Quỹ đầu tư Mekong Capital đầu tư lĩnh vực gì?
Mục lục [Ẩn]
Mekong Capital là gì?
Mekong Capital là công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam thành lập với mục tiêu đầu tư duy nhất vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Mekong Capital mong muốn tạo ra nhiều giá trị hơn cho những doanh nghiệp mà họ đầu tư nhờ việc áp dụng nhiều phương pháp khả thi trên thế giới. Mekong Capital kỳ vọng rất lớn về sự phát triển bùng nổ của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam khi nền kinh tế có những bước tiến mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, hành trình diễn ra không theo kế hoạch có rất nhiều thứ khó khăn đã xảy ra. Chẳng hạn như việc trong suốt 5 năm đầu thành lập, Mekong Capital có định hướng sai lầm khi bỏ tiền vào những công ty tư nhân gia đình theo phong cách truyền thống, ưu tiên tính ổn định hơn là việc tăng trưởng vượt trội. Chính vì vậy, họ không có lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp trẻ tiềm năng khác, từ đó cũng không sinh lời cho quỹ đầu tư.
Ngoài ra, Mekong Capital còn vướng phải những khó khăn trong hướng đi cũng như nội bộ nhân viên suốt nhiều năm và đã trải qua một quá trình chuyển hoá doanh nghiệp mạnh mẽ để phát triển tốt hơn như hiện tại.
Sau nhiều lần tinh chỉnh và hoàn thiện, Mekong Capital hiện vẫn đang phát triển mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng (VDI) - Đây không phải là mô hình có thể phù hợp với bất cứ doanh nghiệp nào mà chỉ là một không gian để mỗi doanh nghiệp được tự khám phá và lựa chọn những cách thức phù hợp để đạt được tầm nhìn.
Quỹ đầu tư Mekong Capital đã có một quá trình hoạt động gian nan để thu được thành công như hiện nay
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của mình, Mekong Capital cũng đã triển khai một số quỹ đầu tư:
- Mekong Enterprise Fund
- Mekong Enterprise Fund II
- VietNam Azalea Fund
- Mekong Enterprise Fund III
- Mekong Enterprise Fund IV
Các quỹ đầu tư Mekong Capital
Mekong Enterprise Fund
Quỹ Mekong Enterprise Fund (MEF) được thành lập năm 2002 với số vốn cam kết 18,5 triệu USD. Tình trạng hiện nay là đã thoái vốn. Đây chính là quỹ đầu tiên mà Mekong Capital cho ra mắt chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.
Cho đến cuối năm 2005, toàn bộ tài sản của quỹ MEF được đầu tư vào 10 doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam với kỳ vọng phát triển trở thành những doanh nghiệp hàng đầu tại nước ta trong vòng 10 năm tới.
Tuy vậy, 5 năm đầu tiên là khoảng thời gian khó khăn đối với MEF khi họ đã có những bước đi không thực sự chính xác, hầu hết vốn được rót vào những doanh nghiệp gia đình có phong cách quản lý kiểu cũ nên việc thay đổi/xây dựng động ngũ quản lý mới gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, quỹ cũng dành tiền đầu tư cho những doanh nghiệp quy mô nhỏ hay phải chịu tác động mạnh từ các ngành liên quan đến sản xuất - xuất khẩu. Thực tế, những ngành này lại chịu tính chu kỳ của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khó khăn trong việc khai thác giá trị vổn cổ phần do những công ty này không sở hữu những yếu tố mang tính chiến lược (mạng lưới phân phối, thương hiệu, tài sản trí tuệ).
Quỹ MFF tích cực hợp tác với các doanh nghiệp trong danh mục bằng việc mua lại số ít cổ phần quan trọng. Quỹ MFF thường xuyên chia sẻ những giá trị hữu ích và các giải pháp tốt cho doanh nghiệp, thậm chí trong một số trường hợp, quỹ còn chủ động làm việc cho doanh nghiệp đó. MFF cũng tham gia các cuộc họp hội đồng quản trị và đưa ra những đề xuất có giá trị nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh, sản xuất cho họ.
Tuy đã cố gắng rất nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng những ý kiến của MFF đưa ra cũng không tác động đáng kể đến họ. Đầu tư không hiệu quả công việc thoái vốn bất hợp lý nên MFF phải đóng quỹ và hoàn tất quy trình thanh lý quỹ. Các cổ đông được hoàn 100% giá trị vốn ban đầu, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng mà quỹ đặt ra.
Mekong Enterprise Fund II
Quỹ Mekong Enterprise Fund II ra đời vào tháng 6/2006 sau những đúc rút kinh nghiệm từ quỹ MFF. Số vốn cam kết của quỹ là 50 triệu USD và chuyển trọng tâm đầu tư sang lĩnh vực hàng tiêu dùng.
Khoản đầu tư đầu tiên là vào International Consumer Products (ICP) với thương hiệu nổi tiếng X-men - Đây là một công ty đa quốc gia với những người lãnh đạo nhiệt huyết và kinh nghiệm, vì vậy việc hợp tác diễn ra rất suôn sẻ. Quỹ Mekong Enterprise Fund II cũng đã bắt đầu ưu tiên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhưng chưa tập trung 100%.
Bên cạnh đó, quỹ Mekong Enterprise Fund II cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của Mekong Capital: Chuyển dịch sang lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng, đồng thời hướng đến thế hệ doanh nhân Việt Nam trẻ trung, cởi mở, chú trọng đến các công ty dựa trên những thông lệ tốt nhất. Trong vòng 5 năm từ 2006 đến 2011, MEF2 đã tiến hành được 10 khoản đầu tư.
Quỹ MEF II có tiêu chí và phương pháp đầu tư khác với quỹ tiền nhiệm MEF khi chú trọng tìm cách tạo giá trị mới giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Trong giai đoạn từ 2008 - 2010, cùng với quá trình chuyển đổi của Mekong Capital, quỹ MEF II cũng xây dựng và triển khai mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng. Quỹ MEF II vận hành mô hình này một cách linh hoạt và điều chỉnh phù hợp sao cho tạo ra những điều đột phá về hiệu suất.
Kết quả cho thấy, những doanh nghiệp ứng dụng mô hình này đều tăng trưởng ổn định qua các năm, đặc biệt là có những đột phá trong hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp không áp dụng mô hình này và trở thành những khoản đầu tư chưa hiệu quả của quỹ. Điểm danh một vài khoản đầu tư nổi bật thành công của quỹ MEF II phải kể đến: Golden Gate, Thế giới di động, Trường Việt Úc (VSA), ICP.
Thế giới di động là phi vụ đầu tư thành công của quỹ MEF II
Để nói về ví dụ đầu tư điển hình nhất của quỹ MEF II với mô hình tạo giá trị đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng chính là Thế giới di động. Quỹ của chúng ta đã nắm giữ khoản đầu tư này đến 10,5 năm và đạt được tỷ suất lợi nhuận gấp 57 lần, tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 61,1%, biến đây trở thành một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân tại châu Á.
Tháng 08/2018 là thời điểm quỹ thoái vốn thành công khoản đầu tư cuối cùng. Tổng kết lại, quỹ đạt được tỷ lệ hoàn vốn chung tính trên toàn quỹ là 4,6 lần cùng với tỷ suất hoàn vốn nội bộ 22,7% dành cho các nhà đầu tư của quỹ. Những con số biết nói đã đưa quỹ MEF II trở thành một trong những quỹ đầu tư thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở châu Á.
Vietnam Azalea Fund
Quỹ Vietnam Azalea Fund được thành lập vào năm 2006. Tình trạng hiện nay là đã thoái vốn.
Vào thời điểm thành lập quỹ, các câu chuyện về nhiều quỹ khác đang huy động vốn liên tục và phát triển nhanh xuất hiện đầy rẫy trên thị trường. Có vẻ như họ kiếm được tiền dễ dàng khi đầu tư vào những thương hiệu trước IPO và sau đó được niêm yết.
Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư quan tâm và mong muốn được đầu tư vào một quỹ của Mekong Capital. Họ mong muốn Mekong Capital sẽ tạo lập một quỹ Pre-IPO để họ đầu tư vào.
Nắm bắt được nhu cầu này, quỹ Vietnam Azalea Fund đã ra đời với số vốn cam kết 100 triệu USD với một quá trình gây quỹ diễn ra hết sức thuận lợi. Quỹ đã tiến hành được 10 khoản đầu tư thiểu số vào một vài công ty dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán trong 12 tháng kể từ ngày đầu tư đầu tiên.
Vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán xảy ra, chạm đáy vào giữa năm 2008, VAF cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề khi những khoản đầu tư ban đầu mất đến 80% giá trị, dẫn đến việc giới hạn số vốn rút ra chỉ ở mức 64 triệu USD.
Quỹ đã triển khai 6 khoản đầu tư đầu tiên trước giai đoạn khủng hoảng nên bị thanh toán quá mức các khoản đầu tư ban đầu đó. Do vậy mà quỹ bị thâm hụt nặng. Tuy nhiên, quỹ vẫn có những khoản đầu tư tiếp theo được định giá hấp dẫn nên giúp quỹ vẫn duy trì hoạt động.
Hơn nữa, vài công ty trong danh mục đầu tư của quỹ lại áp dụng một số điểm trong mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng (VDI) nên những doanh nghiệp này đã phát triển nhanh nhất trong quỹ VAF.
Ví dụ:
- Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Traphaco áp dụng nhiều yếu tố của mô hình VDI.
- Masan cũng sử dụng một số khía cạnh trong VDI. Điều này là họ tự thực hiện mà không có sự can thiệp của Mekong Capital.
Trước những áp lực từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, VAF đã thoái vốn khỏi Masan vào cuối năm 2010 khi thu được lợi nhuận gấp đôi cho quỹ, cùng với đó là một khoảng lợi nhuận tốt trong vòng 18 tháng.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng KKR (Công ty quản lý quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới) đã đầu tư vào Masan nhưng được định giá gấp đôi so với khi Mekong Capital bán. Sau đó, KKR lại đạt được lợi nhuận gấp đôi. Vì vậy, suy xét lại, nếu như VAF giữ lại khoản đầu tư này rồi bán cho KKR thì khả năng cao đạt được khoản lợi nhuận cao gấp 8 lần.
Một trường hợp khác là với PNJ, khi VAF hoàn thành việc bán cổ phần tại đây vào tháng 11/2016. Sau khi VAF thoái vốn liên tiếp trong vòng 2 năm, giá cổ phiếu PNJ đã tăng gấp 3 lần.
Những bài học này cho thấy VAF cũng như Mekong Capital cần định lại thời gian thoái vốn sao cho hợp lý hơn.
Đợt thoái vốn cuối cùng của VAF được hoàn thành vào tháng 11/2017. VAF đã trải qua 10 năm hoạt động tạo ra được lợi nhuận gộp tăng gấp 1,8 lần cùng tỷ suất hoàn vốn nội bộ 10,5%.
Trong quá trình hoạt động, VAF cũng có những khó khăn, khủng hoảng, đạt được kết quả thấp hơn so với mục tiêu ban đầu, nhưng vẫn có những thành tựu tốt hơn nhiều so với những công ty cùng ngành và thị trường cổ phần đại chúng Việt Nam trong thời kỳ đó.
Mekong Enterprise Fund III
Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) được thành lập vào tháng 5/2015 với số vốn cam kết là 112 triệu USD. Hiện nay, quỹ vẫn đang hoạt động. MEF III là quỹ tập trung đầu tư riêng cho lĩnh vực tiêu dùng ở nước ta.
Các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư của quỹ MEF III đã hoạt động theo mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng một cách toàn diện hơn những khoản đầu tư của các quỹ trước đây. Chính điều này đã cho thấy quỹ hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều.
MEF III tiến hành được 9 khoản đầu tư trong các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng, logistics. Đa phần các công ty đều có bước tăng trưởng tốt sau khi nhận tiền đầu tư của quỹ, ví dụ như:
- Nhà thuốc Pharmacity tăng quy mô từ 45 cửa hàng lên tới 634 cửa hàng ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.
- ABA Cooltrans từ đơn vị chỉ có 35 xe tải lạnh, đến nay đã có tới 300 xe tải lạnh cùng với 3 kho lạnh bảo quản.
- Trung tâm tiếng Anh YOLA với xuất phát điểm là 3 trung tâm, sau khi đầu tư cũng tăng lên 9 trung tâm.
Quỹ Mekong Enterprise Fund IV
Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) được thành lập vào năm 2021 với số vốn cam kết chính xác là 246 triệu USD. Đây được coi là quỹ có số vốn cam kết đầu tư lớn nhất của Mekong Capital.
Nối tiếp thành công từ chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, quỹ MEF IV vẫn dành nguồn vốn lớn nhất để đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng với đà tăng trưởng tốt khi nhu cầu của người tiêu dùng trong nước là rất lớn. Quỹ tập trung chính vào ngành giáo dục, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng, nhà hàng, hàng tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe.
Quỹ MEF IV áp dụng cách tiếp cận Đầu tư vốn cổ phần tư nhân mang tính bản thể học và mô hình Đầu tư lấy tầm nhìn làm định hướng để hướng đến mục tiêu cùng đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư để thực hiện hoá tầm nhìn của họ.
Quỹ MEF IV sẽ rót vốn trong khoảng 10 - 35 triệu USD cho các khoản đầu tư tối thiểu hay đầu tư nắm quyền kiểm soát.
Quỹ MEF IV dự kiến hoạt động trong 10 năm và tiến hành khoảng 12 khoản đầu tư.
Cho đến 5/10/2021, quỹ MEF IV đã công bố 6 khoản đầu tư, trong đó tiêu biểu phải kể đến:
- Marou: Đây là thương hiệu socola mang hương vị tinh tế từ hạt cacao Việt Nam được thành lập từ năm 2011 và đã tạo được chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng Việt Nam và quốc tế.
Cho đến năm 2020, khi doanh nghiệp phát triển thêm mô hình Trạm Marou nhằm đem đến cho khách hàng những trải nghiệm nhanh về các sản phẩm socola và các loại bánh cookie. Quỹ MEF IV quyết định rót vốn đầu tư để tạo điều kiện cho Marou mở rộng quy mô phát triển nhằm tạo ra nhiều sản phẩm mới và xây dựng một đội ngũ lãnh đạo vượt trội hơn.
Mục tiêu ban đầu và xuyên suốt của Marou là mang socola đến với khách hàng Việt và duy trì ngành trồng ca cao bền vững cho nông dân.
- Mutosi: Đây là công ty chuyên sản xuất và phân phối máy lọc nước cũng như các thiết bị gia dụng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, được thành lập vào năm 2018. Mục tiêu của Mutosi là mang lại cuộc sống tiện nghi, an toàn và hiệu quả cho mọi người.
Với 3 năm hoạt động nở rộ, Mutosi ban đầu chỉ có 300 điểm bán hàng vào giữ 2019, cho tới nay đã tăng thành 3000 điểm bán hàng trên toàn quốc và sẽ còn gia tăng chi nhánh hơn nữa. Chính những tiềm năng về sự phát triển vượt trội, sản phẩm chất lượng và đội ngũ lãnh đạo tài năng, Mutosi đã nhận được khoản đầu tư của quỹ MEF IV.
Mutosi là thương hiệu Việt tự hào mà quỹ MEF IV đầu tư
- HSV: Tập đoàn HSV được thành lập năm 2004 và là nhà bán lẻ mỹ phẩm có nhiều cửa hàng nhất Việt Nam. HSV chính là đơn vị phân phối độc quyền của The Face Shop, Reebok và nhà phân phối không độc quyền của Adidas, đồng thời cũng là chủ của chuỗi cửa hàng Beauty Box, Club Clio.
Thị trường bán lẻ mỹ phẩm và thương hiệu bình dân tại Việt Nam đang cực kỳ sôi động, hối thúc quỹ MEF IV phải sớm rót vốn đầu tư vào HSV để đón đầu cơ hội.
Như vậy, bài viết đã giới thiệu các quỹ đầu tư Mekong Capital đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực tiêu dùng với những thành công đã được ghi nhận.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất