Bảo hiểm tàu cá và những thông tin cần nắm
Mục lục [Ẩn]
Bảo hiểm tàu cá là gì?
Bảo hiểm tàu cá thuộc loại hình bảo hiểm hàng hải nhằm bảo hiểm cho các rủi ro có thể xảy ra với đối tượng bảo hiểm là thân tàu bao gồm: vỏ tàu, máy tàu, các trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị dùng để chế biến thủy sản hay nghiên cứu khoa học… và ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt thủy sản. Tất cả các chủ tàu, thuyền cá hoạt động trong vùng nội thủy hay vùng biển Việt Nam đều có thể tham gia bảo hiểm tàu cá của các công ty bảo hiểm trong nước.
Hiện nay có 5 công ty bảo hiểm uy tín triển khai bảo hiểm tàu cá cho đối tượng khách hàng là các chủ tàu, thuyền cá đó là:
- Công ty bảo hiểm PJICO
- Công ty bảo hiểm Bảo Minh
- Công ty bảo hiểm Bảo Việt
- Công ty bảo hiểm PVI
- Công ty bảo hiểm MIC
Bảo Minh, Bảo Việt, PVI, PJICO là 4 công ty bảo hiểm được Chính Phủ giao triển khai bảo hiểm tàu cá
Phạm vi bảo hiểm tàu cá
Thông thường với đối tượng bảo hiểm thân tàu thuyền, người được bảo hiểm có thể lựa chọn tham gia theo một trong hai điều kiện bảo hiểm A hoặc B hoặc kết hợp một trong hai điều kiện. Phạm vi bảo hiểm cho từng điều kiện cụ thể như sau:
Điều kiện bảo hiểm A đối với thân tàu:
1. Công ty bảo hiểm sẽ bồi thường với các tổn thất toàn bộ hoặc tổn thất bộ phận xảy ra với thân tàu là hậu quả gây ra bởi những nguyên nhân trực tiếp sau:
- Đâm va với tàu, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước,
- Mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi, trôi hoặc cố định (trừ bom mìn và thủy lôi), cầu, phà, đà, công trình đê đập, kè, cầu cảng,
- Cháy, nổ ngay trên tàu hoặc ở nơi khác gây tổn thất cho tàu,
- Vứt bỏ tài sản khỏi tàu để cứu người và/hoặc cứu tàu, tài sản trên tàu trong trường hợp nguy hiểm,
- Động đất, sụt lở, núi lửa phun, mưa đá hay sét đánh,
- Bão tố, sóng thần, gió lốc,
- Mất tích,
- Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ di chuyển sản phẩm thủy sản, hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu hoặc trong khi tàu đang neo đậu, lên đà, sửa chữa ở xưởng,
- Nổ nồi hơi, gãy trục cơ hoặc hư hỏng do khuyết tật ngầm gây ra với điều kiện kiểm tra giám định bình thường không thể phát hiện được (nhưng không bồi thường chính bản thân nồi hơi, trục cơ hay những bộ phận khuyết tật gây ra tổn thất cho tàu, trừ trường hợp nồi hơi hay trục cơ bị tổn thất do một trong những hiểm họa được bảo hiểm gây ra).
- Sơ suất của thuyền trưởng, sĩ quan, thủy thủ, hoa tiêu hoặc của người sửa chữa với điều kiện những người này không phải là người được bảo hiểm.
2. Công ty bảo hiểm sẽ chi trả các chi phí cần thiết và hợp lý trong việc:
- Hạn chế tổn thất có thể dẫn đến khiếu nại đòi bồi thường theo quy tắc bảo hiểm
- Trợ giúp hay cứu hộ với điều kiện những chi phí này không đòi được từ phía người được trợ giúp, cứu hộ, chi phí tố tụng đã được bên công ty bảo hiểm đồng ý trước;
- Kiểm tra, giám định hư hại, tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm, đã được sự đồng ý trước của công ty bảo hiểm
- Đóng góp chi phí tổn thất chung;
- Kiểm tra đáy tàu sau khi mắc cạn kể cả trong trường hợp không phát hiện được tổn thất.
Điều kiện bảo hiểm B đối với thân tàu:
1. Công ty bảo hiểm nhận trách nhiệm bồi thường cho tổn thất toàn bộ (thực tế và ước tính) đối với thân tàu được bảo hiểm là hậu quả gây ra bởi những nguyên nhân trực tiếp sau đây:
- Đâm va với tàu, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước,
- Mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi, trôi hoặc cố định (trừ bom mìn và thủy lôi), cầu, phà, đà, công trình đê đập, kè, cầu cảng,
- Cháy, nổ ngay trên tàu hoặc ở nơi khác gây tổn thất cho tàu,
- Động đất, sụt lở, núi lửa phun, mưa đá hay sét đánh,
- Bão tố, sóng thần, gió lốc,
- Mất tích, cướp biển,
- Tai nạn xảy ra khi xếp dỡ di chuyển sản phẩm hải sản, hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu, hoặc khi tàu đang neo đậu, lên đà, sửa chữa ở xưởng,
- Sơ suất của người sửa chữa với điều kiện người này không phải là người được bảo hiểm,
- Sơ suất hay bất cẩn của thuyền trưởng, sĩ quan, thủy thủ, hoa tiêu, ngay cả trong trường hợp những người này là người được bảo hiểm hoặc có cổ phần trên tàu,
- Các chi phí cần thiết và hợp lý mà chủ tàu phải gánh chịu trong việc hạn chế tổn thất có thể dẫn đến khiếu nại đòi bồi thường
Bảo hiểm ngư cụ và trang thiết bị đánh bắt hải sản:
Ngoài các điều kiện bảo hiểm A và B cho thân tàu, công ty bảo hiểm còn nhận bảo hiểm cho ngư cụ và trang thiết bị đánh bắt thủy sản mang theo tàu bị mất khi tàu bị tổn thất toàn bộ do những nguyên nhân trực tiếp sau:
- Đâm va với tàu, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước,
- Mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi, trôi hoặc cố định, cầu, phà, đà, công trình đê, đập, kè, cầu cảng
- Cháy nổ ngay trên tàu hoặc cháy nổ ở nơi khác gây tổn thất cho tàu,
- Mất tích, động đất, sụt lở, núi lửa phun,
- Bão tố, sóng thần, gió lốc, mưa đá hay sét đánh,
- Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ, di chuyển sản phẩm hải sản, hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu,
- Sơ suất của thuyền trưởng, sĩ quan, thủy thủ hoặc hoa tiêu ngay cả trong trường hợp những người này là chủ tàu hoặc có cổ phần trên tàu.
Bên cạnh các phạm vi bảo hiểm chính, người tham gia bảo hiểm còn nhận được các quyền lợi mở rộng với tổn thất xảy ra trong trường hợp:
- Tàu buộc phải chạy bằng buồm hay động cơ hoặc kết hợp cùng một lúc cả hai loại đó trong hoàn cảnh và lý do chính đáng.
- Lai kéo và trợ giúp tàu khác khi gặp tai nạn. Những hư hỏng, mất mát và tổn thất vật chất xảy ra trong thời gian này chỉ thuộc trách nhiệm bảo hiểm phần chi phí sửa chữa mà người được bảo hiểm không thu hồi được đầy đủ do phía được cứu giúp thực sự không đủ khả năng hoàn trả.
- Tàu được bảo hiểm đâm va với tàu cùng chủ hoặc cùng quyền quản lý hoặc được những tàu như vậy cứu hộ, người được bảo hiểm vẫn có mọi quyền theo bảo hiểm này như thể chiếc tàu đó hoàn toàn là của một chủ tàu không có quyền lợi liên quan đến tàu được bảo hiểm. Nhưng trong trường hợp đó, trách nhiệm về đâm va hoặc số tiền phải trả cho dịch vụ đã cung ứng phải được công ty bảo hiểm đồng ý hay theo quyết định của tòa án.
- Tàu được bảo hiểm cả trong trường hợp có sự thay đổi về phạm vi hoạt động, về việc đánh bắt hải sản, về việc lai dắt không theo tập quán, với điều kiện người được bảo hiểm phải thỏa thuận trước và nộp thêm phí bảo hiểm theo yêu cầu của công ty bảo hiểm.
Có những trường hợp loại trừ không được bảo hiểm tàu cá bồi thường
Các loại trừ bảo hiểm tàu cá
Công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất xảy ra bởi mọi nguyên nhân kể cả những hiểm họa được bảo hiểm, trong những trường hợp như:
- Tàu không đủ khả năng hoạt động, không có giấy phép hoạt động hoặc hoạt động ngoài phạm vi quy định, giấy phép đăng kiểm bị đình chỉ, hết hạn hoặc cho chạy tạm khi đã đến kỳ hạn kiểm tra tàu.
- Người được bảo hiểm hoặc người thừa hành như đại lý, đại diện hoặc thuyền trưởng, sĩ quan hoặc thuyền viên có hành động cố ý.
- Vi phạm lệnh cấm do nhà chức trách ban hành, vi phạm nghiêm trọng luật lệ giao thông hoặc hoạt động đánh bắt hải sản trái phép.
- Thuyền trưởng, máy trưởng không có bằng theo quy định hoặc tai nạn xảy ra do những người này say rượu bia, ma túy hoặc các chất kích thích tương tự khác.
Phí, thời hạn và gia hạn bảo hiểm
Phí bảo hiểm: Phí bảo hiểm được tính trên cơ sở biểu phí chung của từng công ty bảo hiểm áp dụng cho mỗi loại tàu hoặc nhóm tàu theo các điều kiện bảo hiểm cụ thể, phí bảo hiểm có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào tình hình tổn thất hàng năm của các đội tàu tham gia bảo hiểm.
Thời hạn bảo hiểm: Thời hạn bảo hiểm tính theo năm dương lịch dài nhất là 12 tháng, ngắn nhất không dưới 3 tháng.
Hiệu lực bảo hiểm bắt đầu và kết thúc theo thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, với điều kiện người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định trong quy tắc bảo hiểm.
Gia hạn bảo hiểm: Khi giấy chứng nhận bảo hiểm đã hết hạn mà tàu vẫn còn đang ngoài khơi hoặc đang gặp nguy hiểm, hay đang ghé vào một nơi nào đó để lánh nạn, tàu vẫn có thể được tiếp tục bảo hiểm cho đến khi về neo cột an toàn tại cảng, với điều kiện người được bảo hiểm phải kịp thời thông báo xin gia hạn bảo hiểm và được công ty bảo hiểm chấp thuận đồng thời nộp thêm phí bảo hiểm theo yêu cầu (nếu có).
Hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm
Khi yêu cầu bên cung cấp bảo hiểm bồi thường, người được bảo hiểm phải cung cấp những giấy tờ và tài liệu cơ bản sau:
- Giấy yêu cầu bồi thường của công ty bảo hiểm,
- Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá
- Biên bản giám định của công ty bảo hiểm hoặc người được công ty bảo hiểm ủy quyền
- Giấy chứng nhận mất tàu của cơ quan có thẩm quyền (trường hợp tàu bị mất tích) hoặc giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu cá
- Biên bản tai nạn do chính quyền địa phương hoặc công an lập (trường hợp tai nạn liên quan đến người, tàu và tài sản của người thứ ba)
- Hóa đơn chứng từ liên quan đến những chi phí đòi bồi thường
- Kháng nghị hàng hải, báo cáo tai nạn hoặc tổn thất có xác nhận của chính quyền nơi xảy ra tai nạn
- Thư và toàn bộ tài liệu, chứng từ liên quan đến người thứ ba (nếu có)
- Những chứng từ liên quan khác (trích sao nhật ký hàng hải, nhật ký máy, nhật ký thời tiết, sổ hành trình, giấy phép di chuyển lực lượng khai thác thủy sản, các giấy tờ đăng kiểm hay giấy tờ khác của tàu.... tùy theo từng vụ việc cụ thể).
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm nêu trên, thông thường trong vòng 7 ngày nếu không có yêu cầu gì thêm thì hồ sơ yêu cầu bồi thường được coi là đầy đủ và hợp lệ. Công ty bảo hiểm sẽ trả lời trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ có căn cứ pháp lý của người được bảo hiểm.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bảo hiểm tàu cá dành cho các đối tượng là những chủ tàu, thuyền đánh cá. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu thêm và các loại hình bảo hiểm có thể gửi yêu cầu hỗ trợ để được tư vấn miễn phí:
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất