Ngân hàng và cuộc đua tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức
Mục lục [Ẩn]
Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn chấp thuận việc tăng vốn điều lệ cho rất nhiều ngân hàng. Không riêng ngân hàng trong nhóm "big 4" mà các ngân hàng TMCP cũng đang trong cuộc đua tăng vốn điều lệ.
Ngân hàng dồn dập kế hoạch tăng vốn điều lệ
Cái tên đầu tiên được nhắc đến trong cuộc đua tăng vốn điều lệ chắc chắn là Vietinbank. Sau 8 năm không thay đổi vốn điều lệ thì Vietinbank đã chính thức tăng vốn từ hơn 37.234 tỉ đồng lên trên 48.000 tỉ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 3 năm 2017, 2018, 2019 với tỷ lệ hơn 29%.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.739 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế. Theo đó, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%, tương đương phát hành gần 274 triệu cổ phiếu cho cổ đông.
Trước đó, Ngân hàng MB cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 9.800 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 tỷ lệ 35%. Sau khi hoàn tất chia, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ 27.987 tỷ đồng hiện nay lên mức 37.782 tỷ đồng.
VIB cũng không nằm ngoài cuộc đua vốn điều lệ khi tăng vốn điều lệ lên trên 15.500 tỷ đồng và kế hoạch chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông 40%. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phần hiện hữu sẽ được nhận thêm 40 cổ phần mới trong lần tăng vốn này của VIB.
Hay như ACB cũng đã thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2020, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi phát hành, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng sôi động với cuộc đua tăng vốn điều lệ
Ngoài một số ngân hàng đã thực hiện việc tăng vốn thì một số ngân hàng khác cũng đang trong lộ trình dự kiến tăng vốn điều lệ. Đơn cử như "ông lớn" Vietcombank dự kiến tăng thêm vốn điều lệ hơn 13.000 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường trong năm 2021 với hơn 50.401 tỉ đồng.
Còn BIDV, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, ngân hàng BIDV đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6% trong giai đoạn 2021 – 2022. Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%).
Thậm chí như Sacombank, dù đang trong giai đoạn tái cơ cấu nhưng ngân hàng này cũng mong muốn được tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức. Một số ngân hàng khác, tờ trình tăng vốn điều lệ tại đại hội đồng cổ đông 2021 đều được thông qua như HDBank, NCB, Vietbank, ABBank, LienVietPostBank, MSB...
Có thể thấy, cuộc đua vốn điều lệ dường như đang diễn ra ồ ạt đối với ngành ngân hàng tại Việt Nam. Tại mùa đại hội cổ đông năm nay, ngoài những tờ trình liên quan đến chia cổ tức, thoái vốn công ty con, chuyển sàn giao dịch cổ phiếu, kế hoạch kinh doanh... thì đa phần các ngân hàng đều có thêm tờ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những ngân hàng đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ cũng có một số khác không màng đến việc tăng vốn. Với việc cho phép phát hành 6 triệu cổ phiếu ESOP, vốn điều lệ ngân hàng chỉ tăng vỏn vẹn thêm 60 tỷ đồng, tức tăng 0,17% để lên mức 35.109 tỷ đồng.
Kỳ vọng gì từ cuộc đua tăng vốn điều lệ ngân hàng?
Trước câu chuyện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhiều ý kiến được đưa ra. Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng vừa có mặt tích cực những đồng thời cũng có những tiêu cực.
Về mặt tích cực, việc tăng vốn tăng vốn điều lệ thường gắn chặt với việc đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR), tức tăng vốn để chịu được những khoản vay rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2 (tối thiểu đạt 8%). Nếu vốn thấp mà lỗ nặng thì ngân hàng dễ rơi vào tình trạng phá sản và có thể gây ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng. Cho nên, theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, việc tăng vốn của các ngân hàng là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng quy định Basel II (Bộ các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng).
Ngoài ra để tăng mức độ an toàn, ngân hàng buộc phải tăng vốn hoặc không được tăng tài sản quá cao. Trường hợp không được tăng tài sản đồng nghĩa việc mất thị phần nên đa số ngân hàng chọn phương án tăng vốn.
Chia sẻ trên báo Thanh niên về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, việc tăng vốn cần có thời gian triển khai thủ tục, từ lấy ý kiến cổ đông, xin phép phát hành mới có thể thành hiện thực. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu vay vốn hiện tại và sau dịch sẽ rất cao. Ngoài vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sau dịch còn có nhu cầu vay cho thanh khoản, trả nợ lương, thuê mặt bằng, trả tiền hàng cho nhà cung cấp… cho nên các ngân hàng phải lên kế hoạch đón đầu là tất yếu.
Đặc biệt, tình hình sức khỏe của doanh nghiệp không tốt nên việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cũng giúp họ tăng thêm dự trữ, dự phòng rủi ro khi nợ xấu gia tăng. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với thời điểm thị trường chứng khoán đang phát triển, thu hút nhiều người tham gia sẽ tạo điều kiện khá tốt cho các ngân hàng phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Khi ngân hàng tăng vốn vừa tích cực nhưng vừa tiêu cực
Về mặt tiêu cực, khi ngân hàng tăng vốn, áp lực đảm bảo mức lợi nhuận cũng phải tăng theo. Lúc này các ngân hàng đều hướng tới giải pháp tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá do lợi nhuận các ngân hàng tại Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Điều này rất dễ khiến chất lượng tài sản suy giảm.
Mặt khác, để điều hành ngân hàng thì tính toán vốn kinh tế và phân bổ vốn tự có là một yếu tố quan trọng. Cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ sẽ khiến công việc phân bổ vốn trong hoạt động gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, hiện có nhiều ngân hàng dự kiến tăng vốn qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Tăng vốn qua phương pháp này phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính của các cổ đông thậm chí đến những quy định ràng buộc về pháp lý có liên quan đến việc đầu tư của các tổ chức.
Có thể thấy cuộc đua tăng vốn điều lệ vẫn tiếp diễn. Hy vọng rằng mong muốn đảm bảo tỷ lệ vốn góp của các ngân hàng sẽ không tồn tại những "thủ thuật" gây ra những hệ quả không đáng có để không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất