avatart

khach

icon

Nợ xấu gia tăng, ngành ngân hàng Việt Nam đến lúc cần đánh giá lại "sức khỏe"

Thông tin ngân hàng

- 13/07/2021

0

Thông tin ngân hàng

13/07/2021

0

Kết thúc quý I/2021, thống kê từ báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, vấn đề đang gây áp lực lớn nhất hiện nay của ngành ngân hàng Việt Nam là nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.

Mục lục [Ẩn]

Nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh

Kết thúc quý I/2021, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy con số nợ xấu nội bảng đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, một số ngân hàng còn có dấu hiệu tăng phi mã. Theo khảo sát, khối các ngân hàng có cổ phần nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank đều ghi nhận con số nợ xấu gia tăng và đang dẫn đầu về nợ xấu.

Cụ thể, BIDV là 21.700 tỷ đồng, Vietinbank là 8.900 tỷ đồng và Vietcombank là 7.697 tỷ đồng (tăng 47%). Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của Vietcombank tăng gần gấp đôi lên gần 1.312 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng gấp hơn 8 lần lên 1.935 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng nhẹ 2,6% lên 4.450 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 0,62% lên 0,88%...

Nợ xấu ngân hàng tăng mạnh

Kết thúc quý I/2021, nợ xấu các ngân hàng tăng mạnh

Khối các ngân hàng thương mại cũng chung tình cảnh. Một số ngân hàng khác ghi nhận tổng nợ xấu tăng nhẹ dưới 10%. Cụ thể: MB tăng 29% lên 4.185 tỷ đồng, VPbank tăng lên 10.400 tỷ đồng, SHB (5.865 tỷ đồng), Sacombank (5.292 tỷ đồng), MB (4.185 tỷ đồng), VIB (3.065 tỷ đồng), ACB (2.954 tỷ đồng), HDBank (2.835 tỷ đồng).... 

Xét trong cùng hệ thống ngân hàng, quý đầu năm 2021, ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất. Báo cáo tài chính quý I/2021 của ACB cho thấy, nợ xấu ngân hàng này đã tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng. Được biết, đây là lần đầu tiên sau nhiều quý, tỷ lệ nợ xấu của ACB lên gần 1% từ mức 0,59% cuối 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng ghi nhận một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm như: BacABank, Kienlongbank. Trong đó, Kienlongbank là ngân hàng có nợ xấu giảm mạnh nhất, đột ngột giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do ngân hàng này đã bán xong số cổ phiếu STB của Sacombank – là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm khách hàng đã được ghi nhận vào nợ nhóm 5 vào cuối năm 2019.

Dưới đây là bảng thống kê top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối quý I/2021:

Ngân hàng Nợ xấu (tỷ đồng)
BIDV 21.700
VPBank 10.400
Vietinbank 8.900
Vietcombank 7.697
SHB 5.865
Sacombank 5.292
MB 4.185
VIB 3.065
ACB 2.954
HDbank 2.835

Tình hình nợ xấu gia tăng đã khiến không ít ngân hàng lựa chọn giải pháp rao bán hàng loạt tài sản đảm bảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng để siết nợ. Đơn cử như ngân hàng BIDV rao bán tài sản đảm bảo nợ vay quá hạn của Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Vy với giá hơn 1.015 tỷ đồng để thu hồi nợ (tạm tính đến 31/12/2020), trong đó có Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace (tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM). Hay SCB rao bán tài sản là dự án chung cư Hưng Long (quận 7, TP.HCM) với những hạng mục chính là khu cao ốc 22 tầng, khu cao ốc 25 tầng và khu biệt thự 5 căn với giá hơn 2.352 tỷ đồng. Ngân hàng Sacombank rao bán quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của 5 lô đất tại kCN Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương...

Theo nhiều nhà quản lý ngân hàng, quý I/2021 rơi vào thời điểm có những đặc thù liên quan đến chỉ số quản lý nợ xấu. Trong đó, nhiều ngân hàng có các khoản vay từ khách hàng bán lẻ sẽ ít chọn dịp Lễ Tết cuối năm và đầu năm để đáo hạn trả nợ. Nợ xấu vì vậy sẽ dễ tăng lên, và các ngân hàng sẽ "điều tiết" vào tháng cuối quý I hoặc bước sang quý II.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trên báo điện tử Đấu thầu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động khiến nợ xấu có thể tăng lên. Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, song ngành ngân hàng vẫn phải đối diện thách thức tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức 2,5 - 3% vào cuối năm 2021.

Nợ xấu là một rủi ro cần chú ý

Các chuyên gia cho rằng nợ xấu bắt đầu tăng cũng phản ánh bước chuyển nhóm nợ đã bắt đầu có sự dịch chuyển theo quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số trên cho thấy tác động của dịch bệnh thực sự đã có sự ngấm dần đến hệ thống các ngân hàng dẫn đến việc nợ xấu cho thấy những quan ngại nhất định. Các ngân hàng vì thế cần có sự thận trọng hơn đối với các khoản cho vay. 

Chia sẻ trên Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Nợ xấu không thể tránh khỏi, có những khủng hoảng do nợ xấu, có những khủng hoảng dẫn đến nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, trong tương lai, nợ xấu là một rủi ro mà NHNN sẽ cần phải lưu ý và có giải pháp”.

Còn theo báo cáo về lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vừa được khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC công bố, dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Bộ phận nghiên cứu của HSBC cho rằng "Đã đến lúc cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam”.

Nhận định này được HSBC đưa ra dựa trên phân tích bảng cân đối kế toán của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (“Big 4”). Theo HSBC, sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng năm 2020 và gia tăng các khoản vay của hộ gia đình là mối lo ngại lớn. Tỷ trọng cho vay hộ gia đình tại "Big 4" đã tăng đáng kể từ 28% năm 2013 lên 46% vào năm 2020.

Nếu tính cả các khoản cho vay bị giảm giá trị như: các khoản nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); các khoản nợ được tái cơ cấu theo Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% năm 2019 lên 7% năm 2020.

Rủi ro nợ xấu ngân hàng

Nợ xấu ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngoài ra, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản cũng tăng tốc kể từ tháng 12/2020, khiến Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn.

Trước tình hình nợ xấu ngân hàng gia tăng, trong Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ ra một số dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro nợ xấu qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động ngân hàng năm 2020. Cũng trong công văn này, ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn hoạt động và hạn chế rủi ro nợ xấu. Cụ thể:

- Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu; thực hiện phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro về việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng

- Thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, hạn chế tối đa tổn thất cho tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các cổ đông.

- Tích cực triển khai các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, xử lý nợ đã sử dụng dự phòng rủi ro.

Hy vọng ngày 17/5/2021 khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực, tình trạng nợ xấu ngân hàng sẽ có nhiều cải thiện. 


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *