avatart

khach

icon

Khi lãi suất tiết kiệm đang tăng, dòng tiền đầu tư sẽ chảy về đâu?

Tin tức

- 31/10/2022

0

Tin tức

31/10/2022

0

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều chuyển biến, cuộc đua lãi suất huy động vẫn sôi nổi giữa các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư băn khoăn trong việc lựa chọn kênh đầu tư hợp lý để có thể “ăn no ngủ kỹ”. Vậy dòng tiền đầu tư hiện đang chảy về đâu: gửi tiết kiệm, mua vàng hay đầu tư cổ phiếu?

Mục lục [Ẩn]

Những tháng cuối năm, thị trường đầu tư có sự phân hóa rõ rệt và nhiều biến chuyển mới khiến xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư hay những người có tiền nhàn rỗi trở nên sôi động hơn. Đặc biệt là khi bối cảnh lãi suất huy động đang có sự gia tăng đột biến với mức ghi nhận lãi suất liên tục tăng cao, thậm chí khách hàng có thể nhận được mức lãi suất lên đến 9,5%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. 

“Sức nóng” từ cuộc đua tăng lãi suất huy động giữa các nhà băng thực sự đã tác động không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư trong việc nên lựa chọn gửi tiết kiệm để nhận mức lãi cao chưa từng có hay tiếp tục bỏ tiền vào các kênh đầu tư vàng, cổ phiếu, bất động sản?

Kênh đầu tư nào đang hút dòng tiền?

Vàng, chứng khoán, bất động sản và gửi tiết kiệm là những kênh đầu tư sinh lời được nhiều người lựa chọn. Việc cân đối dòng tiền đầu tư giữa các kênh này nhằm mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư luôn là vấn đề được quan tâm. Năm 2022 ghi nhận những sự chuyển biến và thay đổi về dòng tiền trong các kênh đầu tư này, đặc biệt là khi bối cảnh kinh tế chịu sự tác động của nhiều vấn đề địa - chính trị trên thế giới cũng như trong nước.

Đầu tư chứng khoán

Chứng khoán là một kênh đầu tư thu hút lượng lớn nhà đầu tư khi mang lại lợi nhuận khá tốt cho các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, am hiểu thị trường. Tuy nhiên đi kèm với lợi nhuận lớn là rủi ro lớn. Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể chơi chứng khoán và mang về lợi nhuận.

Dòng tiền đổ vào kênh đầu tư này luôn ở con số lớn, tuy nhiên ghi nhận mới nhất cho thấy đã có một lượng tiền bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán. Thống kê của trang Vneconomy cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2022, tại 32 công ty chứng khoán hàng đầu số dư tiền gửi của khách hàng gần 67.000 tỷ đồng. So với con số của cuối quý 2/2022 (là trên 70.000 tỷ đồng) thì lượng sụt giảm này khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Nghĩa là có khoảng hơn 3.000 tỷ đồng thực sự rời bỏ thị trường chứng khoán, tìm sang các kênh đầu tư khác, còn 67.000 tỷ đồng vẫn đang chờ đợi cơ hội để sinh lời. 

Đầu tư chứng khoán

Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán sụt giảm

Liên quan đến kênh đầu tư chứng khoán, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank VN, giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nhiều tháng qua và cả thời điểm hiện tại đã sụt giảm mạnh, chỉ bằng ¼ hay thậm chí nhiều phiên chỉ còn bằng ⅕ giá trị mỗi phiên so với năm trước. Nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đã đồng loạt rút vốn ra khỏi tài khoản chứng khoán.

Khi nói về đầu tư chứng khoán trong giai đoạn này, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, hiện đầu tư vào chứng khoán đang rất rủi ro vì không ai biết được chứng khoán hiện tại đã chạm đáy hay chưa, hay vẫn còn tiếp tục. 

Đầu tư bất động sản

Bất động sản có thể nói là kênh chịu sự tác động nhiều nhất trong bối cảnh hiện nay. Thời điểm những tháng vừa qua, thị trường bất động sản gần như chững lại, gặp nhiều khó khăn khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng bị siết lại. 

Bởi vậy mà nhiều doanh nghiệp bất động sản chờ thông tin nới room tín dụng từ ngân hàng như "nắng hạn chờ mưa". Nhiều chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng chính thức nới “room” tín dụng sẽ đem lại nhiều kỳ vọng cho cả người mua nhà nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Theo chia sẻ của các chuyên gia Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc nới “room” tín dụng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản, tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản.

Hiện nay, trong bối cảnh nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm kênh đầu tư để bảo toàn đồng vốn, gia tăng giá trị và sinh lời bền vững, bất động sản đô thị du lịch đã nổi lên, trở thành cứu cánh cho dòng tiền.

Theo nhiều nhà quan sát, với đà tăng lãi suất của hệ thống ngân hàng, tiền đã đi vào kênh tiết kiệm. Tuy nhiên, biên độ tăng của lãi suất không đủ để hấp dẫn người dân gửi tiền vào két ngân hàng. Nhìn rộng ra hơn, vàng vẫn đang nhảy múa hết sức khó lường, ngoại tệ có nhiều rủi ro, giới đầu tư đang rất hoang mang trong việc “chọn mặt gửi tiền”. Lúc này bất động sản được đánh giá như một “vịnh tránh bão” cho dòng tiền đầu tư, nhờ đặc tính an toàn và giữ giá. Ghi nhận cho thấy, làn sóng đầu tư vào bất động sản đang trở nên rầm rộ từ cuối quý III/2022 đến nay, dù cho vẫn còn những lo ngại nhất định về thanh khoản của thị trường. 

Theo các chuyên gia, vấn đề thanh khoản của bất động sản hiện nay chỉ là một hệ quả nhất thời của việc điều hành chính sách tiền tệ chứ không xuất phát từ các yếu tố nội tại của thị trường. Thị trường bất động sản Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để tăng trưởng và duy trì lợi suất hấp dẫn như: cung luôn không theo kịp cầu, giá trị ổn định và tăng đều đặn qua thời gian, chủ sở hữu không phải chịu thuế tài sản…

Tuy nhiên, nói đến việc có nên đầu tư bất động sản trong giai đoạn này hay không, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ trên Infonet.vn rằng, bất động sản hiện đang trầm lắng, thiếu vốn; vốn ngân hàng bị room tín dụng ngân hàng "chặn", nguồn vốn trái phiếu cũng đang rất bấp bênh… 

Đầu tư vàng

Vàng luôn là kênh đầu tư trú ẩn tài sản được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi có các biến động trên thị trường, tuy nhiên đây là kênh đầu tư khó có thể lường trước bởi mức giá thay đổi từng ngày. Ghi nhận cho thấy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn.

Cụ thể, phiên giao dịch mới nhất vào sáng ngày 24/10, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 1.660,8 USD/ounce. Với tỷ giá trung tâm quy đổi cho đồng USD là 23.700, giá vàng thế giới quy đổi còn tương đương khoảng 39,36 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng trong nước ghi nhận là 66,5 - 67,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đối với giá vàng SJC. Còn giá vàng DOJI được niêm yết ở mức 66,5 - 67,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy giá vàng trong nước niêm yết ở mức cao hơn giá vàng thế giới.

Trước sự chênh lệch giá như hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho hay, thời điểm hiện tại đầu tư vàng sẽ có mức rủi ro rất cao. Về lâu dài, giá vàng trong nước sẽ dịch chuyển theo giá vàng thế giới, mức chênh lệch sẽ có sự điều chỉnh xuống để giá vàng trong nước và thế giới có cùng nhịp tăng. Hơn nữa, chênh lệch giữa giá mua và giá bán trong nước rất cao, khi thu hẹp khoảng cách thì sẽ không có lợi cho người mua. Người kinh doanh vàng mua vào thấp bán ra cao, họ biết giá vàng sẽ có biến động và rủi ro đẩy về phía người dân mua vàng.

Những biến động mạnh của giá vàng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư dễ gặp thua lỗ nếu nhảy vào đầu tư mua vàng ở thời điểm này. Cho nên với kênh đầu tư vàng, các chuyên gia nhận định, đây không phải là kênh đầu tư tốt hiện nay. Thay vì mua vàng theo hướng đầu tư, người dân chỉ nên mua vàng theo tập quán nắm giữ, tích trữ. 

mua vàng rủi ro cao

Mua vàng thời điểm hiện tại rủi ro cao

Gửi tiết kiệm - kênh thu hút dòng tiền nhiều nhất hiện nay

Gửi tiết kiệm hiện nay là kênh đầu tư thu hút dòng tiền lớn nhất khi mà dòng tiền vào các kênh khác đang ghi nhận sự thất sủng. Đặc biệt sức hút của gửi tiết kiệm ngân hàng còn tăng cao khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lên đến 5%, các nhà băng đồng loạt tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn.

Khảo sát cho thấy, mức lãi suất gửi tiết kiệm hiện nay dao động lên đến trên 8%/năm. Đây là mức lãi suất được nhiều ngân hàng áp dụng, có thể kể ra như:

  • VPbank áp dụng mức lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 4,8%/năm. Từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất tăng lên từ 5,8% - 6,6%/năm, 12 tháng là 6,2 - 7%/năm. Đặc biệt ở kỳ hạn 36 tháng có mức lãi suất cao nhất 7,5%/năm.
  • VietAbank: 8,3%/năm cho kỳ hạn 6 tháng đối với hình thức gửi online
  • NCB: 8,2%/năm kỳ hạn 6 tháng gửi online
  • Kienlongbank: 8,1%/năm kỳ hạn 6 tháng gửi online
  • SCB: 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng

Ngoài ra, nhóm Big4 bao gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV cũng đã tăng mạnh lãi suất huy động thêm hơn 1%/năm.

Thậm chí có ngân hàng đã nâng mức lãi suất gửi tiết kiệm lên 9,5%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất hệ thống hiện nay.

Gửi tiết kiệm

Gửi tiết kiệm là hình thức đầu tư được nhiều người quan tâm

Thực tế những con số lãi suất hấp dẫn và liên tục tăng đã thu hút người dân lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Các chuyên gia trong ngành cũng nhận định, với việc tăng lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng thương mại thì dòng vốn sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn. Trước đây có thể nhiều nhà dầu tư còn để tiền ở tài khoản chứng khoán vì lãi suất kỳ hạn ngắn của các nhà băng thấp. Nhưng nay kỳ hạn dưới 6 tháng đã tăng lên 5%/năm thì nhiều người sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn. 

Thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2022, tổng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng vào khoảng 5,629 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2021. Mức tăng trong 7 tháng đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Còn nếu so với năm 2020, mức tăng năm nay cũng cao hơn gần 20%.

Tính toán cho thấy, trong 7 tháng đầu năm người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tương đương cứ mỗi ngày trôi qua, người dân lại mang thêm gần 1.565 tỷ đồng đi gửi vào các ngân hàng. 

Gửi tiết kiệm - Kênh an toàn gửi tiền và lưu trú tài sản để đầu tư đa dạng hóa

Nhiều nhận định cho rằng, lãi suất huy động tăng đã khiến tiền mặt trở thành “vua” trong giai đoạn hiện nay. Thực tế, động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng thương mại đã là yếu tố hút tiền vào hệ thống ngân hàng. Những con số ghi nhận mức tăng trưởng của kênh này hoàn toàn đã chứng minh điều này.

Đi kèm với việc dòng tiền đổ vào kênh tiết kiệm càng nhiều thì kênh chứng khoán sẽ "chịu đau" và các kênh khác như vàng, bất động sản cũng chịu sự tác động. Chia sẻ về vấn đề đầu tư trong xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng cao, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho hay, lãi suất tiết kiệm tăng thêm 1% cũng là tốt cho những người chấp nhận an toàn khi chọn phương án gửi tiết kiệm ngân hàng. 

Những người có tài sản lớn, có khả năng đầu tư bất động sản, chứng khoán cũng nên có một phần gửi ngân hàng. Hiện nay gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh vừa giúp những người chọn an toàn gửi tiền và cũng là kênh lưu trú một phần tài sản cho những người có tiền đầu tư đa dạng hóa. Gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh khá tốt để đổ dòng tiền vào.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ, trong các kênh đầu tư vàng, chứng khoán và gửi tiết kiệm ngân hàng thì đem tiền đi gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là tốt nhất. Theo ông, có thể lựa chọn gửi tiền vào các ngân hàng nhỏ có mức trả lãi cao hơn các ngân hàng lớn

Lựa chọn kênh đầu tư hợp lý là cách giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận và đảm bảo nguồn vốn cho mình. Thị trường sẽ có thêm nhiều diễn biến, và việc mà nhà đầu tư cần chú trọng là nghiên cứu, theo dõi để có những quyết định đúng đắn. Gửi tiết kiệm hiện đang là kênh thu hút dòng tiền. Còn chứng khoán đang suy giảm nhưng tính thanh khoản vẫn có. Tuy nhiên người đầu tư không nên đi theo số đông, tìm kiếm lợi nhuận cao theo "sóng", mua trên đầu "sóng". Đối với vàng chỉ nên mua vàng ở mức theo tập quán chứ không nên mua để mức đầu tư tại thời điểm hiện tại. 


Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây


Theo thị trường tài chính Việt Nam

Đánh giá bài viết:

5 (1 lượt)

5 (1 lượt)

Bài viết có hữu ích không?


Tư vấn miễn phí

Bạn chưa đồng ý với chúng tôi


Bình luận

Hãy hoặc Tạo tài khoản để gửi bình luận
Nội quy: Bình luận có tối thiểu 10 ký tự, gõ tiếng việt có dấu, không chứa nội dung tục tĩu.
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Gửi bình luận
bình luận
Mới nhất
Xem thêm

SO SÁNH QUYỀN LỢI BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Họ và tên *

Email *

Số điện thoại *

Tỉnh/Thành phố *