Điều kiện để cổ đông có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông
Mục lục [Ẩn]
Trong công ty cổ phần thì cổ đông có thể là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty đó. Cổ phần là vốn điều lệ của công ty được chia thành các phần bằng nhau. Nó là căn cứ pháp lý để chứng minh tư cách thành viên của các cổ đông trong công ty cổ phần. Mỗi loại cổ phần khác nhau sẽ tạo cho người sở hữu các quyền và nghĩa vụ riêng.
Quyền biểu quyết trong công ty cổ phần là gì?
Quyền biểu quyết trong công ty cổ phần là việc cổ đông thể hiện sự đồng ý hoặc không đồng ý với một vấn đề nào đó trong công ty thông qua số phiếu nhất định.
Điều kiện để cổ đông có quyền biểu quyết
- Căn cứ Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 114. Các loại cổ phần
1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi…”.
Theo quy định trên, người sở hữu cổ phần phổ thông được gọi là cổ đông phổ thông. Người sở hữu cổ phần ưu đãi được gọi là cổ đông ưu đãi.
- Căn cứ Khoản 1, Điều 115, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 115. Quyền của cổ đông phổ thông
1. Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:
a) Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết”.
Điều kiện để cổ đông có quyền biểu quyết
- Căn cứ Khoản 2, Điều 116, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền sau đây:
a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này”.
Căn cứ vào các quy định trên, thì cổ đông phổ thông và cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ là những đối tượng được quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông. Để trở thành cổ đông phổ thông thì người đó phải sở hữu cổ phần phổ thông. Tương tự với trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết. Cổ đông chỉ cần sở hữu từ một cổ phần (1 trong 2 loại trên) trở lên là cũng có quyền tham dự và biểu quyết.
Lưu ý: Căn cứ Khoản 6, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Loại cổ phần này được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở.
Cổ đông nào không có quyền biểu quyết?
Căn cứ Khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2020, cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
- Cổ phần ưu đãi cổ tức
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết
- Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Trong đó, chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết mới có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông sở hữu các loại cổ phần ưu đãi còn lại sẽ không có quyền lợi này. Cụ thể:
- Căn cứ Khoản 3, Điều 117, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 117. Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức
…
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 của Luật này”.
Cổ đông nào không có quyền biểu quyết theo quy định hiện nay?
- Căn cứ Khoản 3, Điều 118, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“Điều 118. Cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại
…
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật này”.
Như vậy, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Với cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ cần sở hữu 1 cổ phần trở lên cũng đủ điều kiện để có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông. Trong khi đó, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại sẽ không có được quyền hạn này.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất