avatart

khach

icon

Thông tin chi tiết về bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Đầu tư

- 15/09/2022

0

Đầu tư

15/09/2022

0

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất vô cùng thông dụng trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai. Vậy bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì?  

Mục lục [Ẩn]

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là loại bản đồ chuyên đề thuộc nhóm kinh tế và phân nhóm bản đồ sử dụng đất.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ trong lĩnh vực đất đai, thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm nhất định và được lập theo từng đơn vị hành chính.

Nó có tính phản ánh thực tế cao bởi thông qua nó có thể xác định được thực trạng sử dụng của từng vùng từ cấp xã, huyện đến tỉnh, hay các vùng kinh tế khác và cả trên cả nước.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất thường được lập định kỳ 5 năm tại tất cả các cấp hành chính.

bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Mục đích lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập với mục đích sau:

  • Thứ nhất, với tính phản ánh thực tế cao, bản đồ hiện trạng sử dụng đất giúp thực hiện việc thống kê, kiểm kê toàn bộ quỹ đất đã, đang và chưa được giao, trở thành tài liệu hỗ trợ, phục vụ các yêu cầu liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước đối với đất đai.
  • Thứ hai, bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện chính xác vị trí, diện tích và loại đất ở từng cấp hành chính theo tỷ lệ thích hợp.
  • Thứ ba, tính phản ánh thực tế của bản đồ hiện trạng sử dụng đất giúp cho các cơ quan quản lý có thêm nguồn tài liệu để phục vụ quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương.
  • Thứ tư, bản đồ hiện trạng sử dụng đất là nguồn tài liệu cơ bản để các ngành khác tham khảo, phục vụ quá trình nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển ngành, đặc biệt là đối với các lĩnh vực, ngành nghề liên quan trực tiếp đến đất đai như nông nghiệp, lâm nghiệp…

Khi nào cần tiến hành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất?

Nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, quá trình kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có mối quan hệ mật thiết với nhau. Thời gian để thực hiện hai quá trình này được quy định như sau:

  • Việc kiểm kê đất đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được tiến hành định kỳ năm, thời điểm thực hiện được tính đến hết ngày 31/12 của năm có chữ số tận cùng là 4 và 9. Ví dụ, sắp tới tính đến ngày 31/12/2024, các cấp phải kết thúc quá trình kiểm kê và lập bản đồ hiện trạng sử dụng trong giai đoạn 2020 - 2024.
  • Sau khi hoàn thiện các thủ tục trên, thời gian thực hiện, thời điểm nộp báo cáo kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được quy định như sau:
    • Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai từ ngày 01/8 của năm kiểm kê đến ngày 31/12 của năm. Thời gian nộp báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 16/01 của năm sau
    • Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn thiện và nộp báo cáo lên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 01/3 của năm sau
    • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thành và nộp báo cáo kết quả lên Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 16/4 của năm sau
    • Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành và nộp báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16/6 của năm sau

Đối với trường hợp ngày báo cáo trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thì thời hạn nộp báo cáo sẽ được lùi lại bằng số ngày nghỉ lễ theo quy định.

Đặc biệt, đối với việc kiểm kê đất đai chuyên đề, thời điểm và thời gian thực hiện được tiến hành theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nguyên tắc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất trước tiên được lập theo từng đơn vị hành chính các cấp, theo từng vùng kinh tế - xã hội và cả nước. Điều này sẽ đảm bảo thể hiện được sự phân bố của từng loại đất trên cả nước tại thời điểm kiểm kê.

Nguyên tắc thứ hai cần đảm bảo là sự thống nhất về mặt nội dung và hình thức, cụ thể:

  • Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã được thành lập dựa trên cơ sở tổng hợp, khái quát hóa nội dung của bản đồ kiểm kê đất đai.
  • Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện và cấp tỉnh được lập dựa trên cơ sở tiếp nhận, tổng hợp, khái quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng đơn vị hành chính trực thuộc.
  • Bản đồ hiện trạng sử dụng đất của vùng kinh tế - xã hội được lập trên cơ sở tổng hợp, khái quát nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp tỉnh.
  • Bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước được lập dựa trên cơ sở tổng hợp, khái quát nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của từng vùng kinh tế - xã hội.

Các nguyên tắc này vừa đảm bảo và tạo sự đồng bộ ở tất cả các cấp vừa giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình kiểm kê và xây dựng bản đồ.

nguyên tắc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cần đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp 

Các yêu cầu trong quá trình lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Trong quá trình xây dựng và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, cần quan tâm đến hai yếu tố là cơ sở toán học và tỷ lệ bản đồ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định đến tính chính xác của bản đồ.

Cơ sở toán học của bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Theo khoản 13 Điều 18 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì cơ sở toán học của bản đồ hiện trạng sử dụng đất được xác định như sau:

  • Đối với cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh: Sử dụng lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc với múi chiếu 30 có hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài ko = 0,9999
  • Đối với các vùng kinh tế - xã hội: Sử dụng lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc với múi chiếu 60, có hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài ko = 0,9996
  • Đối với bản đồ cả nước: Sử dụng lưới chiếu hình nón đồng góc với hai vĩ tuyến chuẩn 110 và 210, kinh tuyến Trung ương 1080 cho toàn lãnh thổ Việt Nam.

Yêu cầu về việc lựa chọn tỷ lệ bản đồ

Tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại mỗi cấp phụ thuộc vào diện tích tự nhiên, cụ thể:

Đơn vị hành chính

Diện tích tự nhiên (ha)

Tỷ lệ bản đồ tương ứng

Cấp xã

Dưới 120

1:1000

Từ 120 - 500

1:2000

Trên 500 - 3.000

1:5000

Trên 3.000

1:10000

Cấp huyện

Dưới 3.000

1:5000

Từ 3.000 - 12.000

1:10000

Trên 12.000

1:25000

Cấp tỉnh

Dưới 100.000

1:25000

Từ 100.000 đến 350.000

1:50000

Trên 350.000

1:100000

Cấp vùng

1:250000

Cả nước

1:1000000

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện những nội dung gì?

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất phản ánh các đặc điểm và sự phân bố các loại đất tại một thời điểm nhất định. Điều này được thể hiện thông qua các nội dung gồm:

  • Nội dung về cơ sở toán học và các nội dung liên quan
  • Nội dung về nhóm lớp hiện trạng sử dụng đất
  • Nội dung về nhóm lớp thuộc dữ liệu nền địa lý
  • Các ghi chú, thuyết minh
  • Nội dung về nhóm lớp ranh giới và số thứ tự các khoanh đất của bản đồ kiểm kê đất đai

Mỗi phần trên lại được cụ thể hóa bằng các nội dung như sau:

- Về cơ sở toán học và các nội dung liên quan: Phần này tiết lộ các thông số về bản đồ như:

  • Tỷ lệ bản đồ
  • Khung bản đồ
  • Chú dẫn, chú thích
  • Lưới km
  • Lưới kinh tuyến, vĩ tuyến
  • Phiên hiệu mảnh
  • Biểu đồ cơ cấu đất
  • Nội dung trình bày ngoài khung
  • Một số nội dung có liên quan khác

- Về hiện trạng sử dụng đất: Được thể hiện thông qua ranh giới các khoanh đất tổng hợp và ký hiệu loại đất. Các ý hiệu về loại đất được quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT. Ngoài ra bạn có thể xem chi tiết trong bài viết Ký hiệu bản đồ địa chính.

- Về nhóm lớp thuộc dữ liệu nền địa lý: Các thông tin ở phần này sẽ tiết lộ đặc điểm của khu vực địa lý, loại đất được thể hiện trên bản đồ, cụ thể thông qua những nội dung sau:

  • Nội dung về nhóm lớp biên giới, địa giới gồm đường biên giới quốc gia và địa giới hành chính của các cấp. Tùy vào từng cấp mà phạm vi thể hiện cũng sẽ khác nhau:
    • Đối với cả nước: Thể hiện đến đường địa giới hành chính cấp tỉnh
    • Đối với vùng kinh tế - xã hội: Thể hiện đến đường địa giới hành chính cấp huyện
    • Đối với cấp tỉnh, huyện, xã: Thể hiện đến đường địa giới hành chính cấp xã
    • Trong trường hợp đường địa giới hành chính của các cấp trùng nhau: Ưu tiên thể hiện đường địa giới hành chính cấp cao nhất
  • Nội dung về nhóm lớp địa hình: Thông tin đặc trưng cơ bản về địa hình của khu vực trên bản đồ được thể hiện thông qua các yếu tố như:
    • Đường bình độ (đối với khu vực núi cao mà có độ dốc lớn, chỉ biểu thị đường bình độ cái)
    • Điểm độ cao
    • Điểm độ sâu
    • Ghi chú độ cao, độ sâu
    • Các đường mô tả đặc trưng địa hình và các dạng địa hình đặc biệt
  • Nội dung về nhóm lớp thủy hệ và các đối tượng liên quan bao gồm suối, rạch, kênh, ngòi, sông, thùng đào, phá, đầm, ao, hồ, biển và các đối tượng thủy văn khác. Các đối tượng này sẽ được thể hiện ở mức độ tổng quát hóa dựa trên tỷ lệ bản đồ.
  • Nội dung về nhóm lớp giao thông và một số đối tượng liên quan: Đây là các yếu tố vô cùng quan trọng, gắn liền và không thể tách rời với các loại đất và thửa đất. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất thể hiện tất cả các loại đường giao thông ở các cấp, kể cả đường nội đồng, đường trục chính trong khu dân cư, đường mòn tại các xã miền núi, trung du. Ngoài ra, việc thể hiện các đối tượng này ở mỗi cấp lại có những yêu cầu khác nhau:
    • Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng dụng đất cấp huyện: Thể hiện từ đường liên xã trở lên, riêng khu vực miền núi phải thể hiện cả đường đất đến các thôn bản
    • Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh: Thể hiện từ đường liên huyện trở lên, riêng khu vực miền núi phải thể hiện cả đường liên xã
    • Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất của vùng kinh tế - xã hội và bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước: Thể hiện từ đường tỉnh lộ trở lên, riêng với khu vực miền núi phải thể hiện cả đường liên huyện
  • Nội dung về nhóm đối tượng kinh tế, xã hội được thể hiện và tổng quát hóa theo tỷ lệ bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại các cấp, bao gồm tên các địa danh, trụ sở cơ quan chính quyền các cấp, tên các công trình hạ tầng và các công trình quan trọng khác.

- Về nhóm lớp ranh giới và số thứ tự các khoanh đất của bản đồ kiểm kê đất đai khi in bản đồ hiện trạng sử dụng đất tại cấp xã:

  • Nội dung này được in dưới lớp ranh giới khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất
  • Số tự tự từng khoanh đất của bản đồ kiểm kê đất chỉ thể hiện cho những khoanh đất trên bản đồ kiểm kê mà có ranh giới khoanh đất không trùng với ranh giới khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Trình tự lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Là hoạt động diễn ra tại tất cả các cấp hành chính, việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là sự kết hợp của tất cả các cấp, hiện nay được quy định tại Điều 20 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT. Về cơ bản, trình tự lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được tiến hành theo quy trình sau:

- Bước 1: Thực hiện công tác chuẩn bị, bao gồm các nội dung sau:

  • Xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
  • Chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và tài chính cần thiết
  • Thu thập, đánh giá, lựa chọn các tài liệu về đất đai có liên quan để phục vụ cho quá trình kiểm kê
  • Chuẩn bị bản đồ, dữ liệu dạng số cho phù hợp để phục vụ quá trình điều tra kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất
  • Rà soát, đối chiếu, thu thập thông tin các khu vực có biến động về đất đai gồm loại đất, đối tượng sử dụng đất, có tranh chấp hay không…

- Bước 2: Tiến hành đo vẽ địa chính:

  • Rà soát khoanh vẽ, chỉnh lý nội nghiệp vào bản đồ, dữ liệu sử dụng cho điều tra kiểm kê đối với các trường hợp có biến động đã thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, biên tập tổng hợp các thửa đất thành các khoanh đất theo quy định, in ấn bản đồ phục vụ điều tra khoanh vẽ ngoại nghiệp
  • Điều tra, khoanh vẽ thực địa để bổ sung, chỉnh lý các khoanh đất về ranh giới, loại đất theo mục đích sử dụng; đối tượng sử dụng đất, đối tượng quản lý đất; xác định các trường hợp có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa thực hiện và sử dụng đất không đúng mục đích.

- Bước 3: Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất bằng cách biên tập, tổng hợp các dữ liệu đã thu thập

- Bước 4: Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê đất đai 

- Bước 5: Kiểm tra, nghiệm thu kết quả và tiến hành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

- Bước 6: Hoàn thiện, trình duyệt, in sao và giao nộp báo cáo kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đến cấp trên

- Bước 7: Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường ra quyết định công bố kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của cả nước

- Bước 8: In ấn, phát hành kết quả kiểm kê đất đai, đồng thời lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Trên đây là quy trình cơ bản để lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Trên thực tế, không phải cấp nào cũng sẽ tiến hành tất cả và đầy đủ các bước trên. Mỗi cấp lại có các nhiệm vụ, chức năng riêng trong quá trình lập bản đồ. Ví dụ việc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh không cần thực hiện việc đo vẽ thực địa mà chỉ tiến hành lập bản đồ dựa trên dữ liệu mà cấp huyện cung cấp. Nhiệm vụ đo đạc được tiến hành bởi Ủy ban nhân dân cấp xã.

Do đó, đối với nhiệm vụ của từng cấp, bạn có thể tham khảo thêm trong Điều 20 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT để biết chi tiết hơn.

Kết quả của quá trình lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thể hiện trong hồ sơ giao nộp, báo cáo của từng cấp, chi tiết hồ sơ được quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT.

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là tài liệu quan trọng sử dụng trong quá trình quản lý đất đai tại các cấp hành chính. Việc hiểu rõ về bản đồ hiện trạng sử dụng đất nói riêng và các loại bản đồ khác nói chung sẽ giúp cho người dân lựa chọn khai thác thông tin về đất đai một các hiệu quả và chính xác.


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

(0 lượt)

(0 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *