoạch, cần chú ý thiết lập mục tiêu càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Điều này giúp bạn dễ dàng theo sát kế hoạch, nắm bắt mục tiêu tài chính của mình đang được thực hiện tới đâu.
Ví dụ: Bạn đang muốn mua một chiếc xe ô tô có giá 600 triệu, thu nhập hàng tháng của bạn là 20 triệu. Nếu mỗi tháng bạn để giành 10 triệu để tiết kiệm cho kế hoạch mua xe thì bạn sẽ mất 5 năm để mua được chiếc xe đó.
Bước 3: Theo dõi và quản lý các khoản chi tiêu hàng ngày
Việc theo dõi và quản lý các khoản chi tiêu giúp bạn hiểu rõ đã chi tiêu tiền của mình cho những việc nào.
Để quản lý và theo dõi dễ dành bạn có thể sử dụng sổ tay, ghi chú điện thoại, lập file excel hoặc sử dụng các phần mềm ghi chú. Điều này giúp bạn vừa kiểm soát được những khoản thu chi kể cả nhỏ nhất vừa rèn luyện tính tỉ mỉ hiệu quả. Cách này đồng thời giúp chúng ta có thể loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết, để tập trung vào những mục đích chính hơn.
Bước 4: Cân đối thu chi hợp lý
Ở bước này, bạn có thể sử dụng các phương pháp giúp quản lý tài chính dễ dàng hơn. Lựa chọn phương pháp 6 chiếc lọ hoặc phương pháp 50/20/30 là cách làm giúp bạn cân đối thu chi hiệu quả.
Ví dụ: Thu nhập 1 tháng của bạn là 20 triệu, theo phương pháp 50/20/30, bạn dành ra 50% (10 triệu) để tiêu dùng dành cho các nhu cầu thiết yếu, 20% (2 triệu) để tiết kiệm và đầu tư, 30% (6 triệu) để phục vụ nhu cầu cá nhân.
Bước 5: Tiết kiệm trước, chi tiêu sau
Vào những lúc khó khăn như thất nghiệp, ốm đau, bệnh tật..., tiền tiết kiệm sẽ giúp bạn vượt qua tốt hơn. Bởi vậy cần ưu tiên tiết kiệm trước chi tiêu. Khi bạn đã có một khoản tiết kiệm bằng với một số tiền đáp ứng các chi phí thiết yếu từ 3 - 6 tháng thì cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn. Việc chi tiêu ít đi không đại diện cho việc bạn đang gặp khó khăn về tài chính mà nó chỉ là giảm bớt những chi tiêu không cần thiết.
Ví dụ: Bạn có thể không nhất thiệt tuần nào, tháng nào cũng phải mua quần áo, giày dép mới. Thay vào đó bạn có thể tìm hiểu các chương trình khuyến mãi, ưu đãi giảm giá để mua sắm. hoặc xác định rõ chỉ mua quần áo, giày dép mới khoảng 3 - 4 tháng một lần.
Bằng cách làm chủ chi tiêu này bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng quản lý lài chính, không vung tay quá trán trong mua sắm...
Bước 6: Thanh toán những khoản nợ xấu
Những khoản nợ xấu sẽ khiến bạn cạn kiệt tài chính. Thậm chí, nó còn khiến bạn bị xếp hạng tín dụng xấu, nếu đó là các khoản nợ từ ngân hàng, các tổ chức tài chính. Vì thế, trước khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó thì hãy xóa sổ các khoản nợ xấu trước. Việc này giúp dòng tiền tương lai của bạn dồi dào hơn, từ đó có cơ hội bắt đầu với những kế hoạch gia tăng tài sản, thu về lợi nhuận khác.
Bước 7: Tạo quỹ dự phòng cho tương lai
Khi gặp các vấn đề về kinh tế, quỹ dự phòng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề mà không cần sự hỗ trợ, giúp đỡ từ người thân, bạn bè.
Hãy trích ra từ 2 - 5% thu nhập một tháng của mình cho các khoản dự phòng như hưu trí, sức khỏe hoặc mua bảo hiểm nhân thọ cho bản thân. Ngoài ra bạn cũng có thể đầu tư tài chính để tiếp tục sinh lời trong tương lai.
Bước 8: Tạo thêm nguồn thu nhập
Khi đã có một công việc chính mang lại nguồn thu nhập ổn định thì bạn có thể tìm kiếm thêm một công việc làm thêm khác tùy vào kỹ năng của bản thân. Có thể là một công việc bán thời gian khác hoặc kinh doanh online. Cách này giúp bạn kiếm thêm thu nhập.
Bước 9: Đầu tư
Một cách giúp bạn có thể tự do tài chính nhanh chóng là đầu tư. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhạy bén trong việc đầu tư. Để lựa chọn kênh đầu tư mang lại kết quả, hãy học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ kênh đầu tư mà bạn dự định rót tiền vào. Một số kênh đầu tư bạn có thể tham khảo như:
- Chứng khoán: Kênh đầu tư này lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao. Bởi vậy trước khi đầu tư chứng khoán hãy là người am hiểu về thị trường, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Điều này giúp bạn có quyết định đúng đắn về việc đổ tiền vào đầu tư loại chứng khoán nào để nhận lại lợi nhuận cao. Đầu tư chứng khoán không dành cho người thiếu kiến thức và đầu tư theo số đông.
- Bất động sản: Có nhiều loại hình đầu tư bất động sản mà bạn có thể cân nhắc như hoạt động mua, sở hữu, quản lý, cho thuê và bán bất động sản. Hãy tìm hiểu và cân nhắc các yếu tố liên quan để có thể chọn cho mình hoạt động đầu tư bất động sản phù hợp nhất.
- Mua bảo hiểm nhân thọ: Tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng là một hình thức đầu tư. Nếu xuất phát từ nhu cầu đầu tư bạn nên lựa chọn sản phẩm bảo hiểm thuộc dòng đầu tư như liên kết chung, liên kết đơn vị. Tuy nhiên, bản chất của bảo hiểm vẫn là bảo vệ, bạn không nên quá chú trọng đến lợi nhuận và xem nó như một hình thức đầu tư thu về lợi nhuận. Việc đầu tư thông qua bảo hiểm nhân thọ là dài hạn, kỷ luật.
Ngoài ra, mua vàng hoặc gửi tiết kiệm tại ngân hàng cũng là một số hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cho bạn. Trong đó gửi tiết kiệm là kênh an toàn với một mức lãi suất cố định theo đúng kỳ hạn mà bạn gửi.
Nguyên tắc tự do tài chính
Để tự do tài chính được thực hiện đạt hiệu quả cao, mỗi người cần nghiêm túc thực hiện theo các nguyên tắc sau:
- Cố gắng gia tăng thu nhập theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là đầu tư, kinh doanh…
- Chi tiêu hợp lý, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết và tránh tình trạng “vung tay quá trán” khi mua sắm.
- Xây dựng các kế hoạch tích lũy tài chính cho những mục tiêu dài hạn như: mua xe, mua nhà…
- Mua bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ cho bản thân để dự phòng cho các rủi ro, bảo vệ tài chính.
Tự do tài chính là từ những việc nhỏ nhặt, sự bền bỉ mỗi ngày để ngày một gia tăng số tiền tích lũy. Để có thể tự do tài chính, bạn cần lên kế hoạch cụ thể, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và tuân thủ các quy tắc tài chính đã đặt ra.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất