Cẩn trọng khi vay trực tuyến: Trả hết nợ rồi vẫn bị gọi điện đe dọa, đòi nợ
Mục lục [Ẩn]
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CCT&BVNTD), trong 8 tháng đầu năm 2019, dịch vụ “tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” là dịch vụ có tỷ lệ bị khiếu nại lớn nhất, lớn hơn nhiều lần so với các nhóm dịch vụ, sản phẩm khác mà người tiêu dùng thường xuyên sử dụng.
Cụ thể, số đơn thư khiếu nại cả bằng văn bản viết tay, đánh máy, thư điện tử... của nhóm dịch vụ tài chính – ngân hàng chiếm đến hơn 40%. Trong khi đó, nhóm dịch vụ điện thoại, viễn thông chỉ chiếm 21%; nhóm đồ điện tử gia dụng chỉ chiếm 9%.
Lừa đảo qua dịch vụ tài chính ngày càng gia tăng mạnh
Theo CCT&BVNTD, chủ thể liên quan đến nhóm dịch vụ này bên cạnh ngân hàng, công ty tài chính còn có cả mô hình tư vấn cho vay trực tuyến, hay còn có tên gọi khác là vay ngang hàng – P2P.
Mô hình này đã có từ lâu, với nhiều ưu điểm như vay nhanh, giải ngân thuận lợi, số tiền vay lớn... Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, liên tục phát sinh nhiều hệ lụy xấu, khiến người vay cảm thấy vô cùng bất an và lo lắng.
Hết sức cẩn trọng khi vay tiền online
Điển hình và đáng sợ nhất đó là vấn đề thu nợ nhầm sau đó đe dọa, quấy rối người dân. Rất nhiều người trình báo: Dù không đi vay nợ nhưng thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện, nhắn tin quấy rối và bắt ép trả nợ. Tuy đã trả lời lại là không hề vay mượn, không liên quan đến mình nhưng vẫn thường xuyên bị quấy rối, không có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng hình cảnh của người dân, thân nhân để đăng tải công khai lên các trang mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh đó, những người có giao dịch, vay mượn tại các trang web, ứng dụng hỗ trợ vay trực tuyến cũng cho biết: Dù đã hoàn tất thanh toán xong xuôi tất cả các khoản tiền gốc, lãi, thuế, phí liên quan nhưng sau đó vẫn bị nhiều đối tượng đe dọa gây áp lực tiếp tục trả nợ.
Một số công ty tài chính còn sử dụng số điện thoại, địa chỉ giả tại nước ngoài để gây khó dễ cho người vay và các cơ quan chức năng trong quá trình liên hệ.
Sàn thương mại điện tử cũng lắm chiêu trò lừa đảo
Ngoài ra, một vụ việc khác khá điển hình cũng được CCT&BVNTD nêu ra: Nhiều người mua hàng trên các sàn thương mại điện tử, đến khi nhận hàng không được kiểm tra, phát hiện hàng sai với mô tả nhưng không được trả hàng, hoàn tiền. Liên hệ với đại diện quản lý sàn thương mại điện tử thì được giải thích rằng việc này nằm ngoài hệ thống nên không được hưởng chính sách đó.
Như vậy, rõ ràng các đối tượng gian thương đã bắt đầu để ý và mở rộng địa bàn ra cả sàn thương mại điện tử. Chiêu trò phổ biến nhất đó là: Sau khi người mua xác nhận đơn hàng, người bán sẽ tự ý hủy đơn nhưng sau đó lại liên hệ với người mua để giao một sản phẩm khác.
Mua sắm trên sàn thương mại điện tử, bạn cũng phải cảnh giác
Như vậy, mã đơn hàng khi được trao đến tay người tiêu dùng sẽ không khớp với đơn hàng đã đặt. Đồng thời, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị liên kết và chịu sự quản lý của sàn thương mại điện tử. Do đó, việc này nằm ngoài tầm kiểm soát, sàn không hề hay biết nên không chịu trách nhiệm. Người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, không để bị mắc lừa các đối tượng này.
Rủi ro khi vay trực tuyến
Khi vay trực tuyến, bạn sẽ phải đối mặt với một số rủi ro sau đây:
Lãi cao, phí đắt
Đánh vào nhu cầu cần tiền tiền gấp của người dân, nhiều tổ chức cho vay bất hợp pháp gia tăng hoạt động khiến mức lãi suất tăng lên đến mức "cắt cổ".
Nhiều người cho biết mức lãi vay mượn trong các khu dân cư ở mức từ 5 - 7%/tháng, tương đương 72%/năm đối với những khoản vay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Trong trường hợp vay "nóng" qua điện thoại hay online thì lãi suất còn kinh khủng hơn rất nhiều.
Ví dụ: Khi được hỏi vay 50 triệu đồng thì trừ phí 5%, trả góp đứng mỗi ngày 2 triệu đồng trong vòng 30 ngày, đóng trước 1 ngày nên số tiền nhận được còn 45.5 triệu đồng. Như vậy, cả lãi và phí trả lên đến 14.5 triệu đồng, tương đương lãi suất gần 32%/tháng, gần 384%/năm.
Có thể thấy, trên các mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác, tình trạng quảng cáo cho vay như vậy đang rất phổ biến. Các tổ chức tài chính không minh bạch thường cho vay online với mức lãi suất cho vay khá thấp hoặc 0%, phần thu phí cao để tránh quy định của pháp luật về lãi suất tín dụng đen. Tuy nhiên, trên thực tế, những ai "dính" vào những trang này khó có thể thoát ra được bởi lãi suất vượt quá khả năng chi trả
Dễ bị biến tướng thành "tín dụng đen"
Hiện nay, chỉ cần thông qua một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các nền tảng CH Play hoặc IOS người dùng dễ dàng tìm thấy hàng loạt các ứng dụng như: MoneyTab, vĐồng, CashVN, Vay nóng, Vay tiền mặt cấp tốc 24/24, Tiền mặt nhanh... Người vay chỉ cần tải ứng dụng, điền đầy đủ thông tin trên màn hình, chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để xác nhận danh tính rồi chờ kết quả trong vòng 15 phút.
Theo thống kê từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công thương), từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã tiếp nhận gần 200 đơn phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực vay tiêu dùng, trong đó có vay online. Người vay và các người thân, bạn bè đồng nghiệp của họ thường xuyên bị đe dọa đòi nợ gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Cũng theo chia sẻ của Phó Thống Đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, vay online, vay ngang hàng chưa có quy định cụ thể. Thủ tục cho vay dễ dàng, lãi suất tự thỏa thuận, điều kiện ràng buộc lỏng lẻo nên nhiều đối tượng sử dụng hình thức này để hoạt động "tín dụng đen".
Lãi suất khi vay tiền trực tuyến khá cao
Những điều cần cẩn trọng khi vay tiền trực tuyến
Cẩn thận lựa chọn nơi vay
Bạn chỉ nên vay online tại các ngân hàng, tổ chức tài chính thật sự uy tín trên thị trường và được người biết đến. Những đơn vị này cần đảm bảo một số tiêu chí như sau: Thông tin rõ ràng (địa chỉ, hotline, nền tảng truyền thông, người đại diện pháp lý, giấy phép kinh doanh...), điều khoản thỏa thuận trên hợp đồng rõ ràng, minh bạch thống nhất với các thông tin trên website, có những phản hồi tích cực từ những người đã sử dụng dịch vụ.
Vay vừa phải
Sự cân đối giữa khả năng tài chính cá nhân và khoản vay sẽ tác động tới áp lực trả nợ của người vay. Để tránh khỏi tình trạng "vỡ nợ". Người vay chỉ nên vay hạn mức vừa đủ tiêu dùng, không vượt quá 40% so với tổng thu nhập hàng tháng.
Chỉ vay khi cần
Việc vay mượn vô tội vạ sẽ khiến người vay rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất. Bạn chỉ nên vay nếu gặp phải khó khăn cấp thiết không còn cách xử lý nào khác.
Chú ý lãi suất, hợp đồng và các chi phí
Bạn cần hết sức chú ý tới nguy cơ lãi suất tăng cao và phí phát sinh bị thay đổi, người vay cần đảm bảo các thông số trong hợp đồng chính xác 100% và đồng nhất với các thông tin hiển thị trên các trang web và app vay.
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến hình thức vay trực tuyến. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết bạn sẽ tỉnh táo và sáng suốt khi lựa chọn hình thức cho vay này.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất