Cách mạng công nghiệp là gì? Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử
Mục lục [Ẩn]
Cách mạng công nghiệp là gì?
Cách mạng công nghiệp (Tiếng Anh gọi là Industrial Revolution) là cuộc cách mạng có sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa và kỹ thuật. Điển hình cho sự thay đổi này chính là thay thế lao động thủ công chủ yếu bằng sức lao động của con người sang lao động của máy móc, từ sản xuất thủ công sang nền sản xuất cơ khí, công nghệ và kỹ thuật.
Cách mạng công nghiệp diễn ra đầu tiên ở nước Anh bắt đầu với những phát minh tiên tiến trong ngành dệt may vào những năm 1750 - 1760 của thế kỉ 18, sau đó lan sang các nước Mỹ, Pháp, Đức,... Cuộc cách mạng này kéo dài đến giữa thế kỉ 19.
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp giúp đẩy mạnh sản xuất, làm thay đổi cơ bản những điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật của loài người.
Phát minh đột phá trong cách mạng công nghiệp
Nội dung của cách mạng công nghiệp là gì?
Nội dung quan trọng nhất của các cuộc cách mạng công nghiệp là việc phát minh ra máy móc, sử dụng máy móc vào sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất. Từ đó gia tăng năng suất tạo điều kiện cho nền kinh tế - xã hội phát triển.
Các cuộc cách mạng công nghiệp
Cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ qua từng giai đoạn mang đến nhiều sự thay đổi trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Tính đến nay nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng.
Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 diễn ra vào cuối thể kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Cuộc cách mạng gắn liền với những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, bắt đầu với ngành dệt may ở nước Anh, sau đó lan tỏa sang nhiều ngành sản xuất khác và nhiều nước Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 chính là cơ khí máy móc (máy chạy bằng hơi nước và sức nước). Sự ra đời và cải tiến máy móc đã thay thế sức lao động thủ công, qua đó tăng sản lượng sản xuất.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 diễn ra đã làm nền kinh tế bước đầu phát triển nhờ những thành tựu khoa học kỹ thuật nổi bật. Năm 1784, phát minh “máy hơi nước” của James Watt - phụ tá thí nghiệm của một trường đại học giúp nhà máy dệt có thể đặt bất cứ đâu.
Ngoài ra, còn rất nhiều những thành tựu tiêu biểu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được cung cấp chi tiết trong bài viết “Cách mạng công nghiệp lần 1: Sự ra đời và các thành tựu nổi bật”
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 diễn ra vào nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Cuộc cách mạng này đã phát triển vượt bậc trên cơ sở ứng dụng các thành tựu trong cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ 2.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 trở nên tiêu biểu và quan trọng nhờ việc sử dụng năng lượng điện, để tạo ra những dây chuyền sản xuất có tính chuyên môn hóa cao, chuyển nền sản xuất cơ khí sang nền sản xuất điện - cơ khí và sang giai đoạn tự động hóa cục bộ sản xuất.
Nhờ sự sáng tạo và phát triển tiên tiến, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 tạo ra những đột phá trong các ngành như làm giấy, điện khí hóa, phương tiện giao thông, điện thoại…
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 bùng nổ khi Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra. Cách mạng công nghiệp lần 3 đã trải qua 5 giai đoạn bao gồm:
- Giai đoạn thập niên 70
- Giai đoạn thập niên 80
- Giai đoạn thập niên 90
- Giai đoạn thập niên 2000
- Giai đoạn thập niên 2010
Cách mạng công nghiệp lần 3 là thời kỳ của sự tiến bộ công nghệ từ các thiết bị cơ điện tử sang công nghệ số. Đây thực sự là kỷ nguyên của công nghệ thông tin.
Cuộc cách mạng đặt trọng tâm là sản xuất và ứng dụng các công nghệ dẫn xuất, logic kỹ thuật số, IC (chip mạch tích hợp),...để tạo ra các thành tựu nổi bật giúp thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, (hay Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), là thời kỳ của sự kết hợp tất cả những kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, tạo ra vô số những công nghệ mới giúp phát triển nền kinh tế, xã hội của thế giới.
Cuộc cách mạng này ra đời từ năm 2011 được khởi nguồn từ nước Đức do một nhóm người Đức giới thiệu. Đến năm 2013, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu lan rộng và phổ biến.
Các tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra cho các lĩnh vực những cơ hội và thách thức đòi hỏi phải đổi mới và phát triển nhanh chóng.
Công nghệ AI - một sáng tạo có tính đột phá giúp nhận thức và ghi nhớ các nguồn dữ liệu mà nó thu nhập được.
Cuộc cách mạng của công nghệ số
Hệ quả của cách mạng công nghiệp
Cách mạng công nghiệp diễn ra đem lại nhiều hệ quả và tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới như sau:
- Thay đổi bộ mặt nước tư bản: nhiều trung tâm công nghiệp, thành thị đông dân xuất hiện. Sản xuất bằng máy móc đã nâng cao năng suất lao động và ngày càng xã hội hóa lao động.
- Góp phần thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ trong các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và giao thông vận tải.
- Hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản được hình thành: tư bản công nghiệp và vô sản công nghiệp.
- Vấn đề bóc lột công nhân của giai cấp tư sản tăng nhanh làm cho mâu thuẫn trong xã hội tư bản và các cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản không ngừng tăng lên.
- Quá trình công nghiệp hóa chuyển các phương thức sản xuất nông nghiệp sang chuyên canh và thâm canh thay vì tự cung tự cấp.
- Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp giúp giải phóng nông dân, bổ sung lao động cho nhiều ngành nghề khác.
Ý nghĩa của cuộc cách mạng công nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nền kinh tế - xã hội nhờ những thành tựu tiên tiến của nhân loại. Các ý nghĩa tiêu biểu nhất của cuộc cách mạng công nghiệp như sau:
- Cuộc cách mạng đã thay thế lao động thủ công, chủ yếu là sức lao động tay chân của con người, sang lao động bằng máy móc.
- Chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang nền sản xuất cơ khí.
- Làm thay đổi cơ bản những điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật của xã hội loài người.
Cuộc cách mạng công nghiệp tại Việt Nam
Trong tương tác với quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp sẽ có tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Tác động này chủ yếu đến từ cách mạng công nghiệp 4.0 và có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống. Bao gồm:
- Ngành dầu khí: Tại Việt Nam, ngành dầu khí chịu áp lực lớn đòi hỏi phải có một quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ.
- Ngành điện: Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều nhờ những đột phá trong công nghệ năng lượng tái tạo.
- Ngành dệt may: Ngành dệt may đạt được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, một phần lớn nhờ đơn hàng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc.
- Ngành điện tử: Mang lại những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu.
- Ngành y tế: Ngành y tế sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ những đột phá về công nghệ.
- Ngành giáo dục: Hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam còn có nhiều bất cập cơ bản về tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, thiếu sự kết hợp giữa các trường đại học và doanh nghiệp,...
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử là một bước phát triển to lớn của nhân loại mang đến nhiều thay đổi cho các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Các bước phát triển đột phá chắc chắn sẽ tạo ra những cuộc cách mạng tiếp theo đánh dấu sự lớn mạnh của nhân loại.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất