4 Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả ai cũng áp dụng được
Mục lục [Ẩn]
Quản lý tài chính cá nhân là một cách làm giúp bạn sử dụng và kiểm soát tài chính của bản thân hợp lý hơn.
Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Quản lý tài chính cá nhân được hiểu là hoạt động sử dụng các biện pháp, công cụ, phần mềm để lập ngân sách, kế hoạch tiết kiệm, ghi chép thu chi tài chính của cá nhân. Từ đó dễ dàng theo dõi, kiểm soát tài chính của cá nhân hiệu quả.
Tài chính cá nhân thông thường sẽ được hiểu là thu nhập từ công việc chính, thu nhập từ các công việc làm thêm, các khoản tiết kiệm, đầu tư hay các tài sản của cá nhân.
Mục đích của việc quản lý tài chính cá nhân:
- Giúp làm chủ tài chính, theo dõi sát các khoản thu - chi, tiết kiệm cũng như đầu tư.
- Hạn chế tình trạng chi tiêu lãng phí. Từ đó sử dụng tiền đúng mục đích, đáp ứng đúng nhu cầu.
- Giúp xây dựng rõ ràng các kế hoạch tài chính trong tương lai, đặc biệt là kế hoạch tích lũy, đầu tư để gia tăng tài sản.
- Giúp cá nhân chủ động trong mọi tình huống, ứng phó kịp thời với các trường hợp cần đến tài chính như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp…
Nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân
Việc tuân thủ các nguyên tắc trong quản lý tài chính cá nhân là cách giúp bạn thực hiện có hiệu quả việc quản lý dòng tiền:
Nguyên tắc 1: Xác định nguồn thu nhập cá nhân
Trước khi bắt đầu tiến hành quản lý tài chính cá nhân, mỗi người cần liệt kê ra các nguồn thu nhập mà mình đang có. Liệt kê càng chi tiết nguồn thu nhập càng giúp bạn quản lý tài chính dễ dàng hơn.
Ví dụ: Bạn H đang là nhân viên văn phòng lương 7 triệu/tháng. Ngoài thời gian làm việc văn phòng, H còn bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT. Công việc này mang về thu nhập mỗi tháng 20 triệu cho cô. Như vậy nguồn thu nhập cá nhân mỗi tháng của H là 27 triệu đồng.
Nguyên tắc 2 : Hạn chế việc sử dụng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là một loại thẻ mang đến hình thức thanh toán thay thế tiền mặt, rất đáng sử dụng trong thời đại công nghệ số như hiện nay. Tuy nhiên, dù tiện lợi và mang đến nhiều ưu đãi nhưng bản chất thẻ tín dụng vẫn là một khoản vay giúp bạn chi tiêu trước, trả tiền sau. Bởi vậy không nên quá lạm dụng thẻ tín dụng để chi tiêu. Đặc biệt là chi tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng. Việc chi tiêu quá hạn mức, thanh toán không đúng hạn sẽ khiến bạn bị phạt, tính lãi suất rất cao. Chưa kể, nếu sử dụng tính năng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng bạn còn mất phí và lãi suất cao.
Thay vào đó, chỉ nên sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho những khoản chi tiêu lớn, trong các lĩnh vực điện tử, ẩm thực, du lịch, giáo dục… vì sẽ được hưởng các ưu đãi như giảm giá, hoàn tiền, tích điểm thưởng, trả góp… Khi sử dụng thẻ tín dụng cần nắm rõ các loại phí, lãi suất đang áp dụng để chủ động thanh toán đúng hạn, tránh rơi vào nợ xấu.
Nguyên tắc 3: Đầu tư sinh lời
Với các khoản thu nhập hàng tháng, ngoài việc đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cho cá nhân và gia đình, mỗi người nên tiết kiệm một khoản tiền nhất định. Khoản tiền nhàn rỗi này có thể đầu tư vào các kênh đầu tư phù hợp để thu về lợi nhuận, giúp tài sản gia tăng qua các năm. Một số kênh đầu tư bạn có thể cân nhắc như bảo hiểm nhân thọ, bất động sản, chứng khoán…
Ví dụ: Một tháng thu nhập của An là 20 triệu đồng. An sử dụng 50% thu nhập cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống (chi tiêu, sinh hoạt, giải trí…), 50% thu nhập còn lại cô dùng để tiết kiệm và tạo quỹ dự phòng. Sau khi đạt đến một số tiền nhất định, An dùng khoản tích lũy của mình để đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ, cụ thể là mua một sản phẩm bảo hiểm liên kết chung để vừa nhận được sự bảo vệ vừa gia tăng tích lũy tài sản thông qua quyền lợi đầu tư với lãi suất cam kết hàng năm. Ngoài ra, cô còn cân nhắc thêm một số kênh đầu tư khác khi nguồn tài chính dư dả hơn. Bằng cách này An đã quản lý và theo dõi dòng tiền của mình một cách cụ thể hơn.
Nguyên tắc 4: Kiên nhẫn và linh hoạt trong quản lý tài chính cá nhân
Quản lý tài chính cá nhân không thể nóng vội bởi trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề cần chú trọng. Chưa kể, các khoản chi tiêu, thu nhập của mỗi cá nhân là khác nhau. Cho nên mỗi người khi thực hiện việc quản lý tài chính cần linh hoạt để đưa ra kế hoạch chi tiêu, đầu tư hợp lý. Hãy lựa chọn cho mình một cách quản lý tài chính cá nhân phù hợp và mang lại hiệu quả nhất.
Các cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dễ áp dụng
Quản lý theo quy tắc 6 chiếc lọ
6 chiếc lọ là một trong những quy tắc quản lý tài chính cá nhân được áp dụng phổ biến hiện nay. Theo quy tắc này, thu nhập của bạn sẽ được phân bổ vào 6 chiếc lọ, tương ứng cho từng phần. Cụ thể:
- Lọ 1 - Cho chi tiêu cần thiết, chiếm 55% tổng thu nhập của bạn
- Lọ 2 - Tiết kiệm dài hạn, phần này sẽ chiếm 10% tổng thu nhập hàng tháng
- Lọ 3 - Quỹ cho giáo dục, chiếm 10% tổng thu nhập hàng tháng
- Lọ 4 - Hưởng thụ (chi phí cho các nhu cầu giải trí, hưởng thụ trong cuộc sống), chiếm 10% tổng thu nhập
- Lọ 5 - Tự do tài chính, chiếm 10% tổng thu nhập. Lọ này giải quyết các vấn đề bất ngờ xảy ra hoặc bạn có thể sử dụng để mang đi đầu tư/gửi tiết kiệm
- Lọ 6 - Từ thiện, chiếm 5% tổng thu nhập
Ưu điểm của quy tắc 6 chiếc lọ là các khoản chi tiêu được phân bổ rõ ràng, bạn dễ dàng nằm được tiền của mình đang thực hiện cho nhu cầu nào. Từ đó theo dõi và kiểm soát có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là tính kiên trì, thực hiện có kỷ luật và đúng đắn.
Ví dụ: Một tháng thu nhập của chị A là 20 triệu. Chị đã sử dụng quy tắc 6 chiếc lọ để phân chia quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả hơn. Trong đó:
- 11 triệu dành cho chi tiêu cần thiết (55%)
- 2 triệu dành cho các khoản tiết kiệm dài hạn như gửi tiết kiệm ngân hàng… (10%)
- 2 triệu dành cho các khóa học tập (10%)
- 2 triệu để đi xem phim, mua sắm (10%)
- 2 triệu để đầu tư, gửi tiết kiệm dự phòng cho tương lai (10%)
- 1 triệu từ thiện xây trường học cho những em nhỏ vùng cao (5%)
Quản lý tài chính cá nhân theo quy tắc 50/20/30
Hiện nay, quy tắc 50/30/20 đang được rất nhiều người áp dụng khi thực hiện kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Khi áp dụng nguyên tắc này, bạn sẽ chia tài chính của mình thành 3 phần riêng biệt.
- 50%: là chi phí sinh hoạt cố định bao gồm các khoản như tiền nhà, điện nước, hóa đơn, ăn uống, đi lại.
- 30%: là chi phí dành cho các hoạt động như mua sắm và giải trí và các chi phí phát sinh khác trong tháng (sinh nhật, đám cưới…).
- 20%: là khoản tiền tiết kiệm, nó giúp bạn tránh khỏi các rủi ro bất ngờ như ốm, nghỉ việc, tai nạn… Trước hết, bạn có thể tiết kiệm khoảng từ 10 - 15% số tiền thu nhập và sau đó nâng hạn mức lên cao dần.
Ví dụ: Thu nhập mỗi tháng của bạn là 15 triệu đồng. Bạn áp dụng quy tắc 50/20/30 để quản lý tài chính cá nhân. Lúc này chi tiết việc quản lý sẽ được thực hiện như sau:
- 50% thu nhập (tức 7,5 triệu đồng) bạn sẽ dành cho chi phí sinh hoạt cố định vào mỗi tháng
- 30% thu nhập (tức 4,5 triệu đồng) dành cho các hoạt động mua sắm, trải trí và các sự kiện phát sinh
- 20% thu nhập (tức 3 triệu đồng) sẽ dành cho khoản gửi tiết kiệm dài hạn
Ưu điểm của quy tắc này là rất trực quan, dễ hiểu và dễ nhớ khi không cần phải phân chia quá nhiều khoản chi tiêu, nhờ đó đỡ gây rối trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, với quy tắc này đối tượng nào cũng có thể áp dụng. Tuy nhiên, điểm hạn chế là người thực hiện cần có tính tự giác cao. Các khoản chi tiêu thiết yếu và chi tiêu cho sở thích cá nhân dễ gặp trở ngại. Nếu số tiền chi tiêu cho nhu cầu cá nhân vượt quá định mức sẽ khiến quản lý dòng tiền bị mất cân bằng.
Quản lý tài chính thông qua ghi chép
Đây gần như là cách quản lý tài chính cá nhân truyền thống nhất mà một số người hiện vẫn còn áp dụng. Với cách quản lý này bạn có thể lựa chọn:
- Ghi chép vào sổ ghi chép: Hãy chuẩn bị một cuốn sổ ghi chép và thực hiện việc ghi chép lại các khoản thu nhập - chi tiêu hàng tháng, kể cả khoản chi tiêu nhỏ nhất. Ưu điểm của cách này là dễ thực hiện, đối tượng có các mức thu nhập khác nhau đều có thể thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm là khó ghi chép được hết vì đôi khi bạn nhớ sai, hoặc quên khoản chi tiêu đã thực hiện. Nếu muốn ghi chép đầy đủ cần mang theo sổ bên mình sẽ rất bất tiện.
- Ghi chép trên file Excel: Sử dụng file Excel trên máy tính, điện thoại cũng là một cách ghi chép để quản lý tài chính cá nhân có thể thực hiện. Ưu điểm là bạn có thể dễ dàng đặt các hàm công thức để tính toán nhanh chóng, thuận tiện khi ghi chép ở nhiều nơi vì có thể mở trên ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên, hạn chế của cách này là nếu lỡ xóa hoặc không lưu lại file thì việc quản lý bị gián đoạn, bạn cũng dễ bị quên, không liệt kê đủ các khoản đã chi tiêu.
Sử dụng app quản lý tài chính cá nhân
Các app quản lý tài chính cá nhân hiện nay rất phổ biến, giúp bạn dễ dàng quản lý thu nhập - chi tiêu một cách rõ ràng và chi tiết nhất. Nếu bạn đang loay hoay trong cách quản lý tài chính cá nhân thì có thể lựa chọn sử dụng một trong những app quản lý tài chính cá nhân sau đây:
- Money Lover: Được đánh giá là một trong những ứng dụng giúp quản lý chi tiêu tài chính cá nhân hiệu quả hiện nay. Chỉ với một ứng dụng được cài đặt trên điện thoại, bạn có thể dễ dàng theo dõi các khoản thu chi hàng ngày, lập kế hoạch chi tiêu hợp lý với tính năng ngân sách, theo dõi các khoản tiết kiệm, vay nợ... Ưu điểm của app này là giao diện dễ sử dụng, tính năng theo dõi các khoản chi tiêu, thu nhập và hóa đơn hàng tháng chi tiết. Người dùng thậm chí còn được cung cấp những biểu đồ, thống kê và báo cáo chi tiết về tình hình các khoản thu chi, tổng thu nhập hay chi tiêu trong kỳ. Tuy nhiên hạn chế là bạn cần mất phí để sử dụng tất cả các tính năng, mức phí có thể đến 199.000đồng/năm.
- Spendee: Ứng dụng này có giao diện vô cùng bắt mắt và đầy màu sắc. Khi sử dụng ứng dụng, bạn có thể theo dõi chi tiêu hàng ngày và phân chia các khoản chi tiêu cho cá nhân, cho gia đình…Nhờ đó đưa ra cái nhìn tổng quan hơn về các khoản thu chi trong ngày, tuần, tháng. Từ đó bạn kiểm soát và tối ưu hơn, giúp tiết kiệm được những khoản chi không đáng có. Với app này người dùng có thể chia sẻ cho các thành viên khác trong gia đình để cùng sử dụng. Nhược điểm của ứng dụng Spendee là phí sử dụng cao, 67.000đồng/tháng và 519.000đồng/năm. Ứng dụng sẽ tự động gia hạn phí sử dụng trước 24 giờ nếu bạn không hủy đăng ký dịch vụ.
- MISA Money Keeper: Đây là ứng dụng quản lý chi tiêu được tạo nên bởi MISA. Điểm cộng của ứng dụng này là có giao diện tiếng Việt thân thiện với người dùng. Ứng dụng cho phép người dùng ghi lại các khoản thu chi và vay nợ và nhắc bạn khi đến hạn các khoản thanh toán hóa đơn, đầu tư. Các hoạt động thu, chi của bạn được tạo thành một biểu đồ riêng biệt giúp bạn nắm bắt trực quan tài chính cá nhân. Thế mạnh của app này là miễn phí 100%, đồng bộ dữ liệu trên điện thoại, máy tính bàn, máy tính bảng nhanh chóng. Tuy nhiên điểm hạn chế là quảng cáo nhiều, gây mất tập trung. Ứng dụng chỉ sử dụng trên iOS và Android, không có của Window.
- Mint: Đây là một ứng dụng phù hợp với hầu hết các dòng điện thoại thông minh hiện nay. Ứng dụng có thể liên kết với thẻ ngân hàng và gửi tới bạn những nhắc nhở về các hóa đơn cần thanh toán. Việc quản lý chi tiêu được quản lý tốt hơn. Ưu điểm là các đầu mục chi tiêu được thống kê một cách khoa học, các chi tiêu thanh toán các hóa đơn vượt mức chi tiêu sẽ được gửi về email… Tuy nhiên hạn chế của app này là Không hỗ trợ quản lý nhiều loại tiền tệ, không có ghi chú rõ ràng về thu nhập và ngân sách mà luôn gộp cả hai lại.
Những lưu ý khi quản lý tài chính cá nhân
- Rà soát chi tiêu thường xuyên: việc làm này giúp bạn có thể cập nhật nhanh chóng số tiền mà bạn đã chi tiêu. Nó giúp bạn có thể đưa ra các kế hoạch điều chỉnh chi tiêu hợp lý hơn.
- Thiết lập ngân sách chi tiêu: Việc thiết lập ngân sách giúp bạn có thể hạn chế việc tiêu nhiều tiền hơn so với số tiền mà bạn đặt ra.
- Hạn chế vay mượn tiền: hiện nay nhiều người trẻ thường xảy ra tình trạng hết tiền vào giữa tháng. Điều này khiến họ phải vay mượn bạn bè hoặc xin trợ cấp từ bậc phụ huynh.
- Lập quỹ tiết kiệm: bạn cần lập riêng cho mình một quỹ tiết kiệm từ 10 - 20% thu nhập hàng tháng để ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Quản lý tài chính là phương pháp giúp chúng ta góp phần giúp làm chủ khả năng tài chính của bản thân. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ lựa chọn được phương pháp quản lý tài chính phù hợp.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất