Vốn cổ phần có quyền biểu quyết là gì?
Mục lục [Ẩn]
Cổ phần là phần vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau. Một người có thể mua một hoặc nhiều cổ phần để có tư cách trở thành thành viên của công ty. Người sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông và sẽ có những quyền hạn, nghĩa vụ nhất định với công ty cổ phần theo số lượng và loại cổ phần mà mình đang sở hữu.
Vốn cổ phần có quyền biểu quyết là gì?
Căn cứ Khoản 33, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
“33. Vốn có quyền biểu quyết là phần vốn góp hoặc cổ phần, theo đó người sở hữu có quyền biểu quyết về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông”.
Như vậy, có thể hiểu vốn cổ phần có quyền biểu quyết là những cổ đông sở hữu cổ phần sẽ có quyền biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hộ đồng thành viên. Vốn có quyền biểu quyết có thể là vốn điều lệ hoặc vốn khác. Với các công ty cổ phần chỉ có cổ phần phổ thông thì vốn điều lệ chính là tổng số phiếu biểu quyết.
Vốn cổ phần có quyền biểu quyết là gì?
Sở hữu bao nhiêu cổ phần thì có quyền biểu quyết?
Hiện nay, cổ phần được chia thành các loại sau:
- Cổ phần phổ thông
- Cổ phần ưu đãi. Trong đó, cổ phần ưu đãi lại được chia thành 4 loại sau:
- Cổ phần ưu đãi cổ tức
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết
- Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
Theo quy định, người sở hữu cổ phần phổ thông, cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ có quyền biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định. Chỉ cần sở hữu 1 cổ phần là đủ điều kiện tham gia biểu quyết. Tuy nhiên, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại sẽ không có quyền biểu quyết. Xem thông tin chi tiết trong bài viết: Điều kiện để cổ đông có quyền biểu quyết trong Đại hội đồng cổ đông.
Đại hội đồng cổ đông không được mời, có được tham dự không?
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyết định cao nhất trong công ty cổ phần. Cổ đông chỉ cần sở hữu 1 cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi biểu quyết là có quyền tham dự phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều công ty cổ phần lại thực hiện sai quy định của pháp luật. Họ sẽ ấn định tỷ lệ cổ phần mà cổ đông sở hữu để quyết định số người được tham dự Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông có quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc theo quy định tại Điều 166, Luật Doanh nghiệp 2020:
“Điều 166. Quyền khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc
1. Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác trong trường hợp sau đây:
a) Vi phạm trách nhiệm của người quản lý công ty theo quy định tại Điều 165 của Luật này;
b) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị đối với quyền và nghĩa vụ được giao;
c) Lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
d) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”.
Cổ đông có quyền tham dự trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
Ngoài ra, theo Điều 151, Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền uy cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông nếu trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể:
“Điều 151. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:
1. Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật này;
2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty”.
Như vậy, cổ đông sở hữu vốn cổ phần có quyền biểu quyết có quyền được tham dự Đại hội đồng cổ đông. Nếu công ty cổ phần không thực hiện đúng theo quy định trên, cổ đông có quyền khởi kiện để đảm bảo quyền lợi của mình.
Đóng góp bài viết của các bạn bằng cách gửi bài viết Tại đây
Theo thị trường tài chính Việt Nam
Bình luận
Nếu bị báo cáo vi phạm quá 10 lần sẽ bị banned nick.
Mới nhất
Cũ nhất
Bình luận hay nhất