avatart

khach

icon

Tiền lương là gì? Các quy định của luật lao động về tiền lương

Tiền tệ

- 22/02/2023

0

Tiền tệ

22/02/2023

0

Tiền lương chính là số tiền mà mỗi người nhận được khi thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên sử dụng lao động.

Mục lục [Ẩn]

Tiền lương là số tiền người lao động nhận được dựa trên sức lao động của mình theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Khái niệm cũng như các nội dung liên quan đến tiền lương đều được Bộ luật lao động quy định rõ.

Tiền lương là gì?

Theo quy định tại Điều 1 Công ước về bảo vệ tiền lương năm 1949, thuật ngữ tiền lương được giải thích như sau: “Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập, bất kể tên gọi hay cách tính mà có thể biểu hiện bằng tiền và được ấn định bằng thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, hoặc bằng pháp luật quốc gia, do người sử dụng lao động phải trả cho người lao động theo một hợp đồng thuê mướn lao động, bằng viết hoặc bằng miệng, cho một công việc đã thực hiện hoặc sẽ phải thực hiện, hoặc cho những dịch vụ đã làm hoặc sẽ phải làm”.

Còn theo Khoản 1, Điều 90 Bộ luật Lao động 2019: “Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, tiền lương chính là số tiền mà mỗi người nhận được khi thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên sử dụng lao động. Số tiền này cho chính bên sử dụng lao động (công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp hoặc cá nhân) chi trả.

Ví dụ: Chị T đi làm tại công ty C, mức lương thỏa thuận của chị với công ty là 8 triệu/ tháng, phụ cấp là 1 triệu. Vậy số tiền mỗi tháng chị T nhận được sẽ là 9 triệu/tháng nếu chị T không nghỉ ngày nào trong tháng. 9 triệu chính là tiền lương của chị T.

Phân loại tiền lương

Hiện nay nay, về cơ bản tiền lương được phân loại như sau:

Phân loại theo quy định luật:

Theo thông tin có trong Điều 90 Bộ luật lao động 2019 về phân loại tiền lương như sau:

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh trong công ty đã quy định trong hợp đồng
  • Phụ cấp lương và các khoản bù đắp trong công việc
  • Các khoản bổ sung khác (trừ tiền thưởng, ăn trưa, tăng ca, hỗ trợ đã có trong hợp đồng)

Trong đó, mức tiền lương tối thiểu là mức mà Doanh nghiệp không được phép trả lương cho người lao động thấp hơn con số này. Theo quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu được quy định như sau:

  • Mức 4.420.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.
  • Mức 3.920.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
  • Mức 3.430.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
  • Mức 3.070.000 đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Vì vậy, mức lương cơ bản tối thiểu của người lao động trong các doanh nghiệp sẽ là:

  • Lương cơ bản vùng I: 4.420.000 đồng/tháng.
  • Lương cơ bản vùng II: 3.920.000 đồng/tháng.
  • Lương cơ bản vùng III: 3.430.000 đồng/tháng.
  • Lương cơ bản vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.

Phân loại tiền lương theo quy định luật

Phân loại theo thời gian lao động

  • Lương thường xuyên: là tiền lương trả cho những công nhân có trong danh sách lao động thường xuyên của công ty
  • Lương thời vụ: là tiền lương trả cho những công nhân làm tạm thời, mang tính thời vụ

Phân loại theo quan hệ với quá trình sản xuất

  • Lương trực tiếp: là tiền lương trả cho những lao động trực tiếp, tham gia lao động chính trong quá trình sản xuất
  • Lương gián tiếp: là tiền lương trả cho những lao động gián tiếp trong quá trình sản xuất (kỹ thuật, hành chính, kế toán…)

Phân loại lương khác

  • Lương chính: tiền lương trả cho người lao động dựa trên thời gian lao động thực tế (tiền lương theo cấp bậc, phụ cấp, thưởng…)
  • Lương phụ: tiền lương trả cho người lao động trong thời gian không thực hiện lao động thực tế (nghỉ phép, nghỉ lễ Tết…)
  • Lương theo thời gian: là tiền lương trả cho người lao động căn cứ theo thời gian làm việc (tháng, tuần, ngày, giờ)
  • Lương theo sản phẩm: là tiền lương trả cho người lao động căn cứ theo số lượng sản phẩm, đơn giá cho 1 sản phẩm

Chức năng và vai trò của tiền lương

Không chỉ đại diện cho công sức mà người lao động bỏ ra, tiền lương còn có một số chức năng và vai trò nổi bật khác như:

  • Thước đo giá trị lao động: tiền lương đóng vai trò như một thước đo sức lao động thực thụ. Nó là căn cứ để người sử dụng lao động quyết định thuê người lao động về làm việc.
  • Kích thích giá trị lao động: khi người lao động được trả lương xứng đáng với những gì họ tạo ra, họ sẽ làm việc tích cực hơn. Vì thế, tiền lương cần phải đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người lao động cũng như xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra.
  • Duy trì chi tiêu trong cuộc sống của người lao động
  • Là hình thức kết nối đơn giản giữa người lao động và doanh nghiệp
  • Nâng cao hiệu suất làm việc và kết quả làm việc của người lao động 

Việc trả tiền lương phù hợp cho người lao động theo khối lượng công việc, chức danh là nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thỏa thuận hợp lý về tiền lương là cơ sở giúp hai bên gắn kết và hợp tác lâu dài với nhau hơn.

Nguyên tắc trả tiền lương

Đối với việc trả tiền lương, Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Nguyên tắc trả tiền lương

Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Hiện nay, trả lương trực tiếp được hiểu theo hai trường hợp dưới đây:

  • Trường hợp thứ nhất: người trả lương trực tiếp cho người lao động cần là đối tượng chịu trách nhiệm chính trong việc thuê người lao động làm việc.
  • Trường hợp thứ hai: người nhận lương cần là người trực tiếp ký hợp đồng lao động, sau đó có thể trả lương cho các người lao động chức vụ thấp hơn.

Ví dụ: Chủ thầu trong các công trình xây dựng nhận lương từ các công ty, tập ffoanf xây dựng về trả cho các thợ hồ, thợ xây.

Đồng thời, người sử dụng lao động cần thanh toán đủ tiền lương cho người lao động (sau khi đã thanh toán các khoản theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân…) khi họ hoàn thành nghĩa vụ công việc của họ.

Người sử dụng lao động cần thanh toán cho người lao động mức lương theo khối lượng công việc hoặc theo chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu mà nhà nước đã quy định. Cần đảm bảo trả lương bình đẳng và không phân biệt trả lương theo giới tính cho người lao động.

Một số quy định về tiền lương

Quy định về việc chi trả tiền lương cho người lao động

Theo điều 95 trong Bộ luật lao động năm 2019 người sử dụng lao động cần trả lương đúng hạn cho người lao động dựa theo các khoản sau:

  • Tiền lương làm việc theo giờ hành chính
  • Tiền lương khi làm thêm giờ
  • Tiền lương làm việc vào ban đêm
  • Tiền lương khi ngừng việc
  • Tiền lương khi chuyển đổi chức vụ, công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian diễn ra đình công

Theo điều 102 trong Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động không được phép khấu trừ tiền lương của người lao động trừ:

  • Người lao động có những hành động làm hư hại tài sản, thiết bị của công ty
  • Mức khấu trừ lương hàng tháng không quá 30% lương thực trả hàng tháng
  • Ngoài ra, người lao động cũng có quyền được biết lý do tiền lương của mình bị khấu trừ

Đặc biệt, người sử dụng lao động phải thanh toán đầy đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị đình chỉ công việc khi người lao động không có các kỷ luật lao động (căn cứ theo Điều 128 Bộ luật lao động 2019).

Hình thức trả tiền lương

Căn cứ theo điều 96 của Bộ luật lao động 2019, hình thức trả lương cho người lao động được quy định như sau:

  • Trả lương theo hình thức trả lương theo thời gian làm việc theo tháng, ngày, giờ
  • Trả lương theo số lượng, chất lượng sản phẩm hoặc theo các công việc đã hoàn thành
  • Trả lương theo lương khoán khi người lao động hoàn thành công việc được giao
  • Trả lương theo doanh thu, phụ thuộc vào doanh số dựa theo mục tiêu doanh số của người lao động và chính sách thưởng doanh số của công ty

Hình thức trả tiền lương

Ngoài ra, tiền lương được thanh toán cho người lao động thông qua phương thức trả tiền mặt hoặc thanh toán qua thẻ ngân hàng của người lao động.

Kỳ hạn trả tiền lương

Theo Điều 97 trong Bộ luật lao động 2019, người sử dụng lao động cần trả lương cho người lao động theo các kỳ hạn:

  • Đối với người lao động hưởng lương theo ngày, giờ, tuần hoặc trả gộp thì cần trả lương theo thời gian đã thỏa thuận giữa hai bên và không quá 15 ngày.
  • Đối với người lao động theo tháng thì được hưởng lương 1 tháng 1 lần hoặc 1 tháng 2 lần. Thời điểm trả lương phải được hai bên ấn định và thực hiện có chu kỳ.
  • Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm, khoán thì người sử dụng lao động cần phải trả lương theo thỏa thuận hoặc ứng trước tiền lương theo tháng cho họ.

Ngoài ra, khi gặp trường hợp có lý do bất khả kháng thì người sử dụng lao động cần tìm cách khắc phục và trả lương chậm không quá 30 ngày. Nếu trả lương chậm 15 ngày thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động thêm một khoản lãi suất tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng theo ngân hàng mà người lao động sử dụng.

So sánh tiền lương và thu nhập

Thu nhập là một khoản tiền mà doanh nghiệp hoặc cá nhân nhận được trong một khoảng thời gian nhất định. Nó dựa trên công việc, dịch vụ hoặc các hoạt động kinh doanh … mang lại. Trong quá trình lao động, con người tạo ra một lượng của cải nhất định và được xã hội phân phối thành những của cải tương ứng.

Tiêu chí so sánh

Tiền lương

Thu nhập

Khái niệm

Tiền lương là số tiền của người lao động dựa trên sức lao động mà họ bỏ ra để hoàn thành công việc được giao.

Thu nhập là tổng thu nhập tính thành tiền của người lao động. Đó có thể là tiền lương, tiền công, lợi nhuận kinh doanh.

Vai trò

+ Duy trì chi tiêu trong cuộc sống của người lao động

+ Là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp

+ Điều tiết hiệu quả làm việc của người lao động

+ Góp phần thực hiện nguyên tắc cơ bản của phân phối lao động

+ Là đòn bẩy phát triển kinh tế

+ Thúc đẩy người lao động làm việc

Ví dụ: 

  • Tiền lương bạn thỏa thuận với nhà tuyển dụng là 10 triệu/tháng thì mỗi tháng bạn sẽ chỉ nhận được 10 triệu
  • Bạn có thực hiện việc bán hàng online song song với công việc cố định thì thu nhập của bạn sẽ bao gồm cả tiền lời bán hàng lẫn tiền lương. Bạn bán hàng online thu được 50 triệu/ tháng và tiền lương của bạn là 10 triệu/ tháng thì mỗi tháng bạn sẽ có tổng thu nhập là 60 triệu.

Giải đáp một số câu hỏi liên quan đến tiền lương

Tiền lương tối thiểu là gì?

Căn cứ theo Điều 91 của Bộ luật lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người sử dụng lao động cần phải thanh toán cho người lao động làm những công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường. Mức lương này cần phải phù hợp với mức sống của người lao động, phù hợp với tình hình phát triển của kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng và ấn định theo giờ, tháng. Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu của các vùng như sau:

  • Vùng I: 22.500 đồng/giờ
  • Vùng II: 20.000 đồng/giờ
  • Vùng III: 17.500 đồng/giờ
  • Vùng IV: 15.600 đồng/giờ

Quỹ tiền lương là gì?

Quỹ tiền lương là tổng số tiền doanh nghiệp sử dụng để thanh toán cho tất cả các công việc lao động thuộc quyền sử dụng và quản lý của doanh nghiệp. Thông thường quỹ tiền lương của doanh nghiệp được chia làm hai loại chính:

  • Tiền lương chính: là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp cần phải thanh toán cho người lao động, trong đó bao gồm các chi phí của các khoản phụ cấp, trợ cấp, thưởng…
  • Tiền lương phụ: là số tiền phải trả cho người lao động vào thời gian nghỉ nhưng vẫn phải trả lương cho họ như thời gian đi làm nghĩa vụ xã hội, đi học…

Quỹ tiền lương là gì

Tiền lương thực tế là gì?

Tiền lương thực tế là khoản lương người lao động thực nhận sau khi đã trừ hết các chi phí liên quan khác.

Ví dụ: Tổng lương của bạn là 15 triệu thì sau khi trừ đi các chi phí liên quan bắt buộc về bảo hiểm xã hội, về thuế TNCN thì bạn nhận được 13.303.750 đồng. Như vậy, tiền lương thực tế của bạn một tháng là 13.303.750 đồng.

Tiền lương được trả như thế nào khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm?

Theo khoản 2 Điều 98 trong Bộ luật lao động 2019, quy định về tiền lương làm việc vào ban đêm như sau:

  • Người lao động làm thêm giờ thì tính lương theo đơn giá tiền lương hoặc lương thực trả cho công việc. Tăng ca vào các ngày thường sẽ nhận được ít nhất 150% tiền lương và vào các ngày nghỉ cuối tuần ít nhất 200% tiền lương, vào các ngày lễ tết ít nhất 300% và chưa tính tới các khoản thưởng.
  • Người lao động làm vào ban đêm (ca đêm) được trả thêm ít nhất 30% so với tiền lương của ngày làm việc bình thường.
  • Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm cần nhận thêm ít nhất 50% so với tiền lương một ngày làm việc bình thường.

Đơn giá tiền lương là gì?

Nói một cách dễ hiểu thì đơn giá tiền lương là lương cơ bản mà nhà tuyển dụng cần thanh toán cho người lao động khi họ hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao.

Việc xây dựng đơn giá tiền lương cần phải dựa trên tiêu chuẩn lao động trung bình và các thông số mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Nếu có sự thay đổi thì sẽ làm thay đổi toàn bộ đơn giá tiền lương.

Chế độ tiền lương là gì?

Chế độ tiền lương được biết tới là tập hợp các quy tắc liên quan tới tiền lương do pháp luật quy định theo trình độ lành nghề, điều kiện lao động theo ngành hoặc theo các lĩnh vực khác nhau.

Chế độ tiền lương hiện nay bao gồm:

  • Chế độ tiền lương theo cấp bậc gồm 3 yếu tố chính có quan hệ chặt chẽ với nhau là thang lương, mức lương, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật. 
  • Chế độ tiền lương theo chức vụ: các chức vụ khác nhau trong công ty sẽ được trả những mức lương khác nhau.

Hiện nay, các doanh nghiệp sử dụng hình thức tính lương theo thời gian và hình thức tính lương theo sản phẩm. Tùy theo lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà có những hình thức tiền lương phù hợp.

Tiền lương và thu nhập là một phần động lực để người lao động có thể cống hiến sức lao động cho doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp cần đảm bảo nghĩa vụ trả lương đúng hạn và đúng theo quy định pháp luật đối với người lao động.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *