avatart

khach

icon

Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là xu hướng mới tại Việt Nam

Thị trường tài chính

- 11/08/2022

0

Thị trường tài chính

11/08/2022

0

Thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế thanh toán mới tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Vậy thanh toán không dùng tiền mặt là gì?

Mục lục [Ẩn]

Những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành xu thế ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt là gì?

Thanh toán không dùng tiền mặt được hiểu là hình thức thanh toán bằng các phương tiện khác mà không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương hoặc các công cụ thanh toán thông qua ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Đây là hình thức thanh toán hợp pháp và được thừa nhận tại Việt Nam, ngày càng được Nhà nước khuyến khích thực hiện.

Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2012/NĐ-CP thì dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bao gồm dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán và một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến:

* Thanh toán bằng séc

Séc được hiểu là giấy tờ có giá ghi nhận mệnh lệnh trả tiền của chủ tài khoản được lập trên mẫu in sẵn theo thể thức do pháp luật quy định cho người có tên trên séc. Khi đó, ngân hàng hoặc tổ chức quản lý tài khoản sẽ trích một khoản tiền để chi trả vô điều kiện cho người có tên trên séc bằng hình tiền mặt hoặc hình thức chuyển khoản.

* Thanh toán bằng lệnh chi/ủy nhiệm chi

Lệnh chi/ủy nhiệm chi được hiểu là việc thanh toán qua trung gian, người trả tiền sẽ lập lệnh thanh theo theo mẫu đã được ngân hàng cung cấp sẵn sau đó gửi lại ngân hàng để yêu cầu trích một số tiền trong tài khoản thanh toán của mình bằng với số tiền ghi trên giấy ủy nhiệm để trả cho người thụ hưởng.

Khi đó, ngân hàng sẽ đóng vai trò là bên trung gian và người trả tiền sẽ ủy quyền cho ngân hàng thực hiện giao dịch thanh toán.

* Thanh toán bằng thẻ thanh toán

Thẻ thanh toán là thẻ do ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác phát hành theo quy định của pháp luật, có khả năng thanh toán khi chủ thẻ thực hiện việc mua hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thẻ hoặc cho phép khách hàng rút tiền mặt từ ngân hàng/máy rút tiền tự động. Ba loại thẻ thanh toán phổ biến hiện nay gồm có thẻ trả trước, thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.

Thanh toán bằng thẻ được hiểu là việc khách hàng sử dụng thẻ để chi trả cho các giao dịch, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thẻ bằng hình thức quẹt thẻ qua máy POS.

* Thanh toán trực tuyến

Thanh toán trực tuyến được hiểu là việc thanh toán được thực hiện bằng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet thông qua các nền tảng trực tuyến như website, ví điện tử, internet banking, mobile banking…

Thông qua các lệnh thanh toán được thực hiện, số tiền trong tài khoản (tài khoản thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng…) của khách hàng sẽ bị trừ một số tiền tương ứng và số tiền này sẽ được chuyển đến bên nhận tiền.

Thanh toán trực tuyến có thể áp dụng với nhiều giao dịch đặc biệt khi hầu hết các ngân hàng đều liên kết với các sàn thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki, sendo…

một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại việt nam

Có rất nhiều hình thức thanh toán thay thế cho tiền mặt

* Thanh toán bằng thư tín dụng nội địa

Thư tín dụng nội địa là cam kết của ngân hàng theo yêu cầu của người nhập khẩu, trong đó cam kết với người bán về việc thanh toán một khoản tiền nhất định cho bên bán, thường là bên xuất khẩu.

Vai trò và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở thành xu hướng thanh toán mới trên toàn cầu bởi các ưu điểm mà nó đem lại

Lợi ích của thanh toán không sử dụng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại lợi ích cho tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

* Đối với cá nhân, tổ chức

- Hình thức này giúp cho việc thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng và an toàn: Khách hàng có thể thực hiện thanh toán từ xa tại bất cứ thời điểm và bất cứ đâu, tiết kiệm thời gian và công sức. Đặc biệt việc thanh toán không sử dụng tiền mặt còn giúp giảm thiểu các rủi ro như tiền bị rách, hư hại, mất cắp…

- Có thể thanh toán chính xác đến từng số lẻ trong các giao dịch thanh toán.

- Thường xuyên thanh toán bằng hình thức này còn có thể giúp bạn tiết kiệm và được hưởng nhiều ưu đãi, bởi một số ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến.

* Đối với xã hội

Thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức thanh toán được nhiều quốc gia khuyến khích và hướng tới bởi các lợi ích mà nó mang lại:

  • Giảm các chi phí xã hội như in ấn, kiểm đếm, vận chuyển và bảo quản tiền
  • Góp phần giúp giảm lạm phát
  • Góp phần giảm thiểu nạn rửa tiền, tham nhũng…

Vai trò của hình thức thanh toán này đối với nền kinh tế

Thanh toán không dùng tiền mặt đóng vai trò quan trọng trọng việc phát triển và đổi mới nền kinh tế, cụ thể:

* Góp phần thúc đẩy sản xuất lưu thông hàng hóa không ngừng phát triển

Thanh toán là một trong những khâu quan trọng của quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Nhu cầu mua sắm của người dân đang ngày một tăng lên, đặc biệt là xu hướng mua hàng tại nhà, mua hàng trực tuyến.

Thanh toán không sử dụng tiền mặt giúp tiết kiệm tối đa, chi phí và thời gian cho người dân nên ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

* Góp phần giảm chi phí lưu thông xã hội và tiến tới ổn định lưu thông tiền tệ

Như đã phân tích, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khiến cho khối lượng tiền mặt trong lưu thông giảm đi, từ đó góp phần giảm thiểu nhiều chi phí như in ấn, kiểm đếm và bảo quản tiền.

Các chi phí này được giảm thiểu sẽ tác động trực tiếp đến thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát và tiến tới ổn định tiền tệ.

* Góp phần tăng vốn cho các ngân hàng thương mại

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng tác động trực tiếp đến thói quen chi tiêu của khách hàng, tiền hầu hết được để trong tài khoản. Như vậy việc huy động tiền từ các tài khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức trong xã hội được có nhiều thuận lợi hơn, giúp tăng nguồn vốn tín dụng cho các ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại cũng nắm được tình hình của các bên tham gia vào quá trình thanh toán, tăng hiệu quả việc cho vay và giải ngân tiền.

* Góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Khi tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên đồng nghĩa với việc tăng khối lượng tiền ghi sổ, giảm thiểu khối lượng tiền mặt trong lưu thông. Điều này góp phần tăng hiệu quả sử dụng các công cụ trong chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu

Phát triển xu hướng thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Việt Nam

Với những lợi ích thiết thực mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, hình thức này đang dần trở thành xu hướng mới trên toàn thế giới. Tại các quốc gia như Mỹ, Canada, Thụy Điển hay Anh hầu hết người dân đều sử dụng phương thức thanh toán này với tỷ lệ từ 83% - 90%. 

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, có đến 80% người dân ở các thành phố lớn đều sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Không nằm ngoài xu thế tất yếu của thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam và trở thành mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn hiện tại.

Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Nắm bắt xu hướng của thị trường và thế giới, ngay từ thời điểm cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020.

Từ đó đến nay, Chính phủ liên tục đưa ra nhiều biện pháp, kế hoạch để thay đổi dần tập quán sử dụng của người dân trong cả nước, tiến tới thanh toán không sử dụng tiền mặt trở thành phương thức thanh toán chính. 

Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là đối với dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội theo Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công theo Quyết định số 241/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại nước ta nhận được nhiều kết quả tích cực.

xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Một số kết quả từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. 9 hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đang được triển khai gồm:

  • Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS)
  • Hệ thống thanh toán bù trừ
  • Hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng thương mại
  • Hệ thống thanh toán song phương
  • Hệ thống thanh toán ngoại tệ VCB - Money
  • Hệ thống thanh toán chứng khoán do BIDV quản lý và vận hành
  • Hệ thống thanh toán thẻ
  • Hệ thống thanh toán qua internet và điện thoại di động
  • Hệ thống SWIFT

Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm tháng 4 năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; các giao dịch thanh toán qua internet cũng tăng 48,39% về số lượng, 32,76% về giá trị, các giao dịch thanh toán qua điện thoại tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62 so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến nay, cả nước có hơn 110.920 tài khoản tiền gửi cá nhân. Đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân, được mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán thẻ, QR code…

Số người dân có tài khoản thanh toán ngày càng tăng, tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt gần 66%. Trên khắp cả nước đã có 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử. Hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (660.000 trên tổng số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ).

Chia sẻ với Báo Nhân dân, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng hoạt động thanh toán từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ đã tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới. Các hình thức thanh toán đang được các ngân hàng giới thiệu dần phổ cập, có thể kể đến thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc, thanh toán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, ứng dụng Mobile banking… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ, định danh điện tử…

Đặc biệt sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19, người dân ngày càng quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, thói quen thanh toán cũng dần có sự thay đổi đáng kể.

Các kết quả đạt được có nhiều khả quan nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:

  • Hành lang pháp lý về thanh toán điện tử chưa được hoàn thiện và đồng bộ
  • Kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao
  • Việc sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến trong nhiều giao dịch dân sự, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa
  • Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ thanh toán không sử dụng tiền mặt vẫn còn kém hiệu quả

Giải pháp nâng cao hiệu quả và mở rộng thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam

Thanh toán không dùng tiền mặt tỏ rõ các lợi thế khi nền kinh tế ngày một phát triển nhưng cũng được nhận định là có thể mang đến một số quan ngại như an ninh tài chính hay quyền riêng tư cá nhân.

Bởi vậy để thanh toán không dùng tiền mặt đạt được hiệu quả tối đa, ngày càng mở rộng thì cần sự phối hợp đến từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức khác trong xã hội. Dưới đây là một số đề xuất mà bà Lê Thị Thanh, giảng viên trường Đại học Tài chính đã chỉ ra trong Tạp chí Tài chính số tháng 6 năm 2020.

* Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến và nâng cao nhận thức để dần thay đổi hành vi của người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Kết hợp với các cơ quan liên ngành để thực hiện rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
  • Nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, nghiên cứu các chính sách, cơ chế vận hành phù hợp cho hoạt động thanh toán không sử dụng tiền mặt.
  • Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, phòng, chống tiêu cực như rửa tiền, tài trợ khủng bố trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đảm bảo để hệ thống hoạt động an toàn, bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng.

* Các tổ chức tín dụng

  • Tăng cường các hoạt động truyền thông, phổ biến và hướng dẫn người tiêu dùng mở tài khoản, thực hiện giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử.
  • Tích hợp các loại thẻ để giảm thiểu thủ tục đăng ký và tăng khả năng sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. 
  • Điều chỉnh các loại phí sao cho hợp lý để khuyến khích người dân thanh toán trực tuyến. 
  • Tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng các công nghệ hiện đại mới vào hoạt động thanh toán để đem đến nhiều tiện ích thu hút người dân.

Để hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả hơn còn cần sự nỗ lực và kết hợp của nhiều cơ quan, bộ ngành khác và các tổ chức trong xã hội như Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngoài ra, kinh nghiệm tổ chức hoạt động và quản lý của các quốc gia khác có hoạt động thanh toán phát triển hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh hay Mỹ cũng sẽ góp phần giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ đem đến nhiều lợi ích mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển và hội nhập kinh tế. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là xu hướng thanh toán hàng đầu tại Việt Nam, tiến tới thay thế hoàn toàn tiền mặt trong lưu thông.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *